Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

Hội đồng tư vấn Quốc gia: ‘Nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều ‘điểm nghẽn’; 3 công ty sản xuất Đạm của Vinachem tiếp tục lỗ hơn 1.500 tỷ đồng


Đó là nhận định được Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra tại phiên họp Quý 1/2019 diễn ra vào sáng ngày 12/1.

Vuong dinh hue
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

Hội nghị nhằm đánh giá công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và kiến nghị tới Chính phủ các giải pháp điều hành kinh tế năm 2019.
Tại hội nghị, các thành viên của Hội đồng tư vấn đánh giá cao công tác điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm vừa qua khi đã đạt được các kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm trở lại – 7,08%, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới ngưỡng 4%.

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến bày tỏ lo ngại môi trường kinh tế thế giới tiếp tục biến động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam. Đặc biệt khi nội tại nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ở tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, dự án chậm triển khai, doanh nghiệp có vốn mỏng, tín dụng đen tràn lan, sự cải thiện về môi trường kinh doanh vẫn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn…
Kiến nghị giải pháp, các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng Chính phủ cần tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô lẫn vi mô nhằm tạo vùng đệm cho các doanh nghiệp,  định chế tài chính có thể chống đỡ các cú sốc đến từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh thị trường vốn và tiền tệ với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch; đẩy nhanh tiến trình thẩm định, định giá các doanh nghiệp nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các hình thức thanh toán mới, cho vay ngang hàng; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Cùng với đó là kiểm soát bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của quốc gia; cải cách cơ chế thu chi ngân sách đến từng địa phương để tạo điều kiện cho phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ trì buổi hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận các kiến nghị về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ năm 2019 của Hội đồng tư vấn. Ông cho biết Chính phủ cũng đang tích cực xây dựng hành lang pháp luật để triển khai kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán di động và cho vay ngang hàng…
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng “đặt hàng” các thành viên Hội đồng đóng góp trí tuệ, cùng Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới, trong đó xem “khoa học công nghệ” là động lực quan trọng của phát triển kinh tế.
Minh Sơn


Mặc dù tổng lỗ của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã giảm hơn so với năm 2017, nhưng vẫn còn 3 đơn vị tiếp tục lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.
nha may dam ninh binh
Đạm Ninh Bình là một trong 4 dự án thua lỗ của ngành Công thương sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. (Ảnh: ninhbinhurea.com.vn)
Thông tin vừa được Phó Tổng giám đốc Vinachem Bùi Thế Chuyên cho biết tại hội nghị tổng kết năm của tập đoàn này diễn ra chiều ngày 12/1.
Cụ thể, ba doanh nghiệp thua lỗ là Công ty DAP số 2 – Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 246 tỷ đồng, đã giảm lỗ 54%; Công ty Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng, giảm 44%; và Đạm Ninh Bình lỗ nhiều nhất với 926 tỷ đồng, tương đương mức lỗ năm 2017.
Như vậy, trong số 4 doanh nghiệp thua lỗ của Vinachem được Chính phủ yêu cầu xử lý, thì chỉ có DAP – Vinachem (Hải Phòng) đạt lợi nhuận 196 tỷ đồng, còn lại 3 doanh nghiệp vẫn thua lỗ thuộc trong số những dự án kém hiệu quả của ngành Công thương cần tiếp tục khắc phục.
Theo ông Bùi Thế Chuyên, mặc dù các đơn vị tiếp tục gặp khó khăn, song lợi nhuận toàn Tập đoàn Vinachem ước lãi 609 tỷ đồng, thấp hơn 33 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nhưng tăng tới 446 tỷ đồng và gấp 3,7 lần so với năm 2017.
Ông Chuyên cho biết việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu như: các sản phẩm phân bón DAP, NPK, Supe lân…, và tăng chi phí lãi vay đối với các đơn vị có vay vốn bằng USD.
Bên cạnh đó, 4 công ty đạm tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc vay vốn lưu động do lãi suất vay cao hơn mặt bằng thị trường từ 1 – 2,5%, cũng như sự cạnh tranh đến từ hàng nhập khẩu làm giảm sản lượng tiêu thụ phân bón của Vinachem.
Do đó, để giải quyết khó khăn cho 3 công ty sản xuất đạm thua lỗ, Vinachem tiếp tục kiến nghị đối với các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các ngân hàng thương mại “cần có biện pháp kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay cũng như không tính lãi suất quá hạn…”
Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại hạn trả nợ, có mức lãi suất ưu đãi và đặc biệt tiếp tục cho vay vốn lưu động, giải ngân vốn lưu động đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trước đó vào tháng 12/2018, Đạm Ninh Bình cũng gửi văn bản lên Chính phủ xin giãn nợ, giảm lãi, không xếp hạng tín dụng đối với công ty và cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Hồi tháng 8/2018, Vinachem cũng đưa ra kiến nghị Chính phủ hàng loạt cơ chế ưu đãi, sửa luật, giảm thuế để tập đoàn này thoát khỏi tình cảnh thua lỗ.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: