Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Biển Đông: Quan điểm trung lập « tích cực » của Pháp

RFI

mediaTổng thống Pháp François Hollande được chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (T) đón tiếp ngày 6/09/2016 tại Hà Nội.REUTERS/Minh Hoang/Pool
Ngay trước ngày tổng thống Pháp đến Hà Nội hôm 05/09/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã bắn tiếng kêu gọi Pháp hậu thuẫn Việt Nam trong vấn đề Biển Đông trong bài phỏng vấn ngày 24/08 dành cho hãng tin AFP. Lời kêu gọi này đã được tổng thống François Hollande đáp ứng một phần, trong bối cảnh Paris được cho là ngày càng muốn đóng một vai trò năng động hơn tại châu Á
Mối quan tâm của Pháp trên hồ sơ Biển Đông đã được chính thức ghi nhận trong bản Tuyên Bố Chung Việt Pháp, công bố ngày 06/09/2019, sau cuộc tiếp xúc thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ François Hollande và Trần Đại Quang tại Hà Nội.
Tuyên Bố Chung Việt-Pháp nói đến phán quyết trọng tài về Biển Đông
Trong số 19 điểm của bản Tuyên Bố Chung, điểm 18 được dành riêng cho vấn đề Biển Đông và ghi rõ :
« Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. »
Công thức trên đây nhìn chung không có gì mới lạ vì luôn luôn được sử dụng trong các văn kiện bày tỏ thái độ quan ngại trước các diễn biến gây căng thẳng tại Biển Đông, chủ yếu do Trung Quốc gây nên. Điểm mới nằm trong phần thứ hai của điểm 18 bản Tuyên Bố Chung Việt-Pháp khi hai nước đều nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông :
« Sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/7/2016, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). »
Paris đáp ứng yêu cầu hậu thuẫn của Hà Nội
Trong một điểm khác, Tuyên Bố Chung Việt-Pháp nhân chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp François Hollande còn xác định hướng thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự và quốc phòng giữa hai nước : « Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chiến lược về quốc phòng và tiếp tục hợp tác về (...) các chuyến thăm của tàu quân sự, trang thiết bị quốc phòng (...). Hai bên mong muốn mở rộng hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải, hàng không. »
Trong buổi họp báo chung cùng với chủ tịch nước Việt Nam tại Hà Nội, tổng thống Pháp đã nhắc lại một số nguyên tắc trong đó có việc « tôn trọng quyền tự do hàng hải, tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ». Theo ông Hollande, nước Pháp sẵn sàng « hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ vùng biển của mình ». Theo ghi nhận của đặc phái viên báo Le Monde, ý sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng đã được tổng thống Pháp nhắc lại trước các sinh viên và giảng viên đại học tại Hà Nội.
Theo các nhà quan sát, tổng thống Pháp như vậy đã làm rõ thêm lập trường của Paris trong vấn đề Biển Đông, đáp ứng phần nào mong đợi của Hà Nội, đã được chính chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nêu lên ngày 24/08 khi ông tuyên bố với hãng tin Pháp AFP rằng Việt Nam « rất tán đồng việc Pháp và các nước khác tham gia vào tiến trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên Biển Đông... để bảo đảm an ninh và quyền tự do lưu thông trên không và trên biển ».
Khi nhắc đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye trong bản Tuyên Bố Chung với Việt Nam, Pháp đã cho thấy lập trường ủng hộ phán quyết của mình, đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc vốn đã cực lực đả phá quyết định của Tòa La Haye.
Pháp muốn luật quốc tế được tôn trọng tại Biển Đông
Về quan điểm của Pháp trên vấn đề Biển Đông, trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI trước khi tổng thống François Hollande đến Việt Nam, tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Pháp về Biển Đông thuộc trung tâm nghiên cứu Asie21 cho rằng cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay là Mỹ, Paris giữ thái độ trung lập trên vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng rất quan tâm đến nhu cầu tôn trọng luật biển quốc tế và quyền tự do hàng hải:
DS : Để trả lời câu hỏi của ông, trước hết tôi xin nói là tôi không hề có quan hệ với các giới chức chính phủ Pháp, cho nên tôi không thể biết một cách chính xác là quan điểm của chính phủ Pháp về Biển Đông, cụ thể ra sao.
Điều duy nhất mà tôi có thể nói là thông qua phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Đối Thoại Shangri La ở Singapore mới đây, và những phát biểu trong khuôn khổ các cuộc họp của nhóm G7 tại Nhật Bản, nước Pháp muốn duy trì tuyệt đối một thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông, nhưng rất quan tâm đến việc tôn trọng luật biển quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải.
Trên điểm này, lập trường của Pháp tương đồng với quan điểm của rất nhiều nước khác, từ Mỹ cho đến Nhật, Úc, vân vân.
Về yêu cầu giúp đỡ mà Việt Nam nêu lên, tôi cho rằng có một số hướng để đáp ứng. Tuy nhiên, nước Pháp cũng như phần còn lại của Châu Âu phải có quan điểm trung lập trên vấn đề này.
Điều duy nhất mà Pháp và Liên Hiệp Châu Âu có thể làm là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế, điều mà Bắc Kinh nói là họ vẫn làm, nhưng trong thực tế thì không hẳn là như vậy nếu ta xem xét quan điểm của Trung Quốc trên những vấn đề đang diễn ra.
Pháp có thể yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông
Theo tướng Schaeffer, vấn đề yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế đã trở nên dễ dàng hơn sau khi quốc tế đã có phán quyết về tính bất hợp pháp của các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh :
DS: Pháp có thể yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bởi vì phán quyết này không chỉ liên quan đến Philippines – ta không nên giới hạn phán quyết này trong phạm trù song phương Philippines-Trung Quốc – mà còn liên quan đến tất cả các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và cả Indonesia, vì đường « lưỡi bò » của Trung Quốc cũng bao gồm một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna ở miền Đông Bắc.
Không chỉ có Philippines được hưởng lợi từ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, mà tất cả các nước ASEAN đều có lợi.
Một ví dụ cụ thể là Việt Nam. Ít ra là trên bình diện pháp lý, toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được chính thức thừa nhận, kể cả khu vực trải rộng đến tận bãi Vanguard Bank, phía Tây quần đảo Trường Sa.
Nước Pháp như vậy là có thể yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của họ khi ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, đặc biệt là Điều 298.
Trong điều này, Bắc Kinh chỉ giữ lại phần đầu, tức là không chấp nhận các phán quyết của trọng tài quốc tế liên quan đến việc phân định hải phận, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế, trong lúc mà điều khoản đó của UNCLOS đi xa hơn rất nhiều, và cho rằng việc không chấp nhận phán quyết chỉ có thể được thực hiện với một số điều kiện. Philippines khi nộp đơn kiện Trung Quốc đã tuân thủ các điều kiện đó, còn Trung Quốc thì bỏ qua hẳn phần thứ hai này.
Pháp năng nổ thuyết phục Châu Âu tuần tra Biển Đông, Luân Đôn ủng hộ Paris
Cho dù lập trường chung của Pháp trong vấn đề Biển Đông là trung lập, nhưng tướng Schaeffer cũng như nhiều nhà phân tích khác đều ghi nhận nỗ lực của Paris trong việc thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp cụ thể trong việc bảo vệ luật biển quốc tế tại Biển Đông : Đó là tổ chức các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng không và hàng hải :
DS : Tôi không biết là nước Pháp có khả năng buộc Trung Quốc hiểu ra điều đó hay không mà không tỏ ra thiên vị Việt Nam, Malaysia hay Philippines. Theo tôi, nước Pháp phải giữ lập trường trung lập trên vấn đề Biển Đông, và nhấn mạnh trên sự thiết yếu phải tôn trọng luật lệ quốc tế.
Điều đó có thể làm phía Việt Nam phần nào thất vọng, nhưng Pháp không thể ngả hẳn theo phía Việt Nam. Pháp có thể đưa ra một số gợi ý, nhưng không thể có lập trường nào khác hơn là trung lập, và Châu Âu cũng vậy.
Cái hay là bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Le Drian đã mời các quốc gia châu Âu khác tham gia vào các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, như là Mỹ đã làm, không phải là để khiêu khích Trung Quốc, mà là để nói với mọi người rằng « Pháp và châu Âu cũng có lợi ích trong việc quyền tự do hàng hải được tôn trọng ở Biển Đông, trong việc Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tuân thủ.
Ông Le Drian đã từng tuyên bố là nếu không được tôn trọng ở Biển Đông, luật lệ quốc tế có nguy cơ bị coi thường ở phần còn lại trên thế giới.
Vấn đề là phải làm sao cho Trung Quốc hiểu được là phán quyết của Tòa Thường Trực không phải là nhằm vào Trung Quốc, mà là để thực thi luật biển quốc tế.
Có đào bới bản phán quyết đến đâu, thì cũng không thấy điểm nào bất công đối với Trung Quốc, cho dù nước này đã tập hợp được một số nước ủng hộ.
Phải nói là Pháp không đơn độc trong ý muốn tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Hôm 05/09/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Michael Fallon đã khẳng định rằng Luân Đôn và Paris đều « tay trong tay » trên vấn đề quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Không có nhận xét nào: