Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Ông Đinh La Thăng tiếp tục hầu tòa với một cáo buộc khác

Vừa nhận bản án 13 năm tù, thời gian tới, ông Đinh La Thăng sẽ tiếp tục bị đưa ra xét xử trong 1 vụ án khác cũng về tội Cố ý làm trái.
13 năm tù cho cựu Chủ tịch PVN
Sau hơn 2 tuần xét xử, ngày 22/1, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC. 
Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào diễn biến phiên tòa và phần tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định: Các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng và luận tội của VKS, một số bị cáo không nhận tội nhưng HĐXX nhận thấy có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội như trong cáo trạng đã nêu.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115.868.979.065 đồng sai mục đích không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước 119.804.660.196 đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng; Sử dụng 1.115.868.979.065 đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119.804.660.196 đồng.
Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13.066.262.471 đồng từ ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kinh tế quan trọng được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án trên, vì những động cơ khác nhau mà họ đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm trước pháp luật.
Từ các căn cứ trên, HĐXX TAND TP.Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT - TGĐ PVC bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là tù chung thân. Các bị cáo đồng phạm lần lượt nhận mức án từ 30 tháng tù treo đến 22 năm tù giam.
Tội chồng tội
Liên quan đến hành vi gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông liên quan trong giai đoạn từ năm 2008 – 2011, ông Đinh La Thăng sẽ còn phải ra hầu tòa trong một vụ án khác cũng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, theo truy tố của VKSND Tối cáo, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Theo cáo trạng, tuy biết rõ hiện trạng của Oceanbank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của bộ Tài chính nhưng ông Thăng vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Đến thời điểm ngày 1/1/2011, luật Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương, là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank, trái quy định tại khoản 2 Điều 55 luật Tổ chức tín dụng năm 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.
Hậu quả là toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank.
Cáo trạng kết luận, ông Thăng chính là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện nên phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank. Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS. Khoản 3 điều luật trên nêu rõ: “Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.
Theo luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội, khoàn 1 Điều 56 BLHS 2015 quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án: “Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”.
Điều 55 BLHS năm 2015 quy định: “Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn…”.
Như vậy, trong trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, mức án cao nhất mà bị cáo Đinh La Thăng có thể phải chấp hành có thể lên tới 30 năm tù.
NĐT

Không có nhận xét nào: