Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Đặc khu Trung Quốc ở Campuchia: “Chúng tôi sắp không còn nuôi nổi bản thân nữa “

 

Hy vọng có thêm công ăn việc làm từ đầu tư Trung Quốc của cư dân Sihanoukville sớm lụi tàn. Thành phố biển đang “thay da, đổi thịt” chóng mặt của Campuchia dần biến thành một tiểu Trung Quốc
Với sự đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc, các đặc khu kinh tế (SEZ) mọc lên dày đặc tại Campuchia. Tỉnh Sihanoukville với thủ phủ cùng tên hiện là khu vực có nhiều SEZ nhất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Rắc rối lớn
Trong tổng số 7 SEZ ở đây, đặc khu Sihanoukville (diện tích hơn 11 km2) là lớn nhất và do Trung Quốc vận hành. 90% số công ty đang hoạt động trong đặc khu có tổng số vốn hơn 3 tỉ USD này là của Trung Quốc. Các công ty nói trên nhận được hàng loạt chính sách miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu và ưu đãi thuế doanh nghiệp.
Đặc khu được coi là biểu tượng mới của tình hữu nghị Trung Quốc – Campuchia đang lên kế hoạch nâng tổng số công ty hoạt động ở đây lên con số 300 vào năm 2020. Giới chức trách địa phương kỳ vọng chiến lược này sẽ tạo ra thêm 100.000 việc làm cho cư dân địa phương, trong khi chính phủ trông chờ có thêm nguồn thu thuế.
Tuy nhiên, kỳ vọng này dường như quá xa vời khi nhiều quốc gia khác nhận đầu tư của Trung Quốc không còn xa lạ gì với hiện tượng các chủ doanh nghiệp của quốc gia đông dân nhất thế giới đưa chính lao động của họ tới thay vì sử dụng nguồn nhân lực địa phương. Ngoài đặc khu kinh tế, Trung Quốc còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác ở Sihanoukville như các cảng biển, cao tốc, sòng bạc…
Các cửa tiệm Trung Quốc nhan nhản tại Sihanoukville – Campuchia Ảnh: SCMP
“Chúng tôi sắp không còn nuôi nổi bản thân nữa. Hết đường làm ăn rồi” – Doung Sokly, một phụ nữ 30 tuổi, chủ quầy bán thức uống, đồ ăn vặt và thuốc lá trên bãi biển Độc lập ở Sihanoukville suốt 8 năm qua, ngao ngán. Không hề thổi phồng khi những casino như Oriental Pearl và New Macau đang mọc lên đầy rẫy dọc các con phố của Sihanoukville, cảng biển và thị trấn du lịch ở phía Nam Campuchia.

Thành phố với chưa đầy 90.000 dân sẽ sớm có tới 30 sòng bài. 10 sòng bài trong đó mới khởi công xây dựng trong năm 2017, chủ yếu do người Trung Quốc sở hữu hoặc điều hành và cũng phục vụ cho khách Trung Quốc là chính.
Đặc tả cảnh ngộ của người dân địa phương ở thành phố dày đặc các bảng hiệu cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… bằng tiếng Trung Quốc, hãng tin Reuters trong bài viết hồi tháng 12-2017 đã dùng tới cụm từ “lùi sâu vào trong bóng tối”. Trong khi đó, trang Phnom Penh Post của Campuchia trong bài viết về làn sóng đầu tư và du khách Trung Quốc tại Sihanoukville, thậm chí đã giật tít là “Rắc rối lớn ở tiểu Trung Quốc”. Cùng quan điểm, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận xét: “Sihanoukville giống như tấm áp-phích quảng cáo cho sự phát triển của Trung Quốc”.
Dân bản địa chẳng được lợi
Đa số dân địa phương cho biết họ không được lợi gì từ làn sóng đầu tư của các công ty Trung Quốc. Đi đôi với sự bùng nổ của các sòng bài, số du khách Trung Quốc đến Sihanoukville lên tới 120.000 người trong năm 2017, gấp đôi so với năm trước đó. Lợi lộc chỉ đổ dồn vào các chủ nhà hàng Trung Quốc phục vụ khách đại lục trong khi các chủ nhà hàng địa phương chật vật cầm cự với lượng du khách phương Tây ngày càng vơi dần.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Sihanoukville Taing Socheat Kroesna năm 2017 thừa nhận mặc dù nhà đầu tư và tiền từ Trung Quốc đổ về Sihanoukville nhưng các công ăn việc làm mới cũng rơi vào tay người Trung Quốc, từ tiếp tân khách sạn cho đến chủ các nhà hàng, quán ăn… Thực trạng này kéo theo sự phẫn nộ của cư dân địa phương trong bối cảnh việc làm vốn đã khan hiếm.
Một sòng bài khách sạn tại Sihanoukville – Campuchia Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, du khách Trung Quốc tràn sang Campuchia dù có đẩy giá bất động sản lên cao, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy. Người dân Sihanoukville còn lo ngại về những băng nhóm tội phạm có tổ chức nảy sinh từ các sòng bài Trung Quốc trong khi các vụ bạo lực say xỉn ngày càng tràn lan.
“Người Trung Quốc không đi ra ngoài vào ban ngày, đến đêm họ mới ra ngoài. Vào ban đêm, đôi khi họ uống vào và đánh nhau, cãi lộn” – Sok Song, một chủ khách sạn người Campuchia và là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Sihanoukville, nói.
Theo Financial Times, sự căng thẳng ở Sihanoukville thậm chí đã dâng cao tới mức phản ứng công khai – một điều hiếm thấy ở vùng đất mà người dân vốn thích an phận làm ăn này, khiến giới chức địa phương và đại sứ Trung Quốc phải lên tiếng. Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Xiong Bo hồi tháng 2 đã thừa nhận “một lượng nhỏ những người thiếu giáo dục” từ đại lục đã vi phạm pháp luật tại Campuchia.
“Giá thuê phòng tăng lên đã ảnh hưởng đến mức sống của các viên chức chính phủ, công nhân và những người khác” – tỉnh trưởng Sihanoukville viết trong lá thư gửi đến Bộ trưởng Nội vụ bị rò rỉ ra cho báo giới Campuchia. Bất bình rằng Sihanoukville đang bị biến thành “Thượng Hải thứ 2”, vị tỉnh trưởng còn cáo buộc các nhóm mafia đứng sau nhiều vụ bắt cóc và tình trạng thiếu an ninh trong tỉnh. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa du khách Trung Quốc và người địa phương sẽ phá hoại quan hệ 2 nước.
Giám đốc Sở Du lịch Sihanoukville nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn họ (Trung Quốc) đầu tư nhưng chúng tôi muốn người địa phương có cơ hội làm việc, có thêm thu nhập từ sự tăng trưởng này”. Ông này nói thêm rằng thành phố muốn các khoản đầu tư vào những hạng mục khác ngoài sòng bạc và khách sạn, vào những địa điểm có thể thu hút khách du lịch từ nhiều quốc gia khác”.
Trong khi vấn đề Sihanoukville chưa được giải quyết, Phnom Penh ngày càng đối mặt với những cảnh báo về cái giá phải trả vì dễ dãi nhận đầu tư ồ ạt của Bắc Kinh thì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Campuchia hồi đầu năm tiếp tục cam kết sẽ tăng gấp đôi lượng du khách đại lục tới nước này trong 2 năm tới, đồng thời thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên 6 tỉ USD.

Không có nhận xét nào: