Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Khi báo chí không được nói thật

Bởi
 AdminTD
 -

Nguyễn Đình Ấm
18-6-2018
1/ Báo quốc doanh ngày càng tha hóa
Thời gian qua, báo chí quốc doanh bị phê phán dữ dội, ngay cả ông Nguyễn Hữu Thọ cỡ “cây đa, cây đề”, khi sắp qua đời còn phê phán gay gắt đạo đức sa đọa một bộ phận lớn giới làm báo quốc doanh. Đã có cơ man văn bản, phát biểu của lãnh đạo các cấp khuyên nhủ người làm báo phải nâng cao đạo đức, học tập thế nọ, thế kia… nhưng đạo đức người làm báo ngày càng tệ hại.
Các vụ bảo kê, tống tiền, “đi đêm, đâm thuê, chém mướn” ngày càng nhiều, táo tợn. Những vụ “đánh hội đồng” nước mắm truyền thống, ba nhà báo của báo Kinh doanh và pháp luật bị bắt ở Hải Phòng do tống tiền, vụ nhà báo Duy Phong của báo Giáo dục VN bị bắt ở Yên Bái xử tù, hai nhà báo Nguyễn Thế Thắng công tác tại đài tiếng nói VN (VOV), Phạm Lê Hoàng Uyển ở tạp chí Hướng nghiệp và Hòa Nhập cũng do “tiền”.
Vừa qua hàng loạt tờ báo nịnh lãnh đạo thành phố Hà Nội còn a dua với tham nhũng, vu cáo dân Đồng Tâm nay “trơ mắt ếch” trước sự thật… Những vụ đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Tướng công an Hữu Ước, cựu tổng biên tập báo Công an, Phó Tổng cục Xây dựng lực lượng ngành công an, quyền uy như thế, cũng thừa nhận “biết cấp dưới tiêu cực nhưng xử lý rất khó”. Báo CAND được hưởng ngân sách, độc quyền nguồn thông tin an ninh, trật tự… lượng phát hành khổng lồ, đài truyền hình VTV giàu có như thế mà phóng viên còn “tiêu cực” thì nhiều tờ báo khó khăn hơn sẽ như thế nào?
Biếm họa về báo “Lề Phải” của Kỳ Văn Cục.
Làm báo cũng là một nghề, tức làm để lấy cái ăn, nhà báo cũng là con người có mọi nhu cầu cuộc sống. Nghề của nhà báo là sưu tầm, khai thác tư liệu, thông tin, sự kiện có thật… đăng công khai một cách sớm nhất để độc giả xem, đọc. Càng nhiều khán, độc giả đọc, xem, càng khai thác được nhiều quảng cáo thì thu nhập càng cao và ngược lại. Tức là tờ báo càng hấp dẫn thì càng có lợi. Mà tờ báo muốn hấp dẫn bạn đọc, thì ngoài tin, bài phong phú, kịp thời phải bảo đảm tính chân thật, chính xác cao. Không ai muốn bỏ tiền, thời gian ra để quan tâm những tin tức, sự kiện không chân thật, xuyên tạc sự thật.
Hiện nay ngoài các tờ báo đảng CSVN như báo Nhân dân, VTV, VOV, quân đội, công an, báo đảng các tỉnh được nuôi bằng ngân sách, thì đa số các tờ báo còn lại đều phải tự kiếm tiền nuôi sống tờ báo và CBNV. Phải tự làm, tự ăn nhưng các tờ báo này lại không được đăng toàn bộ sự thật, yếu tố quyết định tạo nên sự hấp dẫn của tờ báo.
Các nhà báo từ khi học ở trường đã được dạy “tính chân thật của báo chí cách mạng” là sự thật đó phải “phù hợp với đường lối, quan điểm của đảng”, tức nó phải có lợi cho đảng thì mới là sự thật và mới được đăng. Thế nên báo chí “cách mạng” không hề đả động đến những sự kiện cực kỳ quan trọng nhưng đảng cần giữ kín như: Hàng ngàn dân thủ đô biểu tình rầm rộ phản đối DN Formosa ở Hà Nội sáng ngày 1/5/2016, vụ biểu tình phản đối Hà Nội chặt 6.700 cây xanh, biểu tình chống Trung quốc xâm lược, những đoàn dân oan lang thang, vạ vật ở thủ đô hết năm này qua năm khác, vụ bắt cóc, xử Trịnh Xuân Thanh…
Cuối tháng 6/2017 đồng thời diễn ra hai vụ xử hai người phụ nữ: Vụ xử hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Vụ thứ nhất là vụ tình – tiền được “táo khoán” cho hàng trăm nhà báo cách mạng chầu chực, phản ánh không thiếu cả cái nhếch mép của bị cáo, nhưng vụ án chính trị xử nhà hoạt động ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược, chống ô nhiễm môi trường, cảnh báo công an làm chết người ở đồn công an, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thì cấm cửa cả người nhà bị cáo, chỉ phóng viên được lựa chọn dự rồi đăng thông tin ngắn ngủi, xuyên tạc “phù hợp đường lối của đảng”!
Kể cả những sự kiện liên quan đến an nguy, vận mệnh của dân tộc như nội dung hội nghị Thành Đô giữa đảng CSVN và Trung Quốc năm 1990 được nhân dân và nhiều tướng soái quan tâm, nhưng báo chí cách mạng không hề đả động, sau 28 năm dân ta vẫn chưa được biết đảng CSVN và Trung cộng cam kết những gì ở hội nghị Thành Đô. Như vậy báo chí cách mạng chỉ được đăng những sự thật có lợi, tôn vinh đảng CS, những sự kiện, thông tin câu khách như màu da cô Ngọc Trinh, mầu váy, vòng eo người đẹp nọ kia…
Do không được đăng sự thật về những sự kiện quan trọng, nghiêm túc, người đọc quan tâm nhất, nên các tờ báo không thể hấp dẫn bạn đọc, quảng cáo không nhiều nên nghề báo gặp khó khăn kinh tế và để tồn tại các nhà báo, tờ báo phải tìm những nguồn thu bất chính.
2/ Những mánh làm tiền của nhà báo, tờ báo quốc doanh
Ông bộ trưởng Bộ 4T, kiêm Phó ban Tuyên giáo đảng CS Trương Minh Tuấn, từng “vạch tội” các thủ đoạn làm tiền “truyền thống” của nhà báo quốc doanh, làm nhiều bạn đọc ít hiểu tình trạng báo chí quốc doanh VN ngạc nhiên, nhưng với tôi có lẽ cũng như nhiều người làm báo khác thì không lạ.
Từ năm 1984-2010 tôi làm ở tờ báo ngành hàng không VN. Thời đó, HKVN độc quyền chứa đựng rất nhiều lợi ích mà xã hội cũng như giới báo chí thèm khát: Suất làm việc lương cao ổn định, sang trọng, quảng cáo, đi nước ngoài, vé miễn cước, đưa báo lên khoang máy bay để khai thác quảng cáo, phong bì trong các cuộc họp hành, lễ tết, tài trợ các cuộc tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước…Do ngành HKVN khi ấy có quá nhiều lợi ích nên các thế lực mạnh nhất trong xã hội, các tờ báo đều quan tâm khai thác ví như một “vũng nước trong sa mạc” các con vật đều quan tâm đến giải khát và tôi được chứng kiến các mánh lới “uống” của rất nhiều đồng nghiệp.
Bảo kê:
Những DN giàu có, thế lực mạnh, thường thu nạp nhiều tờ báo, quan chức có thế lực bảo kê. Tờ báo và DN, đơn vị, cá nhân có giao kèo hay không, đều tuân theo một quy định bất thành văn: Không đăng tiêu cực, tham nhũng ở đây và nếu báo nào “ngoài hội” đăng thì “người nhà” sẵn sàng đăng bài phản bác hoặc làm “loãng” sự kiện. Ngược lại các báo thuộc dạng “người nhà”, được mời các cuộc họp hành có phong bì, cho quảng cáo, các chuyến đi Tây miễn phí, tài trợ khi có việc hội hè…
Năm 1995, sau thời gian dài chạy khắp các tờ báo ở Hà Nội không ai đăng, tôi cạy cục “nhờ thầy, mướn thợ” mãi, bạn tôi mới đăng được bài báo tâm huyết: “Thấy gì qua các thương vụ mua máy bay ở Hàng không VN?” ở tờ báo nhỏ xíu “Lao động Thủ đô” số 73, ra từ ngày 18-25 tháng 8/1995 với tên tác giả “Đình Phương Quang”. Chỉ mấy ngày sau, tình cờ tôi phát hiện có ít nhất 3 tờ báo liên hệ với HKVN và đăng hàng loạt bài thanh minh cho họ với nội dung ngụy biện, chày cối giống hệt nhau. Đó là báo Pháp luật Đời sống, Tuổi trẻ Thủ đô, An Ninh Thủ đô… Vụ báo chí bảo kê “đình đám” là vụ cả “sư đoàn” báo ở Hà Nội lặn lội vào tận Đồng Tháp để bảo vệ đại gia Mai Văn Huy phản lại đồng nghiệp CATP Hồ Chí Minh (năm 2002).
Ngoài các tờ báo, nếu DN nào có người bảo kê ở cấp trên như Bộ 4T, Ban Tuyên giáo…thì còn “trên cơ” đám báo chí vì khi một báo đăng bài “đánh” ai đó được quan trên bảo kê thì chỉ cần phán: “Vấn đề nhạy cảm, tạm dừng”, là đám báo chí phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà rút bài, dừng đăng. Với những DN lớn, quan chức có “vai vế”, họ thường phải làm sao để có quan hệ khăng khít với các lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, để khi cần được bảo kê là nhanh, hiệu quả nhất vì “thủ tục một cửa”. Các báo cũng rất cần có sếp hai cơ quan kia ưu ái thì việc tăng trang, ra phụ trương hoặc có sai phạm sẽ được xuê xoa…
Đâm thuê, chém mướn:
Trong một cơ quan, doanh nghiệp “mất đoàn kết” có hai thế lực thì bên A, B thường cung cấp tài liệu xấu của bên kia cho báo chí để đánh đối thủ. Nếu cơ quan, DN càng lớn, các sếp chức vụ càng cao, tiềm lực tài chính mạnh thì số tiền huy động cho hai phía báo chí càng lớn. Đây là “mặt trận” ngon ăn bậc nhất của báo chí. Xem trong khẩu khí, lời lẽ, lập luận, thời điểm đăng báo, đặc biệt, cùng một sự việc nhưng hai báo phản ánh khác nhau… người có kinh nghiệm không khó để thấy “mùi tiền” trong những bài báo đó.
Đánh hội đồng:
Khi một quan chức, doanh nghiệp bị báo chí phát hiện sai phạm, yếu điểm nhưng “cứng đầu” không chịu chi tiêu, mà một tờ báo “đánh” vẫn trơ trơ do thế lực mạnh, có ô dù… thì báo chí rủ nhau đánh “hội đồng” đến khi nạn nhân “đầu hàng”. Một vụ việc lúc đầu chỉ một báo đăng nhưng sau nhiều tờ nhao nhao đăng với lời lẽ quy chụp về một hướng…là nhiều khả năng “đánh hội đồng”. Cũng có khi có một vụ hấp dẫn nhưng trúng “lợi ích của đảng” (như vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… ) thì các báo cùng cạnh tranh “đánh” để thu hút bạn đọc cho báo mình. Tuy nhiên, những vụ như vậy không nhiều và các báo luôn phải “nghe ngóng” xem khi nào đảng bảo dừng. Vụ PMU 18, một số nhà báo bị bắt giam là đăng “quá đà” đảng yêu cầu…
 Tống tiền:
Khi báo chí có thông tin về sai phạm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà muốn moi tiền của họ thì nhà báo “bắn tin” đã biết hết sai phạm bằng cách truyền miệng hoặc đăng bài khơi gợi. Lập tức nạn nhân phải liên hệ mặc cả để lấy sự im lặng. Có nhiều vụ báo đăng lời lẽ “đao to búa lớn”, cuối bài có ghi “Kỳ sau đăng tiếp”, nhưng sau thấy “im bặt” là: Cấp trên can thiệp (bằng công văn, phone, miệng…Tất nhiên cấp trên can thiệp phi pháp như thế không phải là vô tư) hoặc DN và báo chí đã “đàm phán” xong với cái giá nào đó.
Theo nhận định của tôi thì hiện nay ít nhất có khoảng 50% bài “chống tiêu cực, tham nhũng…” là vì tiền, số còn lại là những bài tâm huyết, bản năng chống cái xấu ở mức được phép, cũng làm cho tờ báo hấp dẫn.
Van lạy:
Một mánh “phổ thông” nhất để kiếm tiền của nhiều tờ báo nhất là những tờ báo yếu là “van lạy” quan chức cơ quan, doanh nghiệp nhà nước để moi tiền. Năm 1994-1998 do chống mấy vụ tiêu cực, tham nhũng, tôi bị lãnh đạo ngành HKVN kỷ luật, bắt làm tạp vụ mỗi tháng chỉ cho lĩnh 300.000 đ tiền lương. Tôi mang bài chống tiêu cực ở HKVN đi các tờ báo ở Hà Nội nhưng không ai đăng (Trừ tờ Hà Nội Mới Chủ Nhật và Lao động Thủ đô nói trên). Khi mới gặp, hầu hết lãnh đạo các báo đều hồ hởi nhờ tôi môi giới với “bên hàng không” để viết bài, xin quảng cáo… nhưng khi tôi ngỏ ý muốn đăng bài đánh tham nhũng ở đây thì họ chỉ cầm tài liệu và… lảng. Không dám đụng đến ngành HK mà có báo lại dùng tài liệu của tôi để liên hệ với chủ nhà “tâng công” xin quảng cáo, vé miễn cước… như lãnh đạo tạp chí “Người bảo vệ công lý” (nay là Công lý) của tòa án nhân dân tối cao năm1996.
Những ngày “thịnh vượng” của ngành HKVN hàng ghế ngoài hành lang, phòng lãnh đạo HKVN (hàng ghế dành danh cho CBNV chờ lãnh đạo xin chữ ký, trao đổi…) thường xuyên có dăm ba nhà báo, nhà văn, nhà thơ ngồi chầu chực đến lượt được lãnh đạo DN tiếp để làm quen, viết bài ca ngợi và tất nhiên hy vọng các hợp đồng quảng cáo, vé miễn cước, chuyến đi nước ngoài theo các lần đi mở đường bay, nhận máy bay, đưa báo lên máy bay… Tình cảnh hết sức thảm hại. Tháng 8/2003 các nhà báo được mời sang Mỹ nhận chiếc Boeing 777 đầu tiên, chiếm gần nửa khoang chiếc máy bay 300 ghế.
Để tăng hiệu quả “van lạy”, nhiều tờ báo tuyển phóng viên, nhân viên nữ chân dài, mặc váy ngắn, uống rượu bia giỏi…chuyên đến các cơ quan, DN viết bài ca ngợi, xin quảng cáo… và họ khá “thành công” ở HKVN.
Đó chỉ là những mánh kiếm tiền “phổ thông” của nhiều tờ báo quốc doanh không thuộc diện quý tộc (như báo nhân dân, VTV, VOV), cung đình (các báo đảng tỉnh).
Những phóng viên, tờ báo phải tuyệt đối trung thành với đảng nhưng không được đảng nuôi (bằng tiền của nhân dân) vẫn cần tiền theo trào lưu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội và họ bị tha hóa là điều dễ hiểu.

Không có nhận xét nào: