23-6-2018
Tiếp theo phần 1
3-Bành trướng lãnh thổ:
Nếu dùng từ „Đức Quốc Xã“ để gọi Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia Đức (NAtional soZIalism = NAZI), thì cũng nên gọi Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Quốc là „Trung Quốc Xã“.
Quá tự tin vào lực lượng vật chất và truyền thống quân phiệt Phổ, Hitler đã không ngần ngại phát động chiến tranh để giành lãnh thổ. Đầu tiên, Hitler nhắm tới các quốc gia lân bang có người Đức sinh sống là Áo, Tiệp Khắc và Ba-Lan. Người Áo cùng huyết thống nên sa ngay vào cái bẫy „Chủng tộc thượng đẳng“ của Hitler thì khỏi phải nói. Ba-Lan và Tiệp Khắc thì tuyệt vọng cầu cứu các cường quốc phương Tây vốn đang thỏa hiệp với Hitler (xin google „Hiệp ước Munich“ sẽ rõ).
Hitler sử dụng Cộng đồng người Đức Sudeten ở Tiệp Khắc và người Đức Silesia (Schlesien), Pomerania (Pommern) ở Ba-Lan làm bàn đạp và cái cớ để xâm lăng các nước này.
Các cuộc nổi dậy của người Sudeten ở Tiệp Khắc tháng 9.1938 do Konrad Henlein lãnh đạo đã giúp cho Hitler thôn tính Tiệp Khắc vài tuần sau đó (1). Tương tự, cuối tháng 8.1939, người đứng đầu cộng đồng Đức ở Gdansk là Albert Forster (2) tự đứng ra tiếm quyền lãnh đạo thành phố tự do Gdansk, gây nên sự phản ứng của các sắc dân khác. Đây là cái cớ cho Đức Quốc Xã nổ súng tấn công Ba-Lan ngày 01.09, khởi đầu cho chiến tranh thế giới 2.
Việc sử dụng đạo quân thứ 5 ở các nước châu Âu rất thuận lợi. Thứ nhất, chế độ dân chủ ở các nước này cho phép các sắc dân được tổ chức và có đại diện trong nghị viện. Thứ hai là các cộng đồng Đức kiều vẫn gắn bó với tổ quốc gốc cả về kinh tế, văn hóa và tư tưởng nên việc phát động các cuộc nổi dậy có tổ chức, chống các chính quyền sở tại, hoàn toàn nằm trong tay mật vụ GESTAPO.
Hoa kiều ở Đông Nam Á tuy có nhiều gắn bó với văn hóa Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng gắn bó với chế độ XHCN của Bắc Kinh. Đa số họ làm giàu và bắt rễ ở quê người nhờ làm ăn tự do. Hơn thế nữa không ở đâu có các tổ chức Hoa Kiều công khai hoạt động hoặc được hưởng các quy chế nghị viện.
Để chắc ăn, Bắc Kinh đang chủ động cài cắm các tổ chức mới, đưa người của họ sang các nước này theo các hình thức „Đặc khu“, „Đầu tư“ hay du lich „bất động sản“, tức là sang mua đất, mua nhà ở nước ngoài nhờ bình phong của người bản xứ… Bằng các cách này, họ đang thầm lặng tràn ngập vào Châu Phi, vào Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri-Lanca, Indonexia, Autralia và…Việt Nam.
Đây chính là sự khác nhau trong phương thức bành trướng lãnh thổ giữa Đức Quốc Xã và Trung Quốc Xã.
Theo đúng kiểu châu Âu, Hitler đã áp dụng chiến tranh tổng lực nhằm đánh nhanh, thắng nhanh, vô cùng hao người tốn của. Hậu quả là sự tàn phá châu Âu với 50 triệu người chết. Nước Đức thua trận, mất 10 triệu dân và rất nhiều lãnh thổ, mất phần lớn các nhà khoa học và doanh nhân, cũng như mất toàn bộ cơ sở công nghiệp vào bồi thường chiến tranh…v.v. Đó là chưa kể đến việc nước Đức bị chia cắt thành hai miền, để rồi miền Đông cho đến nay vẫn chưa hồi sức lại sau 45 năm được quản lý theo kiểu công-nông.
Trước 1945, phương thức duy nhất để cướp thuộc địa là chiến tranh, cũng như phương thức duy nhất để chống áp bức là bạo lực. Khái niệm „Đấu tranh bất bạo động“ chỉ ra đời cùng Ghandi (1947), hay Dalailama(1959). Tương tự, „Quyền lực mềm“ trở thành chiến lược của Trung Quốc Xã sau chiến tranh lạnh (1990), một vũ khí rất hiệu quả.
Mặc dù có 2 triệu quân thường trực và ngân sách quốc phòng khoàng 460 tỷ USD/năm, nhưng cục diện thế giới chưa cho phép Trung Quốc phát động chiến tranh cướp đất, kể cả để thu hồi Đài Loan như vẫn đe dọa. Có thể nói trong tương lai gần, xâm lăng bằng quyền lực mềm, bằng tiền mua chuộc vẫn là vũ khí chính của Bắc Kinh.
Vũ khí mềm sẽ chỉ đâm vào các vùng mềm, chỉ tấn công vào các vùng lãnh thổ mà sự quan tâm của Âu-Mỹ không lớn. Những nơi càng lạc hậu về thể chế, càng nhiều tham nhũng, không biết bảo vệ môi trường càng bị Âu-Mỹ sao nhãng. Đó mới là đất hứa của Trung Quốc Xã. Tham nhũng, làm ăn gian dối, phá hoại môi trường, những điều dân văn minh rất sợ lại là sở trường của doanh nghiệp Trung Quốc. Châu Phi đen với nhiều thể chế thối nát hiện đang là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Trung Quốc Xã. Thế giới văn minh đang bất lực khoanh tay nhìn. Phản ứng tuyệt vọng của người dân châu Phi là các cuộc bạo động chống người Hoa nhập cư (3).
Tôi đã từng sang Tây Phi công tác. Ở đâu tôi cũng thấy sự bành trướng của Trung Quốc Xã, dựa vào đám quan lại bản xứ tham nhũng. Ông bộ trưởng truyền thông nước Guinea Ecuatorial (Guinea xích đạo) khoe tốt nghiệp ở Paris và Barcelona, nói với tôi:
– Chúng tôi thích hợp tác với Trung Quốc hơn với các công ty châu Âu các ông, vì giá họ tốt hơn nhiều. Các ông biết không, họ sang đây làm việc bảy ngày trên bảy, các ông thì nghỉ mất hai ngày trong tuần!
Vì biết là không thể đánh thức kẻ giả vờ ngủ nên tôi chỉ trao đổi với anh bạn kỹ sư trưởng đài Truyền hình Malabo sau đó:
– Tụi mình nếu có làm thì chỉ cử các kỹ sư chủ chốt sang, còn mọi việc sẽ để các cty bản địa làm. Sau khi tụi mình rút đi, các bạn sẽ học được cách làm và tự quản lý được các công trình đó. Làm việc với công ty Âu, công nhân của các bạn sẽ được hưởng các chế độ phúc lợi và họ sẽ học cả nếp sống văn minh. Trung Quốc mang từ người kỹ sư đến người đánh vữa sang đây thì dân các bạn còn học vào đâu được nữa? Họ làm bảy ngày trong tuần thì dân Guinea đâu biết được quyền lợi người lao động?
Anh ta bổ sung: „Họ còn mang cả gái sang cho đám thợ đó nữa.“ Buổi tối, anh ta mời tôi đi ăn và có chỉ cho xem phố „Đèn đỏ Tầu“ ở giữa Malabo.
Rồi anh cho tôi xem Trung tâm truyền hình mà Trung Quốc đã xây dựng vài năm trước. Khỏi bàn về chất lượng “made by Chinese”, nhưng có cái bảng điện là anh sợ nhất. Anh nói: „Từ ngày có cái bảng điện này, tôi chưa bao giờ dám động tới nó“. Té ra hàng trăm cầu chì, automat ở đó đều ghi chữ Hán!
Té ngửa, tôi hỏi anh: Vậy sao anh lại nghiệm thu?
– Tôi đâu được nghiệm thu, cấp trên của tôi quyết hết mà!
Đó là ông bộ trưởng có bằng tốt nghiệp ở Paris và Barcelona !!!
Trên chuyến Air France từ Malabo về Paris, tôi ngồi bên cạnh một kỹ sư dầu mỏ Trung Quốc, người Hoa duy nhất trên chuyến bay. Anh than phiền là phải qua Paris, rồi chờ chuyến bay đi Bắc Kinh, mất hơn ngày rưỡi. Tôi hỏi, sao ở Guinea xích đạo có nhiều người Trung Quốc như vậy mà không có đường bay trực tiếp về Trung Quốc?
-Người phải đi đi lại lại như tôi ít lắm, đa số họ sang đây là ở lại đây, có khi cả chục năm mới về một lần nên mở đường bay không có lãi.
(Còn tiếp)
_____
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét