Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

RFI: Trung Quốc đã tính toán sai lầm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?; VIETNAMNET:Mỹ sẽ thua cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?; BBC: Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ - Trung?

Ngày 01/08/2018, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chính thức loan báo việc tổng thống Donald Trump ra lệnh xem xét khả năng đánh thuế 25% lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, thay vì 10% như từng đề xuất lúc ban đầu. Đây mới chỉ là một lời đe dọa vì các sắc thuế mới, nếu được quyết định, sẽ chỉ có hiệu lực vào tháng 9 tới đây mà thôi. Tuy vậy, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng cảnh cáo là sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch “bắt bí” Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Reuters
Chính quyền Donald Trump như vậy đã bắn đi tín hiệu là họ sẵn sàng leo thang mạnh mẽ trong cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc, đã mở màn tháng 07 vừa qua với khối lượng khoảng 74 tỷ đô la hàng hóa của cả hai bên bị áp thuế quan.

Điều mà giới quan sát ghi nhận là thế bị động hiện nay của Trung Quốc, chỉ biết ăn miếng trả miếng trước các đòn tấn công của Mỹ, chứ chưa thấy có những biện pháp đối phó mạch lạc, có tính toán kỹ lưỡng như thường thấy trước đây. Bắc Kinh cũng có vẻ bị cô lập trong cuộc chiến thương mại, không lôi kéo được các thế lực kinh tế khác cùng chung sức chống Mỹ, mặc dù quyết định đánh thuế của ông Trump không chỉ nhắm vào một mình Trung Quốc, mà còn nhắm vào cả Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, hay một số nước khác.

Nhật báo Hồng Kông, The South China Morning Post, trong số ghi ngày 30/07/2018, đã đăng tải một bài phân tích của chuyên gia Trương Lâm (Zhang Lin),thuộc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thiên Tắc (Unirule Institute of Economics) tại Bắc Kinh, đã không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đã phạm phải « Hai sai lầm lớn » trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Washington : Đó là đánh giá sai lạc về cả tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn liên minh Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu.

Đối với Trương Lâm, vì các sai lầm đó, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt, một cái giá mà tác giả gói trong khái niệm « Bẫy thu nhập trung bình – Middle income trap », một khái niệm của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI, mô tả tình trạng một nền kinh tế thu nhập trung bình bị đình đốn và không còn khả năng vực dậy sau đó.

Bắc Kinh đã đánh giá sai về tổng thống Mỹ như thế nào ?

Về tổng thống Mỹ, chuyên gia Trương Lâm cho rằng sai lầm cơ bản của Bắc Kinh là quá coi thường ông Donald Trump, cho rằng các lời đe dọa đánh thuế hàng Trung Quốc mà ông đưa ra chỉ là đòn gió, nhằm đánh lừa đối phương mà thôi.

Theo tác giả, chính quyền Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng tổng thống Donald Trump chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là đòn phô trương thanh thế bề ngoài trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà thôi.

Bắc Kinh đã quên là trong thực tế, trong bản Chiến Lược Quốc Phòng công bố trước khi căng thẳng thương mại leo thang, Washington đã xác định rằng họ không thể chấp nhận các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc như hiện nay. Thông điệp được đưa ra là Bắc Kinh sẽ không thể vừa kiếm tiền từ Mỹ vừa thách đố Washington.

Trên vấn đề sai lầm trong đánh giá nói trên, hôm 27/07, báo South China Morning Post đã có một bài phân tích dài giải thích vì sao Trung Quốc lại bị bất ngờ trước các động thái quyết đoán về thương mại của tổng thống Donald Trump, đồng thời nêu bật sự thiếu nhạy bén của Bắc Kinh, quá coi thường tâm lý bài Trung Quốc đang dâng cao trong giới ưu tú tại Mỹ.

Đối với nhật báo Hồng Kông, sự kiện chính quyền Trung Quốc siết chặt quyền kiểm soát trên các think tank, tức là các cơ quan tham vấn, và việc đẩy mạnh chiến dịch chống lãng phí có dấu hiệu là đã tác hại đến cách thức giới lãnh đạo Trung Quốc xử lý các vấn đề đối ngoại - và làm suy yếu sự hiểu biết của Bắc Kinh về chính trị Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump.

Một cựu cố vấn về chính sách Mỹ, xin giấu tên, đã cho rằng cả giới lãnh đạo lẫn các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều không thấy được là tâm lý chống Trung Quốc ở Mỹ đã lên cao như thế nào, mà chỉ cho rằng tổng thống Mỹ chỉ tung đòn gió để tìm thắng lợi cho phe ông nhân cuộc bầu cử giữa kỳ, và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó.

Đối với nhà quan sát này, thì cái nhìn trên hoàn toàn sai lạc, và Bắc Kinh hoàn toàn hiểu lầm về tình hình. Nguyên nhân, theo ông, đến từ việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã tự cô lập mình nhiều hơn, trong lúc không một ai trong nước dám nói với giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ đang sai.

Nhiều nguồn tin ngay tại Trung Quốc và một sô quan sát viên đã xác nhận với tờ South China Morning Post rằng chính sách mà Bắc Kinh đang áp dụng nhằm củng cố quyền lực của đảng Cộng Sản, đã khiến cho các cố vấn chính sách Trung Quốc tránh thảo luận sâu với các đối tác Mỹ, điều có thể giúp họ hiểu rõ hơn về tư duy mới nhất ở Washington. Chính sách đó cũng làm cho họ ngần ngại, không dám nói lên suy nghĩ của mình.

Chính sự thiếu vắng thông tin đó đã khiến cho Bắc Kinh không ra được một chiến lược toàn diện để đối phó với chính quyền Trump, ít nhất là trên mặt trận thương mại, tại một thời điểm mà quan hệ hai bên đang rất căng thẳng.

Bắc Kinh ngộ nhận về quan hệ đồng minh Mỹ-Liên Âu

Theo chuyên gia Trương Lâm, sai lầm lớn thứ hai mà Trung Quốc đã phạm phải là không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, và đã hy vọng một cách thiếu thực tế rằng có thể hình thành liên minh thương mại với Châu Âu để đối phó với Washington.

Ông Trương Lâm thẩm định : Dù quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều bất đồng – như việc Anh, Pháp và Đức đều tham gia Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp phản đối từ Mỹ – nhưng nhìn chung, các nước phương Tây đều cùng chia sẻ một số giá trị chung cốt lõi.

Tuyên bố mới nhất về thương mại giữa Mỹ và Liên Âu EU đã gửi thêm một thông điệp đến Bắc Kinh, cho biết là Washington và Bruxelles sẽ « làm việc chặt chẽ với nhau, cũng như với các đối tác cùng chí hướng » để giải quyết một loạt vấn đề như « đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, tình trạng thị trường bị các công ty nhà nước bóp méo, và tình trạng sản xuất dư thừa ».

Đối với ông Trương Lâm, chẳng khó chút nào khi trả lời cho câu hỏi là Trung Quốc có nằm trong số các “đối tác cùng chí hướng” nói trên hay không.

Vì những sai lầm trên đây, Bắc Kinh đã bị đẩy vào một cuộc đọ sức thương mại với cường quốc kinh tế số một thế giới hiện nay, với hệ quả là “thời đại vàng son của ngành xuất khẩu” Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO năm 2001 được cho là đang trên đà cáo chung.

Một tín hiệu đáng ngại cho Bắc Kinh : Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, công bố hôm 31/07 vừa qua, hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm đi rõ rệt, giá cả tăng lên, cho thấy là căng thẳng thương mại với Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Rơi vào cái « bẫy thu nhập trung bình »

Chuyên gia Trương Lâm đánh gía là ngoại thương giảm sụt – hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ - có thể tác hại sâu đậm bất ngờ đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí đẩy Trung Quốc rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình, một khái niệm lần đầu tiên được Ngân Hàng Thế Giới đưa ra vào năm 2006 để chỉ một nền kinh tế thu nhập trung bình trì trệ và không thể khôi phục đà phát triển cao hơn.

Đối với ông Trương Lâm, « Phép mầu kinh tế » của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua dựa vào hai yếu tố: Một là một khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho nền kinh tế tư nhân sinh động, bên cạnh đó là tiến trình hội nhập của kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.

Từ năm 1978, khi Trung Quốc cải cách và mở cửa theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc đã trải qua 4 chu kỳ tăng trưởng. Lẽ ra, kinh tế nước này có thể được hưởng một chu kỳ tăng trưởng thứ năm, nếu tiếp tục tự do hóa nền kinh tế trong nước, và mở rộng thêm cửa ra nước ngoài. Điều đó tuy nhiên đã không xẩy ra, và từ năm 2013 đến nay kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại

Trong mô hình phát triển kinh tế hiện nay, với nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp nhà nước lấn lướt trong khi khối tư nhân lùi bước, làm cho một trong hai trụ cột tăng trưởng bị phá hủy. Cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu làm lung lay trụ cột còn lại. Kết quả là cả hai trụ cột tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đều lỏng lẻo, đe dọa đến triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Nếu Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, và thậm chí Nhật Bản, hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, Bắc Kinh sẽ càng bị khó khăn trong việc phục hồi đà tăng trưởng…

Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình hình bằng cách đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bổ nhiệm phó Thủ tướng Lưu Hạc – người đã có những bước đi táo bạo để cải tổ khu vực kinh tế nhà nước gần đây – lãnh đạo một cơ quan cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Trương Lâm, rõ ràng là Trung Quốc phải nhanh chóng hành động, và không được phép có thêm sai lầm.

Mai Vân

(RFI)


Mỹ sẽ thua cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?


Căng thẳng mở màn bằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc.
Nếu Mỹ và châu Âu dàn xếp được những bất đồng thương mại thì Mỹ chỉ còn "đấu " chủ yếu với Trung Quốc. Nhưng phần thắng sẽ nghiêng về bên nào thật khó nói, theo giáo sư kinh tế Joseph Stiglitz trong một bài viết trên  báo Project Syndicate.
Mỹ sẽ thua cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Ảnh: Tehran Times
Ông chỉ ra rằng, thứ nhất, kinh tế vĩ mô luôn chiếm ưu thế: Nếu đầu tư nội địa của Mỹ tiếp tục vượt quá mức tiết kiệm thì nước này sẽ phải nhập vốn và chịu thâm hụt thương mại rất lớn. Tồi tệ hơn, do các mức cắt giảm thuế được ban hành từ cuối năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Mỹ sắp đạt tới những kỷ lục mới – dự báo mới đây sẽ vượt quá 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Điều này có nghĩa thâm hụt thương mại chắc chắn tăng lên, bất kể kết quả của chiến tranh thương mại thế nào. Cách duy nhất không xảy ra là Tổng thống Trump dẫn dắt Mỹ vào một cuộc suy thoái, với thu nhập giảm bớt khiến đầu tư và nhập khẩu lao dốc.
Một kết cục "tốt nhất" từ trọng tâm của Tổng thống Trump về thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ là cải thiện cán cân song phương, bù đắp bằng cách tăng một lượng tương đương trong thâm hụt với một nước (hoặc nhiều nước) nào đó. Mỹ có thể bán thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc và mua ít máy giặt hơn; nhưng lại bán ít khí đốt tự nhiên hơn và mua máy giặt hoặc hàng hóa nào đó từ nước khác. Nhưng do Mỹ can thiệp vào thị trường nên sẽ phải trả nhiều hơn cho nhập khẩu và nhận được ít hơn cho xuất khẩu. Nói tóm lại, kết quả tốt nhất là Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn bây giờ.
Mỹ có vấn đề, nhưng không phải với Trung Quốc, mà là với chính mình. Mỹ tiết kiệm quá ít. Theo giáo sư Joseph Stiglitz, tổng thống Trump rất thiển cận. Nếu hiểu biết về kinh tế và có tầm nhìn dài hạn thì ông nên tăng tiết kiệm quốc gia, như vậy sẽ giảm được thâm hụt thương mại đa phương.

Hiện nay đang có những điều chỉnh nhanh chóng rõ ràng: Trung Quốc có thể mua thêm dầu của Mỹ rồi sau đó bán lại cho nước khác. Điều này sẽ không tạo ra khác biệt, thậm chí còn làm tăng nhẹ chi phí giao dịch. Nhưng Tổng thống Trump có thể lớn tiếng nói ông đã loại bỏ được thâm hụt thương mại song phương.
Trên thực tế, việc giảm đáng kể thâm hụt thương mại song phương thực sự là điều vô cùng khó khăn. Vì nhu cầu hàng hóa Trung Quốc giảm, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ sẽ suy yếu, kể cả không có sự can thiệp của chính phủ. Điều này một phần sẽ bù đắp tác động của thuế Mỹ; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với các nước khác. Và nó vẫn đúng ngay cả nếu Trung Quốc không sử dụng các công cụ khác có trong tay, như kiểm soát giá và lương hoặc đẩy mạnh gia tăng sản xuất. Thâm hụt thương mại tổng thể của Trung Quốc, cũng như của Mỹ, là do kinh tế vĩ mô của nước này quyết định.
Nếu Trung Quốc can thiệp mạnh hơn và trả đũa gay gắt hơn thì sự thay đổi trong cán cân thương mại Mỹ - Trung có thể càng ít hơn. Thiệt hại mỗi bên gây cho nhau rất khó có thể xác định. Trung Quốc vốn kiểm soát nền kinh tế nước này nhiều hơn và muốn thay đổi hướng tới một mô hình tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa thay vì đầu tư và xuất khẩu. Do vậy, đơn giản là Mỹ đang giúp Trung Quốc thực hiện những gì nước này đang cố gắng làm. Nói cách khác, Mỹ hành động giữa lúc Trung Quốc đang cố gắng quản lý đòn bẩy dư thừa và khả năng dư thừa.
Cụ thể hơn: nếu mục tiêu của Tổng thống Trump là ngăn Trung Quốc theo đuổi chính sách "Made in China 2025 " – khởi đầu từ năm 2015 nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa Trung Quốc và các nước tân tiến – thì ông gần như chắc chắn sẽ thất bại. Ngược lại, hành động của ông sẽ chỉ càng khiến lãnh đạo Trung Quốc tăng thêm quyết tâm thúc đẩy đổi mới và đạt được ưu thế công nghệ, vì họ nhận ra mình không thể dựa vào người khác.
Nếu một nước lao vào chiến tranh, thương mại hay lĩnh vực khác, thì cũng cần chắc chắn những vị tướng giỏi phải "cầm trịch" - có mục tiêu rõ ràng, chiến lược vững chắc, và sự ủng hộ rộng khắp. Còn ở dây, những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ dường như rất lớn. Bên cạnh đó, theo giáo sư Joseph Stiglitz, đội ngũ kinh tế của ông Trump rất kém trong khi đa số người Mỹ không ủng hộ cuộc chiến thương mại này.
Sự hậu thuẫn của dân chúng thậm chí giảm bớt khi người Mỹ nhận ra họ mất gấp đôi từ cuộc chiến này: việc làm biến mất, không chỉ bởi các đòn trả đũa của Bắc Kinh, mà còn vì thuế Mỹ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu và khiến chúng bớt tính cạnh tranh; và họ phải mua hàng đắt hơn. Điều này có thể đẩy tỷ giá đồng đôla giảm xuống và làm tăng lạm phát ở Mỹ. Cục Dự trữ liên bang (Fed) khi đó có thể sẽ tăng lãi suất, dẫn tới đầu tư và tăng trưởng yếu đi trong khi thất nghiệp nhiều hơn. 
Thanh Hảo
Năm cú đấm thép TQ sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Năm cú đấm thép TQ sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hứng chịu những đòn choáng váng của Washington, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Đòn phản công đó của Trung Quốc là gì?
Thế giới 24h: Mỹ-Trung khai hỏa chiến tranh thương mại

Thế giới 24h: Mỹ-Trung khai hỏa chiến tranh thương mại

Mỹ và Trung Quốc, ngày 6/7, chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ đôla hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.
Châu Á ra sao giữa 'đại chiến' thương mại Mỹ-Trung?

Châu Á ra sao giữa 'đại chiến' thương mại Mỹ-Trung?

Một cuộc bùng nổ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các nền kinh tế châu Á khác.
Vì sao ông Trump mở mặt trận mới cuộc chiến thương mại với TQ?

Vì sao ông Trump mở mặt trận mới cuộc chiến thương mại với TQ?

Vòng hai cuộc tấn công thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc dự kiến sẽ bùng nổ vào cuối tuần này với một mục tiêu mới.
"Quân bài bí mật" của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với TQ

"Quân bài bí mật" của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với TQ

Việc Mỹ hạn chế đầu tư của Trung Quốc sẽ làm chao đảo các thị trường thế giới. Song, đó có thể là "quân bài chiến lược" trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung.

Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ - Trung?

Mỹ - TrungBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chiến thương mại gây chú ý khắp toàn cầu
Hôm 13/7/2018, bên lề một Hội thảo tư tại Warsaw, Ba Lan, Giáo sư Trần Hữu Dũng nêu quan điểm với BBC trong bài viết có tựa đề 'Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến', cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra là 'khó lường', với vấn đề lớn là 'không ai biết được hết quy mô thiệt hại' cho nền kinh tế thế giới mà nó gây ra.
Trong khi đó, vẫn theo nhà kinh tế học này, có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo của Mỹ dường như không có một 'kế hoạch' được điều nghiên rõ ràng, cùng lúc, dường như Ban cố vấn kinh tế và nội bộ Đảng Cộng hòa cũng có 'hạn chế' trong ảnh hưởng hoặc tác động, kiểm soát với các chính sách của Tổng thống Mỹ.
Giáo sư Trần Hữu Dũng còn bày tỏ lo ngại vì cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động không những gây 'thiệt hại cho kinh tế bây giờ' mà còn 'đem vào một sự không chắc chắn về tương lai', gây ảnh hưởng đến 'đầu tư ngoại quốc', đầu tư quốc tế.
Bài viết này xin trao đổi và tranh luận với GS Trần Hữu Dũng về những "quan ngại" trên của ông.
Theo tôi, lịch sử chính trị của nước Mỹ trong suốt nửa thế kỷ qua sau chiến tranh Việt Nam, dễ dàng nhận thấy hai cột mốc đối ngoại.
Thứ nhất là với sự dẫn dắt theo đường lối diều hâu của các "nhạc trưởng" người của Đảng Cộng hòa đã làm cho Liên Xô sụp đổ và thứ hai bằng đường lối đối ngoại bồ câu, ôn hòa, chung sống hòa bình, dân chủ hóa nền chính trị thế giới được dẫn dắt bới các nhạc trưởng người của Đảng Dân chủ (Clinton-Obama), chính Mỹ không ai khác đã làm sổ lồng, đánh thức con hổ dữ phương đông đó là Trung Quốc?
Nguyên nhân nào đã xô đẩy Liên Xô tới sự sụp đổ năm 1991? Theo người viết bài này, Liên Xô sụp đổ do bởi tác nhân của hai chính sách cân não của Đảng Cộng hòa "rủ rê" Liên Xô chạy đua vũ trang và tìm cách hạ giá dầu xuống đáy nhằm làm thủng túi ngân sách của Liên Xô, vì đây là hàng xuất khẩu thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô.
Trung - MỹBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHàng hóa của Trung Quốc tại một cảng Container ở Nam California, Mỹ
Với việc hạ giá dầu tới mức cận đáy, cuối những năm 1980 giá dầu thế giới có lúc xuống mức 36 USD/thùng đã làm cho Liên Xô kiệt quệ nguồn thu, thâm thủng cán cân thương mại… Hai đòn cân não này khiến cho Liên Xô, ông anh cả của phe XHCN và 15 nước cộng hòa, thực chất là thuộc địa kiểu XHCN không đánh mà tan bởi "hết cơm hết rượu hết ông tôi".
'Trỗi dậyhệ lụy và diễn kịch'
Khi Đảng Cộng hòa nhường sân khấu chính trị Hoa Kỳ cho phái bồ câu, phe dân chủ, kỷ nguyên của Bill Clinton-Obama ra đời. Với đường lối hòa dịu với thế giới, kết cục trật tự thế giới thay đổi theo hướng thách thức vị trí siêu cường của Hoa Kỳ, do bởi sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, đẩy hai đồng minh của Mỹ là Nhật và Tây Đức xuống hạng 3-4.
Nguyên nhân của sự trỗi dậy này là do Mỹ cho phép Trung Quốc gia nhập WTO và mở cửa thị trường Mỹ cho Trung Quốc thao túng. Được tạo điều kiện về thị trường, Trung Quốc tranh thủ vươn lên bằng những mánh khóe cạnh tranh không minh bạch, sòng phẳng...
Một trong những mạnh khóe đó là hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực để kích thích, làm lợi cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc để hàng Trung Quốc tràn ngập Mỹ và Tây Âu…
Do tình thế đó, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhiều cử tri Mỹ đã quyết định không bỏ phiếu cho Đảng dân chủ, ủng hộ ông Trump lên điều hành nước Mỹ từ 20/01/2017.
Phe bồ câu Mỹ từng nuôi hy vọng và ảo tưởng: khi tạo sự đột biến về cơ cấu kinh tế của Trung Quốc, sẽ cảm hóa, làm diễn biến tư tưởng độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giải phóng quốc gia trại lính này khỏi ách chuyên chế.
Thế nhưng khi Trung Quốc đã bắt đầu có của ăn của để, liền không chịu quay về "tề gia, trị quốc", cải thiện môi trường xã hội nội trị để tạo ra sự phát triển, cạnh tranh văn minh theo luật.
Trung Quốc đã "tinh tướng" xô ra dùng tiền và "sức mạnh cơ bắp" (chạy đua vũ trang) "bình thiên hạ" nhằm tranh chấp, thách thức vị trí siêu cường của Mỹ, đe dọa an sinh một số đồng minh của Mỹ. Trung Quốc còn đe nét, bắt nạt cả những bạn từng được coi là "nối khố" của Trung Quốc như Việt Nam, Lào, Campuchia, Bắc Triều Tiên và một vài quốc gia Trung Á, Nam Á...
Trung - MỹBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHình ảnh của các chính khách Mỹ và Trung Quốc trong một tiệm photocopy ở Trung Quốc
Không chỉ thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chưng "vở kinh kịch như ta đây' phải xưng danh với thế giới rằng: do nhờ sự ưu việt của cái mô hình "XHCN mang màu sắc Trung Quốc"; nhờ tài kinh bang tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà kinh tế Trung Quốc có bước đột phá…
Sự đột phá này là thành quả của thể chế, mô hình, chứ không do tiếp nhận, học mót thiết chế văn minh của bất cứ phương nào, không do WTO, không do sự xởi lởi của thị trường Mỹ. Sự đột phá này càng không do cách buôn bán ăn gian, né trốn nghĩa vụ bản quyền, sở hữu trí tuệ trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu?
"Vở kinh kịch đại bá" trực tiếp đe dọa nguồn lợi, an ninh những sân sau, những đồng minh truyền thống của Mỹ và phương tây mà cả mô hình Mỹ.Trước hết là khu vực Đông-Bắc Á và Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông, Úc và Nam Mỹ... Trung Quốc triệt để sử dụng kế thứ 23 trong Binh pháp Tôn Tử là Viễn giao cận công.
Trung Quốc không chỉ dùng đòn bẩy kinh tế, đồng tiền Trung Quốc làm khí cụ cho "con đường tơ lụa" mà còn công khai chạy đua vũ trang trên Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm tàu chiến, tàu sân bay và xây tạo các hòn đảo trên Biển Đông nhằm đe dọa uy hiếp, khống chế con đường giao thương hàng hải huyết mạch nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Đây còn là một vùng lãnh hải trầm tích nhiều tài nguyên gắn bó với quyền lợi sát sườn của nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ.
'Thương chiến, lựa chọn và tính toán'
Không thể để Trung Quốc trèo lên vai lên cổ để xưng hùng xưng bá với thế giới. Vừa qua có ý kiến cho rằng cuộc chiến tranh này do chính Trung Quốc không biết điều, khơi mào trước.
Chọn chiến tranh thương mại là chọn đúng điểm rơi để Mỹ truy thu quyền uy của mình. Cuộc chiến này nhằm mục đích: đẩy cái mô hình "XHCN mang màu sắc Trung Quốc" vào góc chết, để nó hiện nguyên bản cái giá trị thực của nó, đừng để nó lên đồng như diễn kinh kịch. Cuộc chiến này còn mục đích: trả hàng Trung Quốc về cho dân Trung Quốc; trả "mô hình kinh tế-chính trị XHCN màu sắc Trung Quốc" về cho dân Trung Quốc xài.
Chiến tranh cho dù là thương mại thì bao giờ cũng làm tổn thương cho cả đôi bên. Chúng ta hãy cùng nhau "kê tính" những chiêu trò mà hai bên sẽ tung ra liệu có gây nên những hệ lụy như quan ngại của GS. Trần Hữu Dũng?
Trung - MỹBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionNhiều công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng khi Mỹ áp dụng các mức thuế xuất đánh mạnh vào nhiều hàng hóa, dịch vụ ở Mỹ.
Theo thông tin đã công bố, những năm gần đây, hàng năm Mỹ xuất sang Trung Quốc trên 130 tỷ USD trong khi đó Trung Quốc xuất sang Mỹ trên 500 tỷ USD…
Việc dùng chiêu đòn thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau, căn cứ vào tương quan của đội bên, giá trị tuyệt đối cuối cùng Trung Quốc phải chịu chắc chắn thiệt hại lớn hơn phía Mỹ. GDP hàng năm của Mỹ là 20.000 tỷ USD trong khi đó Trung Quốc mới đặt mức 12.000 tỷ USD…
Cứ cho là hai bên chơi sát ván, cạn tàu ráo máng với nhau thì tổng số hàng hóa của hai nước mới ở mức chưa tới 700 tỷ USD; tỷ suất này chưa thể ảnh hưởng tới trục xoay của cán cân thương mại thế giới, như quan ngại của GS Trần Hữu Dũng cảnh báo "Cuộc chiến thương mại này là khó lường, mà một trong các vấn đề lớn là không ai biết được hết quy mô thiệt hại cho nền kinh tế thế giới mà nó gây ra…"
"Lo ngại vì nó không những thiệt hại cho kinh tế bây giờ mà nó còn đem vào một sự không chắc chắn về tương lai, cái đó ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư ngoại quốc này kia…"
Cứ cho Mỹ mất trắng các lô hàng trị giá 130 tỷ USD do gây chiến với Trung Quốc, cú sốc này cũng chỉ có thể gây sốt nhẹ cho cơ cấu kinh tế của nước Mỹ và chính phủ của TT Trump vẫn có khả năng vượt qua, hóa giải.
Còn với Trung Quốc khả năng mất trắng các lô hàng trị giá 500 tỷ USD là thực tế, là trong tầm tay của chiến lược gia Trump. Ảnh hưởng của cuộc chiến này trong năm 2018 chưa hiện hình thật rõ nét vì nó được phát động vào cuối năm, nhưng chắc bước sang 2019, kinh tế Trung Quốc sẽ ngấm đòn.
Báo chí Trung Quốc đã đưa tin chuẩn bị phá sản một loạt doanh nghiệp xuất khẩu. Các nhà kinh bang tế thế Trung Quốc đã đã lộ tiểu khí, nổi đóa do "giận cá chém thớt" với một số hàng hóa của Việt Nam: nâng thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên 50 %...
Trung - MỹBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột nhà đầu tư Trung Quốc quan sát biến động trên thị trường chứng khoán ở Bắc Kinh sau khi chiến tranh thương mại xảy ra.
Đối với Mỹ, nếu không bán được các lô hàng 130 tỷ kia cho Trung Quốc thì vẫn có khả năng xuất bán cho các thị trường khác nếu Mỹ tìm cách kích cầu, giảm giá. Vừa qua Mỹ đã thỏa hiệp với Tây Âu, chưa đánh thuế hàng nhập khẩu ôtô từ thị trường này để đổi lại: EU tăng nhập hàng nông sản của Mỹ, phòng việc hàng hóa này bị Trung Quốc chặn, tẩy chay…
Mỹ còn có đồng minh, bạn hàng có khả năng "lá lành đùm lá rách" trong cơn cơ nhỡ đó là Tây Âu, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ… Riêng Tây Âu có tổng GDP là 19.000 tỷ USD, trên cơ Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì biết cậy nhờ ai mua hộ hàng bây giờ?
Nhập khẩu hàng Mỹ là một nhu cầu thiết yếu của Trung Quốc. Nước này chỉ nhập những thứ không thể không nhập. Khả năng mất trắng các lô hàng truyền thống giá trị 130 tỷ USD của Mỹ dự định xuất sang Trung Quốc là ít mà có khả năng chịu tổn thất.

'Đòn đánh chắc, điểm huyệt và cân não'

Trong khi đó, nếu hàng Trung Quốc bị hàng rào thuế quan Mỹ sờ gáy, khả năng mất trắng cá lô hàng này, không bán được cho Mỹ và các thị trường khác là chắc chắc.
Khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao, hàng hóa của các quốc gia khác như Việt Nam, Đông Nam Á, Nam Á sẽ thế chân hàng Trung Quốc ngay lập tức.
Còn bán cho nước khác thì chỗ nào đã bán được, hàng Trung Quốc đã tràn ngập bằng mọi cách. Còn hàng Mỹ nếu Trung Quốc áp thuế cao thì các nhà sản xuất Việt Nam, Đông Nam Á, Nam Á, Nga, các cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và thậm chí Tây Âu xũng không dễ gì thay hàng Mỹ…
Trung - MỹBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCác nhà xuất khẩu Trung Quốc được cho là sẽ phải tìm các thị trường thay thế sau khi bùng nổ thương chiến
Đó chính là đòn đánh chắc, điểm huyệt và cân não mà Trump và Đảng Cộng hòa chủ trương.
Tất nhiên cuộc chiến này sẽ tác động tới cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc nhưng nó không ngẫu hứng như GS. Trần Hữu Dũng nhận định.
Khi chủ động phát động cuộc chiến tranh thương mại để trị Trung Quốc, chính giới Mỹ rất hiểu Trung Quốc, đã tính toán kỹ và lập trình chắc thắng rồi mới "xuống tấn", "xuất chiêu".
Trump có thể đã viện dẫn kế sách thứ hai và của Binh pháp Tôn Tử: đó là kế thứ hai 'Vây Ngụy cứu Triệu', tức là tránh nơi địch mạnh nhất, đánh vào hiểm yếu khiến địch phải rút về.
Chỉ khi nền kinh tế Trung Quốc bị cô lập, khốn khó thì kế thứ 19 'Rút củi đáy nồi' (Phủ để trừu tân), tức là đánh tiêu hao hậu cần để làm quân địch dần phải thua mới phát huy hiệu lực.
Kế thứ 19 này sẽ làm giảm tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại nhiều khu vực trên thế giới như Biển Đông, Hoa Đông, Nam Á, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ giống như những gì đã xảy ra với Liên Xô cũ đầu những năm 1990 ở thế kỷ trước.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một blogger và nhà văn từng làm việc tại Bộ Văn hóa và Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào: