Trương Nhân Tuấn - Philippines khôn lỏi, Việt Nam thiệt hại
Đăng bởi: Hoàng Điệp on Thứ Ba, ngày 23 tháng 8 năm 2016 | 04:30
Mới hôm qua đọc trên Giáo Dục thấy TS Trần Công Trục khen ngợi "Philippines rút Biển Đông khỏi ASEAN là một hành động khôn ngoan". Chưa kịp lên tiếng hỏi (ông Trục) Phi khôn ngoan chỗ nào thì hôm nay đọc báo thấy Tổng Thống Phi, ông Duterte lên tiếng chê bai tổ chức LHQ và hăm dọa sẽ rút khỏi tổ chức này. Ông Duterte còn cho biết sẽ cùng TQ và các nước Phi Châu thành lập ra tổ chức mới.
Việc Phi sẽ không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông (bao gồm nội dung phán quyết ngày 12-7 của Tòa CPA) ra hội nghị ASEAN sẽ tổ chức tại Lào vào đầu tháng 9 tới, bởi vì Phi chủ trương đàm phán song phương với TQ.
Theo tôi, việc này Phi "khôn" thì cũng rất khôn, nhưng mà khôn lõi. Phía bị thiệt hại sẽ là VN và các nước có liên quan.
Phi đàm phán song phương với TQ trên cơ sở nội dung phán quyết 12-7 sao cho Phi được lợi tối đa. Thí dụ TQ trả lại Scarborough, bãi Cỏ Mây và bãi Vành khăn cho Phi. Sau đó Phi sẽ tuyên bố "xù" bản án, tức vô hiệu lực bản án. Khi phán quyết 12-7 vô hiệu lực, thì TQ muốn làm gì thì làm. Dĩ nhiên VN là phía bị ảnh hưởng nhiều hơn hết, vì mất đi những ưu điểm do bản phán quyết 12-7 đem lại.
Tức là đường chữ U vẫn tồn tại, nhưng bỏ mất phần lấn bên vùng biển của Phi.
Việc tuyên bố rút khỏi LHQ là bước đi đầu tiên. Nếu không còn trong tổ chức này thì Phi sẽ không còn ràng buộc bởi UNCLOS cũng như các Tòa án thành lập theo các phụ lục của UNCLOS.
Tôi không biết những tuyên bố "giựt gân" của tổng thống Duterte là "tuyên bố" có "suy nghĩ" trước hay chưa ? Bởi vì, những gì cam kết thoát ra từ cửa miệng của một vị tổng thống đều được xem là có hiệu lực pháp lý ràng buộc.
Vấn đề ma túy hoành hành ở Phi, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, mỗi nước có biện pháp giải trừ "theo luật pháp của xứ họ".
Khung luật pháp của các quốc gia phải phù hợp với những nguyên tắc về nhân quyền đã được xác định qua các công ước về quyền con người. Các quốc gia, như Phi, có thể rút ra khỏi các công ước này để khi áp dụng luật gắt gao (như tử hình người phạm tội) không bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền thuộc LHQ chỉ trích.
Vấn đề là ông Duterte xử theo "luật rừng". Hệ thống cảnh sát và tòa án ở Phi bất lực trước những hoành hành của nạn ma túy. Lỗi là do hệ thống pháp lý của Phi bất lực. Lỗi là do Duterte xử luật rừng chớ không theo luật quốc gia. Các cơ quan bản vệ nhân quyền LHQ chỉ trích là vì họ có thẩm quyền, đơn giản vì Phi đã ký vào các công ước bảo vệ nhân quyền.
Theo tôi, Duterte tuyên bố theo thói quen hay "nổ", nói những lời dao to búa lớn, những chuyện "động trời", lúc còn làm thị trưởng. Những lời tuyên bố của Duterte lúc đó chỉ có hiệu lực trong phạm vi quốc gia, người dân nghe sướng lỗ tai, nhưng vô hại. Bây giờ ở cương vị tổng thống, lời nói phát ra có thể ảnh hưởng ở tầm quốc tế.
Nhưng, Duterte chơi dao hai lưỡi. TQ cũng vì quyền lợi của họ. Họ sẽ mọi cách làm lợi cho quốc gia họ, ngay cả cách cởi trên đầu ông Duterte. Lúc đó không biết ông Duterte còn ở ngôi vị tổng thống nữa hay không để mà kêu trời.
Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét