Hôm 22/1 chính quyền của Tổng thống Trump công bố áp thuế đối với tấm pin mặt trời, một lĩnh vực chiếm ưu thế bởi Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ “sự không hài lòng sâu sắc”, theo hãng CNN.
Trong thời gian dài, các công ty Mỹ đã đặt cược lớn vào Trung Quốc, thiết lập cơ sở kinh doanh tại nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và rộng lớn này, theo hãng CNN. Giờ đây, khi căng thẳng kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, một số thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Apple (AAPL), Boeing (BA) và Intel (INTC), có thể bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại.
Với những hành động thương mại đe dọa tiếp theo, mối quan hệ Mỹ – Trung có vẻ đang xấu đi. Trong những tháng tới, ông Trump phải quyết định có nên trừng phạt các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.
Hôm thứ Tư (24/1), Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross đã chỉ rõ rằng Nhà Trắng dự định sẽ mở rộng cuộc chiến, chống lại việc ăn cắp sở hữu trí tuệ. Theo các chuyên gia, nếu Mỹ tiếp tục leo thang các hành động thương mại chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa.
Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng: “Họ sẽ chiến đấu chống lại, chiến đấu chống lại ác liệt”.
Người ta không rõ những sản phẩm và lĩnh vực nào của Mỹ sẽ bị Bắc Kinh nhắm tới trong một cuộc chiến thương mại. Trung Quốc có nhiều lựa phương án để lựa chọn. Dưới đây là một số công ty và lĩnh vực của Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc trừng phạt để trả đũa.
Hãng Boeing
Boeing có thể là công ty đầu tiên của Mỹ ‘nằm trong tầm bắn’ của Trung Quốc. Theo số liệu hải quan Trung Quốc được tổng hợp bởi công ty nghiên cứu thương mại toàn cầu Panjiva có trụ sở tại New York, máy bay dân dụng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ vào Trung Quốc.
Theo ông Scott Kennedy, mặc dù gần đây Mỹ đã có hành động thương mại, áp thuế lên các tấm pin mặt trời, Trung Quốc sẽ không tập trung xung quanh vấn đề này. Thay vào đó, ông Kennedy cho rằng: “Điều mà Trung Quốc quyết định một cách có hiệu quả để đáp trả, là sẽ mua ít máy bay Boeing hơn, và mua Airbuses nhiều hơn”.
Đó là chính xác những gì mà Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một tờ báo do nhà nước Trung Quốc quản lý, đã đề xuất trong một bài viết đăng tại mặt sau trang xã luận, được xuất bản trong năm 2016. Bài viết này cho rằng Trung Quốc không ngại áp dụng cách tiếp cận thương mại “ăn miếng trả miếng”. Nếu Trung Quốc thấy phù hợp, thì các đơn hàng mua máy bay Boeing sẽ được thay thế bằng Airbus. Đó sẽ là một sự mất mát kinh doanh to lớn đối với Boeing, hãng đã công bố các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la trong những năm gần đây, bán các máy bay cho Trung Quốc.
Các nhà sản xuất đậu nành
Một mặt hàng xuất khẩu chủ quan trọng của Mỹ vào Trung Quốc là đậu nành.
Theo số liệu của công ty Panjiva, Mỹ đã xuất khẩu 22,5 tỷ USD đậu nành từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, trong đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, mua hơn 13 tỷ USD giá trị.
Nếu Trung Quốc quyết định nhắm tới đậu nành của Mỹ, và bắt đầu ủng hộ hàng nhập khẩu từ các nước khác, đó sẽ là một cú đánh mạnh vào nền nông nghiệp Mỹ. Đây là một ngành kinh tế lớn ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ, đặc biệt là ở các tiểu bang Illinois, Iowa, Minnesota, North Dakota, Indiana và Missouri. Ông Nicholas Lardy, một thành viên của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, cho rằng: “Về tổng thể, đó sẽ là một cú đánh lớn, rất lớn”.
Hãng Apple
Trung Quốc cũng là thị trường chính của hãng Apple. Theo số liệu của Factset, khoảng 7% doanh số bán hàng của Apple là ở Trung Quốc Đại lục. Con số này tăng lên khoảng 19% nếu bao gồm Đài Loan và Hồng Kông.
Theo ông Kennedy: “Trung Quốc có các công ty cạnh tranh trực tiếp với Apple, vì vậy chắc chắn họ sẽ quan tâm đến việc ‘bị mắt kẹt giữa 2 lằn đạn’ [của một cuộc xung đột thương mại]. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi cũng rất được ưa chuộng ở Trung Quốc như hãng Apple. Bất kỳ nỗ lực nào của chính phủ Trung Quốc để hạn chế doanh số iPhone, có thể khiến hãng Apple bị mất đà, giảm mất thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Qualcomm và Intel
Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới về các chất bán dẫn, được lắp đặt trong rất nhiều các sản phẩm điện tử, sản xuất và chế tạo ở trong nước.
Việc áp dụng thuế tiềm tàng đối với chất bán dẫn sẽ là thảm họa cho Qualcomm (QCOM) và Intel (INTC), các công ty sản xuất chíp bán dẫn khổng lồ của Mỹ.
Theo dữ liệu của công ty tư vấn tài chính Factset (Singapore), Trung Quốc Đại lục là thị trường số 1 cho cả hai công ty này. Họ đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng các mối quan hệ ở đó.
Nhà phân tích Christopher Rolland của tập đoàn Susquehanna International Group cho biết: “Cả Intel và Qualcomm đã cố gắng ‘thân thiện’ với Trung Quốc trong vài năm vừa qua”.
Trong khi Intel đã xây dựng một cơ sở sản xuất trị giá 2,5 tỷ USD tại tỉnh Đại Liên,Trung Quốc vào năm 2010, thì hãng Qualcomm cũng thông báo các giao dịch trị giá 12 tỷ USD với các công ty Trung Quốc trong chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc vào tháng 11/2017. Các giao dịch bổ sung đã được công bố hôm thứ Năm (25/1) vừa qua.
Trung Quốc sẽ làm liều?
Trước đây, Trung Quốc đã cho thấy rằng họ sẵn sàng trả đũa thương mại.
Khi Tổng thống Obama áp đặt một mức thuế 35% đối với lốp xe của Trung Quốc trong năm 2009, Trung Quốc đã áp đặt các mức phạt đối với các lô hàng là xe hơi và gà của Mỹ.
Nhưng việc áp đặt thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ lại là một canh bạc vì nó có thể tác động ngược trở lại đối với nền kinh tế Trung Quốc, thông qua việc làm giảm đi sức cạnh tranh và đe dọa việc làm ở Trung Quốc.
“Nếu họ tẩy chay Boeing , thì sau đó Airbus [sẽ có] độc quyền, giá cả và thời gian giao hàng sẽ tăng cao. Nếu họ tẩy chay Apple, thì sau đó tất cả các công nhân sản xuất những sản phẩm này ở Trung Quốc sẽ mất việc làm”, ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại tập đoàn Rabobank Group, nhận định trong một email [gửi cho CNN].
Theo ông Rolland, ông không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hướng sự tức giận của mình vào ngành công nghiệp bán dẫn. Một quyết định như vậy sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện tử, đẩy các doanh nghiệp này sang các nước khác như Việt Nam và Philippines.
“Nếu Trung Quốc đã áp đặt những mức thuế này, họ sẽ tự bắn vào chân mình. Họ sẽ khiến chính họ trở nên không cạnh tranh, xét trên quan điểm sản xuất”, ông Rolland nhận xét.
Phạm Duy
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét