Phiên tòa xét xử tham nhũng ở Việt Nam làm lu mờ chuyện phát hành cổ phiếu lần đầu của PetroVietnam
Tác giả: Atsushi Tomiyama
Dịch giả: Trúc Lam
21-1-2018
Thời điểm trừng phạt làm cho mọi người ngạc nhiên và so sánh với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
HÀ NỘI – Một phiên tòa xét xử tham nhũng đang gây sự chú ý ở Việt Nam và làm cho các nhà đầu tư ngạc nhiên, qua việc chính phủ mạo hiểm bằng cách làm lu mờ hình ảnh của các doanh nghiệp nhà nước, khi đưa một số doanh nghiệp ra phát hành cổ phiếu lần đầu trước công chúng.
Đối với một số người, thủ tục tố tụng gợi nhớ lại các chiến thuật chính trị ở một nước cộng sản khác – Trung Quốc.
Hai mươi hai bị cáo đang phải đối mặt với những cáo buộc gồm vi phạm kỷ luật và biển thủ. Họ là các cựu giám đốc điều hành cao cấp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, còn gọi là PetroVietnam, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của đất nước.
Thật kỳ lạ, phiên tòa đã được thông báo vào cuối tháng 12, ngay sau khi ba công ty con chính của PetroVietnam tuyên bố họ sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường (IPO) vào cuối tháng Giêng. Các đợt phát hành IPO của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (Binh Son Refinery), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã được lên kế hoạch trong năm 2017 nhưng đã bị trì hoãn.
Là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn thiếu vốn và các đợt phát hành cổ phiếu IPO là một phần trong kế hoạch tăng vốn cho các công ty trong nước và tăng doanh thu cho chính phủ.
Tuy nhiên, các thủ tục tố tụng có thể làm cho các nhà đầu tư suy nghĩ lại về việc mua cổ phần trong các tập đoàn nhà nước, có thể gây ra một cú sốc về tài chính của chính phủ và nỗ lực cải cách kinh tế rộng lớn hơn.
Sử dụng “dao mổ”
Về thời điểm kỳ cục và những buổi chất vấn đầy kịch tính đã làm cho mọi con mắt đổ dồn về tòa án Hà Nội. Các thủ tục tố tụng đã được tiến hành 10 tiếng một ngày, thậm chí vào cuối tuần, theo các cơ quan truyền thông nhỏ được phép tham dự.
Nhân vật nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng, 57 tuổi, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và là cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, từng giữ chức chủ tịch của Petrovietnam. “Tôi muốn ra tù trước khi chết, chết ở nhà tôi trong tay người thân của tôi“, báo chí trích dẫn lời nói của ông Thăng, khi ông ta nói lời cuối cùng.
Ông Thăng từng được xem là cánh tay mặt của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là một thành viên nội các trẻ tuổi hàng đầu trong chính phủ trước đó. Truyền hình Nhà nước cho thấy, một ông Thăng có gò má hốc hác, gương mặt mệt mỏi tại tòa án.
“Tôi muốn có một kỳ nghỉ Tết với gia đình tôi trước khi đi tù”, ông nói. Tết là Tết Nguyên đán và là kỳ nghỉ quan trọng nhất ở Việt Nam khi gia đình tụ họp. Tết rơi vào giữa tháng Hai năm nay.
Ông Thăng là cựu bộ trưởng đầu tiên bị bắt ở Việt Nam. Ông thuộc cấp cao nhất của Đảng Cộng sản, một đảng có năm triệu đảng viên, và cho đến tháng 5 năm ngoái, ông còn là ủy viên Bộ Chính trị. Chưa từng có một ủy viên Bộ Chính trị nào bị bắt trước đó. Ông Thăng bị buộc tội tham gia vào một giao dịch của Ocean Bank cho PetroVietnam, gây thiệt hại cho người cho vay 800 tỷ đồng (35,1 triệu USD).
Tại sao là bây giờ? Có vài cách để quan sát thời điểm phiên tòa diễn ra.
Một nguồn tin ngoại giao Nhật Bản cho rằng, Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng đã đưa “dao mổ” về phía ngành dầu khí và các ngành năng lượng khác là một phần của chiến dịch chống tham nhũng nghiêm túc. Viên chức ngoại giao cho biết, lãnh đạo Việt Nam đã ra một thông điệp mạnh mẽ tới công chúng qua phiên tòa: Sẵn sàng theo đuổi ngay cả những cựu giám đốc điều hành PetroVietnam, là những nhân vật trọng tâm trong việc ban phát quyền lợi đã làm méo mó nền kinh tế và chính trị của đất nước.
Bằng cách này, phiên tòa diễn ra kết hợp với ba đợt phát hành cổ phiếu IPO của PetroVietnam, cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ để vạch trần những sai phạm.
Nhưng một số người lại cho rằng vụ xét xử này là một phần của nỗ lực nhằm khẳng định quyền kiểm soát chính trị, có những điểm giống nhau với nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, đã lần lượt hạ bệ từng đối thủ. Hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ lịch sử hữu nghị như một mặt trận thống nhất trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản.
Ông Carlyle A. Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales nói với với Nikkei Asian Review: “Trung Quốc và Việt Nam, trong một phạm vi nhất định, cùng chia sẻ hệ thống chính trị tương tự“.
“Sẽ ngạc nhiên nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam không học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc. Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình, một lãnh đạo đảng được cho là tích lũy nhiều quyền lực hơn cả Mao Trạch Đông, thực hiện. Trường hợp Việt Nam, trong khi chiến dịch chống tham nhũng do tổng bí thư lãnh đạo, nhưng nó đang được thực hiện bởi một nhóm lãnh đạo tập thể“.
Bộ phận lãnh đạo hiện nay, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ đã nắm quyền tại Đại hội Đảng hồi tháng 4 năm 2016.
Ông Dũng là thủ tướng trước đó, đã giành được một số thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ của mình, chẳng hạn như khởi động tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam và quyết định cho Samsung Electronics đặt nhà máy ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh và Thái Nguyên. Tuy nhiên, ông Dũng đã bị mất quyền và từ bỏ tham vọng để trở thành tổng bí thư đảng đầu tiền đến từ miền Nam. Những người thân cận với ông Dũng vẫn còn ở PetroVietnam và các doanh nghiệp nhà nước khác, cũng như các lãnh đạo địa phương và các đơn vị khác.
Hai ông Trọng và Phúc được nhiều người biết đến là cùng hợp tác để loại bỏ ảnh hưởng của Dũng và xây dựng cơ sở quyền lực của riêng họ khi nhiệm kì lãnh đạo mới bước sang năm thứ hai. Chiến dịch này xuất hiện cùng với việc mở phiên tòa.
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, cựu chủ tịch của một công ty con khác là công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Ông Thanh làm việc cho ông Thăng khi đó là chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được cho là đã biết rõ về các vụ giao dịch của ông Dũng; giờ đây họ [ông Thanh và Thăng] cùng gặp nhau tại phiên tòa.
Ông Thanh đã tìm cách tị nạn ở Đức cho đến khi ông biến mất khỏi Berlin vào năm ngoái. Sau đó ông đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước Việt Nam, nói rằng ông đã tự mình quay về đầu thú. Tuy nhiên, chính phủ Đức lại cáo buộc rằng các cơ quan tình báo Việt Nam đã bắt cóc ông ấy. Cuộc tranh cãi này đã khiến Đức phải ngừng một phần viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam.
Một nhà báo Việt Nam giả thuyết rằng, nếu lãnh đạo hiện nay sẵn sàng hành động trong một thời gian dài như vậy để bắt ôngThanh, thì đó là bằng chứng cho thấy quyết tâm của họ loại trừ ảnh hưởng của ông Dũng. Tùy vào lời khai của Thanh và Thăng, cuộc điều tra có thể còn mở rộng đến chính vị cựu thủ tướng.
Đàn áp giờ đây như một canh bạc, nhưng lãnh đạo có thể bị chi phối bởi hai nhiệm vụ: tăng cường quyền lực riêng cho mình và giữ vững đà tăng trưởng của đất nước.
Sức ép của ngân sách
Khi nói đến tăng doanh thu, thời gian không còn nhiều. Việt Nam cần những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ, nhưng trong năm 2018, doanh thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 58 tỷ USD, với chi tiêu 67 tỷ USD. Mức thâm hụt dự kiến là 9 tỷ USD sẽ phải kiếm từ các khoản vay, trong khi việc trả tiền vốn tổng cộng là 7 tỷ USD trong năm nay.
Chính phủ có thể tăng ngân sách bằng cách liệt kê các doanh nghiệp nhà nước và các công ty con làm ăn suôn sẻ, và cho phép các đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào việc quản lý các DNNN, giúp họ cạnh tranh hơn trên phạm vi toàn cầu.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007, Việt Nam đã cam kết sẽ chấm dứt đối đãi đặc biệt các DNNN, cho phép các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định như các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Một chặng đường dài kể từ đó. Năm 2005, Việt Nam đã có khoảng 5.000 doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhiều doanh nghiệp này đã chuyển đổi thành các công ty cổ phần, với nhiều hạn chế hơn về vốn nước ngoài.
Năm 2016 chỉ còn lại 856 DNNN. Trong số này, 583 doanh nghiệp là của nhà nước, còn lại là 273 công ty cổ phần. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm 28,8% tổng sản phẩm quốc nội, so với 50% hồi năm 2005.
Việt Nam cũng cam kết cải cách các DNNN khi quyết định gia nhập vào Hiệp ước Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo. Chính phủ có ý định theo đuổi điều này mặc dù Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước hồi đầu năm ngoái.
Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn trở thành thành viên tích hợp của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 1 tháng 1. Nghĩa là họ phải cắt giảm thuế quan đối với ôtô và một số hàng nhập khẩu khác bằng 0, điều này sẽ giảm doanh thu thuế. Susumu Sato, một nhà phân tích của Jetro ở Hà Nội nói rằng, các công ty Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn với Thái Lan, Indonesia và các đối thủ khác trong khu vực.
Tất cả điều nói trên có thể ngăn cản sự tăng trưởng của Việt Nam, đó là lý do tại sao các công ty nhà nước cạnh tranh hơn lại là điều rất quan trọng.
Bước tiếp theo là tìm kiếm đối tác toàn cầu. Chính phủ đã thông báo kế hoạch bán cổ phần tại 12 công ty nhà nước lớn như Vietnam Dairy Products (Vinamilk), nhưng cho đến nay chỉ có ba công ty đã tìm được nhà đầu tư.
Một đối tác chiến lược đã tiến tới là Thai Beverage, nhà sản xuất rượu và đồ uống lớn nhất của Thái Lan. Tháng 12, họ đã trả 4,85 tỷ USD cho cổ phiếu của Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco). ThaiBev là công ty duy nhất nộp hồ sơ dự thầu, Việt Nam cũng hy vọng được chú ý nhiều hơn. Khoảng chục nhà đầu tư tiềm năng đã tham dự chương trình Roadshow của Sabeco ở Singapore vào tháng 11, gồm các tập đoàn bia và nước giải khát Nhật Bản Asahi Group Holdings và Kirin Holdings. Cùng với sự hiện diện của các quỹ đầu tư và ngân hàng từ châu Á và châu Âu.
Sau khi kết thúc sự kiện này với hàng đống tài liệu, một số người tham gia có vẻ như thất vọng. “Đó là tất cả những chiến lược chung của Sabeco, không có gì mới“, một người nói.
Một người tham dự khác từ một quỹ quốc tế, sau một cuộc họp kín đã nói: “Chúng tôi không biết họ nghĩ điều gì nữa“.
Đối với đợt phát hành cổ phiếu này, công ty dầu khí đa quốc gia Hà Lan-Anh Royal Dutch Shell, công ty Idemitsu Kosan của Nhật và bốn công ty khác đã có tin đưa ra ngay khi các nhà đầu tư chiến lược vào PV Oil.
Nếu sự chào giá chứng minh được với các nhà đầu tư về sự thành công và mang tính chiến lược, thì các cải cách của DNNN Việt Nam sẽ thu hút đầu tư. Ngược lại, nếu thất bại trong việc đảm bảo sự minh bạch có thể khiến các công ty toàn cầu quay lưng lại.
Dù cách nào đi nữa, Việt Nam cũng đang đi tới một thời điểm quan trọng – bắt đầu bằng các phán quyết trong phiên tòa xét xử tham nhũng.
Các công tố viên đã đề nghị mức án chung thân cho Trịnh Xuân Thanh và từ 14 đến 15 năm tù đối với Đinh La Thăng, trong khi các bị cáo khác chịu hình phạt tù từ 17 tháng đến 28 năm. Dự kiến sẽ tuyên án vào ngày Chủ Nhật và công khai ngay sau đó.
Tomomi Kikuchi là người của Nikkei ở Tokyo, đã đóng góp cho viết bài này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét