8.000 container phế liệu: Ăn tiền chở rác về Việt Nam?
(Doanh nghiệp) - Vì lòng tham, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận tiền chở rác từ nước ngoài về Việt Nam.
Ùn ứ gần 8.000 container rác phế liệu
Xác nhận thông tin hiện có gần 8.000 container giấy và nhựa phế liệu đang tồn đọng tại cảng Cát Lái. Ông Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc Trung tâm logistics - Tổng công ty Tân cảng cho biết, 1/3 trong số đó đã được nhập về trên 90 ngày và đang có nguy cơ tiếp tục tồn lâu tại cảng.
Rác phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái. Ảnh: VnEconomy |
Lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nhận định, nguyên nhân tồn đọng lượng lớn giấy và nhựa phế liệu tại một số cảng ở Việt Nam do chính sách siết chặt, không tiếp nhận nhập khẩu hàng phế liệu từ Trung Quốc và một số quốc gia trong thời gian gần đây. Cho nên có khả năng các doanh nghiệp đóng rác vào các lô hàng trên để được chuyển tiếp về Việt Nam.
"Chi phí để xử lý một container hàng phế liệu gây ảnh hưởng đến môi trường tại nước ngoài rất lớn, cao hơn chi phí mua một container và thuê chở về Việt Nam. Thế nên các nước lợi dụng điều này để tranh thủ "đổ rác" về Việt Nam", ông Toàn cho biết.
Trước tình trạng trên, ông Toàn cho biết, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã phải ra quyết định ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhựa nhập khẩu về 2 cảng Cát Lái và Hiệp Phước vì sau gần 1 tháng siết chặt quản lý nhóm hàng này, tình hình vẫn không được cải thiện.
Chia sẻ thêm, một lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng cho biết, Tân Cảng chỉ làm nhiệm vụ xếp dỡ hàng hóa và nhận tiền, việc cấp phép, cho nhập rác về là thuộc các cơ quan có chức năng khác.
Vì thế, việc xem xét trách nhiệm với các container rác thải bị ùn ứ là vô cùng khó khăn, không biết ai là người chịu trách nhiệm.
Nhận tiền chở rác về Việt Nam đổ?
Nhận tiền chở rác về Việt Nam đổ?
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quân, nguyên Phó Trưởng khu (Bãi trung tâm), liên quan đến hoạt động đóng rút hàng tại Tân Cảng cho biết, tình trạng ùn ứ rác thải vẫn diễn ra theo chu kỳ vài năm một lần. 8.000 container bị ùn ứ được thông báo mới chỉ là con số thống kê từ đầu năm tới nay.
Đáng lưu ý, tình trạng trên xảy ra ở hầu hết các cảng biển, không riêng gì với Tân Cảng.
Ông Quân nói rõ, việc nhập rác thải về gây ùn ứ là lỗi của doanh nghiệp trong nước.
Đồng tình với giải thích của lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng, việc ùn ứ có nguyên nhân từ chính sách siết, không tiếp nhận nhập khẩu hàng phế liệu từ Trung Quốc và một số quốc gia trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, nguyên nhân lớn hơn xuất phát từ lòng tham của doanh nghiệp Việt.
"Việc xử lý rác thải độc hại ở nước ngoài là vấn đề lớn, cần chi phí cao. Nhiều nước như Nhật, Mỹ, Hàn... còn phải trả thêm tiền để được mang rác đi.
Trong khi đó, chi phí để thuê các doanh nghiệp Việt chở rác về Việt Nam có thể lớn nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/10 chi phí phải bỏ ra để xử lý rác.
Vì lòng tham, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước đã biến các cảng biển của Việt Nam thành bãi đáp rác thải, nhận tiền từ nước ngoài chở rác về đổ đấy", ông Quân chỉ rõ.
Gay gắt lên án hành vi cố tình mang rác về nước để kiếm lợi của các chủ tàu, các doanh nghiệp Việt, ông Quân cho rằng, hành vi trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường Việt Nam cũng như gây nhiều khó khăn, tốn kém trong việc xử lý rác.
"Bây giờ họ đã cố tình mang về để đấy, nếu chủ tàu người ta không nhận thì cũng không biết làm thế nào. Có nhiều trường hợp kê khai không đúng tên tuổi, nên cũng không tìm được ai để xử lý, để chịu trách nhiệm, trong khi đó, mình muốn xuất đi thì không nước nào nhập, xử lý thì vô cùng tốn kém.
Cuối cùng, doanh nghiệp được hưởng lợi một chút tiền công chở rác nhưng lại gây thiệt hại lớn cho môi trường và ngân sách", ông Quân bức xúc.
Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Nguyễn Đình Quân cho rằng phải siết mọi hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Đặc biệt, tăng cường thanh kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu để đảm bảo môi trường. Quá trình nhập hàng phải có kê khai và phải qua máy soi của hải quan, nếu phát hiện các mặt hàng rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải kiên quyết không cho nhập.
Về phía cảng, cũng phải xây dựng nguyên tắc, hàng hóa phải được thanh lý sau 90 ngày cập cảng, nếu sau thời hạn trên chủ tàu không chuyển được đi thì phải trả lại chủ tàu hoặc xử phạt thật nặng.
- Lam Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét