Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Ba ngày ở Moscow: Ronald Reagan và sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô

Sự sụp đổ của một đế chế tà ác là thành quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các vĩ nhân, họ có thể được vinh danh hoặc không, nhưng nhân loại sẽ mãi biết ơn họ.

Xô Viết sụp đổ, Reagan, Gorbachev, Đảng Cộng sản,
Bức tương Stalin được chở đi sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. (Ảnh: The Economist)
Bài viết của giáo viên về hưu Linda Wiegenfeld, nhằm khuyến khích thế hệ trẻ đọc cuốn sách  ‘Ba ngày ở Moscow: Ronald Reagan và sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô’ của Bret Baier và Catherine Whitney.
Ngày 31/5/1988, Tổng thống Ronald Reagan đã có mặt tại đất Liên Xô cũ và diễn thuyết trước sảnh đường đại học Quốc gia Moscow. Cuộc gặp mặt lần thứ tư trong chuỗi hội nghị thượng đỉnh giữa Reagan và Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Mikhail Gorbachev, đã cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của cả hai trong việc giảm trừ mối đe dọa hạt nhân tại thời điểm đó. Ông Reagan thừa hiểu đây không đơn thuần chỉ là một chuyến thăm ngoại giao. Bởi hai người đều là những nhà lãnh đạo rất hoạt bát, nhưng họ đang trong một cuộc chiến mà người thắng trận sẽ là người quyết định tương lai nhân loại.
Vậy Reagan làm cách nào để chiến thắng?

Bret Baier, người dẫn chương trình mục chính trị của Fox News, và Catherine Whitney đã ghi lại hành trình của Reagan trong cuốn sách:  ‘Ba ngày ở Moscow: Ronald Reagan và sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô’. Phần lớn cuốn sách viết viết về tiểu sử của Ronald Reagan, đồng thời tập trung vào mối tương tác giữa ông với Mikhail Gorbachev nhằm chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Baier mở đầu bằng hình ảnh về thị trấn nhỏ nơi Reagan lớn lên, cùng với tinh thần lạc quan của người mẹ có người chồng suốt ngày say xỉn. Việc kết hôn và lập nghiệp sớm cùng kinh nghiệm sống đã giúp Reagan có được lập trường vững chắc chống chủ nghĩa cộng sản.
Sau đó, Baier bàn luận về con đường chính thức bước vào chính trị của Reagan. Một tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 diễn ra, Reagan đã có bài diễn văn trước đối thủ Barry Goldwater, sau này được đặt tên là  “Thời điểm lựa chọn”. Trong đó, ông đã nói về lý tưởng của Cách mạng Mỹ: Có một chính phủ tự trị còn hơn là để cho giới trí thức tinh hoa từ một thủ đô xa xôi cai trị đất nước Mỹ. Bài diễn văn của ông ấy đã thu hút sự chú ý của cả nước như một lời kêu gọi vận động ôn hòa.
Thành công của Reagan xuất phát từ thực tế rằng ông là người có khả năng truyền đạt tuyệt vời, và quan trọng hơn hết, là một người chân thật: Ông ấy không hề diễn.
Sau khi tạo lập được mạng lưới người ủng hộ, ông được bầu làm Thống đốc bang California vào năm 1966, và được bầu lại vào năm 1970, nhưng lại không thành công trong cuộc đua tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 1968 và 1976. Đến năm 1980, ông mới đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ và giữ vị trí này từ năm 1981 đến 1989. 
Phần còn lại, cuốn sách tập trung vào mối quan hệ của Tổng thống Reagan với Liên Xô cũ. Reagan tin chắc rằng cộng sản và dân chủ không thể cùng tồn tại. Vì lý do này, ông đã sử dụng lối nói công kích khá gay gắt trong các bài phát biểu của mình, chẳng hạn như gọi Liên Xô cũ là một đế chế tà ác. Ông ủng hộ các nhóm chống lại cộng sản trên khắp thế giới, xây dựng quân đội Mỹ và khởi xướng ra “Sáng kiến ​​phòng thủ chiến lược” (SDI), một hệ thống tên lửa chống đạn đạo tinh vi để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ nước  ngoài.
Năm 1985, sau lễ nhậm chức lần thứ hai của Reagan, Cộng hòa Liên bang Xô Viết đón chào một vị lãnh đạo mới giàu nhiệt huyết: Gorbachev. Gorbachev nhận ra rằng đất nước của ông đang sụp đổ và cần cải cách kinh tế, cắt giảm quân sự và cải biến các mối quan hệ ngoại giao quốc tế. Đây chính là thời điểm của các cuộc hội nghị cấp cao.
Xô Viết sụp đổ, Reagan, Gorbachev, Đảng Cộng sản,
Tổng thống Mỹ Reagan (trái) và Tổng bí thư Xô Viết Gorbachev tại cuộc họp đầu tiên của họ trong Phòng Bầu dục ngày 8/12/1987. (Ảnh: Chính phủ Mỹ)
Baier đã hòa trộn sự cuốn hút hào hứng vào với căng thẳng và lo sợ khi miêu tả cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo.Reagan và Gorbachev gặp nhau lần đầu tiên tại Geneva vào tháng 11/1985, và trong ba năm tiếp theo, mặc dù có nhiều khác biệt về tư tưởng nhưng cả hai đều tìm được tiếng nói chung với tư cách cá nhân lẫn trong ngoại giao thông qua nhiều lần gặp gỡ. Họ đều muốn chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang.
Vào tháng 6/1987, tại Cổng Brandenburg, Reagan đã có một bài phát biểu hùng hồn bên cạnh bức tường Đông Berlin. Và từ chính bản thân mình, ông đã thốt lên những câu nói ấn tượng và không thể nào quên: “Ngài Gorbachev, hãy phá hủy bức tường này”.
Năm tiếp theo tại Moscow, cuộc họp cấp cao lần thứ tư diễn ra, Reagan có cơ hội diễn thuyết trước các sinh viên tại Đại học Quốc gia Moscow. Trong bài diễn văn đầy cảm hứng của mình, ông kêu gọi các sinh viên quên đi những mâu thuẫn bất hòa đã khiến họ phản đối các nguyên tắc dân chủ. Ông nói: “Vào thời điểm mà hơi thở đầu tiên của tự do khuấy động bầu không khí, và nhịp đập con tim hòa vào thanh âm hy vọng đang dồn dập, cũng chính là lúc những khối năng lượng tinh thần bị dồn nén trong những ngày dài câm lặng khát khao được giải phóng”.
Vào ngày 10/11/1989, một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Chiến tranh Lạnh đã sụp đổ: Bức tường Berlin.  
Mặc dù đã lập nên thành công lớn, Reagan không phải loại người tìm kiếm sự vinh quang. Tại một cuộc họp báo ở Moscow năm 1988, vào năm cuối cùng còn tại vị, ông tự ví mình như một  trợ thủ của Gorbachev.
Mikhail Gorbachev đã giành giải Nobel Hòa bình năm 1990 (không được đề cập trong cuốn sách) vì thành tựu chấm dứt tình trạng căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng sau khi đọc các thông tin của Baier, người ta lấy làm khó tin được rằng Ronald Reagan đã không được chia sẻ giải thưởng này. Margaret Thatcher ủng hộ quan điểm này khi cho rằng: “Ronald Reagan đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh mà không cần bắn một phát đạn nào”.
Năm 1988, tại phòng Bầu Dục, trên bàn làm việc của Reagan có đặt một tấm biển nhỏ với dòng chữ: “Không có giới hạn nào về việc mà một người đàn ông sẽ làm, cũng như nơi mà anh ta sẽ đi nếu như anh ta chẳng phiền lòng khi ai đó được vinh danh”, những ngôn từ bất hủ và một người đàn ông đáng để học tập.
>>> Những cải cách của Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev và một hệ tư tưởng thất bại
Tác giả Linda Wiegenfeld
An Nhiên, theo Epoch Times

Không có nhận xét nào: