Tổng Bí thư: Kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm
TPO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.
Chiều 17/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đoàn Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Phan Văn Độ đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5 vừa qua, đặc biệt sự đổi mới phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn. Cử tri mong muốn mỗi ĐBQH cần phát huy tinh thần trách nhiệm không chỉ trong nghị trường, cụ thể là cần gắn trách nhiệm của người đại diện trong việc giám sát các vấn đề ngay tại địa bàn ứng cử.
Đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, cử tri Hà Minh Thông cho rằng, cuộc đấu tranh này còn vô cùng cam go. Ông đề nghị Đảng, Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng tinh thần chống tham nhũng “không có vùng cấm”.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm các nội dung được cử tri quan tâm về nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề kê khai tài sản. Theo Tổng Bí thư, đây là những vấn đề không chỉ cử tri Cầu Giấy mà cử tri ở nhiều nơi đều dành sự quan tâm đặc biệt, nêu ra ở hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri.
Tổng Bí thư đồng tình với quan điểm cho rằng, phải coi công cuộc phòng chống tham nhũng giống như cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”, phải phát động toàn dân tham gia và phải làm quyết liệt hơn nữa để thu hồi được tài sản. Bên cạnh đó, vấn đề kê khai tài sản cũng phải quyết tâm làm và đặc biệt phải công khai kết quả.
Tổng Bí thư cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, trong đó tập trung vào nội dung khó đó như mở rộng phạm vi chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước và đã nhận được sự tán thành cao của ĐBQH.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân. Tổng Bí thư mong muốn cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện được luật này và sớm được Quốc hội thông qua.
Liên quan đến vấn đề đặc khu mà cử tri quan tâm, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh, trên thế giới nhiều nước đã có đặc khu kinh tế, và chủ trương này chúng ta đã từng nghiên cứu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tổng Bí thư cho rằng, đặc khu kinh tế phải phát huy được tất cả các lợi thế của đất nước, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách dựa trên nguyên tắc độc lập, chủ quyền chứ “không phải người ta ào vào chiếm hết cả đất của mình”.
“Chúng ta có thể yên tâm, vấn đề này phải được làm một cách chặt chẽ, chín chắn”, Tổng Bí thư khẳng định.
LUÂN DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét