Thứ 3, 15:25, 31/10/2017
VOV.VN - Thu nhập bình quân chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng mỗi người dân Việt Nam phải gánh thuế và phí trên GDP gấp 1,4-3 lần so các nước khác.
Ngày 31/10, thảo luận tại Hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) đề cập đến vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao, trong đó thu ngân sách tiếp tục giảm.
Ông Chuẩn cho rằng, việc ngân sách trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm. Thực trạng thu không đủ chi nên đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. Điều này lại dẫn đến làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng
Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, nêu thực tế: Có những lĩnh vực doanh nghiệp đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí, dẫn đến giảm sự đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Chuẩn, Việt Nam là 1 trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội là rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển. Nếu tính tỷ lệ thu ngân sách/GDP thì Việt Nam đang đứng ở thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực (Theo tổ chức kinh tế thế giới WTO, tháng 4/2017).
Ông Chuẩn dẫn chứng số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho hay, tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%.
Theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 60,1% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 66,3% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,1% dự toán. Hầu hết đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước.
So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. Như vậy, thực tế năm 2017 cho thấy đã áp dụng tối đa các giải pháp tận thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn giảm, không đủ chi, ông Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh.
Nuôi dưỡng nguồn thu
Từ những phân tích trên, ông Chuẩn khẳng định, dù đã tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao song kết quả thu ngân sách nhà nước không đạt được như mục tiêu và mong muốn đề ra.
Do đó, đại biểu này đề nghị xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay cho việc tận thu, hành thu doanh nghiệp sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu.
Bên cạnh đó, ông Chuẩn cho rằng, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách.
Ngoài ra, nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi và các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nước ngoài, rất cần có trang bị các lá chắn về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới, ông Chuẩn nêu ý kiến./.
Cơ sở áp thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt chưa thuyết phục
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ sở áp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt mà Bộ Tài chính đưa ra vẫn chưa thuyết phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét