-
Bị “điểm danh” đến hơn 20 lần trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm của Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) dần được phơi bày, đồng thời hé lộ ra những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thua lỗ trầm trọng, nợ nần chồng chất lên tới hơn 100.000 tỷ đồng của “quả đấm thép”. Suy cho cùng, gốc rễ dẫn đến tình trạng bết bát của TKV là gì? Phải chăng chính là ở những người đứng đầu đã tùy tiện ký kết những khoản đầu tư trái phép, sử dụng ngân sách vô tội vạ, cố tình khai khống hòng lẩn vốn vào túi riêng?
TKV lần đầu tiên “đấm vào mặt dân” chính là khoản nợ ngập đầu lên tới 100.344 tỷ đồng được Thanh tra Bộ Tài chính công bố hồi tháng 4/2017. Đầu tư không hiệu quả và sa lầy ở các dự án lớn là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thua lỗ ở TKV những năm qua. Trong đó, điệp khúc đội vốn, chậm tiến độ cũng diễn ra nhan nhản tại các dự án lớn của TKV.
Nổi bật là dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm, tổng mức đầu tư ban đầu 2.768 tỷ đồng, điều chỉnh tăng 2 lần lên 5.345 tỷ đồng, chậm tiến độ 5 năm; Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai tổng mức đầu tư phê duyệt là 1.499 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 1.955 tỷ đồng, hiện tạm dừng; Tổ hợp bauxit – nhôm Lâm Đồng có tổng mức đầu tư theo phê duyệt là 7.787,5 tỷ đồng, qua 4 lần điều chỉnh lên gần gấp đôi 15.414,4 tỷ đồng, sau 3 năm hoạt động thua lỗ khoảng 3.696 tỷ đồng…
Chậm tiến độ, đội vốn chưa phải là tất cả màu xám của bức tranh kinh tế bết bát tại TKV. Ở một góc khác, hàng loạt công ty khoáng sản con cũng đang rơi vào vòng xoáy thua lỗ chưa lối thoát: Tổng công ty Điện lực – Vinacomin lỗ hơn 828 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng; Công ty cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV lỗ 115 tỷ đồng; Công ty đóng tàu Sông Ninh – Vinacomin lỗ 90 tỷ đồng; Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài – Vinacomin lỗ gần 70 tỷ đồng…
Lần thứ hai dân hứng chịu cú đấm của quả đấm thép TKV chính là khi Thanh tra chính phủ phát hiện sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của TKV lên tới 15.000 tỷ đồng và 6,7 triệu m2 nhà, đất sai phạm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ: Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc TKV đã vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền… dẫn đến thua lỗ và mất những khoản tiền cực lớn, như: Công ty Công nghiệp Kẽm Việt Thái lỗ hơn 297 tỷ đồng, Công ty Cromit Cổ Định (Thanh Hóa) lỗ hơn 113 tỷ đồng, một loạt công ty khác do sự chỉ đạo tài tình của lãnh đạo TKV lỗ mất hơn 380 tỷ đồng..
Một vài công ty lỗ lặt vặt từ mấy chục đến 100 tỷ, không tiện trích vì nhiều quá. Thêm một loạt sai phạm khác từ điều hành chỉ đạo góp vốn kinh doanh vào các công ty con khiến TKV thiệt hại thêm gần 10.000 tỷ đồng. Siêu nhân hơn, TKV đã tính toán, nghiệm thu thanh toán khối lượng chuyển đất, đá nổ mìn thiếu cơ sở pháp lý , làm tăng đơn giá… lên đến hơn 4.597 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TKV (Thanh tra Chính phủ kết luận là tính toán sai thuế, nhưng có khả năng là cố tình trốn thuế) hạch toán sai, chênh lệch giá bán áng gần 1.500 tỷ đồng. Một số khoản đầu tư ra nước ngoài dẫn đến lỗ, mất vốn hơn 380 tỷ đồng, tại các dự án Công ty liên doanh Stung Trenng, Công ty liên doanh Alumia (Campuchia), Công ty TNHH Vinacomin, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)…
Để tích lũy được khoản lỗ khủng như vậy, cũng phải kể đến công thức kinh doanh hết sức kỳ lạ, đi ngược quy luật kinh tế thị trường của TKV: đào tài nguyên khoáng sản lên bán nhưng vẫn kêu lỗ, than xuất cho Trung Quốc có giá rẻ bèo nhưng lại nhập ngược lại than từ phía Trung Quốc với giá trên trời.
Trung Quốc đang mua đến 85% tổng lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu của VN. Đáng lưu ý là trong khi xuất khẩu quặng và khoáng sản trong năm của VN có giá trung bình khoảng 38 USD/tấn, thì giá xuất khẩu cùng mặt hàng này sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 23 USD/tấn, tương đương 60% mức giá bình quân. Việc bán khoáng sản sang Trung Quốc giá rẻ đã khiến trị giá kim ngạch nhóm hàng này giảm mạnh mặc dù sản lượng khai thác vẫn tăng. Năm 2017, VN khai thác quặng và khoáng sản tăng 2,5 triệu tấn (tăng gần 130%), nhưng tổng trị giá kim ngạch thu về chỉ tăng 27 triệu USD (tăng gần 20%).
Về vấn đề này, tự hỏi tại sao TKV không có chính sách ép giá ngược lại với TQ? Nếu anh trả tôi quá rẻ tôi không bán cho anh nữa. Hiện TQ vẫn đang cần một lượng lớn khoáng sản từ VN và đây là thị trường mua khoáng sản thô quan trọng của TQ. TKV hà cớ gì phải lựa chọn “chơi với TQ” để bị ép giá đến như vậy?
Mặc dù ngập ngụa trong đống nợ nhưng TKV không từ bỏ ý định “vung tiền qua cửa sổ”, đầu tư vào những thứ “nằm ngoài chi phí kinh doanh”. TKV đã xây 2 trụ sở làm việc tại Hà Nội và Quảng Ninh. Dự án trụ sở tại Hà Nội, có tổng mức đầu tư 3.771 tỷ đồng và Trụ sở tại Quảng Ninh, có tổng mức đầu tư 964,7 tỷ đồng. Những công trình này mang lợi gì cho hoạt động kinh doanh của TKV và nền kinh tế nước nhà? Hay nó tạo điều kiện để một số lãnh đạo TKV có cơ hội đút túi riêng những khoản tiền “không được công khai trên giấy”?
Còn quá nhiều sai phạm của TKV và các công ty thành viên mà khó có thể nào liệt kê ra hết vì quá nhiều, từ đơn vị khai thác khoáng sản cho đến dịch vụ vận tải, giá điện…. đụng đâu cũng sai, sai khiến hao hụt vào trăm tỷ là chuyện hết sức bình thường.
Vậy, trách nhiệm giám sát, cảnh báo của các cơ quan chức năng ở đâu? Bộ, ngành nào cũng lập cơ quan chuyên trách về nhiệm vụ này nhưng chẳng thấy vai trò gì cả. Khi đổ bể rồi thì trách nhiệm cũng rất mơ hồ.
Không thể để các “quả đấm thép” đấm thủng ngân sách mãi được, nhất là khi Đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thì phải mạnh dạn thay đổi tư duy về vai trò giữa các thành phần/khu vực kinh tế, phải mạnh mẽ cắt bỏ đặc quyền đặc lợi của khối doanh nghiệp nhà nước để chuyển dần sang các khu vực khác làm ăn hiệu quả hơn. Người đứng đầu đơn vị nhà nước nếu 6 tháng đến 1 năm không hiệu quả thì thay ngay, không cần phải chờ đến sau 2 năm, lúc ấy thì doanh nghiệp tan nát cả rồi.
Mắc sai phạm “Cố ý làm trái…” thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều đó đã rõ. Nhưng điều đáng nói là tiếp sau vụ án, những khoản tiền thất thoát khổng lồ ấy hầu như mất hẳn. Rốt cuộc, ai phá được cứ phá, trời mưa – đất chịu, đã có nhà nước và người Dân nai lưng ra gánh thay.
Đặc biệt, sau Hội nghị Trung ương 7 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra nghị quyết về chọn lựa cán bộ cấp chiến lược đủ đức đủ tài, xứng tầm nhiệm vụ, kiểm soát quyền lực,… Vậy thì hãy mau mau áp vào ban lãnh đạo đứng đầu TKV, không thể tiếp tục để những vị không có tài, không có đức ngồi hưởng lương cao nhưng lại làm không đúng trách nhiệm, dẫn đến tình trang thua lỗ nặng nề tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo cho được. Nếu cứ tiếp tục, tình trạng “trào lưu” sai phạm kinh tế gây thất thoát nghìn tỷ sẽ không bao giờ có dấu hiệu dừng lại, và rồi sẽ chẳng có của công nào chịu nổi, ngân sách cho dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khô cạn, nền kinh tế cứ thế mãi lao dốc mà thôi.
(Vietnamnet/ Dân Trí/ VnExress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét