Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Dân thiếu niềm tin, nước khó bình yên; 'Nhiều cán bộ, con cán bộ ở biệt thự, đi xe tốt, đất đai mênh mông'; Bạn đọc gửi thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

18/08/2016 10:15 GMT+7

TTO - Chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển. 
Dân thiếu niềm tin, nước khó bình yên
Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC
Nhưng nếu những điều đó chỉ hô ở trên, rồi chỉ đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được.

Chúng ta phải tìm được khâu yếu nhất là gì? Theo tôi là cán bộ. Anh cải cách đến thế nào, thủ tục đơn giản bao nhiêu, nhưng cán bộ vẫn là quyết định. Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm, bởi hiện nay bộ máy của chúng ta đông mà không mạnh.
Tôi rất muốn triển khai đồng bộ Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi, làm sao để Thủ tướng Chính phủ nói chuyện trực tiếp với cấp xã. Chỗ này đất đai cần giải quyết, chỗ kia dân bất bình... vẫn diễn ra hằng ngày.
Tôi xin nói với các đồng chí: cái gì dân cũng biết hết. Cán bộ làm gì dân cũng biết, chứ không phải là không biết đâu. Chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình.
Chúng ta hội nhập với quốc tế rồi, chúng ta mà lạc hậu quá thì người ta khó chấp nhận. Phải cải cách từ tỉnh, huyện, xã đến địa bàn dân cư, để người ta thấy bộ máy hành chính phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển đất nước, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Người dân thiếu niềm tin thì đất nước khó bình yên.
Niềm tin phải được thực hiện từ những việc nhỏ, như chúng ta nói là cán bộ phải biết ba xin: xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn...
Chính phủ và toàn bộ bộ máy hành chính cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Đây là mục tiêu, đích đến quan trọng nhất trong công tác cải cách hành chính.
Công việc này không phải dễ dàng, vì bản chất là làm thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức trách nhiệm của tất cả các cá nhân trong bộ máy công quyền.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật và đặc biệt là kịp thời phản ứng chính sách, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp và người dân làm việc sáng tạo, theo khả năng, được bảo hộ về pháp lý, khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ để phát triển đất nước.
Chúng ta kiên quyết loại bỏ bằng được tiêu cực, nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.
Các thành viên Chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức ở tất cả các cấp chính quyền đều phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch, không vì lợi ích cá nhân.
Việc ích nước lợi dân phải kiên quyết làm, việc chỉ đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình mình thì phải kiên quyết không. Đó là Chính phủ liêm chính.
... Tôi xin nhấn mạnh, Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ. Không phải dân nộp thuế để ta muốn làm gì thì làm, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công để từng đồng tiền thuế của dân đều phải sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của xã hội.
Mọi khoản chi tiêu công do ngân sách nhà nước cấp phải bảo đảm đúng quy định công khai, minh bạch.
Chúng ta không thể vô trách nhiệm trước đồng tiền hạt gạo của dân.
LÊ KIÊN lược ghi
(Phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015, triển khai kế hoạch 2016-2020. Tít do Tuổi Trẻ đặt)
Thủ tướng chính phủ 
NGUYỄN XUÂN PHÚC

'Nhiều cán bộ, con cán bộ ở biệt thự, đi xe tốt, đất đai mênh mông'

Cử tri đặt vấn đề tại cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sáng 5/8, tại sao có nhiều cán bộ, con cán bộ mà tài sản nào là nhà biệt thự, xe ôtô tốt, đất đai mênh mông.

Các đại biểu Quốc hội (QH) thuộc đơn vị số 1 TP Cần Thơ gồm Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Nguyễn Thanh Phương và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Cái Răng vào sáng 5/8.

Từ trái qua phải, các ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thanh Phương lắng nghe ý kiến cử tri quận Cái Răng sáng 5/8. Ảnh: N.NAM 


Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã gửi gắm ý kiến về các vấn đề tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế…
Trong vấn đề tham nhũng, cử tri Phạm Văn Sung (phường Hưng Thạnh) cho rằng hiện nay có một số cán bộ, đảng viên làm mất lòng tin trong nhân dân như vụ Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng), Trịnh Xuân Thanh (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), ba cán bộ thanh tra giao thông ở Cần Thơ...
Đảng và Chính phủ không tiêu diệt những "con vi trùng" này thì lâu dần sẽ nguy hại cho đất nước. Đồng thời, nếu việc này kéo dài sẽ làm mất lòng tin trong nhân dân”- ông Sung góp ý.
Cử tri Dương Minh Hùng cũng đặt vấn đề tại sao có nhiều cán bộ, con cán bộ mà tài sản nào là nhà biệt thự, xe ô tô tốt, đất đai mênh mông. "Người dân bây giờ người ta nhìn vào dữ lắm, ai tham nhũng người ta biết hết. Cán bộ nên để dân thương, dân bảo vệ chứ đừng phô trương khiến dân xa rời…" - cử tri này nói.
Trả lời cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay các vụ án lớn đã được chỉ đạo làm rõ đưa ra xử lý. Vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư đã chỉ đạo. Vụ Phạm Công Danh tòa đang xử. Cử tri yên tâm là sẽ được làm tới nơi, tới chốn.

Cử tri Dương Văn Bé góp ý về dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Ảnh: N.NAM 


Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, bà Ngân cho biết các sai phạm trước mắt đã được xử lý như không tái bầu cử chức danh phó chủ tịch tỉnh, bác tư cách ĐBQH. Về hậu quả làm mất tiền, sau khi có kết luận sẽ xử lý tiếp. Quy trình luân chuyển về Hậu Giang của ông Thanh sau khi kết luận thuộc trách nhiệm của ai thì sẽ xử lý tiếp.

“Vai trò của báo chí rất lớn. Sau khi báo chí đưa lên chúng ta mới phát hiện và chỉ đạo làm rõ” - bà Ngân nói.

Bạn đọc gửi thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

LĐO NGUYỄN THỊ DUNG

LTS: Tòa soạn báo Lao Động nhận được bức thư của bạn đọc Nguyễn Thị Dung - C9/5, Khu phố 2, Phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TP.HCM gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là những ý kiến hết sức tâm huyết của một công dân muốn đóng góp sức mình vào việc xây dựng một nền  hành chính công trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, tòa soạn xin đăng tải bức thư này:
    Kính thưa Thủ tướng
    Theo dõi hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 diễn ra ngày 17/8/2016 trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy vui mừng và tin tưởng khi nghe những nhận định, những đánh giá, những phát biểu đầy tâm huyết của thủ tướng về công tác cải cách hành chính, đặc biệt là những quan tâm của thủ tướng đối với công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ công chức, nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc cải cách hành chính của đất nước.
    Với tư cách là một công dân muốn đóng góp sức mình vào việc xây dựng một nền  hành chính công trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, tôi quyết định viết bức thư ngỏ này gửi tới Thủ tướng với hy vọng những góp ý của mình sẽ được lắng nghe, đất nước sẽ có những thay đổi tích cực hơn trong thời gian tới.
    Thưa Thủ tướng,
    Để có thể tinh giản biên chế, xây dựng một chính phủ liêm chính, loại bỏ được những tiêu cực nhũng nhiễu, cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chính phủ có rất nhiều việc phải làm, trong đó như thủ tướng đã nói: “ nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ là ban hành cơ chế, chính sách pháp luật và đặc biệt là kịp thời phản ứng chính sách, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh…” ( Tuổi Trẻ ngày 18/8/2016).
    Một trong những lỗ hổng quản lý của nhà nước ta hiện nay là vẫn còn những văn bản pháp luật, những qui định  chưa đáp ứng với tình hình thực tế, góp phần tạo ra những  bất cập, những tiêu cực cho xã hội, cho đất nước. Hai trong số những văn bản quy định ấy  là nghị định số 34/2011/NĐ-CP và nghị định số 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn việc xử lý kỷ luật cán bộ công viên chức của chính phủ.
    Chắc Thủ tướng cũng nhận thấy: trong thời gian qua, hàng loạt các vụ sai phạm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức đã được phát hiện và  đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận bức xúc. Những sai phạm có ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ: từ những cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, những cán bộ hải quan, thanh tra giao thông nhận tiền bôi trơn, hối lộ… cho đến những cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng giả, học giả,  những nhân viên y tế, bác sĩ tắc trách khiến bệnh nhân tử vong, tàn phế…
    Điều khiến dư luận bức xúc nhất chính là việc xử lý những cán bộ sai phạm quá nhẹ. Trừ những vụ sai phạm lớn phải xử lý hình sự, hầu hết những cá nhân sai phạm  chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, thuyên chuyển công tác. Số cá nhân sai phạm bị cách chức hay cho thôi việc là rất hãn hữu. Vụ xây nhà không phép ở Bình Chánh, TP.HCM năm 2013 là một ví dụ điển hình: hàng ngàn căn nhà dân phải đập bỏ nhưng tất cả cán bộ có trách nhiệm liên quan chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển trách và cảnh cáo (15 người bị khiển trách, 6 người bị cảnh cáo). Tuy nhiên khi giải thích và trả lời công luận về cách xử lý những vụ việc này, hầu hết những lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có cá nhân sai phạm đều nói rằng việc xử lý cán bộ đúng qui định, qui trình.
    Theo tôi được biết, hiện nay, việc kỷ luật cán bộ công chức, viên chức căn cứ vào Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và nghị định số 34/2011/NĐ-CP ( hướng dẫn xử lý kỷ luật công chức) và nghị định số 27/2012/NĐ-CP  (hướng dẫn xử lý kỷ luật viên chức). Trong Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, phần qui định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức quá sơ sài, chỉ đưa ra các hình thức kỷ luật mà không kèm theo nội dung vi phạm cụ thể, vì thế khi xét kỷ luật cán bộ công chức, viên chức phải dựa vào nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP.
    Xem chi tiết hướng dẫn trong hai nghị định này thì thấy với hầu hết các lỗi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức khi áp dụng theo hai nghị định này đều có thể chỉ bị xử lý khiển trách hoặc cảnh cáo, kể cả những vi phạm  khá nặng như: sử dụng giấy tờ không hợp pháp để dự thi nâng ngạch; cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; bị phạt tù cho hưởng án treo; vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng… (kỷ luật cảnh cáo); xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; sử dụng tài sản công trái pháp luật; vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng… ( kỷ luật khiển trách).  
    Kính thưa Thủ tướng.
    Như vậy, chế tài của chúng ta đã có nhưng lại quá nhẹ. Các qui định về xử lý kỷ luật cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) trong nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP nêu trên đã dẫn đến  việc xử lý CBCNVC vi phạm trong suốt thời gian qua chưa thật nghiêm minh, chưa kể một số quy định không rõ ràng còn khiến một số lãnh đạo đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm  dựa vào đó bao che, du di cho cấp dưới của mình.. Các biện pháp chế tài kiểu “cảnh cáo”, “khiển trách” hay “thuyên chuyển công tác”  không đủ sức răn đe trong khi những lợi ích về vật chất, tiền bạc hay quyền lực có được do các sai phạm lại lớn, nên các tệ nạn tiêu cực trong hệ thống hành chính công và đội ngũ CBCNVC không giảm mà ngày càng tăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bộ máy công quyền của nước ta ngày càng trì trệ với thói quan liêu, vô trách nhiệm, tệ tham ô, tham nhũng…
    Nguy hiểm nhất là người dân sẽ dần quen với với những tệ nạn tiêu cực đó và coi đó là chuyện bình thường. Các nghiên cứu điều tra trong nước và quốc tế  cho thấy sức chịu đựng của người dân ta với các tệ nạn tiêu cực, nhũng nhiễu đang tăng lên. Đó là một vấn đề đáng báo động.
    Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng đã có có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo có tâm huyết kêu gọi làm trong sạch, chấn chỉnh lại đội ngũ CBCNVC, đưa ra khỏi bộ máy những CBCNVC yếu kém, vi phạm đạo đức. Nhưng nếu chính phủ không sửa ngay nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP theo hướng các biện pháp chế tài phải mạnh và đủ sức răn đe hơn thì sẽ rất khó để thực hiện điều này.    
    Với tất cả những suy nghĩ và trăn trở trên đây, tôi viết lá thư ngỏ này lên Thủ tướng với những kiến nghị sau:
    1/ Đề nghị Thủ tướng hãy xem xét và cho chỉnh sửa hai nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP theo hướng các biện pháp chế tài phải mạnh và nghiêm khắc hơn.
    2/  Thủ tướng hãy đề nghị Quốc hội xem xét sửa Luật cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010 trong thời gian sắp tới với phần xử lý kỷ luật CBCNVC chi tiết, cụ thể hơn.
    Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng và kính chúc Thủ tướng sức khỏe.
    Hãy cùng Lao Động bình luận về vấn đề này. Mời bạn đọc bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoc@laodong.com.vn. Ý kiến của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

    Không có nhận xét nào: