SANTIAGO, Chile (NV) – Những người Việt Nam sử dụng mạng xã hội đang truyền nhau bản tin kèm hình ảnh những cái vây cá mập phơi trên nóc nhà của Tòa Đại sứ CSVN ở Chile, Nam Mỹ.
Các tin tức được truyền đi trên các trang Facebook và báo mạng “lề trái” dựa vào một bản tin khá dài ngày 19 Tháng Giêng, 2018 trên tờ El Mostrador ở thủ đô Santiago, Chile, mà báo này mô tả với những từ như “kinh ngạc,” “sửng sốt,” “bối rối” vì không ngờ lại có chuyện như thế vậy xảy tại nước họ. Đáng ngạc nhiên hơn vụ việc lại ở một cơ sở ngoại giao ngoại quốc, trong trường hợp này là tòa đại sứ CSVN.
Theo bài viết trên tờ El Mostrador đưa ra những hình ảnh được chụp vào chiều ngày Thứ Năm, 18 Tháng Giêng, 2018, rất nhiều vây cá mập, có thể có những cái thuộc loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắt quá độ nên bị cấm bắt trên thế giới, thấy phơi trên mái tòa nhà trong khuôn viên trụ sở Tòa Đại sứ CSVN.Địa chỉ Tòa Đại Sứ CSVN tại ChiLe là “Eliodoro Yánez 2897, Providencia, Santiago de Chile.”
Sự việc bắt đầu khi cư dân lân cận thấy mùi hôi thối xông ra đâu đó ở khu vực và khi tìm hiểu thì người ta thấy bắt nguồn từ nóc nhà thuộc đại sứ quán CSVN. Họ đã thấy các cái vây cá mập có một ít thôi, từ ngày 13 Tháng Giêng, 2018 và đến 5 ngày sau thì họ thấy hơn một trăm cái.
Những cái tảng vây cá mập này trong tiến trình phơi khô rồi sau đó, rút lấy gân mà người Việt Nam cũng như người Trung Quốc rất quý, coi như một món ăn bổ béo rất đắt tiền, chỉ những kẻ giàu có, trưởng giả mới đủ sức chi trả.
Chuyện oái oăm là vụ việc bị khám phá khi đang có một cuộc hội thảo về bảo vệ sinh vật biển, đặc biệt là các giống cá mập do một số tổ chức quốc tế như Pristine Seas, National Geographic Society, The Pew Charitable Trust, Greenpeace, tổ chức ở Nam Mỹ khiến cho các nhà chuyên môn và cộng đồng quốc tế phẫn nộ.
“Nhiều loại cá mập sinh sản không những ít con mà lại chỉ sinh sản mỗi đợt cách nhau từ hai đến ba năm. Thêm nữa, chúng lại trưởng thành rất chậm.” Ông Max Bello, một trong những chuyên viên về cá mập được tờ báo trên dẫn lời cho biết. Ông nói thêm rằng hàng năm, có khoảng hơn 100,000 ngàn con cá mập bị giết mà đây chỉ là con số phỏng định thấp.
Ký giả của tờ El Mostrador hai lần gọi điện thoại tới tòa đại sứ CSVN để phỏng vấn. Họ chỉ được xác nhận có những thứ đó phơi trên nóc nhà rồi cúp điện thoại.
Người ta không biết làm thế nào để viên chức sứ quán CSVN có được một số lượng nhiều vây cá mập như thế. Họ đi mua hay họ ra biển săn bắt rồi chặt lấy vây, quẳng phần con cá còn lại xuống biển. Cách thức bắt cá mập và giết để lấy vây kiểu này bị cấm ở Chile.
Tại Việt Nam, theo một số trang mạng rao bán công khai loại vi (hay vây) cá mập tốt nhất (đã qua sơ chế còn nguyên vây) khoảng 2 triệu VND/100gram, tức 20 triệu VND ($900)/kg.
Mười năm trước, dư luận đã sửng sốt khi báo chí quốc tế cho hay viên chức tòa đại sứ CSVN tại Nam Phi, bị bắt quả tang khi đang mua sừng tê giác. Lúc đầu thì chối nhưng sau đó bà Vũ Mộc Anh, viên chức của đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, trong tấm hình mua tê giác, bị triệu hồi về nước “để tường trình và làm rõ sự việc.” (TN)
Kiểm tra gấp vụ 'vây cá mập trên mái nhà sứ quán VN'
(PLO)- Bộ Công Thương gửi thông tin chính thức về vụ "vây cá mập phơi trên mái nhà trụ sở Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Chile".
Liên quan tới sự việc trên, sáng 22-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ xử lý. Theo đó, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc trên; báo cáo bộ trưởng gấp.
Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Chile xác minh sự việc; làm việc với các cơ quan chức năng của Chile để giải quyết, xử lý sự việc trên theo đúng quy định, luật pháp của nước sở tại. Các đơn vị khẩn trương xử lý sự việc và báo cáo Bộ trước ngày 25-1-2018.
Theo bài viết trên tờ El Mostrador, các bức ảnh này được chụp vào chiều 18-1-2018, rất nhiều vây cá mập phơi trên mái tòa nhà trong khuôn viên trụ sở tòa Đại sứ Việt Nam.
Sự việc bắt đầu khi người dân quanh đó nghe mùi hôi thối xông ra đâu đó ở khu vực và khi tìm hiểu thì người ta thấy bắt nguồn từ nóc nhà thuộc Đại sứ quán Việt Nam. Ngày 13-1-2018 xuất hiện một ít vây cá nhưng đến năm ngày sau thì họ thấy hơn 100 cái.
Chuyện càng trở nên ồn ào khi đang có một cuộc hội thảo về bảo vệ sinh vật biển, đặc biệt là các giống cá mập do một số tổ chức quốc tế tổ chức ở Nam Mỹ.
VIẾT LONG - NAM GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét