Đất Việt
Mỗi năm GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 5-6%, ngân sách đã chi sai tới 2-3% là quá khủng khiếp
GDP tăng 6%, chi sai 2%
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Đại học kinh tế Nông - Lâm, TP.HCM phải thốt lên kinh ngạc trước con số 5 tỷ USD ngân sách bị sai mỗi năm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố.
Chi sai xảy ra nhiều ở các dự án xây dựng. Ảnh: Người đưa tin
"Mỗi năm GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 5-6%, đạt được khoảng 200 tỷ USD, thì ngân sách đã chi sai tới 5 tỷ USD (chiếm khoảng 2%-3%), là điều không thể chấp nhận được.
Hơn nữa, đây mới chỉ là con số chính thức được thống kê, công bố, còn những con số không được công bố có hay không? Là bao nhiêu? Tôi e nếu tính toán được thì số tiền ngân sách bị chi sai có thể còn lớn hơn", PGS Nguyễn Văn Ngãi lo lắng.
Để chứng minh lập luận trên là có cơ sở, PGS Nguyễn Văn Ngãi chỉ thẳng từng lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, chi sai, chi không đúng lớn nhất. Cụ thể là các lĩnh vực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi xây dựng, vấn đề sử dụng, quản lý đất đai.
"Ở Việt Nam, chỉ cần thực hiện một dự án xây cầu hay làm đường là lại nổi lên dư luận có thất thoát, tham nhũng. Tại sao lại như vậy? Vì, tình trạng thất thoát, lãng phí hầu như đều xảy ra ở tất cả các dự án và con số này không hề nhỏ. Thậm chí, có nhận định còn cho rằng, tình trạng thất thoát lên tới 30% tổng mức đầu tư toàn dự án", PGS Ngãi nói.
Rõ ràng tình hình chi tiêu ngân sách như vậy chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến việc bội chi ngân sách trở lên trầm trọng hơn.
Theo vị PGS, tình hình bội chi ngân sách tại Việt Nam trong nhiều năm qua luôn tăng rất cao, bình quân ở mức 5-6% GDP, cao gấp đôi ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế (3%). Việc này khiến các nhà nghiên cứu luôn đặt ra câu hỏi "vì sao lại bội chi cao và liên tục tăng trong khi thu ngân sách giảm vì tăng trưởng GDP sụt giảm từ năm 2007 đến cho tới tận năm 2017? Tại sao như vậy? Chi vào đâu?"
Việc này được ông giải thích là có nguyên nhân từ việc chi sai.
"Cứ hình dung, bội chi ngân sách 5-6%, mà chi sai chiếm 2-3% GDP thì rõ ràng nó đang góp tới 50% nguyên nhân gây ra bội chi ngân sách rồi. Việc này không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, tôi cũng muốn làm rõ số tiền chi sai đó đã chi vào việc gì? Chi sai dự án hay chi vào túi cá nhân, vào túi của nhóm lợi ích? Cả hai khả năng trên đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của nền kinh tế", vị PGS chỉ rõ.
Vị chuyên gia nói thẳng, việc làm rõ "đồng tiền đã đi đâu" là để minh oan cho "bội chi" ngân sách. Vì bội chi ngân sách có rất nhiều nguyên nhân, nếu đầu tư vào dự án dài hạn sẽ khác hoàn toàn với việc bội chi ngân sách do chi sai, chi bừa bãi, chi vào túi cá nhân. Nếu chi sai vì lợi íhh nhóm, vì tư lợi thì rõ ràng phải làm rõ động cơ "biến của công thành của tư". Đây là vấn đề rất lớn.
"Thời gian qua cả nước đã quá vất vả để đưa ra hàng loạt những giải pháp nhằm giảm bội chi quốc gia nhưng gần như không có kết quả. Nếu nhìn vào thực trạng trên, chỉ cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thu - chi, chấm dứt được tình trạng chi sai thì không cần làm gì bội chi ngân sách cũng giảm được ngay", PGS Nguyễn Văn Ngãi nói.
Nhiều cơ quan giám sát, sao chi sai vẫn xảy ra?
Trưởng khoa Kinh tế - ĐH Nông - Lâm, TP.HCM cho biết, khi giảm được bội chi ngân sách cũng sẽ giảm được nợ công quốc gia.
Tuy nhiên, nếu tình trạng trên còn tiếp diễn, chúng ta sẽ còn phải đi vay để tiêu, vay để trả nợ và như vậy gánh nặng nợ công sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Do đó, vị chuyên gia đề nghị phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, chấm dứt ngay tình trạng trên. Mặc dù vậy, ông cũng rất hoài nghi về năng lực, trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát có thẩm quyền đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình.
"Chúng ta có bao nhiêu cơ quan kiểm tra, giám sát, bao nhiêu đoàn hội có vai trò giám sát mà vẫn để xảy ra tình trạng như vậy? Câu trả lời chỉ có là do cơ chế lỏng lẻo, để tham nhũng, lợi ích nhóm chen chân. Ở đây tôi đề nghị phải xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan thanh, kiểm tra, xem xét lại toàn bộ quá trình thanh tra để có giải pháp xử lý cho thích hợp. Chúng ta phải mạnh tay thôi, không còn cách nào khác.
Vấn đề tiếp theo, tôi đề nghị phải xem lại cơ chế một người vay, một người đi trả. Chính cơ chế này khiến cho tình trạng chi sai càng dễ xảy ra hơn. Người vay cứ vay thật nhiều, còn người tiêu cứ tiêu thoải mái... Cuối cùng người dân và nhà nước phải trả nợ", PGS Nguyễn Văn Ngãi nói.
5 tỷ USD ngân sách chi sai/năm: Vòng luẩn quẩn vay - nợ
Để chấm dứt được tình trạng trên, vị PGS cho rằng, ngoài cơ chế giám sát đủ mạnh, người thực thi phải có tâm, phải trung thực thì mới giải quyết được vấn đề. Quan trọng nhất, cơ chế phải nhận được sự đồng thuận, quyết liệt từ các cấp lãnh đạo bộ, ngành và trung ương, một cá nhân không thể làm được.
"Điều quan trọng là, khi phát hiện chi sai phải quy được trách nhiệm cho người đứng đầu. Người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm cao nhất, sau đó mới đến trách nhiệm của cấp dưới và tập thể.
Tôi lấy ví dụ, Hiệu trưởng một trường Đại học thì phải là người chịu trách nhiệm trước hết với những khoản thu - chi của nhà trường. Trường hợp Phó Hiệu trưởng chi sai, vị phó đó phải chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và nhà trường", vị PGS nói.
Lam Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét