Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Tại sao Mỹ bất ngờ trước trận Tết Mậu Thân?; Toàn cảnh trước biến cố Mậu Thân (1968)

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
Nguồn: Sam Oglesby, “Why Did No One See the Tet Offensive Coming?”, The New York Times, 23/12/2017.
Biên dịch: Phan Nguyên
Khi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra vào ngày 30/01/1968, lực lượng Mỹ đã bị bất ngờ. Tất cả 44 tỉnh thành của Nam Việt Nam đã gặp phải các cuộc tấn công có phối hợp gây choáng váng vốn làm thay đổi tiến trình cuộc chiến. Trong bối cảnh Mỹ dành rất nhiều nguồn lực cho việc thu thập thông tin tình báo, tại sao họ vẫn không có manh mối nào về cuộc tấn công này? Kinh nghiệm của tôi trong thời gian làm việc cho Cục Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ có thể mang lại một số lý giải cho thiếu sót này.

Kỳ nghỉ cuối tuần ngày 15/12/1967 hứa hẹn sẽ là một kỳ nghỉ hấp dẫn. Tôi được một người bạn Pháp tên là Serge mời đi cùng anh ta tới thăm một đồn điền cao su tại tỉnh Hậu Nghĩa.[1] Đồn điền này là một phần của công ty Société des Plantations de Terres Rouges (Công ty Đồn điền Đất đỏ), một cơ sở lớn của Pháp cách Sài Gòn một giờ đồng hồ về phía Bắc. Trong nhiều thập niên, Công ty Đất đỏ cùng với chuỗi đồn điền Michelin là những viên kim cương trên vương miện của các nhà xuất khẩu nông nghiệp thực dân Pháp. Nay với việc chiến tranh tăng cường ở Việt Nam, đồn điền đã ngày càng thất bát do bị phá hủy bởi thuốc diệt cỏ của Mỹ – hay còn gọi là chất độc màu da cam – cùng với việc chặt bỏ những dải rừng cao su lớn mà quân đội Mỹ cho là giúp ngụy trang cho lực lượng Việt Cộng cũng như quân đội Bắc Việt. Serge được giao nhiệm vụ xác định liệu có nên tiếp tục duy trì hoạt động của đồn điền hay không và nếu có thì cần phải tiến hành những biện pháp nào để cải thiện tình hình.
Mối quan tâm của tôi đối với các đồn điền vừa mang tính chất cá nhân vừa liên quan tới công việc. Là một người nói tiếng Pháp và là thành viên của đội bình định hóa tại tỉnh Bình Long[2]kế bên, tôi được giao nhiệm vụ liên lạc với người Pháp về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Không may, những vấn đề này thường rất tiêu cực. Sự xuất hiện đột ngột một lượng lớn nhân viên quân sự Mỹ tại các đồn điền đã gây nên những sự rối loạn và phá hủy – các khu nhà chứa mọc lên khắp nơi, bệnh viện đồn điền bị rối loạn, sân bay quân sự được mở rộng lấn chiếm vào các rừng cao su, và quan trọng nhất là việc phá hủy quy mô lớn những hàng cây cao su vốn sản xuất ra thứ “vàng trắng” rất có giá trên thị trường thế giới.
Chuyến đi của tôi với Serge tới Hậu Nghĩa hoàn toàn bí mật. Vị thế của Pháp tại Nam Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro. Hầu như không được hoan nghênh bởi chính quyền Nam Việt Nam, các chủ đồn điền phải cố gắng duy trì sự trung lập bởi vì các đồn điền cao su thường nằm ở các vùng nông thôn do lực lượng cộng sản kiểm soát. Một bí mật mở ai cũng biết là các đồn điền phải trả thuế cho cả phía chính phủ Nam Việt Nam lẫn lực lượng cộng sản. Tỉnh Hậu Nghĩa, đích đến của chúng tôi, đặc biệt không an toàn. Trong khi chính phủ duy trì một sự hiện diện quân sự lớn nhưng lại rất yếu ớt ở thị xã tỉnh lỵ thì lực lượng cộng sản lại kiểm soát vùng nông thôn và giành được sự trung thành của người dân. Thái độ chống chính phủ có thể được nhìn thấy trên gương mặt ác cảm của người dân. Những đứa trẻ vốn thường ngày hay vui đùa và hay nói chuyện bỗng trở nên yên lặng và không mấy thân thiện trước chúng tôi.
Với việc đồn điền Hậu Nghĩa nằm trong tay lực lượng cộng sản, Serge nói rằng chúng tôi nên cẩn thận hơn để che giấu thân phận của tôi trong chuyến đi. Từ bỏ chiếc áo kaki và denim kiểu Mỹ thân thuộc, tôi mặc một bộ đồng phục quản lý đồn điền kiểu Pháp gồm áo và quần short màu trắng. Khi chúng tôi tới văn phòng đồn điền trong chiếc xe Citroen cũ kỹ, Serge nhắc tôi hạn chế nói chuyện để đề phòng giọng Pháp lơ lớ kiểu Mỹ của tôi sẽ làm tôi bị lộ tẩy trước các nhân viên công đoàn của đồn điền vốn là những người theo cộng sản. Chúng tôi dành cả ngày đi xem các khu rừng cao su bị phá hủy và nghe nhân viên công đoàn đòi hỏi có tiếng nói lớn hơn trong việc vận hành đồn điền. Bữa trưa, chúng tôi được phục vụ một bữa ăn kiểu Pháp ngon miệng tại tòa nhà câu lạc bộ của đồn điền. Mặc dù hoạt động trong trạng thái khủng hoảng do đồn điền đang bên bờ vực sụp đổ, bữa ăn kiểu Pháp kéo dài 2 tiếng vẫn rất chất lượng. Chúng tôi nghe nói binh lính Bắc Việt đang ẩn nấp trên khắp đồn điền và sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.
Nghĩ rằng sứ quán Mỹ vốn không rành rọt về tình hình trên thực địa sẽ quan tâm tới một báo cáo tại chỗ về các điều kiện ảm đạm tại một tỉnh then chốt gần Sài Gòn mà người Mỹ coi là hầu như an toàn, tôi đã soạn thảo một báo cáo chi tiết về chuyến thăm tới Hậu Nghĩa và nộp lên cho sếp của tôi, một cố vấn cấp cao của tỉnh, và là một quan chức ngoại giao kỳ cựu người đã khuyến khích tôi có thói quen viết các báo cáo hoạt động chi tiết.
Nhìn lại, tôi thấy mình quá ngây thơ. Những nỗ lực trước đó của tôi nhằm kết nối các nhân viên tình báo Mỹ với các chủ đồn điền Pháp am tường, một nhóm những người rất thông minh và mạnh mẽ trong đó có cả những cựu lính Lê dương dày dặn kinh nghiệm trận mạc, đã bị bỏ ngoài tai. Suốt ngày nằm trong khu nhà bị cách ly với thế giới hiện thực bên ngoài bởi tiếng ồn đinh tai nhức óc của máy phát điện và được trao cho các tin tức tình báo thêu dệt bởi những người cung cấp tin được trả tiền, bộ phận tình báo Mỹ xem thường bất cứ nỗ lực nào cung cấp tin thật cho họ, coi đó là những thông tin “không chính xác” hay “của người Pháp”.
Nhưng bị phớt lờ không phải là cái kết của câu chuyện. Vài tuần sau chuyến đi tới tỉnh Hậu Nghĩa của tôi và việc tôi nộp báo cáo lên tòa đại sứ, tôi ghé thăm Serge, người đã không liên lạc với tôi kể từ sau chuyển đi. Tỏ vẻ bực bội, Serge nói với tôi rằng anh ta đã được bộ phận chính trị của sứ quán Mỹ thông báo rằng tôi đã nộp một báo cáo về chuyến đi, rằng tôi không được phép tham dự hoạt động báo cáo như vậy và tôi cũng không nên tham gia các chuyến đi tương tự trong tương lai. Thân phận của tôi đã bị lộ và mối quan hệ của tôi với người Pháp đã hoàn toàn bị phá hủy. Sếp của tôi và tôi hầu như không nói được nên lời khi biết về sự vi phạm quy tắc chuyên môn đó, điều xuất phát từ sự ghen tỵ hẹp hòi của một nhân viên tòa đại sứ bị mếch lòng bởi những gì mà sếp tôi nghĩ là một hoạt động báo cáo tin tức đầy sáng tạo.
Vài tuần sau đó tôi quay lại Sài Gòn để bay về Mỹ khi mà cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra làm phá vỡ khung cảnh tương đối yên bình của Sài Gòn lúc đó, đồng thời làm thay đổi kết cục cuộc chiến. Các thành viên trong cộng đồng người Mỹ đều cảm thấy kinh ngạc trước cuộc tấn công nhưng tôi thì không hề thấy vậy. Nước Mỹ đã đi tới điểm ảo tưởng trong chiến tranh Việt Nam nơi mà “nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm” và nghe những lời mình tự nói lại dễ dàng hơn và yên tâm hơn việc đối mặt với sự thật phũ phàng rằng “chiến thắng” là một điều không tưởng.
Sam Oglesby, một nhà báo tự do, làm việc cho Cục Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong thời gian Chiến tranh Việt Nam.
————
[1] Hậu Nghĩa là một tỉnh cũ của Việt Nam Cộng hòa, bao gồm các vùng đất ngày nay thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP Hồ Chí Minh.
[2] Bình Long là một tỉnh cũ của Việt Nam Cộng hòa, bao gồm các vùng đất nay thuộc hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Toàn cảnh trước biến cố Mậu Thân (1968)













Trần Gia Phụng (Danlambao) - Năm nay, 2018 là năm Mậu Tuất. Mậu Tuất (2018) cách Mậu Thân (1968) đúng 50 năm. Tuy đã qua nửa thế kỷ, biến cố Mậu Thân vẫn còn đậm nét trong trí nhớ người Việt ở Nam Việt Nam (NVN), nhứt là những người lớn tuổi đã từng trải qua biến cố đau thương nầy. Trong khi đó, nhà cầm quyền cộng sản (CS) trong nước cố tình tìm cách bôi xóa dấu vết tội ác và làm lạc hướng lịch sử, để chạy tội trước dân tộc, nhưng “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Mậu Thân đau thương, loạt bài này cố gắng mở lại hồ sơ biến cố Tết Mậu Thân để các thế hệ trẻ biết rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhằm tránh những lầm lẫn trong tương lai. Xin bắt đầu bằng toàn cảnh tình hình trước biến cố Mậu Thân (1968).

1. Tổng quan

Tình hình Quốc tế: Sự kiện quốc tế ảnh hưởng quan trọng đến chính sách của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Bắc Việt Nam (BVN) vào thập niên 60 thế kỷ trước là việc Nikita Khrushchev, bí thư thứ nhứt đảng CS Liên Xô, bị đảo chánh ngày 15-10-1964. 

Nguyên trong đại hội 20 đảng CS Liên Xô tháng 2-1956, Nikita Khrushchev đưa ra chủ trương hòa dịu với các nước tây phương và sống chung hòa bình (peaceful coexistance) giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Vào đầu năm 1957, chính phủ Liên Xô bất ngờ đề nghị hai miền BVN và NVN cùng vào Liên Hiệp Quốc như hai nước riêng biệt, nhưng bị nhà cầm quyền BVN quyết liệt phản đối. (William J. Duiker, Ho Chi Minh a Life, New York: Hyperion, 2000, tr. 500.) 

Sau khi Nikita Khrushchev bị lật đổ, ban lãnh đạo mới của Liên Xô gồm tam đầu chế Leonid Brezhnev, Alexei Kosygin và Nicolay Podgorny bỏ chính sách của Khrushchev, trở lại chủ trương can thiệp trên thế giới, mà sau nầy các nước Tây phương gọi là chủ thuyết Brezhnev. Tam đầu chế Liên Xô quyết định ủng hộ BVN nhằm lôi kéo BVN về phía mình trong cuộc tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Cộng. Sự ủng hộ nầy càng làm cho BVN đẩy mạnh chiến tranh ở NVN.

Trong khi đó, sau biến cố Maddox xảy ra trong vịnh Bắc Việt vào tháng 8-1964, lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra "Quyết nghị vịnh Bắc Việt" (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 hoàn toàn ủng hộ tổng thống Lyndon B. Johnson trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam. Ngày 1-12-1964, tổng thống Johnson công bố kế hoạch dội bom BVN. Như thế là không tuyên chiến, Hoa Kỳ đưa quân tham dự hẳn vào chiến tranh Việt Nam chứ không chỉ giữ vai trò cố vấn cho Quân đội VNCH như trước nữa. Quân số Hoa Kỳ tăng nhanh, từ trên 20,000 cố vấn và chuyên viên cuối năm 1964, lên đến 486,000 quân cuối năm 1967. (Đoàn Thêm, 1967 (việc từng ngày), Sài Gòn: Cơ sở xb. Phạm Quang Khai, 1968, tr. 322.) 

Nhằm trấn an BVN sau phản ứng của Hoa Kỳ về biến cố Vịnh Bắc Việt, thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin viếng thăm Hà Nội tháng 2-1965, tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ BVN trong trường hợp BVN bị Hoa Kỳ tấn công. Tháng 4-1965, Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động cầm đầu phái đoàn sang Moscow đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thuyết. Một thỏa ước viện trợ được ký kết; đồng thời Liên Xô đồng ý cho Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), một tổ chức ngoại vi của cộng sản BVN ở NVN, đặt văn phòng liên lạc tại Moscow. (Robin Edmonds, Soviet Foreign Policy, The Brezhnev Years, New York: Nxb. Oxford University, 1983, tr. 45.)

Từ đó, võ khí Liên Xô được đưa vào chiến trường NVN để trang bị cho lực lượng CS. Nhiều quan sát viên ghi nhận rằng các loại võ khí nầy tối tân hơn các loại võ khí còn sót lại sau thế chiến thứ hai (1939-1945), mà Hoa Kỳ trang bị cho quân lực VNCH cho đến năm 1968.

Tình hình Việt Nam: Về phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay NVN, từ cuối năm 1963, tình hình chính trị xáo trộn mạnh sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh ngày 1-11-1963, cùng với sự hủy bỏ luôn hiến pháp ngày 26-10-1956 do tổng thống Diệm ban hành. 

Trung tướng Dương Văn Minh cầm quyền chẳng được bao lâu thì bị trung tướng Nguyễn Khánh thay thế ngày 29-1-1964. Ông Khánh gặp nhiều chống đối, nhất là từ sau khi ông tuyên bố Hiến chương ngày 16-8-1964, thường được gọi là Hiến chương Vũng Tàu.

Tình hình chính trị ổn định lại dần dần vào năm 1965. Ngày 1-4-1966, Quốc hội Lập hiến được bầu lên. Bản hiến pháp mới được ban hành ngày 1-4-1967, hình thành nền Đệ nhị Cộng Hòa. Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên nền Đệ nhị Cộng Hòa ngày 3-9-1967 đưa đến việc liên danh các tướng Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đắc cử tổng thống và phó tổng thống, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng chính trị kéo dài từ sau ngày tổng thống Diệm bị sát hại.

Lợi dụng sự bất ổn chính trị của VNCH kéo dài từ năm 1963 đến năm 1966, MTDTGPMNVN phát triển mạnh mẽ được một thời gian. Khi VNCH tái ổn định dần dần từ sau cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến năm 1966, MTDTGPMNVN bị suy thoái trở lại.

Một hiện tượng xã hội ít được chú ý là do chiến tranh càng ngày càng gia tăng cường độ, vùng nông thôn xôi đậu bất ổn, nên mỗi năm có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu dân nông thôn tránh bom đạn, bỏ ra thành thị tỵ nạn, sinh sống dưới sự kiểm soát của chính quyền VNCH. (Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 53.)

Điều nầy về lâu về dài gây nhiều thiệt hại cho du kích CS. Cộng sản không có dân chúng để trà trộn trốn tránh, cũng không có dân chúng để tiếp tế nuôi ăn, lại thiếu thanh thiếu niên để bắt lính, và một số cán binh CS bỏ về thành theo gia đình hoặc quy thuận chính phủ Quốc gia theo chính sách chiêu hồi, làm cho bộ đội CS càng ngày càng hao hụt.

2. Cộng sản quyết định tấn công

Lúc đó, giới lãnh đạo BVN nhận định rằng sau ba năm xáo trộn, với nhiều cuộc biểu tình khắp các thành phố NVN, tình hình đủ chín mùi để có thể kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa như tháng 8-1945 ở Hà Nội. Nếu để chính quyền VNCH ổn định trở lại, thì càng ngày càng bất lợi cho CS, cho nên BVN quyết định tổ chức tổng tấn công, bất ngờ đánh chiếm các thành thị miền Nam, rồi kêu gọi dân chúng nổi lên tổng khởi nghĩa. Cuộc tổng tấn công, tổng khởi nghĩa do CS Hà Nội chủ trương nhắm các mục đích sau: 

* Cộng sản dư tính chiếm chính quyền, phá hủy hệ thống chính quyền VNCH, tạo bất ổn khó khăn cho VNCH.

* Trực diện đối đầu với Hoa Kỳ, CSVN ước tính khó có thể thắng được quân đội Hoa Kỳ, trang bị võ khí tối tân và hùng hậu hơn quân đội Pháp trước đây rất nhiều. Do đó, CSVN cần gây tiếng vang lớn trên thế giới và tại Hoa Kỳ, để lung lạc và làm chia rẽ dân chúng Hoa Kỳ. Năm 1968 là năm tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, tình hình chính trị Hoa Kỳ rất nhạy cảm. Dân chúng Hoa Kỳ bị kích động vì cuộc tổng tấn công, sẽ đẩy mạnh phong trào hòa bình và phản chiến tại Hoa Kỳ. Một khi hậu phương Hoa Kỳ bất ổn thì quân sĩ Hoa Kỳ ở tiền tuyến sẽ giảm ý chí chiến đấu. Chỉ có thế mới mong Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam.

* Cộng sản sửa soạn một thế mạnh để nói chuyện trên bàn hội nghị, vì lúc đó cuộc hòa đàm giữa các bên lâm chiến sắp sửa diễn ra. (Trên thực tế, cuộc hòa đàm bắt đầu vào tháng 5-1968.)

* Đưa chiến tranh vào thành phố sẽ làm cho dân nông thôn chạy ra thành thị quay trở về nông thôn, vì từ nay thành thị cũng bị tấn công mất an ninh như nông thôn, đồng thời chận đứng làn sóng dân chúng di chuyển từ nông thôn ra thành thị, gỡ rối cho hạ tầng cơ sở ở nông thôn của MTDTGPMNVN;

* Cộng sản muốn chận đứng việc hồi chánh của một số phần tử trong MTDTGPMNVN, vốn không phải là đảng viên CS, mà chỉ là những người bất mãn với chế độ Ngô Đình Diệm, muốn quay trở lại với VNCH khi ông Diệm bị lật đổ 

* Nếu cuộc tổng tấn công thất bại, và chủ lực của MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, đối với đảng Lao Động ở Hà Nội cũng là điều rất có lợi, vì lý do sau đây: Khi mới thành lập, MTDTGPMNVN gồm đa số là đảng viên CS miền Nam và những người bất mãn chế độ miền Nam bỏ theo Mặt trận. Đảng Lao Động BVN không tin tưởng và không kiểm soát được cả hai thành phần nầy. Nếu chủ lực MTDTGPMNVN bị quân đội VNCH tiêu diệt, thì đây sẽ là cơ hội tốt để đảng Lao Động gởi người từ BVN vào thay thế, nắm gọn và điều khiển hẳn toàn bộ MTDTGPMNVN, mà không bị tranh chấp nội bộ gay go. Sau năm 1975, một số nhân vật trong MTDTGPMNVN công khai tố cáo âm mưu nầy của đảng Lao Đông, trong đó có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một trí thức miền Nam trong Mặt trận. (Chính Đạo, Mậu Thân 68: thắng hay bại, Houston: Nxb. Văn Hóa [tái bản lần thứ hai], 1998, tr. 165.)

Với những tính toán trên, dầu cuộc tổng tấn công thắng hay bại, đàng nào đảng LĐ ở Hà Nội cũng đều có lợi, nên họ không ngần ngại hy sinh lá bài MTDTGPMNVN trong mưu đồ thôn tính VNCH. Về sau, ngay khi cưỡng chiếm được NVN năm 1975, Hà Nội liền loại bỏ nhóm lãnh đạo MTDTGPMNVN và giải thể Mặt trận nầy một năm sau đó (1976).

3. Những biến chuyển trước tết Mậu Thân (1968)

Vào đầu tháng 7-1967, tại Hà Nội, các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương đảng Lao Động, duyệt y kế hoạch phát động cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân (1968). (Don Oberdorfer, sđd. tr. 54). Trong thời gian nầy, tướng Nguyễn Chí Thanh chết ngày 6-7-1967 ở Hà Nội. Phạm Hùng được gởi vào Nam để thay thế Nguyễn Chí Thanh, giữ chức bí thư Trung ương cục miền Nam, điều khiển cuộc chiến. (James J. Wirtz, The Tet Offensive, New York: Cornell University Press, 1994, tr. 52.)

Tại BVN, giữa năm 1967, đảng Lao Động ra tay lần chót, bắt giam tất cả những thành phần theo chủ trương hòa dịu giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau của Khrushchev, tức những thành phần không đồng ý với cuộc chiến tranh xâm lăng NVN. Đảng Lao Động lúc đó gán cho họ tội danh là thành phần "xét lại", âm mưu "chống đảng". Đó là các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, và khoảng 40 nhân vật khác, trong đó có cả trí thức, văn nghệ sĩ.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Liên Xô, Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động cùng hai uỷ viên Bộ chính trị là Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc phòng và Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại giao lên đường vào cuối tháng 10-1967 qua Moscow dự lễ. 

Trên đường đi, phái đoàn Lê Duẩn ghé qua Bắc Kinh xin quân viện, trình bày kế hoạch mới theo quyết định của Bộ chính trị VNDCCH vào tháng 7 vừa qua. Trung Cộng hứa gởi qua BVN 300,000 lính phòng không và công binh, cung cấp hoả tiễn 107 ly, 240 ly, quân dụng, lương khô, thuốc men. (Chính Đạo, Mậu Thân 68…, sđd.tr. 32.)

Tại Moscow, Liên Xô chấp thuận cho BVN thêm đại bác 130 ly, chiến xa T54, phản lực cơ Mig 21 và các loại võ khí nặng khác. (Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tr. 77.) Cũng trong dịp nầy, để chứng tỏ một lần nữa tình thân thiện Xô Việt, những nhà lãnh đạo Xô Viết quyết định tặng Hồ Chí Minh huân chương Lenin. (Ralph Smith, "Thập niên cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh", Lê Đình Thông dịch, đăng trong tuyển tập nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Paris: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 125.)

Từ khi chiến tranh Việt Nam mở rộng, Hoa Kỳ vận động nhiều chiến dịch ngoại giao khắp nơi trên thế giới, tìm cách chấm dứt tranh chấp. Vào năm 1967, BVN cho biết chỉ thương thuyết khi Hoa Kỳ ngưng ném bom vô điều kiện BVN. Hoa Kỳ trả lời sẵn sàng ngưng ném bom với điều kiện BVN không được lợi dụng thời gian ngưng ném bom để xâm nhập quân đội vào NVN.

Trong khi việc ngoại giao còn là quả bóng thăm dò qua lại giữa các bên, nhân dịp năm hết Tết đến, đài phát thanh Hà Nội đưa ra lời tuyên bố ngày 19-10-1967 của nhà nước BVN, tự nguyện ngưng bắn từ 01G:00 sáng giờ Hà Nội ngày 27-1-1968 đến 01G:00 sáng giờ Hà Nội ngày 3-2-1968, tức trong 7 ngày.(Wikipedia.org. Chữ khóa: “Sự kiện Tết Mậu Thân.)

Ngày 17-11-1967, mặt trận DTGPMNVN đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1967, ba ngày lễ Tết dương lịch năm 1968 và 7 ngày Tết âm lịch Mậu Thân. (Don Oberdorfer, sđd. tr. 70.) 

Chính phủ VNCH thông báo ngày 15-12-1967 sẽ hưu chiến 24 giờ trong dịp lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch, hưu chiến 48 giờ trong dịp Tết âm lịch. (Chính Đạo, Mậu Thân 68 …, sđd. tr.342.)

Như thế là cả hai bên người Việt Nam đang đánh nhau đều đồng ý hưu chiến nhân các ngày lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết âm lịch. Tuy nhiên vẫn có kẻ âm thầm mưu mô đánh lé... 

Nhằm làm lạc hướng dư luận và sự tính toán của các giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, CS dịu giọng vào đầu năm 1968. Vào dịp Tết dương lịch 1968, bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố muốn mở các cuộc hòa đàm và tiếp xúc mật với Hoa Kỳ. Thủ tướng BVN Phạm Văn Đồng cũng ngỏ ý sẵn sàng hòa đàm nếu Mỹ ngưng ném bom, và Đồng còn nhờ một viên đại diện Romania làm trung gian dàn xếp giữa Hoa Kỳ và BVN. (Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tt. 77-78.) Hà Nội loan báo sẽ thả ba tù binh Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. (Chính Đạo, Mậu Thân 68 …, sđd. tr. 17.)

Tại NVN, từ ngày 1-11-1967 diễn ra trận đánh đẵm máu kéo dài nhiều ngày tại Lộc Ninh, thuộc tỉnh Phước Long. Đến gần Tết âm lịch, Việt cộng tung quân tấn công các cứ điểm quân sự ở Cao nguyên Trung phần, và đưa ba sư đoàn chính quy là 325C, 304 và 308 bao vây và pháo kích dữ dội Khe Sanh (Quảng Trị), gần vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc, từ ngày 20-1-1968. Các nhà lãnh đạo VNCH, Hoa Kỳ, và cả thế giới nữa, rất quan tâm đến tình hình Khe Sanh, và lo lắng một cuộc đọ sức lớn lao sắp bùng nổ tại đây giữa hai bên như một Điện Biên Phủ mới. (Johm S. Bowman, The Vietnam War: Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 118.)

Trong khi đó, CS âm thầm tiếp tục chuẩn bị các cuộc tấn công vào thành phố. Ngày 2-1-1968, tại cao nguyên Trung phần, quân đội Hoa Kỳ tịch thu được một tài liệu có đầy đủ kế hoạch CS tấn công Pleiku và Kontum. Ngày 15-1, tại Khe Sanh, một sĩ quan CS hồi chánh cho biết sẽ có chiến dịch lớn tại vùng giới tuyến.

Với nhiều tin tức tình báo khác, Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh báo động và thông báo cho phía VNCH biết, đồng thời yêu cầu VNCH hủy bỏ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết nguyên đán, nhưng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, chỉ đồng ý bãi bỏ hưu chiến tại Vùng 1 chiến thuật, và rút bớt 24 tiếng đồng hồ hưu chiến trên toàn quốc. (Chính Đạo, Mậu Thân 68..., sđd. tt. 31-32, 344. Trước năm 1975, VNCH được chia thành 4 vùng chiến thuật (CT): Vùng 1 CT: từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi; Vùng 2 CT: từ Bình Định đến Bình Thuận và Cao nguyên từ Kontum xuống tới Di Linh; Vùng 3 CT: từ Biên Hòa tới phía Bắc sông Tiền; Vùng 4 CT: từ Mỹ Tho tới Cà Mau.}

Một dấu hiệu nữa về việc CS sẽ tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân là tại Bình Định (thuộc Quân đoàn 2 và Vùng 2 CT), chính quyền VNCH bắt được trước sau 10 cán bộ CS với những tài liệu quan trọng ngày 29-1-1968 (30 Tết), trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa. Tỉnh trưởng Bình Định đã báo cáo vụ việc lên thượng cấp, nhưng bộ Tư lệnh Vùng 2 không mấy quan tâm. Vị tư lệnh vùng nầy là trung tướng Vĩnh Lộc lại bỏ về Sài Gòn ăn Tết.

Lúc đó, dư luận chung ở trong cũng như ngoài nước tin tưởng sự hiện diện của gần 500,000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho VNCH, nhứt là CSBVN và MTGP đều tuyên bố hưu chiến nhân dịp Tết thiêng liêng của dân tộc. Hơn nữa, do CS vừa tuyên truyền vừa chuyển quân đe dọa Khe Sanh, nên mọi người chú tâm đến trận chiến ở Khe Sanh, mà ít chú ý đến những diễn tiến chung quanh các thành phố rộn rịp khác thường trong những ngày trước Tết. 

Về phía Hà Nội, sau sáu tháng nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 21-1-1968, Bộ chính trị đảng Lao Động họp lần chót, quyết định bất ngờ tổng tấn công trong dịp hai bên tuyên bố hưu chiến (dân gian gọi là đánh lén) đêm Giao thừa Tết Mậu Thân tại NVN (đêm 29 rạng 30-1-1968). 

Thế là máu lửa tang thương sẽ trút lên đầu người dân vô tội ở NVN trong những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc! 

Toronto 22-01-2018

Không có nhận xét nào: