Phạm Viết Đào.
“Quan Vũ… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào công… có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy…”
( Nhận định này của sử gia Trần Thọ, sống sau thời Tam Quốc 70 năm có ứng với Tập Cận Bình ?)
Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình-Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Trong “Phần II. SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC TRONG THỜI ĐẠI MỚI”…của Báo cáo chính trị do ông Tập Cận Bình đọc hơn 3 tiếng rưỡi hôm khai mạc 18/10/2017 có 1 điển tích thời Tam Quốc được viễn dẫn:
“Lịch sử đã và sẽ chứng minh, không có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, phục hưng dân tộc chắc chắn là không tưởng. Đảng Cộng sản Trung Quốc phải luôn là lực lượng tiên phong của thời đại, giường cột của dân tộc; luôn là Đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Marx-Lenin, bản thân Đảng phải luôn luôn vững vàng. Toàn Đảng cần tự giác hơn nữa kiên trì nguyên tắc tính Đảng, dũng cảm đối mặt trực tiếp với các vấn đề, dám “nạo xương trị độc”, xóa bỏ mọi nhân tố làm tổn hại đến tính tiên tiến và tính trong sạch của Đảng, loại bỏ tất cả những mầm bệnh gặm nhấm cơ thể mạnh khỏe của Đảng; không ngừng tăng cường năng lực lãnh đạo chính trị, năng lực dẫn dắt tư tưởng, năng lực tổ chức quần chúng, năng lực hiệu triệu xã hội của Đảng; bảo đảm Đảng Cộng sản Trung Quốc mãi mãi tràn đầy sức sống và sức chiến đấu mạnh mẽ…”
Điều khiến cho dư luận băn khoăn, chả nhẽ ông Tập Cận Bình, người đứng đầu một nước Trung Hoa tự cho là hùng cường lại sử dụng tới cái điển tích “ nạo xương trị độc”, một trong 3 điển tích gắn với sự nghiệp chiến chinh được suy tôn là “người hùng- bại tướng” Quan Vũ thời Tam Quốc?
Quan Vũ bị giết chết trên chiến trường trong trận chiến bảo vệ Kinh Châu bởi Lục Tốn-Lã Mông; Cả gia đình Quan Vũ bị Bàng Minh con trai Bàng Đức vào giết sạch sau khi quân Ngụy vào “giải phóng Thành Đô”, hậu chủ Lưu Thiện quy hàng...
Sau cái cái kết cục bi thảm của bại tướng Quan Vũ cùng với gia đình ông ta, hậu thế hiện đã lưu truyền lại 3 điển tích gắn với sự nghiệp chiến chinh của ông ta: Đuốc sáng thâu đêm (Minh chúc đạt đán): Quan Vũ đứng cầm đuốc bên ngoài canh gác suốt đêm cho tới sáng cho 2 chị dâu ngủ; Một đao đến hội (Đơn đao phó hội ), một mình mang đại đao tới Đông Ngô uống rượu…
Điển tích thứ 3 được ông Tập Cận Bình viễn dẫn trong Báo cáo chính trị khi nói về sứ mạng chỉnh đốn Đảng CS Trung Quốc, phục hưng một nước Trung Hoa mới, thực hiện giấc mộng Trung Hoa, đó là điển tích “Nạo xương trị độc”…
Quan Vũ đánh Phàn Thành, bị trúng tên độc của Tào Nhân. Thuốc độc ngấm vào tận xương nguy hiểm tính mạng. Danh y Hoa Đà đến chữa, đề nghị cho trói tay và gây mê ông để khỏi nhìn cảnh Hoa Đà khoét thịt cạo độc trong xương. Nhưng Quan Vũ không đồng ý, vẫn thản nhiên ngồi đánh cờ với Mã Lương trong lúc Hoa Đà chữa tay, máu chảy ròng ròng. Chính Hoa Đà phải khâm phục dũng khí của ông, còn quân sĩ thì xanh lè mắt...
Cuộc đời, sự nghiệp chiến chinh của bại tướng ngu trung Quan Vũ, viên tướng được đích danh Tào Tháo tâu vua Hán sắc phong cho cái chức danh “ Hán thọ đình hầu”; Được Tào Tháo ba ngày tổ chức 1 đài tiệc nhỏ, 5 ngày 1 đãi tiệc lớn và thường xuyên quà cáp; Cuối cùng nhận cái chết thê thảm, đau đớn, nhục nhã trên chiến trường?
Mặc dù, Quan Vũ và sự nghiệp chiến chinh của ông thời Tam Quốc đã được lưu danh trong hậu thế suốt 2 ngàn năm qua; Quan Vũ đã được lập đền thờ tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam để suy tôn ông. Quan Vũ được sử dụng làm biểu tượng của tinh thần trượng nghĩa, quả cảm xả thân cho sự phục hưng nhà Hán nhưng bất thành…
Còn trong con mắt của các sử gia Trung Quốc cùng thời như Trần Thọ, tác giả sách Tam Quốc chí, sống sau Qua Vũ 70 năm đã có đánh giá được ghi nhận là công bằng, chính xác:
“Quan Vũ… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào công… có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy…”