Sau một loạt những chiến thắng “không tưởng” của đội tuyển U23 Việt Nam, cái tên Park Hang Seo đang đứng số một trên công cụ tìm kiếm của Hàn Quốc và ngập tràn trên các trang báo của Việt Nam. Chân dung vị “chủ tướng” cầm quân tuyển U23 được khắc họa ngày một rõ nét. Trong đó, có một phẩm chất nổi bật mà cả người Việt hay người Hàn đều phải công nhận.
Những người Việt ở gần ông Park Hang Seo đều miêu tả ông giống như một “ông chú” nông dân xứ kim chi hiền lành, chất phác và rất tình cảm. Nhưng đằng sau vẻ hiền lành đó là một sức mạnh nội tâm kiên cường và truyền cảm hứng.
Chân dung ngài Park xứ Đại Hàn
Chắc hẳn không ít người hâm mộ đã phải bất giác tự mỉm cười khi nhìn thấy những bức ảnh ông Park tình cảm ôm Quang Hải hay thân mật ngồi xem Công Phượng khoe chân.
Vị “nhạc trưởng” của đội bóng luôn quan tâm đến các học trò của mình. Ông nhớ từng ngày sinh nhật, nhắc nhở họ phải mặc áo ấm, không ép cầu thủ có nguy cơ chấn thương nặng thi đấu vì nghĩ cho sự nghiệp lâu dài của họ, cho cả đội nghỉ xả hơi giữa lúc đang đá giải (một việc làm khá hy hữu của các huấn luyện viên).

Có phóng viên hiện trường cũng từng chia sẻ rằng ông rất thân thiện với truyền thông và tạo điều kiện cho họ được đặt thêm câu hỏi cho các cầu thủ trong mỗi buổi họp báo.
Ông Park cũng lại là một người rất kỷ luật và luôn yêu cầu các học trò của mình phải đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, đúng như tinh thần của dân tộc Hàn Quốc, quê hương ông. Người được phong anh hùng trong trận bán kết vừa qua, thủ môn Tiến Dũng khi được đề nghị trả lời phỏng vấn cũng chỉ dám nói nhanh gọn trong thời gian cho phép của huấn luyện viên (HLV) Park và rời đi thật nhanh.
Cậu giải thích rằng HLV sẽ không chấp nhận việc một cầu thủ khiến toàn đội phải chờ đợi vì những lý do không liên quan đến chuyên môn. Dù có là anh hùng, bạn cũng phải nghĩ tới tập thể.
Và trong các trận đấu của tuyển U23 Việt Nam gần đây, chính việc cả đội tuyệt đối tuân theo chỉ đạo chiến thuật của HLV Park đã góp phần lớn trong những chiến thắng vang dội của đội tuyển. Nếu không có cái uy và thu phục được lòng quân, sao ông Park có thể khiến toàn đội chấp hành kỷ luật thép và biết nghĩ tới tập thể như vậy.
Nhìn HLV Park không hề giống một người lãnh đạo, nó nhẹ nhàng như một người thân trong gia đình vậy. (Ảnh: Teen1s.vn)
Khiêm nhường đứng sau “kỳ tích”
Trong một loạt những đức tính đáng ca ngợi của người cầm quân tuyển Việt Nam, có một phẩm chất nổi bật có thể nói là cơ sở cho mọi sự thành công mà ông Park đã được nhiều người công nhận. Đó là sự khiêm nhường.
Nhận vị trí HLV của tuyển U23 Việt Nam trong bối cảnh nhiều áp lực, nghi hoặc và dư luận trái chiều. Nhưng sau khi làm nên những chiến thắng liên tiếp và đã được ghi nhận tài năng cầm quân, trong các buổi họp báo, phỏng vấn, ông Park vẫn luôn giữ một thái độ rất khiêm tốn. “Ông chú Hàn Quốc” luôn khẳng định thành công này là nhờ các cầu thủ và cảm ơn các cầu thủ, VFF cũng như người hâm mộ rất nhiều lần.
“U23 Việt Nam có niềm tin bên trong và đã thể hiện được ở trận đấu này”.
“Hôm nay, các cầu thủ U23 Việt Nam đã thi đấu như những chiến binh…. Tuy gặp bất lợi về thể lực khi phải trải qua 4 trận đấu đầy khó khăn kể từ đầu giải. Mặc dù vậy, các học trò của tôi đã cố gắng hết mình để vượt qua U23 Qatar được đánh giá cao hơn”.
“Tôi muốn dành chiến thắng này tặng cho toàn bộ nhân dân Việt Nam. Tôi cũng rất biết ơn các cầu thủ và đội ngũ cộng sự của mình. Nhờ có họ mà tôi đã làm được mọi thứ mà mình yêu cầu”.
“Tôi muốn cảm ơn VFF, người hâm mộ và toàn thể người dân Việt Nam đã ủng hộ chúng tôi từ đầu giải tới giờ”.
“Tôi vô cùng hạnh phúc được làm việc với các bạn, hôm nay các bạn đã cho tôi một niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm nghề huấn luyện viên. Đến bây giờ tôi xin khẳng định là chúng ta đã biết cách khi thi đấu với các đội mạnh, đề nghị các bạn cho một tràng pháo tay cảm ơn những người hâm mộ đã tiếp lửa cho U23 Việt Nam quê nhà”.
Theo lời kể từ Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF, khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, HLV Park đã đến ôm từng cầu thủ trong phòng thay đồ và nói câu “cảm ơn tất cả” bằng tiếng Việt. Sau đó, ông lặng lẽ ra ngồi một mình ở chiếc ghế trong góc phòng thay đồ, lấy tay gạt những giọt nước mắt.
Không phải lãnh đạo là ép buộc, tất cả sự nỗ lực của các cầu thủ đến từ sự chân thành, quan tâm động viên. (Ảnh: Twit.vn)
Có vẻ như ông đã làm được theo khái niệm về người lãnh đạo mà Lão Tử đã từng mô tả: “Người lãnh đạo giỏi nhất là người khiến ta tưởng rằng không hề có lãnh đạo, người nói ít nhưng mỗi hành động đều đạt được mục đích và khi đó, những người trong tập thể sẽ nói ‘Chúng ta đã cùng nhau hoàn thành rất tốt’”.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông không bao giờ nói về bản thân mà chỉ dành những lời khen ngợi cho học trò của mình. Ông luôn nhấn mạnh rằng các cầu thủ đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích và hiểu lầm, họ không hề yếu và rất chịu khó học hỏi. Thậm chí ông còn ví họ với những miếng bọt biển, nói tới đâu là thấm tới đó.
Và đến khi U23 làm nên những kỳ tích tại một giải đấu lớn tầm châu lục, người hâm mộ cả nước và thế giới đã ca ngợi một tuyển Việt Nam với những cá nhân xuất sắc chứ không chỉ có một người hùng duy nhất nào hết. Đó là dấu ấn của ông Park. Dùng quân linh hoạt và đồng đều để mọi cá nhân đều phát huy hết sở trường của mình. Tiết chế binh sỹ để họ không coi mình là tài năng số một. Khiêm nhường không nhận công về mình để tập trung nội lực cho những điều quan trọng hơn còn ở phía trước.
Ngay cả trong buổi phỏng vấn với đài Hàn Quốc sau kỳ tích ở trận bán kết U23 AFC, cả người dẫn chương trình và các bình luận của người nghe đài đều ca ngợi ông Park quá khiêm tốn. Đáp lại ông chỉ cười và liên tục nói “Không đâu! Không đâu”.
Không được làm HLV cho đội tuyển quê nhà, dẫn dắt một đội tuyển Đông Nam Á được đánh giá thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng đội quân do ông dẫn dắt lại “vượt mặt” đội nhà để vào chung kết ở giải châu lục. Cả dân tộc Hàn Quốc chợt nhận ra tài năng của ông, gọi ông là “phù thủy Hiddink Việt Nam”. Thế nhưng ông nhất mực phủ nhận:
“Làm sao tôi có thể so sánh với HLV Guus Hiddink. Không thể nào. Tôi không dám nhận (cười). Tôi chỉ đang cố gắng với vốn kiến thức nhỏ bé của bản thân…”
“Tôi đã chứng kiến tài năng của Hiddink và cảm thấy mình không bằng. Tôi nghĩ mình còn rất nhiều điều phải học hỏi nữa”.
Khiêm nhường là thuận theo Đạo, thuận theo Đạo sẽ đắc được
Quẻ Khiêm trong “Chu Dịch” có viết: “Đạo trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiết hụt. Quy luật của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi. Luật quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn. Đạo làm người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương“.
Như vậy, người xưa nhìn nhận rằng, dù là đạo trời hay đạo làm người, cái gốc đều ở một chữ “Khiêm nhường”. Người có đức hạnh cao, bề ngoài nhìn vào thì trông chất phác, giản đơn nhưng chính là “hữu xạ tự nhiên hương”, chí khí ngất trời.
Người đức hạnh vững niềm tin, thắng bại chỉ như gió thoảng, lấy tĩnh khí làm động lực thành công. (Ảnh: Bongda.com)
Đúng là “rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt”, người khiêm tốn như vùng đất trũng, sẽ được bồi đắp dần qua thời gian. Kẻ tự cao tự đại sẽ không thể học hỏi, ẩn thân mà nhìn toàn cục được rõ ràng. Làm chiến thuật gia, lại càng phải tĩnh lặng, bớt phô trương để có cái nhìn thấu đáo. Bởi:
Tĩnh sau đó mới có thể an, an sau đó mới có thể nghĩ, nghĩ sau đó mới có thể đắc được.
Không thể phủ nhận rằng những người cầm quân như ông Park đều rất ‘gan lỳ’ và có một tinh thần thép. Thế nhưng khi trận đấu kết thúc và vinh quang thuộc về họ, họ sẽ khó không bị sa vào cảm giác tự mãn cá nhân, lâng lâng trong niềm vui chiến thắng mà nhận hết những lời hoa mỹ, ngưỡng mộ dành cho mình.
Ông Park cùng các học trò còn một trận đấu quan trọng nữa, trận đấu cuối cùng của giải nhưng chỉ là một trong những trận đầu tiên mở ra con đường tươi sáng hơn cho tuyển Việt Nam trong tương lai. Dù kết quả có thế nào, chắc chắn tài năng của ông đã được công nhận, hy vọng của người hâm mộ Việt Nam sẽ tiếp tục đặt lên vai ông cùng các cầu thủ.
Mong ông hãy tiếp tục giữ được tâm thái tĩnh lặng trước mọi lời khen chê, chỉ trích (như trước đây ông đã gặp phải khi mới về với đội tuyển). Dù ở trên tột đỉnh vinh quang, vẫn khiêm nhường, bất động. Đó mới là sức mạnh vĩ đại của một vị tướng soái.
Và cũng hy vọng rằng, ông có thể truyền cho các học trò của mình tinh thần khiêm tốn, giản dị. Bởi các chiến binh thực thụ sẽ không thể vì danh vọng, phú quý và sắc đẹp mà mất tập trung, đánh mất sức mạnh từ bên trong. Sức mạnh đến từ nội tâm tĩnh lặng và ý chí không gì địch nổi.
“Làm người phải giống như nước, khéo lựa chọn chỗ khiêm nhường (chỗ thấp), lòng thì khéo giữ cho trầm tĩnh mà sâu, cư xử với người thì chân thành, nói thì phải giữ lời, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ. Không tranh giành với ai, cho nên cũng không có rắc rối” – Lão Tử
Thuần Dương
Xem thêm: