Nguyễn Đình Cống
3-7-2018
1- Giới thiệu
Trong vài chục năm trở lại đây Nguyễn Trần Bạt nổi lên như một trí thức làm kinh doanh rất thành đạt. Ông sinh năm 1946 tại Nghệ An, năm 1963 vào quân đội, năm 1973 tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Năm 1984 thôi việc nhà nước, năm 1989 thành lập Công ty tư vấn về đầu tư và chuyển giao công nghệ – InvestConsult Group. Hiện nay Công ty hoạt động trên nhiều nước, có doanh thu nhiều triệu đô la mỗi năm.
Ông Bạt là người nổi tiếng trong các lĩnh vực: doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả. Ngoài thành tích về kinh tế, ông được giới trẻ rất hâm mộ vì những buổi nói chuyện hấp dẫn, những cuộc trả lời phỏng vấn thông minh, và in hơn chục quyển sách về rất nhiều vấn đề nhằm hướng dẫn, động viên thanh niên trên con đường lập nghiệp.
Tôi kính phục kiến thức, ý chí, quan hệ và sự đóng góp của ông Bạt. Tôi đã từng say sưa đọc các sách của ông bàn về văn hóa, con người, tri thức, kinh tế, đạo đức, tự do, dân chủ, khoa học, giáo dục, cải cách v.v… và công nhận rằng sách của ông đã giúp tôi hệ thống hóa một số suy nghĩ còn rời rạc, giúp phát hiện một vài nhận thức mới. Thế nhưng gần đây đọc sách “SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐÚNG”, NXB Hội nhà văn – 2018, tôi gặp một vài quan điểm khó chấp nhận, liên quan đến chính trị, thời cuộc. Những vấn đề này không mới, chắc rằng có xuất hiện trong những sách tôi đã đọc, nhưng trước đây tôi không để ý tới.
Ông Bạt luôn nhận mình “không phải là người đối lập”. Khi viết sách ông chủ trương “vì sự tiến bộ, vì trăn trở với tương lai đất nước, làm hết mình để giải độc cho thế hệ trẻ v.v”… Nhưng tôi nhận thấy trong sách ông có vài điểm bất đồng, đó là nhận thức về Mác, về cách mạng, về sự lãnh đạo của ĐCS VN, về vai trò của trí thức và vài điều lẻ tẻ. Tôi xin nêu ra một cách vắn tắt để những ai quan tâm có thể tham khảo và thảo luận. Riêng với ông Bạt, nếu ông vui lòng chấp nhận trao đổi kỹ hơn, tôi xin sẵn sàng gặp trực tiếp để nói chuyện như giữa những người bạn.
Trong các phản biện dưới đây tôi có trích vài câu trong sách “Sức mạnh của cái đúng”, con số đặt trong ngoặc (…) ghi số trang có câu được trích.
2- Về Mác và chủ nghĩa Mác – Lê
Ông Bạt tỏ ra vẫn một lòng tin vào Mác và Chủ nghĩa Mác Lê (CNML). Ông nhận xét “Chủ nghĩa Mác hấp dẫn ở phương pháp luận của nhận thức (386)”. Về vấn đề này ông còn viết: “Tôi có hai hệ thống tín hiệu để suy nghĩ tạo cảm hứng. Một là luận lý…(187)”.