TPO - Bị thẩm vấn về số tiền hơn 13 tỷ đồng tham ô tại Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, các bị cáo khai rành rọt từ việc nhận chỉ đạo lo tiền cho đến việc chia chác. Trong đó, Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó tổng giám đốc PVC khai đưa cho Vũ Đức Thuận 20 nghìn USD để tiếp khách, chuẩn bị 2 tỷ đồng biếu xén…
Theo cáo trạng, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC đã giao Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó TGĐ PVC (phụ trách PQL) chỉ đạo Lương Văn Hòa – nguyên GĐ BĐH rút 13 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân. Thực hiện chỉ đạo, Lương Văn Hòa đã ký 4 hợp đồng khống với Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa để rút tiền hơn 13 tỷ đồng.
Vì vậy, Lê Thị Anh Hoa – Giám đốc Cty Quỳnh Hoa và chồng là Nguyễn Thành Quỳnh cùng bị truy tố tội “Tham ô tài sản”.
Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo lo 5 tỷ tiêu Tết, "ngoại giao"
Trước HĐXX, bị cáo Nguyên Anh Minh thừa nhận hành vi, tuy nhiên cho rằng cáo trạng truy tố ông hưởng lợi 3,6 tỷ đồng là chưa chính xác.
Ông Minh khai, trong số tiền này, ông đã chuyển cho Vũ Đức Thuận 20.000 USD tương đương 430 triệu đồng để "ngoại giao". Tiếp đến, Minh cho biết từng nhận chỉ đạo chuẩn bị 2 tỷ đồng chuẩn bị để tiếp khách, làm quà, thuê lán trại… phục vụ lễ khởi công một nhà máy. Dù hiện tại Nguyễn Anh Minh đã khắc phục số tiền 3,6 tỷ đồng và đã rất ăn năn nhưng bị cáo này xin HĐXX xem xét lại khoản tiền bị quy kết.
Sau đó, Lương Văn Hòa khai Nguyễn Anh Minh đã trực tiếp chỉ đạo chuyển tiền về PVC. Bị cáo khai: “Anh Minh nói đây là chỉ đạo của anh Thanh, anh Thuận và sẽ có cách hợp thức sau. Khi bị cáo chuyển khoảng 3 - 4 tỷ, có xin ý kiến anh Minh thì bồi hoàn quỹ cho Cty thực hiện thế nào? Anh Minh nói thôi vẽ cái gì ra mà làm, trên Cty anh sẽ lo”.
Ông Hòa cũng thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới lập 4 hồ sơ khống để chuyển khoảng hơn 10 tỷ đồng về PVC thành nhiều lần. Các lần chuyển tiền đều do 3 đầu mối tiếp nhận là Nguyễn Anh Minh hoặc 2 tài khoản của 2 nữ nhân viên tại PVC. Được hỏi về số tiền hưởng lợi, Lương Văn Hòa khai: “Theo thỏa thuận của bị cáo với Quỳnh Hoa thì Quỳnh Hoa giữ lại 15% nhưng bị cáo thấy cần tiền để chi tiêu cho đơn vị và cá nhân nên báo lại Quỳnh Hoa giữ 20%... Bị cáo giữ lại 5% để sử dụng”.
Ông Hòa nói thêm, trong dịp Tết năm 2012 đã nhận điện thoại chỉ đạo từ Nguyễn Anh Minh, Trịnh Xuân Thanh nói phải lo “5 đồng” tức 5 tỷ đồng để tiêu Tết và ngoại giao. Hòa đã ra 2 ngân hàng rút tiền theo yêu cầu. Nhân chứng Nguyễn Văn Kế xác nhận chở Hòa đi rút tiền tại hai ngân hàng vào ngày 13/1/2012.
Tiền tham ô chuyển qua tài xế
Cũng theo lời ông Kế, Hòa yêu cầu anh Kế chuyển tiền sang cho tài xế của Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, Nguyễn Minh Anh yêu cầu anh Kế: “Giữ lại cho tao 1 tỷ”. Vì vậy, anh Kế đã giữ lại 1 tỷ đồng, còn số tiền chuyển cho Trịnh Xuân Thanh là bao nhiêu thì anh Kế không rõ, chỉ biết “kích cỡ to hơn túi kia 4 – 5 lần”.
Về quá trình lập khống hồ sơ, bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh khai: “Tháng 8/2011, Hòa có mời bị cáo lên phòng làm việc, trao đổi sắp tới BĐH cần tiền để chi phí, cần 1 số gói thầu BĐH cho đơn vị khác thi công nhưng nhờ tư cách pháp nhân của công ty Quỳnh Hoa xuất hóa đơn, rút tiền ra, bị cáo đồng ý… Anh Hòa có hỏi công ty Quỳnh Hoa giữ lại bao nhiêu, bị cáo nói chỉ giúp nhau thôi còn công ty của bị cáo giữ lại 15% để 10% nộp thuế GTGT, 5% thuế thu nhập. Sau đó, phía Quỳnh Hoa ký 4 hợp đồng khống, rút hơn 13 tỷ nhưng giữ lại hơn 1 tỷ theo thỏa thuận, còn lại chuyển cho Hòa”.
“Cả 4 hợp đồng khống đều kê khai, nộp thuế GTGT đầy đủ, còn thuế thu nhập do năm đó thua lỗ nên bị cáo không phải nộp. Sau này, cán bộ điều tra về bảo bị cáo đã giúp sức cho việc rút tiền của Nhà nước nên bị cáo và vợ đã khắc phục gần 1 tỷ đồng” – ông Quỳnh nói.
Đứng trước bục khai báo, Nguyễn Đức Hưng – nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán BĐH cũng khai: “Hòa có chỉ đạo lấy tiền đối ngoại rồi giao các bộ phận khác hoàn thiện hồ sơ rồi chuyển lại cho bị cáo. Sau đó, anh Hòa làm việc với Quỳnh Hoa để lấy tiền bù vào quỹ, tiền mang đi tiêu Tết bị cáo không rõ”.
“Mong HĐXX xem xét bị cáo là cấp dưới phải nghe chỉ đạo của cấp trên nhất là anh Hòa bảo có chỉ đạo của cấp trên nữa. Bị cáo cũng sai khi nghĩ tiền đó phục vụ tập thể, không biết cấp trên dùng cá nhân… bị cáo không được hưởng lợi” – ông Hưng trình bày.
Tương tự, các bị cáo Lê Xuân Khánh – nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch BĐH; Nguyễn Lý Hải – nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật BĐH cũng thừa nhận đã giúp sức cho Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút tiền của Nhà nước nhưng họ chỉ thực hiện chỉ đạo, không được hưởng lợi.
XUÂN ÂN - LÊ DƯƠNG
Thẩm vấn ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh: Người bình tĩnh đối chất, người căng thẳng trả lời
(VTC News) - Trong khi ông Đinh La Thăng bình tĩnh đối chất với các bị cáo khác thì bị cáo Trịnh Xuân Thanh tỏ ra khá căng thẳng và xin chủ tọa cho ngồi ghế để trả lời thẩm vấn.
Ngày 9/1, phiên tòa xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí PVN tiếp tục với phần thẩm vấn hai bị cáo được quan tâm nhất trong vụ án là bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN và Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Video: Toàn cảnh phiên xét xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh sáng 9/1
Bị cáo Đinh La Thăng: "Tôi nhận trách nhiệm"
Bắt đầu phần xét hỏi, Chủ tọa hỏi bị cáo Đinh La Thăng: "Tại sao chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, khi năng lực của doanh nghiệp này rất yếu kém?".
Ông Đinh La Thăng khẳng định: "Việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên của PVN là do chủ trương của Bộ Chính trị. Trong kết luận của Bộ Chính trị về tiến độ phát triển của PVN, với mong muốn phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế mạnh.
Bởi vậy, việc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị là để phát triển kinh tế, Chính phủ cho phép PVN chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên.
Từ chủ trương này, tập đoàn phát triển xuống các công ty con trong đó có PVC để xây dựng thành 1 đơn vị xây lắp dầu khí mạnh. Sau đó có sự đồng ý của Chính phủ thì PVN cho PVC làm tổng thầu".
Tiếp tục, Chủ tọa hỏi bị cáo Thăng: "Căn cứ nào để PVN giao PVC làm tổng thầu?".
Ông Thăng khẳng định việc chọn lựa đối tác nước ngoài là khó cho Việt Nam. Còn năng lực tài chính và kinh nghiệm thì ông Thăng khẳng định thời điểm đó PVC có đủ.
Về kinh nghiệm, PVC đã thi công hàng trăm công trình rồi chứ không chỉ có công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Về năng lực tài chính, ông Thăng cho rằng dựa vào các báo cáo của PVC và các bộ phận giúp việc của PVN báo cáo. Do đó, căn cứ vào năng lực và thực tiễn của PVC nên bị cáo đồng ý về nguyên tắc.
"Năm 2010, PVN đã bán bớt cổ phần của PVC thu được tiền", ông Thăng nói.
Chủ tọa tiếp tục hỏi ông Thăng: "Khi PVC ký hợp đồng 33, PVC đã có các đánh giá, hồ sơ chưa?".
Bài liên quan
Ông Thăng nói: "Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và tổng thầu, vì việc ký kết hợp đồng đó bị cáo không chỉ đạo ký hợp đồng".
Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Việc đồng ý chỉ định thầu trên cơ sở chất lượng, năng lực của đơn vị, bị cáo có cho rằng PVC đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm thì có kiểm tra các báo cáo không?".
Ông Thăng trả lời: "Hội đồng thành viên làm việc thì có bộ máy giúp việc của tập đoàn, căn cứ vào các tờ trình, báo cáo của chủ đầu tư thì đồng ý về mặt chủ trương nên giao cho tổng giám đốc trực tiếp chỉ đạo".
Chủ tọa hỏi tiếp: "Tại sao theo nghị quyết của PVN nêu rõ PVC là tổng thầu liên doanh, nhưng công văn do bị cáo ký lại làm ngược lại rằng chỉ PVC làm tổng thầu?".
Bị cáo Đinh La Thăng: "Cảm ơn chủ tọa đã có câu hỏi này. Đối với tổng thầu và liên doanh tổng thầu có phạm vi khác nhau nhưng phần nước ngoài thực hiện là nước ngoài thiết kế.
Việc bị cáo ký liên doanh tổng thầu, là căn cứ vào một văn bản trước đó của HĐTV ban hành, sau đó bị cáo tiếp tục thực hiện".
Chủ tọa tiếp tục truy xét: "Căn cứ vào đâu ngày 1/3/2011 sẽ khởi công dự án?"
Ông Đinh La Thăng đáp: "Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư và bị cáo đồng ý, khi PVPower cho rằng có đủ năng lực khởi công nên bị cáo đồng ý".
Chủ tọa hỏi: "Vì sao ngày 24/2/2011 bị cáo ký báo cáo hiệu chỉnh đầu tư, rõ ràng bị cáo nhận thức được rằng báo cáo chưa đầy đủ, vậy làm sao triển khai được?
Video: Xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm: Luật sư phân tích tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Ông Đinh La Thăng trả lời: "PVN đã triển khai hàng trăm công trình khắp nơi chứ không chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Do đó, để đảm bảo chất lượng tiến độ, tập đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện đồng thời nhiều việc".
Liên quan đến số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng đã ứng cho PVC thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng khẳng định đã chỉ đạo rõ số tiền này chỉ được sử dụng cho dự án không được dùng vào mục đích khác.
Khi tòa đặt câu hỏi với bị cáo Thăng: "Tại sao hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện mà bị cáo đã cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng như vậy có đúng không?".
Ông Thăng trả lời: "Lúc đó bị cáo chưa biết gì về hợp đồng 33 cả".
Trước câu trả lời trên chủ tọa, ông Ninh Văn Quỳnh lên cho đối chất.
Chủ tọa hỏi bị cáo Quỳnh: "Hôm qua bị cáo khai quá trình rà soát hợp đồng 33 thấy nhiều thủ tục thiếu sót, việc này bị cáo báo cáo lãnh đạo tập đoàn?"
Bài liên quan
Bị cáo Quỳnh khai: "Bị cáo chỉ báo cáo nội dung hợp đồng 33 với anh Thăng còn một số nội dung khiếm khuyết của hợp đồng thì báo cáo trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Sơn".
Chủ tọa tiếp tục cho gọi bị cáo Vũ Hồng Chương lên đối chất.
Ông Sơn khai: "Tôi đã báo với anh Thăng hợp đồng 33 không đúng quy định".
Ông Chương khai tại cuộc họp ngày 31/3/2011, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể.
Đến cuộc họp ngày 1/6, ông Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể và sớm thực hiện việc tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho dự án.
Trái với lời khai của ông Thăng về việc "không biết đến hợp đồng 33", bị cáo Chương khẳng định đã báo cáo nội dung hợp đồng 33 không đúng quy định.
"Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng 33 có không phù hợp quy định, không đúng với nghị định 48 của Chính phủ, đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định.
Ông Chương khai: "Khi đó, anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, anh Khánh lên phòng. Khi anh Sơn lên hỏi tại sao không chuyển tiền. Bị cáo trả lời rằng mới ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang chưa có phòng ban ký nháy vào đó chưa đủ điều kiện".
Bị cáo Chương tiếp tục khai về chỉ đạo của ông Thăng: "Lúc đó anh Thăng vội đi đâu và nói tôi không biết, các anh phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án".
Chủ tọa hỏi: "Bị cáoThăng thấy thế nào về lời khai của bị cáo Chương?"
Ông Thăng nói ngắn gọn: "Bị cáo tôn trọng lời khai của người khác".
Chủ tọa hỏi: "Việc chỉ định PVC làm tổng thầu có đúng không?".
Ông Thăng nói: "Đúng về chủ trương vì có quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 chứ không phải năm 2011 mới chỉ định. Quá trình điều tra, bị cáo nhận trách nhiệm là người đứng đầu đối với nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nên có nôn nóng và quyết liệt. Hôm nay, bị cáo thấy việc do có lúc nóng vội dẫn đến vi phạm quy trình thủ tục nên bị cáo nhận trách nhiệm".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh: "Xin được ngồi để trả lời thẩm vấn"
Tại phiên tòa sáng 9/1, khi bắt đầu phần thẩm vấn, bị cáo Thanh tỏ ra căng thẳng, mất bình tĩnh. Bị cáo Thanh có xin chủ tọa phiên tòa được ngồi để trả lời thẩm vấn. Chủ tọa phiên tòa phải trấn an bị cáo Thanh bình tĩnh trước khi trả lời các câu hỏi.
Chủ tọa hỏi bị cáo Thanh về "tình hình tài chính Tập đoàn PVC năm 2011".
Bị cáo Thanh cho biết: "Tại thời điểm năm 2001, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, PVC kinh doanh đã có lãi nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Trước đó, PVC đã lên sàn chứng khoán từ năm 2009. Về cốn điều lệ, đến thời điểm năm 2011 PVC đã có hơn hai nghìn tỷ. Năm sau đã tăng lên hơn ba nghìn tỷ.
Tiếp đó, chủ tọa hỏi bị cáo Thanh về "tình hình tài chính của PVC trước khi có nguồn tiền dự án Nhiệt điện 2 chuyển tiền về?".
Bị cáo Thanh trả lời: "Trước khi tiền dự án chuyển về, PVC cũng có vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Tổng số tiền vay bị cáo không nhớ lắm nhưng cộng lại khoảng hơn 1000 tỷ.
Tòa tiếp tục hỏi "Khi PVC đang khó khăn như vậy mà vẫn được PVN chỉ định thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo có thấy vấn đề gì không?".
Bị cáo Thanh trả lời: "Khi PVC được chỉ định thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tôi rất mừng. Bản thân bị cáo cũng biết năng lực của nhà thầu của mình nhưng vẫn rất mừng khi nhận được dự án này. Ở thời điểm ấy, bị cáo nghĩ ở Việt Nam chỉ có 1 vài đơn vị thực hiện được dự án này thôi.
Bài liên quan
Dù biết năng lực nhà thầu chưa đủ nhưng bị cáo nghĩ rằng đồng ý thực hiện dự án rồi cố gắng tự lực, tự cường được. Trước đó, Tập đoàn PVC cũng đã hoàn thành một số dự án rất tốt. Dựa vào đó, PVC muốn xây dựng và làm tốt dự án này.
Chúng tôi cũng muốn đẩy nhanh dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Chính vì vậy, PVC đã tìm các nhà tư vấn nước ngoài để hoàn thành dự án tốt nhất. PVC thuê các chuyên gia nước ngoài để họ thực hiện cho mình phần nền móng".
Chủ tọa hỏi: "Khoảng thời gian năm 2010 - 2011 tài chính của PVC như thế nào? Việc thực hiện dự án có vượt quá vốn điều lệ của Tập đoàn? PVN lại giao thêm cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là khó khăn hay thuận lợi?"
Bị cáo Thanh trả lời: "Một đơn vị xây lắp mà nhận được dự án là rất tốt. Tốt bởi vì sẽ tạo công ăn việc làm cho anh em công nhân viên. Tôi nghĩ, càng khó khăn mà có việc làm càng mừng.
Mặc dù biết nó là dự án lớn nhưng năng lực hiện tại chưa đáp ứng được nhưng vì từng thực hiện các dự án lớn rất tốt nên chúng tôi vẫn tin tưởng PVC làm được. Đối với PVC nếu được tạm ứng trước, thuận lợi nên hy vọng sẽ vượt qua giai đoạn này.
Sau đó, Chủ tọa đề nghị bị cáo Thanh nói về hợp đồng 33.
Bị cáo Thanh trả lời toàn bộ phần tài chính và thi công của Hợp đồng 33 đều được làm đúng thủ tục, pháp luật.
"Về phần thi công, tôi phân công cho anh Nguyễn Lý Hải, sau đó anh Hải phân công cho các phòng ban lên kế hoạch báo cáo lại.
Anh Hải có báo cáo lại nhưng trong thời gian rất ngắn bị cáo không kịp xem xét kĩ. Có một vài hồ sơ còn chưa chuẩn bị được. Tuy nhiên, vì nôn nóng thực hiện dự án bị cáo đề xuất là khởi công.
Khi thực hiện hợp đồng 33, bị cáo cũng biết rằng toàn bộ phụ lục của hợp đồng 33 là không có. Hợp đồng 33 là do Ban Tổng giám đốc kí. Về vấn đề tạm ứng tiền dự án là không cần thông qua bị cáo. Tất cả là do Ban Tổng giám đốc. Bị cáo không có chỉ đạo nào. Việc tạm ứng tiền là do Ban TGĐ, không cần thông qua bị cáo", ông Thanh trả lời.
Video: Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh có gì đặc biệt?
Chủ tọa hỏi: "Việc thực hiện, chi tiêu tiền tạm ứng bị cáo có biết chi tiêu đó không?".
Bị cáo Thanh trả lời: "Giai đoạn tháng 8,9/2011 có phát hiện ra việc chi tiêu này là không đúng nhưng ban đầu thì không. Việc dùng tiền như thế nào là trách nhiệm của Kế toán trưởng.
Tòa hỏi: "Bị cáo Thanh biết năng lực tài chính không có mà PVC còn muốn góp vốn vào dự án?"
Bị cáo Thanh khẳng định: "PVC lúc nào cũng vay được tiền từ ngân hàng. Ngân hàng lúc nào cũng sẵn sàng cho PVC vay tiền".
Sau đó, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét