Vào ngày 31/01 tới, hàng triệu người trên toàn cầu sẽ có cơ hội chứng kiến khung cảnh tuyệt vời trên bầu trời: Trăng máu, trăng xanh và siêu trăng cùng tụ hội.
Đây là một sự kiện cực kỳ hiếm hoi, đã diễn ra vào khoảng 152 năm trước, đúng vào năm 1866. Vì vậy nếu bạn là một người yêu thiên văn học, hãy chắc chắn rằng sẽ không bỏ lỡ cơ hội tuyệt diệu và hiếm có này.
Sự kết hợp thú vị này sẽ khiến mặt trăng trở nên sáng bất thường. Đặc biệt, nó còn khoác thêm lên mình “màu áo mới”. Các nhà khoa học NASA đã gọi đây là một sự kiện huyền diệu.
Để có thể bắt trọn khoảnh khắc trăm năm mới có một này, các nhà khoa học đã đưa ra dự báo chi tiết về thời điểm quan sát tốt nhất ở từng khu vực. Đối với khu vực Bắc Mỹ, như Alaska hoặc Hawaii, hiện tượng này sẽ được nhìn thấy trước bình minh ngày 31/01.
Đối với khu vực Trung Đông, Châu Á, Đông Nga, Úc và New Zealand, sự kiện này có thể được nhìn thấy trong buổi sáng ngày 31.
Ở Tây Âu và phần lớn châu Phi và Nam Mỹ, hiện tượng này sẽ chỉ diễn ra một phần vì đây là các khu vực không bị ảnh hưởng bởi nguyệt thực (trăng máu).
Trăng máu (tức nguyệt thực) là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này, ánh trăng sẽ mờ dần và trông “chị Hằng” sẽ bị khuyết đi hẳn một phần. Nhìn từ Trái Đất, Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nên hiện tượng này còn được gọi là trăng máu.
Theo dự đoán của Hội thiên văn Việt Nam, pha nửa tối của nguyệt thực sẽ bắt đầu vào khoảng 17 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam), đạt cực đại lúc 20 giờ 29 phút (lúc Mặt Trăng đi sâu vào bóng tối của Trái Đất nhất) và sẽ kết thúc hẳn vào lúc 23 giờ 8 phút cùng ngày. Năm nay, người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam có thể theo dõi nguyệt thực toàn phần vào ngày 31/1 này, đừng bỏ lỡ nhé!
Trăng xanh (hay Blue Moon trong tiếng Anh) là một khái niệm của phương Tây để chỉ lần Trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng dương lịch. Năm nay, trăng xanh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/1 và ngày 31/8. Gọi là trăng xanh nhưng hiện tượng này không làm mặt trăng chuyển màu xanh. Thuật ngữ “trăng xanh” chỉ đơn giản dùng để ám chỉ những sự kiện hiếm hoi.
Siêu trăng xảy ra khi trăng tròn trùng với cận điểm của Mặt Trăng trong quỹ đạo quay quanh Trái Đất. Khi đó, Mặt Trăng có thể lớn hơn tới 14% và sáng hơn tới 30% so với thông thường.
Tuệ Tâm (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét