21/3/2014 21:21'
Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; các tỉnh, thành phố có tiềm năng nổi trội và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đặc khu kinh tế: Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; cùng hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan trung ương của Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các diễn giả trong nước và quốc tế (có 61 đại biểu quốc tế) có kinh nghiệm và uy tín hàng đầu thế giới về đặc khu kinh tế đến từ các nước Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ… Hội thảo có hơn 100 phóng viên, thuộc 93 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đăng ký dự và thông tin về Hội thảo.
Đây là sự kiện thuộc Diễn đàn đặc khu kinh tế thế giới và lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, tạo cơ hội để các cơ quan trung ương Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà khoa học, học giả quốc tế trao đổi các thông tin liên quan đến quá trình hình thành, phát triển mô hình đặc khu kinh tế trên khắp thế giới trong 30 năm qua và kinh nghiệm phát triển các khu kinh tế của Việt Nam.Nội dung chính của Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận về kinh nghiệm của quốc tế đối với phát triển các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do, trong đó trọng tâm là: thể chế, cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, ngân hàng, thuế, nhân lực...); nền hành chính (tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính...); lợi ích và những khó khăn, thách thức; chiến lược phát triển ngành nghề; thu hút nguồn lực đầu tư; giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển “kinh tế xanh” hướng tới bền vững và xu hướng phát triển ngành kinh tế dịch vụ khi triển khai xây dựng đặc khu kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khẳng định, việc tổ chức hội thảo là góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc xây dựng Đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa) và cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng); là một nỗ lực và mong muốn đổi mới để phát triển, tạo sự đồng thuận và thống nhất ý chí chính trị, hội tụ trí tuệ, cũng như quy tụ mối quan tâm của các cấp, các ngành trong cả nước đối với việc xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế; góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, học giả, nhà quản lý, giới trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu liên quan đến quá trình hình thành, phát triển mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới trong hơn 3 thập kỷ qua; đồng thời, đề xuất các chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển mô hình này tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS, TS. Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, cho biết, Trung tâm là cơ sở nghiên cứu trọng điểm của Bộ Giáo dục Trung Quốc về khoa học xã hội nhân văn, cũng là cơ quan nghiên cứu học thuật duy nhất về đặc khu kinh tế ở Trung Quốc. Hội thảo là cơ hội chia sẻ, tìm hiểu các vấn đề liên quan tới đặc khu kinh tế, nhất là về nguyên nhân hình thành, mô hình phát triển, con đường trưởng thành và vai trò dẫn dắt của đặc khu kinh tế đối với nền kinh tế mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
GS, TS. Đào Nhất Đào cũng bày tỏ sự khâm phục đối với quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trên con đường kiên định đổi mới mở cửa, để tìm kiếm những mô hình phát triển ưu việt. Đồng thời tin rằng, những thu hoạch của Hội thảo không chỉ giúp cho Quảng Ninh xây dựng đặc khu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp cho việc mở rộng nghiên cứu lý luận về đặc khu kinh tế, cung cấp những kinh nghiệm có thể học tập và những con đường có thể lựa chọn để các nước mới nổi phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có đặc khu kinh tế theo đúng nghĩa. Việc xây dựng đặc khu kinh tế có thể được xem là một giải pháp “cứu cánh”, tạo bước phát triển đột phá, tạo các cực tăng trưởng mạnh, từ đó tạo động lực cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình này ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, mà thực tiễn tại Vân Đồn, Quảng Ninh là một điển hình.
Theo GS, TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế) trên thế giới là một vấn đề mang tính phổ biến, là kết quả cụ thể của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích của việc xây dựng các đặc khu kinh tế là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, đặc khu kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước.
Ở Việt Nam, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII (tháng 12-1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, mãi đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay, nước ta có 18 khu kinh tế ven biển, với tổng diện tích khoảng 54.000 ha. Những khu kinh tế này đạt được các kết quả nhất định, xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương... Tuy nhiên, dù thể chế ở các khu kinh tế này vượt trội so với các khu công nghiệp khác, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất..., nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập, chưa đủ sức cạnh tranh. Mặt khác, đến nay, hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư lớn, nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại. Có thể nói, đến nay, ở Việt Nam, chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa của nó.
Cũng theo GS, TS. Vương Đình Huệ, để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong thời gian tới ở Việt Nam, cần: Một là, sớm xây dựng, thông qua Luật Đặc khu kinh tế (hoặc Luật Đặc khu hành chính - kinh tế), đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII. Hai là, xác định được những vị trí có lợi thế địa kinh tế để xây dựng các đặc khu kinh tế. Ngoài ba khu vực nói trên, những địa điểm có thể được lựa chọn là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (hình thành tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tuyến phát triển phía Bắc); các tỉnh ven biển miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định,...). Những đặc điểm có lợi thế ở từng khu vực, địa điểm cần được nghiên cứu, khảo sát cụ thể và quảng bá với các nhà đầu tư nước ngoài. Ba là, tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ảnh hưởng và sức mạnh tài chính, công nghệ, bằng các phương cách phù hợp. Bốn là, việc xây dựng, ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu kinh tế cần phải hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới. Năm là, trong các thể chế, thì những cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài nước ngoài phải được xem trọng nhất.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc với tỉnh Quảng Ninh trong việc tổ chức Hội thảo góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Đảng và Nhà nước hai nước nói chung và giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc nói riêng.
Mô hình Đặc khu kinh tế được xây dựng và phát triển thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây là một mô hình mới, nên trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Do đó, những bài học kinh nghiệm, những ý kiến tư vấn của các đại biểu tham dự hội thảo thực sự rất hữu ích. Đó là các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn địa điểm thuận lợi; định hướng phát triển ngành nghề phù hợp; cách thức vận hành, thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả; sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu; cơ chế, chính sách đủ sức cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất, xây dựng luật pháp để bảo đảm cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư...
Bên lề Hội thảo diễn ra một số hoạt động, như: tọa đàm giữa lãnh đạo 4 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng về việc xây dựng đặc khu kinh tế; tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các hiệp hội, câu lạc bộ về thảo luận công tác hoàn thiện đề án xây dựng đặc khu kinh tế; giao lưu văn hóa; khảo sát thực địa...
Trong ngày làm việc tiếp theo (ngày 21-3-2014), Hội thảo tiếp tục bàn thảo về 4 nhóm vấn đề khác liên quan tới đặc khu kinh tế là: thể chế và hạ tầng kinh tế; cơ chế tài chính - tiền tệ; ngành nghề, lựa chọn và phát triển; thể chế hành chính và nguồn nhân lực. Đồng thời, diễn ra sự kiện đối thoại giữa lãnh đạo 4 tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng với cộng đồng doanh nghiệp về mô hình, chương trình hành động để xây dựng đặc khu kinh tế và vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các đặc khu kinh tế.
Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế là cơ hội lớn để Quảng Ninh tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, vị thế, những chính sách cải cách, đổi mới của tỉnh. Đồng thời, củng cố thêm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và sự cấp thiết về xây dựng, phát triển đặc khu kinh tế, cũng như khẳng định tính khả thi và khả năng thành công trong việc triển khai xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn, thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của tỉnh Quảng Ninh trong việc khởi xướng và thực hiện mô hình đặc khu kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương và cho quốc gia./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét