Hồ Bạch Thảo
20-6-2018
Vân Đồn tại tọa độ 21,104981,107.482350 ở vị trí chiến lược nằm trên đường thủy, từ Trung Quốc xâm nhập Việt Nam. Sách Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư (1), của Cố Viêm Vũ đời Thanh, khảo cứu các con đường xâm nhập Việt Nam với tiêu đề:Nhập Giao Tam Đạo tức 3 tuyến đường xâm nhập Giao Chỉ được hoạch định sẵn; gồm đường thủy xuất phát từ châu Khâm thuộc tỉnh Quảng Đông cũ [nay là Khâm Châu thị, Quảng Tây] gọi là Tây Nam Hải Đạo, và 2 đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam.
Về đường thủy tác giả mô tả như sau:
“Theo bờ biển mà đi thì từ lãnh Ô Lôi [châu Khâm] đi thuyền 1 ngày đến Bạch Long Vĩ [huyện Phòng Thành, Quảng Tây], từ Bạch Long Vĩ 2 ngày tới cửa Ngọc Sơn [ Mũi Ngọc, Quảng Ninh, Việt Nam, tọa độ 21.458697,107990832], lại 1 ngày đến châu Vạn Ninh [tây bắc Quảng Ninh], từ Vạn Ninh 2 ngày đến Miếu Sơn, từ Miếu Sơn 3 ngày đến phủ lỵ Hải Đông, từ phủ lỵ Hải Đông 2 ngày đến xã Kinh Thục, có đê đá do nhà Trần xây để ngăn quân Nguyên. Lại 1 ngày đến cửa sông Bạch Đằng [ranh Quảng Ninh, Hải Phòng], qua tuần ty Thiên Liêu, phía nam đến cửa biển An Dương[sông Cấm, Hải Phòng], rồi theo nam đến cửa biển Đa Ngư [sông Văn Úc, Hải Phòng]; mỗi cửa đều có nhánh cảng để vào Giao Châu.”
Chiếu theo lời trích dẫn, con đường thủy từ cửa Ngọc Sơn gần biên giới Việt Trung đi đến cửa sông Bạch Đằng, bắt buộc phải qua Vân Đồn. Từ đó chúng hoạch định sẵn 5 con đường sông, dùng để tấn công vùng châu thổ sông Hồng hoặc kinh thành Thăng Long. Năm đường sông như sau:
– Đường rẽ vào sông Bạch Đằng, Tây Nam Hải Đạo mô tả đường rẽ vào sông Bạch Đằng cho đến thượng lưu sông Đuống, giáp với thành Thăng Long [Hà Nội]: “Từ cửa Bạch Đằng vào, phải qua 2 huyện Thuỷ Bàng, Đông Triều [Quảng Ninh], đến phủ Hải Dương lại qua huyện Chí Linh [ Hải Dương], qua sông Hoàng Kính, Bình Than[khúc dưới sông Đuống] đi vào.”