LTS: Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa và ao tôm cá của cả nước đang chìm dần dưới nước, khi đối mặt với nhiều nguy cơ dồn vào cùng lúc: Từ ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn nước sinh hoạt; hạn hán gây ra thiếu nước vào mùa khô; vào mùa lũ thì bị lụt lội do triều cường dù mưa ít; thu hoạch ngư nghiệp bị giảm mạnh; đất lún dần do nước ngầm được bơm lên sử dụng; những dự án thuỷ lợi ngăn mặn hoá ngọt thất bại…
Không những thế, đồng bằng Sông Cửu Long còn sẽ phải gánh chịu hậu quả khi mực nước biển dâng cao do biển địa cầu bị hâm nóng. Thêm vào đó là các hồ thuỷ điện thượng nguồn ở Vân Nam, Trung Quốc và Lào ngăn cản phù sa và sự di chuyển của các loài cá xuống hạ lưu.
Bài báo trên trang mạng Nông Nghiệp Nghiệp Việt Nam sau đây tường trình chứng cứ về việc vùng biển ở khu vực này bị xói lở. Đây là bản cáo trạng dành cho ông Phạm Tuấn Phan, CEO của Mekong Commission. Ông Phan là người đã bác bỏ tác động tiêu cực của thủy điện và ủng hộ các dư án thuỷ điện của Lào, mặc dù đã có nhiều bài học về tác hại từ Bắc Mỹ, các chuyên gia đã tiên liệu từ hơn 30 năm trước và dân cư Mekong, cũng như các NGO đã quyết liệt phản đối.
Đã dến lúc Việt Nam phải cứu Đồng bằng Sông Cửu Long, kiện Trung Quốc và Lào ra toà án trọng tài quốc tế về vi phạm tội ác với nhân loại, hủy hoại môi trường sống của các cư dân ở khu vực này.
_____
Minh Phúc
7-1-2019
Mỗi năm, khu vực Nam bộ mất khoảng 300ha đất do sụt lún, sạt lở. ĐBSCL đang chìm với tốc độ nhanh hơn so với dự báo và có nguy cơ… tan biến do không được bồi đắp lượng bùn cát, phù sa cần thiết.
“Nồi cơm” có thể biến mất
Tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam bộ là vấn đề rất lớn, mang tầm cỡ quốc gia. Bởi vậy, cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dành trọn một buổi để nghe các Bộ, ngành liên quan báo cáo, giải trình về các giải pháp phòng, chống.