Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Bài báo về góc khuất Đinh La Thăng được cảnh báo cách đây 6 năm bị ỉm đi; 'Di sản khủng khiếp' của ông Đinh La Thăng: Đâu chỉ có thế

 0 THANH NIÊN
'Di sản' nổi bật nhất của ông Đinh La Thăng là hàng chục dự án BOT giao thông không đúng bản chất tốt đẹp của BOT, tạo ra nhiều bất cập, khó khăn mà giờ đây chúng ta đang phải tập trung xử lý.


Bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án /// Ảnh: TTXVN

Bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án
ẢNH: TTXVN
[VIDEO] An ninh thắt chặt trước giờ ông Đinh La Thăng và đồng phạm lãnh án
Hôm nay, sau 5 ngày nghị án, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án vụ "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là phiên tòa đầu tiên được tiến hành trên tinh thần cải cách tư pháp về cả nội dung lẫn hình thức; trong suốt 7 ngày tranh tụng, các luật sư đã được tạo điều kiện tranh biện một cách đầy đủ, có nhiều thời gian để bào chữa. Báo chí cũng được tạo điều kiện tối đa, người dân được biết nhiều hơn các thông tin tự nhận tội, xin tha lỗi cũng như những lập luận biện hộ cho các bị cáo. Tuy nhiên diễn biến tại tòa chưa cho thấy hết tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án này và những sai phạm khác vốn chưa được đưa ra xét xử.
Hậu quả nghiêm trọng khôn lường
Con số 119 tỉ đồng thiệt hại mà các cơ quan tố tụng chứng minh được và con số 13 tỉ đồng tham ô, tạo cảm giác “hậu quả” có vẻ như “ít nghiêm trọng” hơn những gì mà nhiều người dân chờ đợi. Trên thực tế, đây chỉ là mức thiệt hại ban đầu được định lượng trong khi hành vi cố ý làm trái của các bị cáo đã làm cho thời gian thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỉ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng đã lên tới hàng trăm triệu USD. Đặc biệt, hàng nghìn tỉ đồng vốn tạm ứng đã được sử dụng tùy tiện, trái nguyên tắc, gây thất thoát rất lớn mà kết luận điều tra chưa thể làm rõ hết.
Đây cũng là sai phạm điển hình của PVN trong những năm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao nhất của tập đoàn. Thực tế cho thấy, bằng việc đầu tư, góp vốn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm đã dẫn tới việc kinh doanh thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng ở nhiều dự án khác nữa chứ không riêng gì 2 vụ được đem ra xét xử.
Trước tòa, các bị cáo khai rằng, dù biết sai vẫn không ai dám làm trái ý Chủ tịch Đinh La Thăng. Cách làm của bị cáo Thăng, xét trên toàn cục các vi phạm thì không phải là quyết đoán, táo bạo mà là bất chấp pháp luật, bất chấp hậu quả. Cung cách lãnh đạo này, không chỉ đưa chính ông Thăng ra tòa mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp của tập đoàn bị xử lý; đau xót hơn, trong đó có nhiều người xuất sắc, nhiều người đã từng là những chuyên gia có đóng góp to lớn trong ngành dầu khí.
Không “động cơ tư lợi” thì là gì ?
PVC - thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) - do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch hội đồng quản trị, Vũ Đức Thuận làm tổng giám đốc (từ 2008 - 2012). Năm 2010 do việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Để cứu vớt con tàu đang chìm đắm, thay vì có các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao cho PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại PVFC với giá trị lên tới 793 tỉ đồng. Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư 3.460 tỉ đồng/2.500 tỉ đồng vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
Mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng ông Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch của PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu. Các công tố viên cho rằng, hành vi này là “vì lợi ích và động cơ cá nhân”. Đúng vậy, nếu không là động cơ cá nhân thì là động cơ gì mà một dự án chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, chưa dự toán…, chưa có hồ sơ dự thầu và các thủ tục pháp lý khác có liên quan, ước giá trị lên tới 1,2 tỉ USD lại được giao cho một nhà thầu không có kinh nghiệm thi công và năng lực tài chính?
Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, khai biết hợp đồng EPC số 33 có vấn đề, đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng, đề nghị tập đoàn xem xét có ý kiến nhưng không ai trả lời. Ông Chương khai, ban phải thực hiện việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC bởi bị “sức ép của lãnh đạo PVN”, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn. Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai việc ký “công văn hỏa tốc”, cho PVC tạm ứng với “yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày”, là thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Đinh La Thăng. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 23 - 31.5.2011), PVC đã được PVN “tạm ứng” 1.000 tỉ đồng và 6,6 triệu USD trái quy định. Trong đó, 1.115 tỉ đồng đã bị PVC sử dụng không đúng mục đích.
Tại tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như cáo buộc mà đổ cho “trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện”. Bị cáo Thăng chỉ thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu, “do sức ép về tiến độ nên nôn nóng, chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên”.
Đâu chỉ có bấy nhiêu sai phạm
Không chỉ phạm sai lầm trong chỉ đạo đầu tư, can thiệp trực tiếp tạo ra sai phạm trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ở vị trí là Chủ tịch PVN (2006 - 2011), ông Thăng còn biến mình và các cộng sự vốn là cán bộ cấp cao của PVN thành bị cáo trong vụ án thiệt hại 800 tỉ đồng xảy ra tại Ocean Bank.
Ông Đinh La Thăng cũng “ghi dấu ấn” trong các dự án thua lỗ nghìn tỉ khác của ngành dầu khí: Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy bio-ethanol Dung Quất, Nhà máy ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất…
Đặc biệt, cũng với kịch bản “tiền trảm hậu tấu” kiểu như ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng đã đẩy PVN sa lầy và mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở dự án liên doanh khai thác dầu tại Venezuela. Bằng những con số báo cáo không thật, dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVN đã ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela vào tháng 6.2010, trước khi các cấp có thẩm quyền chính thức cho phép, bất chấp cảnh báo rủi ro của các bộ ngành liên quan. Nhưng điều đáng nói hơn, trong bản hợp đồng này, PVN đã chấp nhận những điều khoản cực kỳ vô lý, chẳng hạn như trả phí (1 USD/thùng dầu) bất kể có dầu hay không. Trong vòng 30 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết, PVN phải trả cho đối tác 584 triệu USD tiền mặt.
Tính từ tháng 5.2011 đến tháng 5.2012, PVN đã nộp cho đối tác 442 triệu USD mà không có một giọt dầu nào được tìm thấy. Năm 2013 (khi ông Thăng đã yên vị Bộ trưởng GTVT), ban lãnh đạo mới của PVN phải “cứu” 142 triệu USD cuối cùng bằng quyết định đơn phương chấm dứt liên doanh, chấp nhận mất 442 triệu USD “phí tham gia”, mất luôn 90 triệu USD tiền góp vốn (tương đương khoảng hơn 11.000 tỉ đồng).
Cũng cần phải nói thêm rằng, mãi tới ngày 25.10.2010, cấp có thẩm quyền mới đồng ý về mặt nguyên tắc cho PVN đầu tư vào Venezuela, nhưng từ ngày 29.6.2010, ông Đinh La Thăng đã cho ký hợp đồng với phía Venezuela. Hợp đồng này mặc dù có nhiều rủi ro đã được các bộ ngành cảnh báo, đã đặt các cấp thẩm quyền trước “sự đã rồi” dẫn đến những tổn thất vô cùng to lớn.
Khi ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng, ngành giao thông được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực; nhưng, hạ tầng giao thông được cải thiện dù có công đóng góp của ông Thăng, đa phần là thừa hưởng thành quả đầu tư từ các nhiệm kỳ trước (đưa vào sử dụng trong nhiệm kỳ của ông). “Di sản” nổi bật nhất của ông Đinh La Thăng là hàng chục dự án BOT giao thông không đúng bản chất tốt đẹp của BOT, tạo ra nhiều bất cập, khó khăn mà giờ đây chúng ta đang phải tập trung xử lý.
Ông Thăng đã từng được ghi nhận là cán bộ trẻ, năng động, là nguồn để đào tạo, bổ sung nhân sự lãnh đạo cao cấp. Chính vì vậy, từ một cán bộ tại Tổng công ty Sông Đà, ông Thăng đã trưởng thành qua nhiều vị trí quản lý cho đến khi từng là lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị. Công của ông - về “bề nổi” đã được tưởng thưởng.
Sai phạm của ông, đã bắt đầu ngay từ khi chưa giữ những cương vị cao, đã chậm được phát hiện; có thể nhờ khéo léo che đậy. Và khi được phát hiện từng phạm sai lầm thì ông Thăng phải được xét xử nghiêm trong cái lẽ công bằng. Đây là vụ án đầu tiên xử ông Thăng với vai trò chủ mưu; việc truy cứu trách nhiệm của ông còn đang tiếp tục. Chắc chắn các cơ quan tố tụng sẽ lần theo sát các “dòng tiền” và chứng minh động cơ cố ý làm trái của ông Thăng.
Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã chứng minh là không hề có vùng cấm; quan chức phạm pháp đều phải bị xét xử nghiêm khắc, bị thu hồi tài sản do tham ô mà có, cho dù họ ở bất kỳ cương vị nào.
Ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao: Mức án đề nghị đã có giảm nhẹ rất lớn cho bị cáo
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử với tội đặc biệt nghiêm trọng là tội cố ý làm trái. Điều này khẳng định quan điểm “không có vùng cấm” của Tổng bí thư. Lâu nay người ta vẫn nói “đánh tham nhũng chỉ từ vai trở xuống”, hay chỉ hô hào “tăng cường, đẩy mạnh”, thì lần này đã chứng minh việc chống “giặc nội xâm” đã đi vào thực chất, mở ra sự tin tưởng của nhân dân vào quyết tâm của Đảng.
Có nhiều dư luận khác nhau xung quanh phiên tòa. Tuy nhiên, tội cố ý làm trái với trường hợp này là đặc biệt nghiêm trọng với khung tối đa lên tới 20 năm tù. Việc Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử với mức án 14 - 15 năm đối với bị cáo Đinh La Thăng là hoàn toàn phù hợp, là đã cân nhắc, xem xét đến quá trình cống hiến của bị cáo. Tuy nhiên, việc áp dụng mức án cụ thể như thế nào còn phải phụ thuộc vào quá trình nghị án của Hội đồng xét xử.
Vũ Hân (ghi)
Bài báo về góc khuất Đinh La Thăng được cảnh báo cách đây 6 năm bị ỉm đi
LTS: Bài viết về Đinh La Thăng của tác giả Trung Thực, một người từng làm việc ở PVN, được đưa lên mạng cách đây 6 năm (2011) khi ông ta còn đang nổi đình đám ở vị trí tân bộ trưởng Bộ GT - Xin trân trọng đăng lại để mọi người chiêm nghiệm và tham khảo. Lúc đó cũng như chuyện hotgirl Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, bí thứ Chiến và bộ máy lãnh đạo Tỉnh cho là có cán bộ bất mãn nên bôi nhọ lãnh đạo. Cấp cao ở Trung ương có người bao che, có người đồng lòng hâm mộ họ Đinh, có người cùng hội cùng thuyền, cũng có người trung thực nhưng không được đọc trực tiếp mà chỉ nghe qua các thông tin từ các quân sư quạt mo. Thâm chí không ít người dân đọc được bài viết này không tin cũng cho là vu khống khi mọi thông tin đều bị lấp liếm và xuyên tạc. Vậy nên Đinh La Thăng cứ vậy mà thăng tiến trước một loạt người đui mù tư cấp cao nhất đến ngươi dân thấp cổ bé họng đang khao khát một sự đổi thay.

Ông Đinh La Thăng
GÓC KHUẤT CỦA MỘT ÔNG BỘ TRƯỞNG ĐANG ĐƯỢC TUNG HÔ!

Tôi đã được đọc nhiều ý kiến các độc giả và nhiều phóng viên viết về “Một Bộ trưởng mới tài năng, quyết liệt” trên trên nhiều báo in và báo mạng. Là một độc giả sống tại Việt Nam, làm việc trong PetroVietnam (PVN) kể từ ngày mới thành lập, nay tôi đã nghỉ hưu, tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn khác về ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, một con người đang được báo chí “lề phải” của Việt Nam lăng xê hết mực.

Đối với những người sống và làm việc lâu năm trong PVN mà chúng tôi thường tự hào là “văn hóa Dầu Khí” thấm đẫm trong người, thì ông Thăng được coi là một “nhân tài” với đầy đủ đặc điểm của nhân vật Tào Tháo trong bộ truyện Tam Quốc Chí của Trung Quốc. Ông rất có tài, những tài này đã được một đội ngũ phóng viên hùng hậu danh tiếng của báo chí lề phải tung hê. Vì vậy tôi không ca ngợi thêm, mà chỉ muốn nói về một vài đặc điểm thuộc về mặt trái thực sự của con người này, mà những người trong cuộc (trong PVN) mới biết được:

Ông Thăng là một con người có đủ bản lĩnh của chính khách hơn là nhà kỹ trị, rất nhạy cảm về thời thế nên luôn luôn tìm đúng được vị “vua” sáng giá hùng mạnh nhất để phò. Vị “vua” hiện nay của ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông luôn luôn đón trước được ý của vua để làm trước, thậm chí còn “nổ” (nói) hay hơn cả ý vua.

Nhưng những việc làm mà ông làm hay định làm, ông không quan tâm đến kết quả cuối cùng như thế nào (vì kết quả như thế nào thì cán bộ nhiệm kỳ sau của ông phải gánh như lẽ thông thường tại VN hiện nay), mà chỉ muốn có “thành tích” với vua để nhảy lên vị trí cao hơn nữa mà thôi.

Khi đang là người đứng đầu PVN, khi biết ngành Điện EVN khó khăn về tài chính, không có khả năng thực hiện 13 dự án nguồn điện, ông Thăng mạnh mẽ đề nghị Thủ tướng giao cả 13 dự án đó cho PVN thực hiện, mà không quan tâm vấn đề “đầu tiên” là “tiền đâu” để làm và “làm như thế nào”, hoặc ông đã biết rõ là chẳng Bộ nào dám giao cả 13 dự án đó cho PVN của ông làm hết.

Còn 4 dự án nguồn điện mà Thủ tướng đã giao cho ông (dự án Vũng Áng, Long Phú, Thái Bình, Sông Hậu, Quảng Trạch) thì nay làm đến đâu rồi? Chỉ có Vũng Áng tương đối thuận lợi hơn vì đã được một tổng công ty có năng lực thực sự khởi công từ 3 năm trước, mặc dù cũng đang rất khó khăn về chi phí phát sinh quá lớn so với tổng giá hợp đồng tổng thầu đã ký kết (vượt trên một ngàn tỷ đồng) mà cho đến nay đã chắc chắn dự án sẽ bị chậm trễ ít nhất 1,5 năm. 3 dự án còn lại đã khởi công nhiều tháng nay, vẫn đang lúng túng như gà mắc tóc, “làm không được, bỏ không xong”, vì không có vốn, vì giá thực chào của các nhà thầu phụ làm đội giá hợp đồng tổng thầu đã ký vài ngàn tỷ đồng…

Tất cả đều xuất phát từ “sự chỉ đạo quyết liệt” đến mức hoang tưởng, vô căn cứ, đạp lên các quy định quản lý của nhà nước hiện hành, trái quy luật kinh tế – kỹ thuật, mà chỉ cần “thành tích”, tiếng vang cho cá nhân ông Thăng, để ông nhảy được ra khỏi vũng lầy do chính ông tạo ra tại PVN.

Còn nữa: Tháp Dầu khí (Building 102 tầng, cao nhất VN, biểu tượng hùng mạnh của PVN, sản phẩm hoang tưởng của ông Thăng và một vài đệ tử ruột của ông) lấy tiền đâu để làm? bao giờ thì làm xong?

Di sản mà ông Thăng để lại cho PVN thật sâu xa nặng nề, kể cả những dự án đang lâm vào bế tắc, lẫn những đệ tử ruột của ông có phẩm chất y hệt như ông được ông cài cắm vào hàng ngũ lãnh đạo hiện nay của PVN, dễ gì nhiệm kỳ kế nhiệm hiện nay tại PVN có thể giải quyết xong. Quý vị từ từ sẽ được biết điều này, vì cũng như Vinashin thôi, nó không thể che dấu thiên hạ lâu mãi được.

Ông Thăng là một con người thủ đoạn cao cường ở chỗ luôn luôn dùng tiền bạc của công (hay nói đúng hơn là tiền thuế của dân) để tô bóng danh tiếng của mình, và thu lợi cho chính ông, qua những công trình, những dự án. Ông rất tinh để phát hiện ra những vị trí hoặc công việc mấu chốt trong từng giai đoạn ở VN, để có thể làm nổi bật mình lên, thu lợi cho mình nhiều nhất cả về “uy tín” lẫn tiền bạc (những khoản huê hồng tính bằng % giá trị hợp đồng), cả các phiếu bầu của những lãnh đạo trung ương và địa phương nơi có dự án mà ông dùng tiền của các tổng công ty trong PVN làm quà tặng cho “tỉnh nhà” của các chính khách cao cấp có khả năng định đoạt sinh mệnh chính trị của ông.

Khi ông mới về lãnh đạo PVN, ông chỉ đạo lập thêm hàng trăm công ty thành viên các loại, để bố trí chỗ cho hàng loạt các đệ tử ruột của ông tràn vào chiếm lĩnh nhiều vị trí trọng yếu trong PVN (như tại Tổng công ty tài chính, bảo hiểm, xây dựng, dầu,… chỉ trừ lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu là ông chưa dám khuynh đảo).

6 đệ tử ruột của Đinh La Thăng đều mang những kỳ tích lẫy lừng về sự “vô văn hóa”, độc tài chuyên chế, coi khinh trí thức, đi lên bằng con đường hối lộ, đút lót, ăn chia, nịnh bợ, chuyên môn cung cấp USD, gái đẹp… cũng như chuyên đưa hối lộ chạy chọt các quan chức cấp cao dọn đường quan lộ cho quan thầy Đinh La Thăng. Đó là Nguyễn Quốc Khánh – phó tổng giám đốc tập đoàn PVN, Nguyễn Đình Lâm – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tài chính Dầu khí, Trịnh Xuân Thanh – Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí, Vũ Đức Thuận – Phó Bí thư Đảng uỷ, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí, Trương Quốc Dũng – phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí. Đặc biệt là Vũ Huy Quang – tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí, vì anh này bằng tuổi và chơi rất thân với Đinh La Thăng hồi còn làm ở tổng công ty xây dựng Sông Đà, bất tài nhưng rất giỏi nịnh nọt, chạy chọt, hối lộ, không chỉ với Thăng mà còn với rất nhiều quan chức cao cấp khác.

Còn rất rất nhiều quan chức khác được lên chức trong giai đoạn Đinh La Thăng làm chủ tịch PVN chủ yếu là họ chạy chọt Thăng để “mua ghế”.

Trong ngành dầu khí thì anh chị em còn rất nhiều câu chuyện nói về các tính xấu, đạo đức và hành xử bất nhân của Đinh La Thăng với người ông ta không ưa, nhưng lại rất “đại ca hiệp sĩ hào hiệp” với các đệ tử ruột. Cùng nhau, họ đem cái văn hóa bỗ bã trần tục (nhậu nhoẹt, rượu ngoại, gái, nịnh nọt, chạy chọt…) lấn át văn hoá dầu khí thực thụ (của những người trí thức lâu năm trong ngành dầu khí).

Vì cái thế của Đinh La Thăng là Ủy viên TW trong khối doanh nghiệp, cả tập thể lãnh đạo PVN hầu như bị vô hiệu hóa. Ông làm thay quyền và việc của tổng giám đốc PVN (trừ lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu), trực tiếp lãnh đạo, ra mệnh lệnh điều hành, thăng chức hoặc cách chức anh này, tha anh kia… tạo nên một bầu không khí thuận lợi cho việc chạy chọt, luồn lách, hối lộ, mua chức, thu lợi… trong PVN suốt mấy năm trời. Vì vậy, cái việc “chém tướng” mà ông Thăng làm tại Cụm Cảng hàng không Đà Nẵng quá là bình thường đối với PVN, mà chắc chắn ông Thăng sẽ còn “phát huy” nhiều hơn nữa.

Vì đó chính là “mục đích” của ông, một cách làm tốt để ông củng cố uy quyền, tăng thêm uy tín, mà lại đồng thời gia tăng thu nhập bao thư phong bì của những người chạy chọt trám vào cái ghế đó… Cán bộ viên chức của PVN thường lắc đầu lè lưỡi thầm thì với nhau: liệu một lúc nào đó quốc hội thông qua luật công khai tài sản công chức hữu hiệu, thì ông Thăng làm cách nào để “hợp lý hóa” nổi khối tài sản khổng lồ của ông nhỉ…

Bây giờ hãy trở lại tình trạng thực sự tại các dự án điện nêu trên của PVN (là “sản phẩm đích thực” của ông Thăng, mà nhờ tiếng tăm “quyết liệt” về chúng, ông đã nhảy lên ghế Bộ trưởng): hãy để ông Thăng quay trở lại PVN để giải quyết đi! Để xem ông có “chém” hết tướng tài của PVN (kể cả thêm Tổng Sông Đà “căn cứ” cũ của ông nữa), hoặc điều thêm tướng của ông ở nơi khá về, có làm xong được một dự án nhiệt điện 1200 MW nào chỉ với giá khoảng 1,2 tỷ USD, đạt tiêu chuẩn “G7, EU”, mà xong trong vòng 45 tháng… như ông đã “nổ” với chính phủ không?

Vì sao một con người như vậy mà lại được cả một đội ngũ phóng viên hùng hậu danh tiếng của báo chí lề phải tung hê? Nếu quý vị biết cái tài “đối nhân xử thế” của ông Thăng thì quý vị không ngạc nhiên đâu: ông Thăng đặc biệt “đãi ngộ” cực kỳ tốt với giới báo chí, truyền thông, bằng một chính sách “đặc biệt”, phát huy sức mạnh của kim tiền, của những chuyến mời họ đi theo ông ra nước ngoài, bởi những món quà hàng chục ngàn USD (bằng tiền của các đệ tử ruột hàng “đại gia” của ông, những người luôn luôn đi cặp kè ông trong mọi chuyến đi) cho những nhà báo gạo cội.

Quý vị còn lạ gì cái thói “tát nước theo mưa” của nhiều người, không kể những người luôn khát khao có sự thay đổi nào đó trong hiện trạng triền miên trì trệ của xã hội hiện nay, nhưng không có điều kiện biết được bản chất thật của ông.

Đây chỉ là một ít trong những nét “chấm phá” ở mặt trái và thật của con người ông Thăng. Tôi tin tưởng rằng quý vị không hiểu lầm mục đích của tôi, vì nếu tôi muốn đấu đá để hạ ông Thăng, thì tôi làm đơn từ tố cáo, hoặc thư gửi các lãnh tụ VN (như rất nhiều quan chức hiện nay đang làm), hoặc gửi báo chí….

Còn về cơ hội với tôi thì đã hết rồi (tôi đã nghỉ hưu). Mà thực ra tôi cũng như những nhiều bạn bè tôi, những người có học đã nghỉ hưu hoặc còn trong PVN, biết phân biệt…, không muốn bất kỳ ai đó do thiện chí hoặc do khát khao hy vọng đổi mới… mà vô tình tiếp sức tung hê thêm cho những con người có những “tài năng, đạo đức” đặc biệt như Tào Tháo của VN, vô tình giúp họ có cơ hội nhảy lên những vị trí cao hơn nữa.

Nhân tiện, tôi muốn nhắc lại để quý vị nhớ một tài năng đáng thán phục của Tào Tháo: khi Tào Tháo muốn lấy lòng dân và ba quân, ông ta cưỡi ngựa đi qua cánh đồng, ngựa của ông ra nhảy xuống ruộng lúa… ông ta rút gươm ra hô lên cho ba quân biết và cầm gươm định chém vào cổ mình. Ông ta thừa biết bộ hạ xúm quanh ông ta nào để cho ông ta chém…, nhưng uy danh của ông ta được thổi lên lừng lẫy… Thật đại tài!

Trung Thực
(Phan Doc Lap)

Thấy gì qua vụ án Đinh La Thăng? Phần I: "Hiện tượng" Đinh La Thăng, hay kết quả của chế độ độc tài

Ảnh của nguyenhuuvinh
Những ngày đầu năm 2018, người dân chú ý đến một phiên tòa, mà thực chất là một biến động chính trị trên "đấu trường Việt Nam" - Phiên tòa xử Đinh La Thăng và phe nhóm.
Hiện tượng Đinh La Thăng?
Đinh La Thăng, một cái tên nổi lên như cồn nhờ hệ thống truyền thông một chiều của cộng sản. Với hệ thống truyền thông đó, thích tốt là tốt, thích xấu là xấu, thậm chí đang tốt cũng có thể bất ngờ trở thành xấu đến mức phải đào đất đổ đi, nếu đó là ý đảng.
Ngay từ khi làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Đinh La Thăng đã có những phát ngôn gây ấn tượng với nhiều người dân.
Người ta nói rằng: Đinh La Thăng vốn thích nổ, và để nổ to, anh ta có cả một hệ thống báo chí cật ruột sẵn sàng bên anh ta đi theo nịnh hót đủ kiểu. Cả những khi nửa đêm anh ta đến Lao Cai chỗ tai nạn, phóng viên bao chí kịp đi theo để chụp hình anh ta đu dây xuống khe vực. Cả khi anh ta ra Trường Sa, thậm chí cả một số Tổng biên tập báo đi cùng để về kẻ lại chuyện ăn chơi hò hét tại đó, kể cả chuyện rượu chè với ngôn từ ẩn dụ tục tĩu như "Giáp thân, Giáp tí"...
Những phát ngôn đánh bóng mình được báo chí đưa lên với những ngôn từ nghe đã thấy độ nịnh hót đến mức khó tin. Nào là "Tư lệnh ngành" nào là những bức hình chụp Đinh La Thăng đang xúc rác, vớt bèo... diễn trước hàng loạt ống kính.
Thậm chí, đến những nhân vật đã về hưu như Vũ Mão - một người nổi tiếng với vụ đám tang Trung tướng Trần Độ - cũng không từ bỏ cơ hội tung hô Đinh La Thăng lên tận mây xanh rằng: " Tôi nghĩ rằng, với sự nhạy cảm của lớp thanh niên, được bồi đắp bởi những tư duy mới và phong cách cộng sản như vậy, Đinh La Thăng đã trưởng thành và cống hiến".
Ngay từ khi Đinh La Thăng đang hò hét trên chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 17/3/2012,chúng tôi đã có bài viết: "Bất thình lình toàn dân biến thành chuột bạch và con nợ". Ở đó, chúng tôi đã chỉ rõ những "quả nổ" tanh bành của Đinh La Thăng, thực chất là để đánh bóng tên tuổi như sau:
"Có thể kể ra không hết những cái giật mình của người dân kể từ khi Đinh La Thăng lên làm bộ trưởng, ban đầu là cấm cán bộ ngành GTVT chơi golf. Chẳng biết cái lệnh cấm của Đinh La Thăng có cần thiết lắm không và hiệu lực đến đâu, chỉ thấy sau đó chẳng ai tổng kết cũng không thèm nhắc đến nữa, coi như chuyện trẻ con hò hét dọa nhau chơi.
Tiếp đến là cái yêu cầu cán bộ công nhân viên ngành của ông ta đi xe bus. Rồi cũng chính anh ta cam kết sẽ đi xe bus mỗi tuần một lần. Chính ông ta cũng cam kết sẽ đi xe bus với bà con. Nhưng sau đó phán một câu xanh rờn: “thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”. Thế là hòa.
Thế rồi đến chuyện đổi giờ học. Cả thành phố nhốn nháo, học sinh đi học từ sáng đến tận tối mịt chưa được về, đói lả, nhà trường nhốn nháo, gia đình bị động, loạn lên như cào cào… Nhưng, đường tắc vẫn cứ tắc, đỡ giờ này thì phát sinh giờ khác, chưa hết chỗ này thì đã có nhiều chỗ khác tắc hơn. Rồi cũng được dăm ba hôm đâu lại vào đấy, các cháu vẫn cứ theo giờ cũ mà đi, đến giờ thì về, tắc đường vẫn cứ yên tâm mà… chờ hít bụi.
Không thể hiểu nổi, với tư cách là một Bộ trưởng, Đinh La Thăng xem cuộc sống người dân là gì dưới tay anh ta. Cũng như anh ta đã dùng quyền lực nhà nước như thế nào? Cẩu thả, tắc trách, dốt nát hay tính sĩ diện thích ra oai quyền lực đã dẫn anh ta đến hết trò này đến trò khác?"
Thế rồi, những trò như "trảm tướng tại trận", mắng nhà thầu Trung Quốc... đã đưa Đinh La Thăng lên như một anh hùng, thậm chí với cả những người vốn không ưa chế độ tham nhũng và thối nát.
Nhưng, rồi cả khi vào Bộ Chính trị quyền lực đầy mình, thì những điều Đinh La Thăng hò hét cũng chỉ là để mua vui chốc lát mà thôi. Nhà thầu Trung Quốc vẫn cứ chậm tiến độ và đến nay thì chính phủ cũng phải đầu hàng.
Thế rồi Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị và vào làm Bí thư Thành ủy Tp HCM. Ngay từ khi bước vào Sài Gòn, bệnh nổ của anh ta lại được dịp phát huy.
Chỉ riêng việc chiều 24/2/2017, Đinh La Thăng tuyên bố Sài Gòn có nhiều bác sĩ giỏi và sẽ có giải Noben Y học, đủ để thấy sự hoang tưởng của anh ta. Bởi chỉ đơn giản điều này: Với đội ngũ bác sĩ giỏi để sẵn sàng cho giải Noben Y học, nhưng cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền cứ ốm chút là chạy sang các nước tư bản giãy chết để chữa bệnh mà không thèm đến Sài Gòn thì đủ hiểu và căn bệnh nổ của anh chàng họ Đinh ở mức độ nào.
Những cuộc "đốt phá"!
Có thể nói không ngoa rằng: việc sử dụng Đinh La Thăng trên các cương vị quản lý tài sản của người dân đã không chỉ là một "hiện tượng đột phá" mà thực sự là những cuộc "đốt phá" tiền của, tài sản đất nước.
Ngay từ khi Đinh La Thăng trổ tài nổ trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiều người đã xì xào, thậm chí thán phục Đinh La Thăng không phải ở chỗ tài trí lãnh đạo hay bệnh nổ, mà người ta thán phục anh ta ở con đường tránh tội.
Những người theo dõi thông tin và biết rõ về nhân vật họ Đinh, sau một thời gian "đánh bóng, tráng gương" bằng những chức vụ tượng trưng ở Đoàn Thanh niên Cộng sản, rồi Phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và một số công việc khác anh ta đã chuyển sang đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, một mỏ vàng mà đất nước trông chờ vào đó.
Tại đó, Đinh La Thăng đã thực sự coi đống tiền của đất nước như đống rác nhà mình để thỏa sức "vén tay đốt nhà táng". Trong bài viết cách đây một năm rưỡi, chúng tôi đã nêu rõ những hệ quả, những công trình dưới bàn tay Đinh La Thăng. Xin trích:
"Hàng trăm tỷ đồng mà ngành Dầu khí đổ vào Sân Golf Hoàng Gia, Ninh Bình, để rồi thu lại được con số âm hàng trăm tỷ. Cũng tương tự, ngành dầu khí đã đầu tư và mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank thì đã sao. Cứ tưởng con số mất trắng 800 tỷ đồng đã là lớn ư? Chưa ăn thua. Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ với con số 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí đầu tư để rồi... đắp chiếu. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.
Những tưởng sự thiệt hại, thất thoát, đến con số đó là khủng khiếp và dừng lại? Xin thưa là chưa. Dự án mà Ngành Dầu khí Việt Nam đầu tư ở Venezuela góp 40% vốn trong tổng mức đầu tư giai đoạn 2009-2014 là 1,825 tỷ USD, đã buộc phải dừng lại vào cuối 2014. Con số 40% Dầu khí Việt Nam góp vốn tại đây giai đoạn này là 730 triệu dola, nghĩa là 16.200 tỷ đồng tiền của người dân Việt Nam đã được "gửi hương cho gió".
Với những cuộc đốt phá tài sản đất nước như vậy, những tưởng Đinh La Thăng sẽ phải chịu trách nhiệm với những việc làm mà ai cũng biết rằng không chỉ có "chí công, vô tư" hoặc chỉ là do năng lực. Nhưng không, anh ta lại nhảy vào Ban Chấp hành trung ương đảng cộng sản. Với cương vị này, cái ghế này là một lá bùa khá chắc chắn để rũ hết mọi tội lỗi của mình như các đồng chí khác của anh ta.
Rồi chừng như để tiếp nối những "thành tích" đốt tiền dân hơn đốt rác, anh ta được đưa sang làm Bộ trưởng Bộ GTVT, một ngành mà hàng năm ngốn số tiền khổng lồ của đất nước. Tại đó, anh ta đưa ra những lời nói, hành động mà người dân gọi là "cưa bom" lên một tầm cao mới nhờ đám báo chí bưng bô nịnh nọt, tạo nên "Hiện tượng Đinh La Thăng".
Cũng tại đây, hàng loạt dự án BOT được hình thành và thông qua, ở những dự án này, việc lấy tiền dân theo cách "bốc xôi làng, đãi ăn mày" của Đinh La Thăng được thực hiện rầm rộ và để lại hậu quả rất lớn. Đặc biệt là những trạm BOT bằng mọi cách moi tiền người dân kiểu chặn đường trấn lột.
Tại đây, những dự án BOT đó được sử dụng như một ân huệ cá nhân để ban phát cho các "nhà đầu tư" được nhận thầu bằng cách bỏ ra ít tiền, còn lại vay ngân hàng để "đầu tư" vào BOT, việc kiểm soát kinh phí đầu tư, tính toán hiệu quả và kinh tế... là chuyện bí mật. Để rồi cuối cùng là tiền dân cứ vậy chui vào túi cá nhân.
Người dân đã một thời đồn thổi và nhắc đến một Đỗ Thị Huyền Tâm, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group) đứng trước bờ vực phá sản, chiếc còng số tám đang chờ đợi, thì anh chàng họ Nông với cương vị Tổng Bí thư đã rước lấy và nhờ cương vị "thứ phi" của TBT, Đinh La Thăng đã biếu cho tập đoàn này gói thầu BOT "Pháp vân - Cầu giẽ'. Thực chất của BOT này là rải thêm chút mặt đường, sửa sang lại và... thu tiền dân trên cơ sở đường của nhà nước đã được đầu tư từ ngân sách đã có sẵn.
Và thế là từ một con nợ khổng lồ, tập đoàn Minh Tâm lại "vững mạnh và giàu có" ngay sau đó. Để rồi khi tình hình chính trị biến động, Đinh La Thăng đã bắt đầu thất sủng, thì Đỗ Thị Huyền Tâm đã thoái sạch vốn tại tập đoàn này từ 81% xuống còn 0%. Những cuộc thoái vốn, tháo chạy này làm người ta nhớ đến hành động của Vũ Nhôm tại Đà Nẵng, trước khi tháo chạy khỏi Việt Nam, đã thoái vốn sạch khỏi các công ty mà anh ta là cổ đông chính.
Thực chất, những việc làm trên chỉ là việc "bốc xôi làng đãi ăn mày" theo cách cha ông nói là "Của người, phúc ta" để đưa Đinh La Thăng một bước ngoạn mục nhảy vào làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Với cương vị này, hầu như anh ta đã có một "Kim lệnh bài miễn trừ" mọi tội lỗi của mình.
Bởi xưa nay, việc xử lý các đảng viên phạm tội đã và vẫn thường chỉ là việc "xử lý nội bộ", nghĩa là dù đảng viên đó có phạm tội ở mức độ nào, thì công an cũng không được điều tra, trừ khi đã có quyết định của Đảng. Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị đã quy định một cách quái gở như vậy và Phó Giám đốc Công an Tp. HCM đã phải kêu trời vì thế. Huống chi là môt ủy viên trung ương, và chưa ai nghĩ đến một Ủy viên BTC lại còn bị điều tra.
Do vậy, anh ta đã vào cái thế "kê cao gối mà ngủ" để rồi còn rao giảng về đạo đức làm người, kinh nghiệm và quyền lực làm quan, và qua đó, phân phát ân huệ, bổng lộc cho đám báo chí lăng xê mình như một hiện tượng.
Nhưng, sự đời đâu có một chiều xuôi.
(Còn nữa)
Ngày 21/1/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào: