Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

" 3 KẾ SÁCH" GIÚP VIỆT NAM THOÁT CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC TỪ TRUNG QUỐC...

Phạm Viết Đào.

Phát động chiến tranh để mở rộng biên giới lãnh thổ trong quá khứ và mở rộng lãnh hải trong thế lỷ XXI là một phần tất yếu của “ lịch sử phát triển của đất nước Trung Hoa”. Đất nước Trung Hoa có diện tích lớn, với số lượng dân số đứng đầu thế giới như ngày nay là thành quả của tiến trình bành trướng xâm lấn của đế quốc Đại Hán đối đất đai của các nước láng giềng hàng ngàn năm nay.
Dùng chiến tranh, vũ lực để chiếm đất của lân bang là “cơn nghiền” ngấm vào trong phủ tạng của các đế chế cầm quyền của đất nước này; vấn đề là: nơi nào và lúc nào thì cho phép họ phát động chiến tranh và có khả năng thành công bằng liệu pháp chiến tranh?
Đó là điều mà không phải triều đại nào nắm trong tay binh quyền tại đất nước Trung Hoa cũng làm nổi. Bản thân đất nước Trung Hoa đã 2 lần từng bị ngoại tộc nô dịch: một lần rơi vào tay Mông Cổ và một lần rơi vào tay người Mãn…
Viết lại điều này để muốn khẳng định một điều: Các thế lực cầm binh quyền tại Trung Quốc chỉ phát động chiến tranh khi các nước láng giềng tạo cơ hội cho họ ?

Không chỉ đối với những người Việt Nam mới có nỗi lo lắng thường trực về sự xâm lăng từ phía Trung Quốc mà ngay cả người Nga, cũng có nỗi lo tương tự. Alexandre Kramchikhin Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân Sự Nga ,trong một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí  Nga Populyarnaya Mekhanika 2/2010cũng đã viết:” Vấn đề không còn là ở chỗ, Trung Quốc có tấn công Nga hay không, mà là ở chỗ, bao giờ thì họ tấn công. Đến một lúc nào đó, nếu xẩy ra một cuộc xâm lược quân sự đại quy mô chống lại nước Nga, thì chắc chắn 95% (nếu không nói là 99%), kẻ xâm lược sẽ là Trung Quốc.”( * )
Ngay cả đối với Mỹ, một đất nước cách xa Trung Quốc cả một đại dương thế mà gần đây Cựu Bộ trưởng Trung Quốc Trì Hạo Điền, lấy lý do: Chính người Trung Quốc mà là người có công đầu tiên tìm ra châu Mỹ, vì thế ông đã vạch ra yêu sách yêu cầu Mỹ chia lãnh thổ nước Mỹ cho người Trung Quốc một nửa, nếu không thì Trung Quốc phải:” Sử dụng vũ khí sinh học, quét sạch nước Mỹ, bá chủ thế giới…” ( ** )
Sở dĩ các chính quyền Trung Quốc luôn nhòm ngó tới đất đai lãnh thổ của nước khác như ý kiến phân tích của Đại tướng Trì Hạo Điền: “Đất nước, tài nguyên Trung Quốc chỉ có thể đủ nuôi sống 800 triệu người; trong khi đó, dân số Trung Quốc đã tiến sát gần gấp đôi số lượng dân số kể trên, mặc dù Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp hành chính hà khắc để hạn chế tăng dân số…”
Nhìn lại tiến trình phát triển và bảo vệ nền độc lập dân tộc, Việt Nam có 14 lần đất nước bị thảm họa ngoại bang vào xâm chiếm đất đai, trong đó 3 lần do phong kiến phương bắc:
1/ Thục An Dương Vương mất cảnh giác, sử dụng biện pháp nhu thuận, nhường nhịn: chấp nhận cho Trọng Thủy, con trai Triệu Đà làm con rể để kết thân hòa hiều hi vọng chấm dứt nạn đao binh, kết cục vừa mất con gái vừa mất nước. Bản thân An Dương Vương bỏ chạy vào Nghệ An và tuẫn tiết ở vùng biển Diễn Châu, đẩy đất nước vào bong đêm 1000 năm Bắc thuộc.
2/ Hồ Quý Ly, nhà cải cách đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ông đã là người thi hành hang loạt liệu pháp sốc để cải tổ cơ cấu chính trị thối nát, trì trệ cuối triều Trần: nạn tham quyền cố vị; đặc quyền đặc lợi của quý tộc nhà Trần.Hồ Quý ly là người đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu. Bên cạnh việc sử dụng biện pháp cương về nội trị và cả ngoại giao dẫn tới việc một số con cháu nhà Trần sang Trung Quốc kêu cứu quân Minh, dẫn tới kiếm cớ kéo quân vào xâm chiếm lãnh thổ nước ta.
3/ Lê Chiêu Thống vì bám riết lấy ngai vàng quyền lực nên đã hèn hạ chạy sang Trung Quốc kêu cứu nhà Mãn Thanh, tạo cớ để Tô Sĩ Nghị kéo 29 vạn quân Thanh sang chiếm nước ta.
4/ Nhà Nguyễn và Tự Đức nói riêng với đường lối nội trị thiển cận, chỉ biết lo vinh thân phì gia: tập trung toàn bộ nhân tài vật để xây dựng lăng tầm để mong sử dụng quyền lực tâm linh để phù giữ ngai vàng muôn đời cho mình. Chính đường lối chính sách đầu tư này đã làm cho nhân tâm ly tán, nội trị rối ren, thể chế yếu hèn dẫn đất nước đến chỗ suy yếu, tạo cơ hội cho thực dân Pháp đem quân vào cướp nước ta và đặt ách nô dịch 80 năm ?
Theo tôi, các nhà sử học nên nghiên cứu, tìm kỹ nguyên nhân vì sao dân tộc ta 14 lần mất nước, do lỗi tại ai? Do kẻ đứng đầu ngu hèn, bất nhân bất nghĩa không được nhân dân ủng hộ hay tại dân ta thiều ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc.
14 lần phải đương đầu với quân đội xâm lược đến từ bên ngàoi là do dân tộc ta cương quá hay nhu quá, hèn quá hay do võ biền, vô mưu dẫn tới cuối cùng phải chuốc lấy họa binh đao với ngoại bang mà mất nước?
Đây là một vấn đề cần thảo luận rốt ráo để tìm bài học ứng xử cho ngày hôm nay. Vừa qua chủ blog này có chăm chú đọc bài của Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói về các đối sách ngoại giao với các nước lớn; chủ blog tán đồng một số ý kiến và có chỗ chưa hoàn toán nhất trí về cách nhìn nhận lý giải của ông Nguyễn Dy Niên về một số sự kiện lịch sử. Về bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên chủ Blog sẽ có bài viết riêng để trao đổi lại
Con người không ai sinh ra lại mong muốn chiến tranh để chém giết lẫn nhau.Theo tôi có 3 cách xin tạm đặt tên là: hạ sách, trung sách, thượng sách…để có thể thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh với Trung Quốc:

Cách 1:  Tạm đặt tên là Hạ sách
-Trong quan hệ với Trung Quốc nên chịu thế nước nhỏ: nhường nhịn, nhẫn nhục với Trung Quốc; Trung Quốc hung hãn đòi độc chiếm Biển Đông, thì nhường Biển Đông; Muốn thôn tính cả Bản Giốc thì tặng Bản Giốc; Muốn vào Tây Nguyên để khai thác uranium thì mời vào Tây Nguyên; Muốn mở nông trường trồng Bạch Đàn ở tây Nghệ An thì mở đường cho vào ???
Trung Quốc xúi ta lập 3 đặc khu thì lập và cho họ vào….
Với cách này Trung Quốc sẽ không có cớ đưa quân đội sang; còn ta dùng chính sách nhu thuận, lạt mềm buộc chặt: đó là chiếc lạt, lưới  chiến tranh nhân dân để buộc thít, đồng hóa trở lại dân Trung Quốc khi người của họ sang ta.
Chúng ta sẽ tìm cách làm cho người Trung Quốc khi sang Việt Nam rồi thì trở nên nghiện nước mắm, thích xơi mắm tôm và thích hút thuốc lào; những thứ tại chính quốc họ không bao giờ được thưởng thức và hiểu được hết giá tri ẩm thực trong món ăn của người Việt…Khi họ sang Việt Nam đã nghiền những thứ đó rồi có đuổi họ về Trung Quốc họ cũng sẽ không về, vì về bên đó lấy đâu ra những thứ đó.
Bằng cách đó nước Việt Nam mình sẽ trở nên đông vui hơn, bản sắc văn hóa phong phú hơn; trẻ con ra đường nói tiếng Việt lơ lớ giống người tàu, đủ thứ giọng cũng vui đáo để đấy chứ?
Và biết đâu họ lại mang cái văn hóa ẩm thực đó truyển trở lại Trung Quốc; nếu vậy Việt Nam sẽ có một thị trường nước mắm, thuốc lào, mắm tôm, điều cày trên tỷ dân.
Theo cách nói của người Trung Quốc thì hàng hóa Trung Quốc đến đâu, biên giới lãnh thổ Trung Quốc đến đó. Vậy tại sao người Việt Nam lại không nghĩ và làm như Trung Quốc: Điếu cày, mắm tôm, nước mắm… Việt Nam đến đâu thì đó là Tổ quốc Việt Nam? Cần gì phải chiến tranh, vắt óc ra tìm đối sách, đối nội,đối ngoại làm chi cho mệt.
Cách này thì lãnh đạo sẽ nhàn mỗi năm vài chuyến sang du hý ở Điếu Ngư Đài và dân sẽ tránh được họa binh đao.
Vừa qua Trung Quốc vừa tiến hành khảo cố tại Tây An, kinh đô của nhà Chu, đã phát hiện ra những nhà chứa có từ thời Đông Chu chuyên phục vụ cho các sứ thần các nước đến triều kiến vua Chu…Cái khoản dùng mỹ nữ, lễ vật để mua chuộc các quân thần các nước lân bang thì Trung Quốc có kinh nghiệm từ thời Đông Chu…
https://i2.wp.com/www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/map.gif

2. Cách thứ hai: Tạm gọi là trung sách
Khi Mỹ đánh Việt Nam thì ta tìm cách liên minh với Trung Quốc, Liên Xô với phe xã hội chủ nghĩa để quyết chiến trở lại. Bây giờ Trung Quốc có ý định đánh ta, chiếm biển đảo của ta thì ta lại đi liên minh với Mỹ, với Nga, với Nhật, với Hàn Quốc… để quyết chiến, quyết thắng.
Đây là cách mà ông Lê Bảo Sơn đề xuất, gợi ý trong bài viết của mình. Khi đã coi Trung Quốc là kẻ thù thì nhất cử nhất động cái gì của Mỹ của Nga, cùa Nhật là của phe ta nên tốt hết: Đã trót tương đồng trong một quán; Dẫu trà ôi rượu độc cũng là duyên…
Nếu áp dụng theo giải pháp trung sách này, liệu Việt Nam có đảm bảo giữ được nền độc lập không, sẽ đánh bại được mọi ý đồ xâm lược từ phương bắc không ? Đây là điều chủ blog này muốn trao đổi lại với ông Lê Bảo Sơn; theo chủ blog, ý kiến này đồng thời cũng là mặt hạn chế, mặt trái của Trung sách.
Nếu chúng ta ngả hẳn vào phía Mỹ, Nga, thành lập một “NATO biền Đông “ như báo chí Hông Kông từng phân tích, trù tính thì liệu đó có là giải pháp an toàn tối ưu?
Xin thưa lại với ông Lê Bảo Sơn: Thời thế bây giờ đã thay đổi không giống với giai đoạn Việt Nam phát động cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ?
Thời chống Pháp và chống Mỹ, phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu tuy nội bộ khối có những vấn đề mâu thuẫn về đường lối, quan điểm tư tưởng nhưng về quan hệ kinh tế-quân sự thì gần như không giây mơ rễ má gì với phe đế quốc. Còn bây giờ thì Nga còn bán vũ khí cho Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam, hiện đại hơn Việt Nam; Nhật, Mỹ còn đầu tư, làm ăn buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam? Nếu nổ ra chiến tranh Trung-Việt, liệu các quốc gia kia có vì Việt Nam mà cấm vận hết thảy các quan hệ với Trung Quốc không, tuyệt giao để chịu mất các khoản đầu tư vào Trung Quốc không?
Chưa nói chính quyền của Tổng thống Obama hiện nay là chính quyền do Đảng Dân chủ chi phối; Nếu chẳng may nổ ra chiến tranh Trung-Việt, Việt Nam muốn có một hành đông trợ giúp nào đó từ phía Hoa Kỳ, thì phải là chính quyền theo đường lối diều hâu của Đảng Cộng hòa như kiểu của ông George Bush thì may ra mới chịu chơi rắn, mới nhảy vào chia lửa với Việt Nam
Chưa kể, đứng về mặt “ cơ địa văn hóa “ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama, hiện nay vẫn là thứ cơ địa văn hóa nhược tiểu: mẹ là người da trắng, nhưng bố là người Kenia, do đó giòng máu làm nên khí chất Obama là khí chất da đen. Mà da đen về mặt tiến hóa chính trị thì dân da đen vẫn bị coi là đàn em của dân da vàng, đâu phải là đối thủ của Trung Quốc…
Điều này lý giải vì sao người ta thấy nhiều động thái ngoại giao của chính quyền Mỹ khi Obama lên nắm quyền nó chịu ảnh hưởng của phái bình dân, nước nhỏ, thích dùng các giải pháp mềm, nhũn của dân nhược tiểu như: ve vãn lấy lòng nước lớn hơn là vỗ ngực tự xưng ta đây là Đại Ca, để mà có lời ăn tiếng nói với thế giới như chính quyền của Đảng Cộng hòa. “Cao nhân đắc hữu, cao nhân trị…” là cách mà dân “ đại ca “ hay giở ra…
Do vậy trong tình hình thế giới hỗn mang như hiện nay, dân Mỹ và thế giới lại cần những người đứng đầu Nhà trắng phải là người của Đảng Cộng hòa để có thể ghìm bớt những khát vọng ngông cuồng của các thế lực hãnh tiến kiểu Trung Quốc…Người của Đảng Dân chủ chỉ coi sóc nước Mỹ khi thế giới đang yên bình, yên ổn, không có thế lực nào bỗng dưng hung hăng đột xuất…
Trong giai đoạn thế chiến thứ 2, chiến tranh Việt Nam thì chính quyền Mỹ lúc đó do Đảng Cộng hòa nắm quyền.
Do vậy, về mặt tình cảm thì chính giới Việt Nam không ưa gì những người của Đảng Cộng hòa, vì họ từng phát động chiến tranh đánh Việt Nam? Thế nhưng nếu ngỗ nhỡ chẳng may xảy ra chiến tranh Trung- Việt và để áp dụng được trung sách: dựa vào Mỹ, không muốn bị Mỹ bỏ rơi thì Việt Nam cần một chính quyền Mỹ theo đường lối của Đảng Cộng hòa; có vậy mới đảm bảo cho Trung sách theo đường lối của ông Lê Bảo Sơn đề xuất. Còn chính quyền Mỹ nếu còn trong tay Đảng Dân chủ thì Trung sách của ông Lê Bảo Sơn chắc chắn sẽ bị “ thối “…
Theo ý kiến của ông Lê Báo Sơn:” Việc truyền bá “giả thuyết Phạm Viết Đào” có thể dẫn đến một thứ tâm lý bi quan trong người dân. Nếu Trung Quốc đã ép Việt Nam, mà Hoa Kỳ lại bỏ rơi Việt Nam thì chỉ còn có cách duy nhất là đầu hàng Trung Quốc!
Như vậy, vấn đề không còn là đấu tranh với Trung Quốc bằng cách nào, mà là tìm ra phương thức tốt nhất để đầu hàng Trung Quốc. Thứ tâm lý chủ bại này, Trung Quốc và những tay sai của họ tại Việt Nam rất mong muốn phổ biến rộng rãi trong nhân dân ta – nhất là trong giới trẻ…”
Ý kiến trên của ông Lê Bảo Sơn là ý kiến dựa vào nền tảng tâm lý hay tự ái vặt của đám trẻ con làng khi chia phe đánh nhau. Các quan hệ quốc tế hiện nay không thễ dễ dàng bỏ phe này, theo phe kia; đưa quân vào chỗ này, đặt tên lửa vào chỗ kia được đâu. Người Mỹ đã muốn nhảy vào Iraq là họ nhảy, mặc dù bị cả thế giới lên án họ cứ kệ vì người Mỹ cần thế giới biết tới tư thế “ đại ca “ của họ.
Người viết bài này cho rằng: nếu dựa vào Trung sách, tức dựa hẳn vào Mỹ . Nếu như quân Trung Quốc đặt chân đến bờ hồ Hoàn Kiếm, Việt Nam có kêu gọi Mỹ đổ quân vào với lời hứa: sẽ trả lại cho Mỹ từ vĩ tuyến 17 trở vào chưa chắc Mỹ đã vào. Chưa kể lúc đó Mỹ lại viện trợ nhân đạo cho Trung Quốc lấy cớ giúp đỡ nạn nhân chiến tranh.
Còn nhớ khi xưa, khi vua tôi Trần Nhân Tông bị quân Nguyên Mông đánh cho phải bỏ chạy khỏi Thăng Long, vua tôi theo sông Hồng chạy về tới Vạn Kiếp, có người đã khuyên nhà vua nên hàng. Trần Nhân Tông đã lấy tay nhúng nước sông viết vào đuôi thuyền hai câu thơ sau:
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh…
( Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ: Hoan Diễn đang còn chục vạn quân… )
Với hai câu thơ giản dị chứ không phải những những câu khẩu hiệu hoành tráng, ngợp trời viết sai chính tả, thậm chí còn phỉ báng cả Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp 30/4 vừa qua mà chẳng ai thèm đọc, để ý; những câu thơ trên của Trần Nhân Tông đã làm thay đổi cục diễn tinh thần của quan quân nhà Trấn để vùng lên quyết sống mái với quân Nguyên Mông. Cuối cùng vua tôi nhà Trần đã đánh thắng quân Nguyên Mông mặc dù đã bỏ chạy khỏi Thăng Long.
Ngày xưa chỉ cần nghe tới còn 10 vạn dân Nghệ thôi thì đã đủ làm phấn khích binh lính cả nước hồ hởi, quyết liệt chiến đấu. Còn ngày nay, dân Nghệ đang lưu truyền câu: “Tuổi bốn mươi, cân nặng bốn mươi, dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ…”
Bây giờ có tập hợp cả triệu anh lính Nghệ với “ tuổi bốn mươi cân nặng bốn mươi “; trong đó dẫu nhiều anh có 40 năm tuổi đời, 20 năm tuổi Đảng đi chăng nữa nhưng nếu bắc lên cân cũng chỉ được 40 cân thôi thì làm sao mà đánh nổi quân xâm lược?
Tóm lại nếu theo Hạ sách thì phải nhờ tới thuốc lào, nước mắm, mắm tôm… như là kế sâu rễ bền gốc để bảo vệ nền độc lập tự chủ; còn nếu theo trung sách như ý kiến của ông Lê Bảo Sơn thì phải nín thở chờ xem bên Mỹ, dân Mỹ bầu cho người của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa làm Tổng thống. Nếu mà không may Trung Quốc đánh mà dân Mỹ lại bầu Tổng thống là người của Đảng Dân chủ thì Biển Đông, nền độc lập của Việt Nam khác gì “trứng treo đầu đẳng”?!
3. Cách thứ 3: Tạm coi là thượng sách
Phải làm cho Việt Nam mạnh và hùng cường lên cả về nội trị lẫn ngoại giao như cha ông ta đã từng làm; Điều mà chính Nguyễn Trãi từng đúc kết trong Bình Ngô đại cáo:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết chí lớn phải vong thân;
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét.
Chứng cứ còn ghi…

Đó mới là nền tảng cơ sở để dập tắt những khát vọng ngôn cuồng từ phương bắc: Không dám dùng bạo lực của súng gươm để xâm chiếm lãnh thổ nước ta.
Về tương quan lực lượng giữa ta và Trung Quốc đều có những mạnh yếu khác nhau như Nguyễn Trãi từng viết. Cái mạnh của Trung Quốc: đó là đất rộng, người đông, nhân tài vật lực, khí cụ chiến tranh dồi dào…
Cái mạnh của Trung Quốc đó là giới cầm binh quyền của Trung Quốc có thể phân tâm trong chuyện khác, nhưng luôn có dã tâm thống nhất, đoàn kết lăm le muốn sử dụng sức mạnh quân sự, phát động chiến tranh để sát nhập Việt Nam vào Trung Quốc.Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào… có có những nhìn nhận khác nhau về thế giới, về các vấn đề nội bộ Trung Quốc nhưng đối với Việt Nam thì thống nhất: Giả dối trong các hành vi xã giao, nuôi dã tâm muốn nuốt Việt Nam…
Cái yếu của Trung Quốc đó là: đa số người dân Trung Quốc lại không muốn chiến tranh, không thích chiến tranh, không sẵn sàng để thích nghi với tâm lý cho một cuộc chiến tranh nhất là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Bởi bao đời nay người Việt Nam không gây thù oán gì với người Trung Quốc; các cuộc chiến tranh đều do giới cầm binh quyền Trung Quốc gây ra đẩy người dân Trung Quốc bình thường phải chết trên chiến trường Việt.
Trong lúc đó thì cái mạnh của Việt Nam đó là: khi nổ ra một cuộc chiến tranh mà giới chóp bu Trung Quốc phát động lập tức sẽ làm sục sôi hàng triệu con tim Việt. Mà trên chiến trường quyết định thắng bại là bởi tinh thần quyết chiến quyết thắng của những người lính. Về tinh thần xả thân cho chiến đấu, người lính Việt Nam cao và mạnh gấp vạn lần so với những ngưới lính Trung Quốc. Bởi lính Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh với Việt Nam thì họ là công cụ của giới binh quyền; họ chiến đấu chẳng vì cái gì cả…
Nhưng cái yếu của Việt Nam  lại nằm ở giới chóp bu, lãnh đạo: không phải triều đại nào cũng đứng về phía nhân dân. Triều đại nào, lãnh đạo đứng về phía nhân dân, đứng về phía quyền lợi dân tộc thì: Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.Không hiếm trường hợp,đám chop bu hoặc do ngu hèn hoặc chủ tâm đi đêm với giặc thì nhân dân có yêu nước đến đâu, chí sĩ có xả thân đến đâu thì nguy cơ mất nước là hiển hiện.
Khi mà một triều đại mà không thu phục được nhân tâm, chủ tâm đi đêm, thông đồng với giặc, để cho ngoại bang lấn lướt thì không một sức mạnh ngoại lai nào có thể cứu được nền độc lập của dân tộc này không bị sụp đổ dưới gót dày quân xâm lược.
Bản thân nhân dân là nước, là đất, là bể dầu, là đồng cỏ khô…; để nó trở thành sức mạnh vật chất thì phải có gió, phải có người có ý tưởng thiết kế sử dụng nó để xây cất lên nó một cái gì, phải thả vào nó ngọn lửa thì nó mới bùng cháy lên được…
Cùng nhân dân đó, một câu của Trần Quốc Tuấn: Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi đi đã; hay: Ngẫm thù lớn, há đội trời chung; Căm giặc nước thế không cùng sống ( Nguyễn Trãi); “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen” ( Nguyễn Huệ)…lập tức làm cho hàng triệu người coi mạng sống của bản thân mình nhẹ như lông hồng.
Muôn đời nay lịch sử đã chứng minh: cũng nhân dân đó dưới thời Lý Thường Kiệt đã làm nên trận đánh thẳng vào Ung Châu, đã lập nên chiến tuyến sông Như Nguyệt. Cũng nhân dân đó làm nên: Bạch Đằng, Bồ Tất, Chi Lăng,Đống Đa, Điện Biên Phủ…
Nhưng cũng nhân dân đó ngậm ngùi chịu lùi hết 3 tỉnh miền Đông rồi đến 3 tỉnh miền Tây cuối cùng dẫn đến mất nước. Nhà Nguyễn không phải không có lúc cương, không khỏi không có lúc động binh nhưng kết cục cuối cùng không huy được sức dân dẫn tới thua cuộc.
Còn ngày nay, nếu lính Trung Quốc tràn sang ư? Liệu dân chúng còn nghe theo “cụ” Mạnh, “cụ” Triết, “cụ” Trọng, “ cụ “ Dũng, “ Cụ Phúc”, “Cụ Ngân”… để mà xông lên quyết giết giặc bảo vệ đất nước nữa không ?
Cả nước trong đó có dân Nghệ thời chiến tranh, sở dĩ Cụ Hồ hô một câu: “Dù có đốt cháy cả Trường Sơn…Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá…nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ”…Thế là thanh niên trai tráng hàng triệu người rùng rùng ra trận…
Sở dĩ Cụ Hồ kêu gọi người ta nghe bởi cụ mặc áo kaki, đi dép lốp, ở nhà sàn; các “cụ” nhà ta ngày này đâu có được phong thái như cụ Hồ. Còn bây giờ đưa Cụ Hồ ra kêu gọi để bảo vệ cho quyền lợi của các “Cụ “ đương chức, đương quyền không biết dân họ có nghe không ?
Do vậy điều mà  ông Đại sứ Michalak nói: “Tôi tin rằng phải có một giải pháp đa phương để giải quyết cuộc tranh chấp. Cá nhân tôi muốn thấy Tuyên bố về Cách Hành xử tại Biển Đông, thành một Bộ luật về Cách Hành xử trong vùng Biển này. Tôi muốn thấy tất cả các bên đã tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn phần hãy ngồi lại với nhau, và đưa ra một quyết định đa phương. Tôi tin rằng ASEAN là một diễn đàn tuyệt hảo cho việc này. Tôi hy vọng kêu gọi tất cả các bên liên hệ hãy sử dụng ASEAN và những công cụ của ASEAN, cũng như những công cụ của cộng đồng quốc tế như Nghị hội Liên hiệp quốc về Luật Biển, và ngồi xuống bên nhau mà giải quyết vấn đề”.Không phải là phương thức nhiệm mầu khả dĩ làm nguội được cái dã tâm muốn ăn tươi nuốt sống Biển Đông của Trung Quốc…”
Tóm lại: Trung Quốc có phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam hay không, muốn nuốt trôi Biển Đông hay không hoàn toàn phụ thuộc vào Việt Nam!
Khi một nước Việt Nam hùng cường, một nước Việt Nam, triệu người như một, một nước Việt Nam mà vua quan không bất nhân, bất nghĩa với dân; không tìm cách móc ngoặc, đi đêm ăn mảnh với giới chóp bu Bắc Kinh thì không một cái đầu nóng nào dám xua quân sang thí mạng tại chiến trường Việt Nam.
Phải rắn, phải cứng cỏi không chỉ trên lời nói mà phải chuẩn bị sẵn sàng lúc cần phải hành động như lời nói. Dân tộc này đã bao phen khóc hết nước mắt vì trở thành miếng mồi trong tay kẻ khác…
Lê Lợi, Quang Trung trước khi xử nhũn, xử mềm với quân Minh, quân Mãn Thanh đã phải xông pha đánh những trận đánh khiến trời long đất lở…
Không ai cầm tóc nhấc bổng con người mình lên được nếu mình không tự bật lên. Hồ Chí Minh phát động được cả dân tộc vì ông hết lòng vì đại nghiệp đó; đối với các nước lớn Hồ Chí Minh biết ứng xử nhu, cương đúng lúc đúng chổ. Cần cương mà lại nhu thì chỉ có thua; cần nhu mà lại cương lên thì đổ vỡ. Hồ Chí Minh biết tranh thủ, biết lợi dụng các thế lực kể cả các cường quốc nhưng không bao giờ phụ thuộc vào họ mà Việt Nam vẫn là vấn đề người Việt Nam tự giải quyết lấy.
Muốn mạnh phải dựa vào dân, phải đoàn kết được dân, không coi dân chiếc bát ăn xong thì tè luôn vào ?
Chúng ta có thể tranh thủ tất cả kể cả Trung Quốc nhưng muốn bào vệ được nền độc lập của quốc gia này, không ai làm thay được dân tộc này ? Không một ông ốp, ông ép, ông ma, ông mít, ông tôhô, ông chimsun… nào có thể gánh vác được sứ mệnh lịch sử này ?!

P.V.Đ.
( Bài đưa lên mạng từ 15/5/2010)
https://phamvietdaonv.wordpress.com/2010/05/15/vi%E1%BB%87t-nam-nen-lam-gi-d%E1%BB%83-thoat-chi%E1%BA%BFn-tranh-xam-l%C6%B0%E1%BB%A3c-t%E1%BB%AB-trung-qu%E1%BB%91c/#more-471

Không có nhận xét nào: