Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Cuộc đối đầu lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968; Đại tướng Phạm Văn Trà: 'Chiến dịch Mậu Thân là một quyết định táo bạo';Tướng Lê Mã Lương: Khí thế vào trận Tết Mậu Thân rất hùng tráng

Thứ 7, 06:25, 27/01/2018

VOV.VN -Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 là sự đấu trí cao nhất về tư duy chỉ đạo “nghệ thuật quân sự” giữa Mỹ và Đảng ta ở chiến trường miền Nam Việt Nam.
Điểm sáng lịch sử
Ôn lại lịch sử, hiểu biết hiện tại và hướng đến tương lai là rất cần thiết đối với tiếp nối lịch sử oai hùng của dân tộc. Trong lịch sử chiến tranh cách mạng và chiến tranh giải phóng dân tộc có nhiều điểm sáng đáng trân trọng, ghi nhớ và suy ngẫm để vừa định hướng, vừa tạo động lực tinh thần cho các thế hệ hôm nay. Và một trong những điểm sáng ấy là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968”.
Trong chiến tranh luôn bắt buộc mỗi bên phải liên tục cố gắng để thực hiện mục đích chính trị, mục tiêu chiến tranh. Với chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn không còn hí hửng, khuếch trương về sức mạnh quân sự nữa. Chúng buộc phải thay đổi bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ” vào năm 1967 để cứu vãn tình thế.
cuoc doi dau lich su tet mau than nam 1968 hinh 1
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân Giải phóng phá hủy (2/1968). Ảnh: Tư liệu TTXGP
Thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã huy động quân của nhiều nước đồng minh như: (Nam Triều Tiên, Australia, New Zealand, Thái Lan, Philippines…) với khoản tài chính lớn cùng với phương tiện, vũ khí khổng lồ. Đồng thời tiến hành mở rộng “không gian” chiến tranh ra miền Bắc bằng lực lượng không quân, lập lại thế làm chủ ở chiến trường miền Nam và với hy vọng như: đưa biên giới nước Mỹ đến vĩ tuyến 17, đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc của quân và dân ta, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi vào đàm phán theo áp đặt ý đồ của Mỹ.
Đối lập với âm mưu, thủ đoạn và hành vi ấy, là ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn nhân dân, toàn quân ta với sức mạnh tổng hợp của truyền thống và hiện đại; của dân tộc và thời đại; của cả thế và lực... Tiến trình phát triển tất yếu diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
50 năm qua, kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra đến nay đã có những nhận định, đánh giá khác nhau. Dù tiếp cận ở góc độ nào thì những nội dung có giá trị nổi bật nhất vẫn ở các vấn đề sau:
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là cuộc đụng đầu lịch sử lớn nhất trong đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nó là đòn quyết định nhất mở đầu cho quá trình bắt buộc Mỹ phải bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa, rút khỏi miền Nam Việt Nam và tiến tới kết thúc chiến tranh.
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là biểu hiện cao nhất sự đối đầu lịch sử giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng “tầm thế giới” ở một không gian, thời gian cụ thể là chiến trường miền Nam Việt Nam. Đại diện cho phía phản cách mạng là Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, còn đại diện cho cách mạng, chính nghĩa là toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tính cách đối đầu ấy, cho nên tính chất quyết liệt, một mất, một còn rất cao và kết quả là: làm thất bại hoàn toàn chiến lược, ý đồ, mục tiêu của Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” mà chúng đầy hy vọng.
Sự kiện này đã làm rung chuyển toàn bộ nước Mỹ và trấn động thế giới; làm cho giới chóp bu của Mỹ phải thay đổi nhận thức, đánh giá, và tìm cách rút khỏi miền Nam Việt Nam bằng các phương kế khác. Rằng chúng phải thừa nhận: trên thực tế không thể thắng được quân sự ở miền Nam Việt Nam. Buộc Mỹ phải dừng ném bom miền Bắc; chấp nhận ngồi vào bàn đám phán có lợi thế cho ta trên Hội nghị Paris về Việt Nam.
Kiểu mẫu về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là sự đấu trí cao nhất về tư duy chỉ đạo “nghệ thuật quân sự” giữa Mỹ và Đảng ta ở chiến trường miền Nam Việt Nam, giữa một bên đại diện cho nền nghệ thuật quân sự Việt Nam với một bên là nền nghệ thuật quân sự của Mỹ. Giá trị của nghệ thuật chiến tranh nhân dân được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam.



Trước chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, Bộ Chính trị đã có chủ trương: “Phải tìm cách đánh mới khác với cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các cơ quan đầu não các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, chúng đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, do đó phải tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Cùng với các công tác chuẩn bị lực lượng là bảo đảm được bí mật, yếu tố bất ngờ, sự nghi binh đánh lừa địch khôn khéo là cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa với sự tham gia của toàn bộ các lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ tranh ba thứ quân; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chính quy, kết hợp đánh lớn với vừa và nhỏ; thể hiện đánh địch bằng mưu cao, thế hiểm.
Với tính chất tổng khởi nghĩa, tổng tiến công, tổng lực, tổng công kích…,đánh vào chỗ địch không ngờ, vào sào huyệt làm chúng thất điên, bát đảo. Điều đó phản ánh trình độ tư duy, trí tuệ của Đảng ta rất cao trong chỉ đạo chiến tranh. Có thể thấy, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là kiểu mẫu về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng; chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong đối phó, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. 
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968 tiếp tục minh chứng một chân lý thời đại là: sức mạnh chiến đấu của một quân đội dù có tinh nhuệ, thiện chiến đến đâu, nhưng khó có thể chiến thắng sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc đoàn kết, đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 góp một phần quan trọng vào tô thắm truyền thống: "lấy ít địch nhiều", "lấy nhỏ thắng lớn" của dân tộc ta.
Trong bối cảnh tương quan so sánh  lực lượng giữa quân đội viễn chinh Mỹ, chư hầu, quân đội Việt Nam Cộng hòa với Quân giải phóng miền Nam có sự khác biệt, chênh lệch khá lớn, nhưng với nền tảng nghệ thuật chiến tranh nhân dân truyền thống và với sự dụng linh hoạt, sáng tạo của Đảng thì vẫn tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn và đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Nó là khâu có tính chất “đột phá căn bản” cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng miền Nam. Trong đó nổi bật nhất là thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973) và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
50 năm đã qua đi, nhưng tinh thần bất diệt của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn còn vang dội, sống động cùng dân tộc và trong tư tưởng nhân loại, đặc biệt là nhân dân Mỹ. Giá trị cũng như ý nghĩa thời đại của nó bền vững cùng lịch sử. Tưởng nhớ và biết ơn những đồng bào, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 để suy ngẫm trong hiện tại và hướng đến tương lai tươi sáng của dân tộc.
Sự cống hiến, hy sinh ấy luôn là động lực tinh thần to lớn cho các lớp thế hệ hôm nay có quyền tự hào, có cơ sở củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.                             



Đại tá, TS Nguyễn Văn Thanh-Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Đại tướng Phạm Văn Trà: 'Chiến dịch Mậu Thân là một quyết định táo bạo'

Trước những hy sinh mất mát lớn của đồng đội trong chiến dịch Mậu thân 1968, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà chia sẻ nhiều trăn trở.



Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng 1997-2006, tham gia chiến tranh chống Mỹ tại chiến trường miền Tây Nam bộ từ năm 1964 đến ngày thống nhất đất nước) trả lời phỏng vấn VnExpress về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu thân 1968.
- Bối cảnh tiến hành cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là gì thưa đại tướng?
- Trước đó Mỹ từ chối công nhận Hiệp định Genève 1954, đưa quân vào Việt Nam phá hoại không cho hai miền Nam – Bắc thực hiện cuộc Tổng tuyển cử thành lập chính phủ liên hiệp thống nhất đất nước.
Khi thất bại cuộc chiến tranh cục bộ 1960-1964, Mỹ muốn tìm kiếm một giải pháp cho cuộc chiến tại Việt Nam. Trong chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố "Việt Cộng không còn đủ sức đánh lớn được nữa. Mỹ sẽ rút quân để hai miền chiến đấu với nhau". Đùng một cái chúng ta mở chiến dịch Tết Mậu Thân đánh vào 54 thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Một chiến dịch lớn nhất tính đến thời điểm đó đã khiến Mỹ không thể ngờ tới cuộc chiến ở Việt Nam sẽ còn kéo dài.
Lúc ấy, Quốc hội Mỹ tuyên bố Johnson nói dối, người Mỹ không còn tin vào tổng thống. Chính trận Mậu Thân là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận thương lượng, đàm phán bằng một hiệp định mới chứ không còn giải pháp nào khác. Nhờ đó chiến tranh Việt Nam rút ngắn, đi đến kết thúc.
Đại tướng Phạm Văn Trà. Ảnh: Trần Duy.
Đại tướng Phạm Văn Trà: "Chiến tranh là tàn phá ác liệt, phải cố gắng giữ lấy hòa bình, đừng để nó tái diễn". Ảnh: Trần Duy.
- Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn lúc đó ở tâm thế đánh một trận quyết định cuối cùng. Khi phát động chiến dịch, Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam nói gì về mong muốn giải phóng miền Nam ngay trong năm 1968?
- Năm ấy đồng chí Lê Duẩn từ Liên Xô về, nói không thể đánh theo lối cũ mà phải giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ và phải "vừa đánh vừa đàm" bởi chênh lệch lực lượng giữa hai bên còn rất lớn. Đó là ý đồ chiến lược.
Khi ấy, miền Nam còn hơn nửa triệu quân Mỹ và hơn 1,2 triệu quân Việt Nam Cộng Hòa. Dù chúng ta đánh vào hầu hết các thành phố ở miền Nam nhưng chưa đánh được các lực lượng quân sự của Mỹ, nên không thể giải phóng ngay lúc đó được.
Tuy không dám phổ biến ý định trên, song ý đồ đó tôi cho là táo bạo. Nếu cấp trên phổ biến lơ là thì ở dưới quyết tâm không cao nên phải nói để tất cả tập trung đánh quyết liệt cho Mỹ thấy rằng cuộc chiến còn kéo dài, để Mỹ phải rút quân. 
Lúc tham gia chiến dịch tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu doàn 309 Trung đoàn 1 U Minh (Quân khu 9), được phổ biến lệnh có mức độ, bởi toàn bộ chủ trương của chiến dịch phải giữ bí mật tuyệt đối. Quá trình đánh tôi mới hiểu dần, trước mỗi trận đánh mới vừa đi vừa phổ biến mục tiêu và cố gắng giữ được trận địa càng lâu càng tốt.
Cũng chính vì rất bí mật, nên có những trục trặc. Ví dụ, ở Sài Gòn biệt động thành đánh rất mạnh vào Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu… nhưng lực lượng quân chủ lực chỉ đánh vòng ngoài nên hỗ trợ không được mấy. 
Đó là điều đáng tiếc nhưng phổ biến cụ thể sẽ bị lộ không đánh được. Chính điều này cũng dẫn đến sơ hở, bộc lộ hết các cơ sở lực lượng bí mật trong nội thành, sau này rất khó khăn để gầy dựng lại.
Lực lượng của chúng ta đã thiệt hại rất lớn trong đợt một, từ rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân (31/1/1968) đến cuối tháng 2/1968 nhưng vẫn đánh tiếp nhiều đợt sau. Sự thống nhất của các cán bộ cấp cao ở Trung ương về cách đánh thời điểm đó như thế nào?
- Phải nhấn mạnh rằng, cuộc tiến công đợt một trên toàn miền Nam chiến thắng lớn, tác động làm cho nhân dân Mỹ hiểu rằng cuộc chiến tranh không có kết thúc, phải có hiệp định mới cho Việt Nam. Mỹ vẫn chưa chịu vào bàn đàm phán Paris nên ta phải đánh tiếp đợt ba cuối năm đó.
Quân khu 9 chúng tôi đánh đến đợt bốn, tháng 1/1969, lúc ấy Mỹ mới chấp nhận vào Hiệp định 4 bên Paris (gồm Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam).
Thiệt hại của chúng ta rất lớn. Như tiểu đoàn của tôi từ 1.100 người đến cuối chiến dịch chỉ còn khoảng 200 người. Trên toàn miền Nam các đơn vị cũng hy sinh rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kết quả cuối cùng ta thắng lợi. Phải chấp nhận hy sinh, thiệt hại để đi đến chiến thắng về chính trị, kết thúc được chiến tranh.
Nhiều người ngoài cuộc và một số cán bộ miền Bắc trước đây không ra chiến trường, hỏi "tại sao hết quân nhưng vẫn đánh?". Họ không hiểu rằng mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đều có mục đích. Ở đây là vì Mỹ lần lữa, nên ta phải đánh để buộc Mỹ vào Hiệp định Paris. Khi đạt rồi thì đấy là thắng lợi, dù hy sinh đến mấy cũng là thắng lợi.
Sau Hiệp định Paris, ta còn phải thực hiện ba cuộc chiến nữa mới kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971, trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Mỹ phải chấp nhận ý kiến của ta, rút quân, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, để nội bộ Việt Nam tự giải quyết.
Có thể nói trong chiến tranh chống Mỹ, cố Tổng bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Văn Tiến Dũng có vai trò chủ yếu. Nhưng công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lớn vì ông là Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân.
Ông Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger sau khi các bên ký Hiệp định Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: AFP.
Ông Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger sau khi các bên ký Hiệp định Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: AFP.
- Một số phân tích nói, từ chiến dịch Điện Biên Phủ, Mậu Thân đến trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị ta sử dụng chiến thuật dùng sức người vào các trận chiến, đánh đổi sự tổn thất lớn mới có thể giành thắng lợi. Đại tướng có thể phân tích về điều này?
- Chỉ dùng sức người làm sao chiến thắng được phương tiện kỹ thuật, mà phải có mưu kế, có sách lược. Sau này sang Mỹ, tôi từng nói với Bộ trưởng Quốc phòng của họ rằng "người Mỹ học kỹ thuật đánh nhau nhiều hơn, nhưng trong chiến tranh ông nào xử trí nhanh hơn, bình tĩnh hơn thì sẽ thắng".
Chiến dịch đánh vào Thành cổ Quảng Trị 1972, nhiều người hỏi tại sao đánh đến 81 ngày đêm, khi mỗi ngày có một đại đội hy sinh. Vì họ chưa hiểu được chiến trường miền Nam, nhờ có trận Thành cổ Quảng Trị đối phương mới phân tán, rút lực lượng ở các vùng chiến thuật chi viện cho Quảng Trị. Vì vậy ta chiếm được thế thượng phong khi Hội nghị Paris đàm phán trở lại và tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam vực dậy.
Tương tự, trước đó, khi mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chỉ có một ngọn đồi A1 nhưng chúng ta hy sinh từ đầu đến cuối mà vẫn đánh. Bởi đến khi chiếm được đồi A1 rồi thì Pháp phải đầu hàng ngay.
Trở lại cuộc Tổng tiến công Mậu Thân này, nhiều người cứ hỏi tại sao ta hy sinh gần như hết người mà vẫn đánh mãi. Bởi vì Mỹ khi ấy không chịu ngồi vào bàn đàm phán thì chúng ta phải đánh cho đến khi họ chấp thuận. Như Bác Hồ nói, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng quyết giành cho được độc lập tự do - mục đích cuối cùng của chiến tranh.
- 50 năm nhìn lại cuộc tổng tiến công Mậu Thân, điều ông trăn trở nhất là gì?
- Khi cùng đoàn sĩ quan 160 người, hầu hết anh em ở Đồng bằng Sông Hồng vào miền Nam chiến đấu, tôi hồn nhiên không suy nghĩ gì cả. Đến khi thống nhất đất nước chỉ còn lại 16 người, mà hy sinh nhiều nhất năm Mậu Thân.
Tôi sống sót là may mắn, nhưng còn bao nhiêu người hy sinh, bị thương, bao nhiêu gia đình mất con mới có được ngày hôm nay. Anh em cùng chiến đấu đã nằm lại chiến trường miền Nam, nên sau khi về hưu tôi tập trung đi làm công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa cho đồng đội, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ có thể nói là cuộc chiến ác liệt nhất, gian khổ nhất, hy sinh nhiều nhất. Riêng chiến dịch Mậu Thân thắng lợi nhưng hy sinh quá nhiều. Tôi nói điều này để tất cả mọi người sống hôm nay thấy rằng chiến tranh là tàn phá ác liệt, phải cố gắng giữ lấy hòa bình, đừng để nó tái diễn.
Tuyết Nguyễn - Trần Duy

Tướng Lê Mã Lương: Khí thế vào 


trận Tết Mậu Thân rất hùng tráng


authorLương Kết (ghi) Thứ Ba, ngày 30/01/2018 07:29 AM (GMT+7)

(Dân Việt) “Có thể nói, không khí ra trận cuối năm 1967 rất hùng tráng, thôi thúc những người lính trẻ lần đầu ra trận. Chúng tôi đã nghĩ được tham gia trận đánh lớn này là cơ hội cuối cùng, là bước ngoặt của cuộc đời người lính”, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.

   

 tuong le ma luong: khi the vao tran tet mau than rat hung trang hinh anh 1
Ảnh: Đàm Duy
Đúng ngày này 50 năm về trước (ngày 30.1.1968 -30.1.2018) đã diễn ra cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968. Nhân dịp này, Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chia sẻ về ký ức của ông, của người lính trẻ trước khi bước vào chiến dịch Xuân Mậu Thân.
Đón Tết sớm trước khi vào trận đánh lớn
Sau những ngày tháng huấn luyện gian khổ ở miền Bắc, cuối năm 1967, chúng tôi hòa trong đoàn quân trùng trùng lên đường ra trận. Cảnh bộ đội hành quân ban đêm, những đoàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những đoàn xe cơ giới, những binh chủng cùng với người lính bộ binh hành quân ra mặt trận. Có thể nói không khí ra trận cuối năm 1967 rất hùng tráng, thôi thúc những người lính trẻ lần đầu ra trận. Chúng tôi nghĩ được tham gia trận đánh lớn này là cơ hội cuối cùng, là bước ngoặt của cuộc đời người lính. Lúc đó trong chúng tôi ai cũng nghĩ trận đánh lớn Tết Mậu Thân năm 1968 là để giải phóng miền Nam.
 tuong le ma luong: khi the vao tran tet mau than rat hung trang hinh anh 2
Cảnh lính Mỹ rút chạy trong chiến dịch Mậu Thân (ảnh tư liệu của TTXVN).
Trong suốt thời gian chúng tôi hành quân vào chiến trường phải gánh chịu bom đạn của không quân Mỹ, pháo kích từ Hạm đội 7 ở ngoài biển bắn vào, lực lượng biệt kích, thám báo của chúng tìm cách chặn bước hành quân của quân ta. Cứ chỗ nào chúng “đánh hơi” thấy có lực lượng của ta là pháo kích lại được bắn dữ dội. Có nhiều chiến sĩ đã hy sinh, nhiều người bị thương trên đường hành quân. Không hiểu sao chúng tôi thấy cảnh tượng như vậy càng tăng sự khẩn trương ra mặt trận.
Hành quân vất vả, rồi chúng tôi được ăn một cái Tết rất khẩn trương. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ được đón một cái Tết sớm như vậy. Cuối tháng 12.1967, chúng tôi đã đón Tết trong rừng trên đất bạn Lào. Có thể nói cái Tết rất to, chưa bao giờ tôi được đón một cái Tết lớn và sôi động như vậy, cũng có bánh chưng, giò, thịt, dưa hành…
Nghi binh chiến lược
Ăn Tết xong chúng tôi bắt đầu bước vào trận đánh đầu tiên của cuộc đời người chiến sĩ. Lực lượng bộ binh và xe tăng sẵn sàng xuất kích trên đường số 9 – Khe Sanh. 1h sáng tôi thấy những chiếc xe tăng to lớn, lừng lững nằm bên đường, sương xuống phủ lên vỏ sắt khi chạm tay lạnh ngắt. Nhưng trong lòng người chiến sĩ lúc đó có lửa đốt, nóng lòng ra mặt trận. Anh em chúng tôi được phép nhảy lên, nhảy xuống để làm quen với xe tăng.
Sau đó chúng tôi cùng xe tăng hành quân theo trục đường số 9. Máy bay, pháo kích của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa đêm nào cũng đánh phá ác liệt để ngăn chặn, rồi những đợt máy bay B52 dải thảm. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là máy bay B52, những tiếng ù ù rất lớn, sau đó là những tiếng nổ liên tiếp sáng rực cả bầu trời. Chính điều đó đã thôi thúc những người thanh niên như chúng tôi lúc đó, những người vừa rời ghế nhà trường, sau thời gian huấn luyện nay được bước vào trận đánh lớn. Đơn vị tôi chiến đấu hết trận này, sang trận kia, đến ngày 7.2.1968, chúng tôi cùng với lực lượng xe tăng bao vây và tiêu diệt căn cứ Làng Vây (Quảng Trị). Đây là căn cứ biệt kích của Việt Nam cộng hòa, có khoảng 500 tên và một trung đội cố vấn Mỹ.
Sau đó chúng tôi bước vào những trận đánh lớn hơn, không có yếu tố bí mật, bất ngờ như những trận đánh đầu tiên của chiến dịch Mậu Thân. Chúng tôi bao vây căn cứ Tà Cơn (Khe Sanh, Quảng Trị), có 4.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ. Tại đây diễn ra cuộc chiến đấu cực kỳ ác liệt.
Lúc đó, tôi không hiểu việc tập trung lực lượng bao vây căn cứ Tà Cơn, bao vây những người lính Mỹ tại đây nhằm mục đích gì. Hàng ngày, những trận pháo kích, bom đạn của Mỹ - Việt Nam cộng hòa dội liên tục, bộ đội ta bị hy sinh và thương vong rất nhiều. Sau này chúng tôi mới hiểu, việc vây chặt quân Mỹ ở căn cứ Tà Cơn và tổ chức ngăn chặn đánh quân tiếp viện là tạo đà thuận lợi cho quân ta đột phá bất ngờ vào các thành phố, thị xã.
Mặt trận Khe Sanh là nghi binh chiến lược, làm cho Mỹ, Việt Nam cộng hòa tưởng rằng quân đội Việt Nam tổ chức lực lượng lớn ở Quảng Trị. Bọn địch đã bị đánh lừa khi chúng điều một lực lượng lớn ra Khe Sanh nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Chúng tưởng rằng Khe Sanh là chiến trường chính của ta nhưng chúng hoàn cảnh bất ngờ khi Tết Mậu Thân quân ta tổ chức tấn công vào các đô thị trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ, Việt Nam cộng hòa khiến chúng choáng váng.
Đêm 30 và 31.1.1968 – đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác trên toàn miền Nam (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Ta tiến công Toà đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố.

Không có nhận xét nào: