20/06/2018
Biên dịch: Việt Xuân
Lời người dịch: Một nhóm tác giả Phần Lan vừa công bố chùm bài điều tra gồm 4 phần về quá trình “thôn tính” châu Âu của Trung Quốc trên trang mạng của YLE (cơ quan phát thanh truyền hình quốc gia Phần Lan). Cụ thể, loạt phóng sự chỉ ra những phương thức mà Trung Quốc đã và đang tiến hành ở châu Âu nhằm thâu tóm kinh tế châu lục này. Chuỗi bài gồm các phầnTrung Quốc thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ, Đồng tiền Trung Quốc đã đánh hơi sự thành công, Trung Quốc trên những mảnh đất hoang tàn của Hy Lạp, và Cảnh quan quốc gia hay phông nền của người Trung Quốc? Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu chuỗi phóng sự này tới độc giả Nghiên cứu Quốc tế.
Bài 1: Trung Quốc thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ[1]
Khách du lịch yêu thích rượu đi lại nhộn nhịp trên đường phố cổ kính của thị trấn nhỏ Saint-Émilion. Cô gái trẻ Trung Quốc gần như đánh rơi que kem xuống đất khi có người hỏi cô nghe tên diễn viên Triệu Vi không?
“Dĩ nhiên rồi, ở Trung Quốc ai mà chẳng biết đến cô ấy! Trang trại nho của cô ấy có thật ở gần đây không?” Một người phụ nữ họ Vương hỏi.
Triệu Vi là một ngôi sao điện ảnh, người mẫu và ca sĩ nhạc pop 42 tuổi – người được trả thù lao cao nhất ở Trung Quốc.
Ngoài điện ảnh và âm nhạc, Triệu Vi còn có niềm đam mê thứ ba là rượu Pháp. Năm 2011 cô thực hiện được niềm mơ ước của mình và mua một trang trại rộng 7 hecta ở vùng rượu nổi tiếng Saint-Émilion miền tây nam nước Pháp.
“Khi nhìn thấy trang trại này cô Triệu nhận ra ngay đây chính là trang trại trồng nho mà cô ao ước. Trước đó chúng tôi đã đi xem hàng trăm trang trại nho”, Sue Zhang – người đại diện ở Pháp của Triệu Vi cho biết.
Cô Zhang đón khách đến thăm lâu đài cổ hơn 400 năm tuổi. Trên cổng lâu đài có treo cờ Pháp, Trung Quốc và EU. Chủ nhân tòa lâu đài không có mặt vì đang bận việc ở châu Á, nhưng hàng ngày vẫn theo dõi tình hình diễn ra ở lâu đài. Sếp của tôi luôn bảo: “Rượu là một nghệ thuật. Cô ấy đã nếm đủ các loại rượu trên khắp thế giới, nhưng cô thích nhất là rượu ở Saint-Émilion. Đích mà cô hướng tới là sản xuất được một loại rượu tốt nhất không đếm xỉa đến kinh phí”, cô Zhang kể. Vì vậy, lâu đài Château Monlot nằm trong vùng đất được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới đã được sửa chữa lại từ hầm rượu cho đến mái. Một trong những chuyên gia giỏi nhất về loại nho Merlot đã được thuê tới làm việc ở đây.
Những mùa rượu đầu tiên vừa được đem ra thị trường và các tiệm ăn nổi tiếng của Pháp đã đặt hàng. Rượu này cũng nhận được nhiều lời ngợi khen cả từ người Pháp. Đây là điều đặc biệt đối với trang trại có chủ sở hữu là người Trung Quốc, bởi vì thông thường rượu của người Trung Quốc sản xuất tại Pháp được chuyển về Trung Quốc cho những bàn tiệc của những người trung lưu đang ngày một nhiều thêm ở nước này. Hiện nay 1/10 dân số Trung Quốc, tức là khoảng hơn 100 triệu người, uống rượu hàng ngày.
Cho đến nay người Trung Quốc đã mua tất cả 140 trang trại nho ở vùng Bordeaux này. Chúng ta chưa có thể nói con số này là lớn vì nó chỉ chiếm 3% diện tích đất trồng nho ở đây. Những nơi khác trên đất Pháp việc mua đất của người Trung Quốc không hiếm. Thế nhưng người Trung Quốc không chỉ muốn sở hữu những chùm nho ngon ngọt trên đất Pháp mà hiện tượng mới hơn và gây tranh cãi nhiều hơn là mục đích mua đất của người Trung Quốc trong những năm gần đây.
Tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua hàng ngàn hecta đất canh tác. Gần đây nhất là cuối năm ngoái, một thương gia Trung Quốc đã mua gần 900 hecta đất trồng trọt ở vùng Allien, miền trung nước Pháp. Ông ta trả 10 triệu euro cho thương vụ đó. Vị thương gia này là đại diện cho công ty đa ngành Reward Group. Thông tin này đã khiến người dân địa phương bức xúc. Không ai hiểu được vì sao người Trung Quốc lại muốn mua đất ở vùng quê yên bình của họ, ngay cả vị thị trưởng.
“Không biết họ định làm gì ở đây? Những người chủ mới này có định trồng trọt hay không và nếu có thì đến mức độ nào? Hay họ định thay đổi gen?”, thị trưởng Daniel Marchand đã bày tỏ sự bức xúc khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 2.
Công ty khổng lồ Trung Quốc này trước đây cũng đã mua nhiều đất ở miền trung nước Pháp. Cho tới nay, họ đã là chủ nhân của tất cả khoảng 3.000 hecta đất canh tác ở Pháp, tức khoảng 1/5 diện tích của Helsinki. Vấn đề không phải là việc sở hữu đất quá lớn. Nhưng Reward Group không phải là công ty duy nhất muốn sở hữu đất canh tác ở Pháp. Tờ báo kinh tế Challengescho biết một công ty lớn khác của Trung Quốc hình như cũng đang xúc tiến những thương vụ mua đất tương tự ở Pháp.
Theo tin từ báo này, một công ty đang được giấu tên có lẽ đã thuê một văn phòng luật tại Paris đứng ra thương thảo về việc mua những cánh đồng trồng yến mạch ở vùng Beauce, phía nam Paris.
Người dân ở những nơi khác cũng thấy khó hiểu: tại sao người Trung Quốc lại mua đất canh tác đắt đỏ cách xứ sở họ hàng ngàn cây số? Chẳng lẽ ngoài vang Bordeaux họ còn muốn đem cả bánh mỳ Pháp về Trung Quốc?
Tỉ phú Hu Keqin đang có những dự định rất lớn. Ông ta muốn dân tộc vốn chỉ quen với gạo và mì làm bạn với bánh mì Pháp vỏ giòn. Tỉ phú này chính là người lãnh đạo và giữ cổ phần của tập đoàn Reward Group đã mua hàng ngàn hecta đất nói đến ở trên. Trong vòng 5 năm tới ông ta sẽ khai trương đến 1.500 xưởng bánh mỳ trên khắp Trung Quốc, nơi người ta sẽ bán bánh mỳ được làm từ ngũ cốc Pháp.
“Chúng tôi muốn bánh mỳ Pháp chiếm lĩnh Trung Quốc. Sức mua sẽ khổng lồ. Tôi tin rằng thế hệ sinh ra từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới sẽ thích bánh mỳ của chúng tôi”. Ông Hu Keqin chia sẻ khi trả lời phỏng vấn hãng AFP.
Ở Trung Quốc, Pháp là thương hiệu được tin cậy. Reward Group đã quảng cáo ở Trung Quốc rằng họ bán các sản phẩm được làm ra từ ngũ cốc của Pháp. Họ hy vọng quảng cáo này có sức hấp dẫn người Trung Quốc vốn rất sợ hãi lương thực, thực phẩm giả nội địa. Tập đoàn này tin tưởng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Pháp về Trung Quốc là rất triển vọng về kinh tế vì ngoài thương hiệu ra nó còn đảm bảo khâu an toàn. Reward Group đã hợp tác với một công ty ở Pháp nhằm tiếp thu quá trình sản xuất và công nghệ của Pháp về an toàn thực phẩm.
Đối với Hu Keqin, những thương vụ mua đất này là việc kinh doanh, nhưng với Trung Quốc nó là chiến lược. Thông qua các thương vụ này Trung Quốc muốn bảo đảm lương thực cho công dân của họ trong tương lai.
Hiện nay Trung Quốc có 1,4 tỉ dân, tức 20% dân số thế giới. Nhưng quốc gia này chỉ sở hữu 10% đất canh tác của thế giới. Tương lai tỉ lệ này sẽ giảm đi vì dân số tăng lên trong khi đất canh tác sẽ bị đô thị hóa.
Trung Quốc đang tính rằng nên mua đất canh tác ngay từ bây giờ, vì theo họ trong tương lai việc mua đất sẽ khó khăn hơn. Dân số trên trái đất tăng lên không ngừng cùng với hiện tượng sa mạc hóa do trái đất nóng dần lên và môi trường bị hủy hoại.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà Trung Quốc mua đất. Họ còn mua ở nhiều nơi khác như Ukraine, Bulgaria. Ngoài châu Âu, người Trung Quốc còn mua hoặc thuê đất canh tác, nhất là ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Ở Australia, những thương vụ Trung Quốc mua đất đã gây nên nhiều lo ngại, vì vậy năm 2015 nước này đã thắt chặt quy định mua đất đối với người nước ngoài.
Ngoài đất canh tác, Trung Quốc còn quan tâm đến những vị trí mang tính chiến lược của châu Âu. Nhiều mạng lưới điện, sân bay, hải cảng đã được mua hay cố mua bằng tiền của Trung Quốc. Vụ mua bán nổi tiếng nhất có lẽ là việc mua hải cảng Pireus của Hy Lạp, quốc gia chìm trong khủng khoảng kinh tế. Ngoài ra Tập đoàn vận tải biển Cosco của nhà nước Trung Quốc còn sở hữu hải cảng Zeebrugge của Bỉ, có đa số cổ phần trong các cảng Valencia và Bilbao của Tây Ban Nha.
Tiền Trung Quốc được đầu tư vào các mạng lưới điện ở Bồ Đào Nha và Italia. Người Trung Quốc cũng có đa số cổ phần ở sân bay Hahn (Frankfurt).
Ở Pháp, Trung Quốc đầu tư vào các chuỗi khách sạn và thời trang, các câu lạc bộ bóng đá và vào các hải cảng và sân bay. Công ty China Merchants Holdings đã sở hữu 49,9% sân bay Toulouse và 49% ở cảng hàng hóa Terminal Link (Marseille). Người Trung Quốc cũng mua đất ở gần sân bay Châteauroux, miền trung nước Pháp.
Phần của người Trung Quốc trong vốn đầu tư của nước ngoài vào Pháp hiện chỉ chiếm 2%, song giờ đây nó đang tăng từng ngày. Reward Group đã từng mua đất ở miền trung nước Pháp là một công ty tư nhân. Nhưng khi mua đất canh tác nó đã thực hiện chiến lược mang tính quốc gia của Trung Quốc.
Giới truyền thông Pháp đã cố gắng săn lùng thông tin về công ty này và mục đích của họ khi thực hiện việc mua đất. Kênh truyền hình France 2 đã phỏng vấn doanh nhân Christophe Dequidt, người đã từng gặp tỉ phú Hu Keqin ở Trung Quốc trước đây. Dequidt cho biết khi đó Hu có nói mình đang làm việc vì lợi ích quốc gia.
“Hu Keqin kể rằng ông được lệnh rời vị trí là một vị tướng trong quân đội sang lãnh đạo một công ty công nghiệp và nhiệm vụ của ông là chiếm lĩnh thế giới.” Dequit nói trong cuộc phỏng vấn.
Không chỉ người Trung Quốc, mà người các nước như khác Anh và Hà Lan cũng mua khá nhiều đất canh tác của Pháp. Nhưng theo suy nghĩ của người Pháp, người Trung Quốc đáng sợ hơn người nước khác. Các tổ chức công đoàn của những người trồng trọt coi việc làm của doanh nhân Hu Keqin là việc cướp đất dưới vỏ bọc mua đất. Trên nguyên tắc, chính phủ Pháp có khả năng ngăn chặn việc bán đất canh tác cho người nước ngoài. Công ty Safe – một công ty phi lợi nhuận do các nhà trồng trọt và nhà nước cùng sở hữu, phụ trách việc cân đối việc mua đất trồng trọt có quyền mua trước tất cả các khu đất canh tác. Người ta sử dụng quyền này vào việc mua từng phần đất mà không mua toàn thể.
Nhưng lỗ hổng này đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc lợi dụng: ví dụ Tập đoàn Reward của ông Hu Keqin đã mua 900 hecta đất ở vùng Allier bằng cách mua các phần nhỏ ở những vị trí khác nhau và chỉ mua 98%.
Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận thấy cần phải lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề mua bán đất này. Ông đã đưa ra chính sách nghiêm ngặt hơn đối với những người tiền nhiệm trong việc mua đất của người Trung Quốc.
“Chúng ta không thể cho quốc gia khác mua hàng trăm, hàng ngàn hecta đất, nhất là khi chúng ta không biết rõ mục đích sử dụng đất này của họ.” Ông Macron đã nói như vậy với những người làm nông trẻ của Pháp vào tháng 2/2018 vừa qua.
Emmanuel Macron hứa sẽ thắt chặt quy định liên quan đến việc mua bán đất. Theo Tổng thống điều đó là cần thiết, bởi vì sự đầu tư này có tính chiến lược, liên quan đến chủ quyền của nước Pháp. Bức tranh đe dọa thực phẩm trong nước đã gây ra những phản ứng mạnh ở nước Pháp. Ngoài ra, gần đây nước Pháp cũng đã thức tỉnh để bảo vệ những vị trí mang tính chiến lược của mình.
Tháng 2/2018 vừa qua, chính phủ Macron đã ngăn ngừa một công ty Trung Quốc mua đa số cổ phần của sân bay Toulouse, bởi vì sân bay này có tầm quan trọng chiến lược đối với nước Pháp, nhất là đối với ngành công nghiệp sản xuất máy bay Airbus.
Là một nước lớn trong EU, Pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ nền kinh tế của nước mình. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1/2018, ông Macron lên tiếng về sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đang chuẩn bị và thúc đẩy. Mục tiêu của dự án này là tạo ra những con đường thương mại mới và kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng, Trung cận Đông, châu Phi và châu Âu. Nhưng phương Tây nghi ngờ rằng ý tưởng này là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Chúng ta xây dựng đường sá để kết nối chứ không thể chỉ nhằm một hướng,” ông Marcon nói. Phát biểu này được hiểu nó ám chỉ rằng thương mại giữa EU và Trung Quốc quá chênh lệch. Theo ông Marcon, những kế hoạch này của Trung Quốc đòi hỏi các nước châu Âu có sự đồng thuận mạnh hơn.
“Trong quan hệ với Trung Quốc, châu Âu đã bị chia rẽ quá lớn. Trung Quốc sẽ không coi trọng những phần đất mà ai đó để hở”, ông Marcon nói.
Pháp và Đức có cách nhìn khác với các nước nhỏ khác của EU trong việc phản ứng như thế nào với đầu tư từ Trung Quốc. Không chỉ các nước Đông, Trung Âu mà các nước Bắc Âu, trong đó có Phần Lan cho rằng không nên cân nhắc việc đầu tư này trên phạm vi toàn EU.
Dư âm về người Trung Quốc ở Pháp, ngay cả vùng rượu nho Bordeaux, mấy năm trước đây đã rất xấu. Khi đó người ta nghĩ rằng người Trung Quốc gom các trang trại nho ở Pháp vì tiền và vị thế của chúng chứ không để ý đến truyền thống cũng như chất lượng của nho và rượu nơi đây. Những suy nghĩ này có cơ sở vì người Trung Quốc đã bỏ mặc nhiều trang trại mà họ mua khi thiếu hiểu biết hoặc không quan tâm lâu dài tới việc sản xuất.
Theo cách nhìn của người Pháp, điều này không chỉ gây bức xúc mà còn rất nguy hiểm. Những trang trại nho ở Bordeaux là một phần di sản văn hóa của Pháp và thật đáng xấu hổ khi những trang trại này lọt vào tay những trọc phú không tên tuổi.
Ngay từ khi đó người Pháp đã cân nhắc tới việc có nên thắt chặt quy định về việc mua bán đất hay không để hạn chế sự hiện diện của người nước ngoài trên các mảnh đất canh tác của họ.
Tuy nhiên, bây giờ cách nhìn này đã thay đổi. Địa vị của những người mua đất Trung Quốc đã được cải thiện. Đó là ý kiến của nhà văn Laurence Lemaire, một chuyên gia về rượu và là người rất am hiểu về Trung Quốc.
Theo Lemaire, ngày nay những người mua trang trại nho ở Pháp là những người giàu có, yêu thích rượu kiểu như diễn viên Triệu Vi, còn nếu không là những trọc phú mua rồi để lại cho người Pháp quản lý. “Tiếng tăm của những người sản xuất rượu Trung Quốc đã được cải thiện. Những người chủ mới đã coi trọng việc sản xuất và tiền của họ là sự giải cứu với nhiều trang trại”, Leimaire nói.
Những năm gần đây, các trang trại nho ở Pháp không phải là những đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
Rượu Bordeaux được sản xuất theo phương pháp truyền thống và nho của vùng này rất nhạy cảm đối với thay đổi của thời tiết. Những đêm sương giá của mùa xuân năm trước cũng như những trận mưa đá của mùa xuân năm nay đã hủy hoại hết những cánh đồng nho. Sản lượng nho thu được ở Bordeaux thấp kỉ lục.
Vậy nên các trang trại nho được rao bán rất nhiều và không phải trang trại nào cũng có người mua từ Pháp hay châu Âu. Đối với những người Pháp đang vật lộn với khó khăn trong chính sách thuế thừa kế và chi phí cao khác thì đồng tiền của Trung Quốc được chào đón.
Cách đây vài tháng rất nhiều doanh nhân và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã được mời đến dự khai trương trang trại rượu vừa được khôi phục lại của Triệu Vi ở Château Monlot, trong đó có cả ca sĩ Sting cũng đến biểu diễn. Dân địa phương cũng được tham dự. Những người chủ sở hữu mới của các trang trại kể rằng có mấy người Pháp đến nắm tay họ và cảm ơn họ đã giải cứu trang trại.
Cho tới lúc này Triệu Vi được biết đến nhiều nhất trên thế giới là vai diễn trong bộ phim đắt nhất của châu Á do Ngô Vũ Sâm đạo diễn, có tên Đại chiến Xích Bích.
Nhưng hiện giờ Triệu Vi lại nổi tiếng ở Pháp trong giới say mê rượu vang.
—————-
[1] Nguyên bản tiếng Phần Lan: “Kiina ostaa Eurooppaa pala kerrallaan” của Annastiina Heikkilä, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét