Biển Đông: Việt Nam củng cố tiền đồn ở Trường Sa dự phòng Trung Quốc
Mai Vân
Ảnh vệ tinh ngày 18/03/2018 cho thấy rõ con kênh được nạo vét cắt ngang vòng san hô của Đá Lát (Trường Sa), Biển Đông.AMTI/CSIS
Vào lúc Trung Quốc càng lúc càng lộ bộ mặt bành trướng tại Biển Đông, vừa tung quân tập trận thị uy, vừa cho triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp, Việt Nam vẫn lặng yên củng cố một số tiền đồn mình kiểm soát tại vùng quần đảo Trường Sa. Trong một bài viết công bố ngày 13/06/2018 vừa qua, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, trụ sở tại Washington, đã nêu bật một công trình cải tao mà Việt Nam đang thực hiện, tại khu vực Đá Lát (Ladd Reef), một rạn san hô vòng thuộc cụm đảo Trường Sa, phía tây quần đảo Trường Sa.
Dù quy mô cải tạo rất khiêm tốn, nhưng theo AMTI, hoạt động củng cố tiền đồn này cho thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bất chấp các hành vi hù dọa của Trung Quốc. Điểm lý thú được AMTI ghi nhận là khi thực hiện các công trình ở khu vực Đá Lát, Việt Nam đã huy động một đội ngư thuyền đông đảo có thể là để làm công việc bảo vệ.
Ghi nhận của vệ tinh về công trình mới ở Đá Lát
Theo AMTI, ảnh vệ tinh từ tháng 3 đến tháng 6/2018, cho thấy một kênh mới được đào, kênh này không hề có trên các ảnh cũ hơn trước đây. Cũng ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đang mở rộng một trong hai cơ sở trên thực thể (cơ sở còn lại một ngọn hải đăng nhỏ ở phía tây).
Cụ thể, trên một tấm ảnh chụp ngày 18/03, người ta thấy một con kênh đào mới được nạo vét, nằm ở rìa phía nam của rạn san hô, có cả một sà lan và hai tàu lớn neo đậu ngay ở phía bắc cửa mới mở vào đầm phá tại đây. Và ít nhất có khoảng 21 tàu cá nhỏ hiện diện bên trong đầm phá này.
Nghiên cứu kỹ chiếc sà lan, AMTI thấy bên trên có 2 thiết bị dùng cho xây dựng, trông giống như máy xúc hay máy nạo vét, đưa trầm tích vét dưới đáy biển lên một con tàu khác chờ sẵn ở đó.
Theo AMTI, đây là kiểu nạo vét thường được Việt Nam áp dụng ở một số đảo đá khác. Philippines cũng bắt đầu áp dụng kiểu nạo vét như vậy tại đảo Thị Tứ. Ngược lại thì Trung Quốc chuyên sử dụng phương thức khác, dung máy cắt và hút, có thể di chuyển trầm tích nhanh hơn, nhưng tác hại môi trường rất lớn.
Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 3 còn cho thấy một phần trầm trích được vét lên đã được mang qua bồi đắp một địa điểm gần tiền đồn nhỏ của Việt Nam ở mũi phía bắc của Đá Lát.
Một bức ảnh chụp mới đây, vào ngày 03/06, cho thấy Việt Nam đang mở rộng tiền đồn phía bắc của Đá Lát bằng trầm tích nạo vét từ con kênh. Sà lan đậu sát công trình, hai chiếc tàu lớn được thấy rõ ở đầu phía bắc con kênh và có gần 80 tàu nhỏ ở bên trong và bên ngoài đầm phá. Phần lớn, nếu không phải là tất cả, đều là tàu cá.
Công trình đang xây dựng là một cấu trúc hình lục giác, rộng khoảng 100 feet, tương tự như các công trình mở rộng mà Việt Nam đã xây ở 4 thực thể khác ở quần đảo Trường Sa trong những năm qua là Đá Cô Lin (Collins), Len Đao (Lansdowne), Tiên Nữ (Tennent), và Đá Lớn (Discovery Great Reef).
Và tương tự như tại các thực thể kể trên, công trình mới tại Đá Lát sẽ được nối với công trình hiện hữu bằng một cây cầu.
Với công trình mới tại Đá Lát, Việt Nam trong những năm gần đây đã nâng cấp 21 trên 49 tiền đồn của mình ở vùng Trường Sa.
Ý nghĩa việc mở rộng Đá Lát
Theo AMTI, việc mở rộng cơ sở tại Đá Lát, bao gồm việc đào một con kênh mới cho phép tiếp tế dễ dàng và tàu lớn đi vào bên trong đầm phá rất đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay.
Đảo Đá Lát nằm ở cực tây các đảo, bãi đá có người kiểm soát ở Trường Sa. Ở phía tây nam Đá Lát là một số bãi ngầm mà Trung Quốc đòi chủ quyền… mặc dù đó là những bãi hoàn toàn ngầm, và một số lô dầu khí, đã trở thành tâm điểm những vụ căng thẳng cao độ giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào năm ngoái.
Việt Nam, Hoa Kỳ và phần lớn cộng đồng quốc tế xem vùng này là thuộc thềm lục địa Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã viện cớ “chủ quyền lịch sử” mơ hồ với đường lưỡi bò để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Việt Nam đã xây dựng một loạt công trình trên những bãi đá ngầm ở trong khu vực Trường Sa trong những năm 1980-1990, đặt tên là các “trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghệ”. Nhưng cho dù được nâng cấp gần đây, những công trình này rất mong manh và luôn luôn bị Trung Quốc đe dọa, như trong chiến dịch buộc Hà Nội bỏ công trình ở lô 136 vào năm ngoái.
Có lẽ đấy là một nguyên do khiến Hà Nội quyết định tăng cường sự hiện diện của mình ở Đá Lát gần khu vực bị Trung Quốc nhòm ngó. Đá Lát có thể trở thành một trạm dừng đáng giá cho tàu Việt Nam đi tuần tra ở các tiền đồn và vùng có tài nguyên ở phía đông nam.
Dùng tàu cá như một lực lượng bán quân sự
Công trình ở Đá Lát còn nêu bật một khía canh mới quan trọng trong chủ thuyết quân sự của Việt Nam ở Biển Đông: đó là việc sử dụng tàu cá như một lực lượng bán quân sự.
Trung Quốc đã sử dụng lực lượng ngư dân ở các tỉnh ven biển như một đạo binh để tăng cường sự hiện diện và hỗ trợ các chiến dịch tại các vùng biển có tranh chấp mà không tạo ra phản ứng đáp trả bằng quân sự của các nước khác.
Việt Nam đã rút ra bài học của năm 2014, khi gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với lực lượng tàu cá triển khai chung quanh giàn khoan mà Trung Quốc đưa đến vùng thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, để đối phó, Việt Nam đã tuyển mộ lực lượng chiến binh ngư phủ của mình, hoạt động một cách tương tự, tuy rằng cho đến ngày nay, lực lượng này không năng động như phía Trung Quốc.
Sự hiện diện của đông đảo tàu cá ở Đá Lát trong suốt tiến trình xây dựng có lẽ là để bảo vệ và hỗ trợ trong tư thế một lực lượng bán quân sự chính thức.
Chiến tranh nhân dân trên biển
Trong một bài phân tích được AMTI công bố hôm 11/05/2018, hai tác giả Derek Grossman chuyên gia phân tích của trung tâm tham vấn RAND Corporation, và Nguyễn Nhật Anh, nghiên cứu sinh Thạc Sĩ tại Trường Chính Sách và Chiến Lược Toàn Cầu, Đại Học San Diego (California) đã nêu bật hướng Việt Nam áp dụng chủ trương “chiến tranh nhân dân” trên biển để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trao đổi với hai tác giả, một chuyên gia quân sự Việt Nam cho biết là để thực hiện chiến lược chiến tranh nhân dân trên biển này, ngoài các phương tiện vũ khí cần thiết, còn phải huy động sức mạnh của người dân, mà cụ thể là ngư dân.
Năm 2014, Việt Nam đã thiết lập một lực lượng kiểm ngư, là một lực lượng dân sư nhưng được trang bị vũ khí nhẹ. Lực lượng này tham gia tuần tra và góp sức cho số lượng ngày càng tăng của tàu Cảnh Sát Biển, sắp tới đây, sẽ có thể hoạt động với những quy tắc dễ dãi hơn.
Bên cạnh đó, bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng tuyển mộ ngư phủ tại chỗ, trang bị cho họ thiết bị truyền tin và hồng ngoại để giám sát vấn đề tranh chấp hải sản. Theo phía Việt Nam, lực lượng này gồm 8000 tàu cá và làm việc chặt chẽ với Hải Quân và Cảnh Sát Biển, lực lượng biên phòng và những ngư phủ khác.
Họ có trách nhiệm theo dõi, báo cáo về những vụ vi phạm chủ quyền. Mục tiêu là tránh tái diễn sự cố giàn khoan năm 2014. Sau khi đặt giàn khoan ở vùng biển tranh chấp, Bắc Kinh đã phái những đội tàu Hải Giám và tàu đánh cá hùng hậu đến nơi và với sự yểm trợ của Hải Quân và Không Quân, họ đã tuần tra khu vực, và hung hăng đâm vào tàu Việt Nam để đuổi Việt Nam ra khỏi khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét