PHAN KHÔI VIẾT VỀ NGUYỄN DU VÀ “TRUYỆN KIỀU” (1955): PHÊ BÌNH “TRUYỆN KIỀU CHÚ GIẢI” CỦA LÊ VĂN HÒE
PHÊ BÌNH TRUYỆN KIỀU CHÚ GIẢI
CỦA LÊ VĂN HÒE
Ông Lê Văn Hòe có xuất bản cuốn Truyện Kiều chú giải ở Hà Nội từ năm 1953, sách khổ lớn, dày 772 trang, là một cuốn sách viết rất có công phu, kỹ càng và đầy đủ, so với loại sách ấy đã ra từ trước đến giờ. Muốn viết bài phê bình nó, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới dám hạ bút, tức là bài này. Với sự thận trọng ấy, tưởng cũng đủ tỏ một độc giả là tôi, biết quý chuộng và không phụ công lao của tác giả.
Nhan sách là Truyện Kiều chú giải, nhưng mở đầu ra, người chú giải có đánh giá Truyện Kiều. Phần đánh giá chỉ có 2 trang mà thôi, nhưng tôi, tôi lại coi phần ấy là trọng yếu còn hơn 770 trang chú giải kia. Tôi chưa có thì giờ để thảo luận tỉ mỉ về phần chú giải vì nó khí bề bộn quá, cho nên trong bài phê bình này tôi chỉ mới nói trước về phần đánh giá.
***
Dưới cái phó đề Truyện Kiều ở đầu sách, ông Hòe nói Truyện Kiều lấy sự tích ở Phong tình lục, một tiểu thuyết Trung Hoa “chẳng có giá trị gì mấy”, mà nhờ “ngọn bút tài tình của cụ Nguyễn Du đã biến hóa … thành một áng văn chương kiệt tác”.
Ông Hòe nói phải. Tôi hồi trước từng đọc Phong tình lục sách in, và mới đây, năm 1948 lại được đọc bản sách ấy chép tay của một nhà ở Yên Bái, thì thấy quả thật không có giá trị. Có lẽ vì nó không có giá trị cho nên mấy trăm năm nay nó đã tuyệt bản ở Trung Quốc. Đọc cả hai sách đem đối chiếu nhau, thì thấy Truyện Kiều cắt xén xê dịch nguyên văn Phong tình lục rất nhiều. Có những tình tiết ở nguyên văn không có thì thêm vào, hay là ở nguyên văn có rất rườm rà mà bớt đi. Do đó, chúng ta có thể nói Truyện Kiều không phải một tiểu thuyết dịch, cũng không phải phóng tác, mà là hoàn toàn sáng tác. (1)
Tiếp theo đó, ông Hòe tổng luận tánh chất và giá trị Truyện Kiều bằng ba đoạn văn rất gọn nhưng rất dứt khoát mà tôi phải sao lục đúng từng chữ ra đây để làm căn cứ cho sự thảo luận của tôi. Ông viết:
“Tác giả (chỉ Nguyễn Du) hình như muốn mượn Truyện Kiều để chứng minh và truyền bá một tư tưởng triết học tôn giáo. Tư tưởng ấy giá trị cũng tầm thường và chứng minh cũng chưa đúng xác.
Nhưng giá trị Truyện Kiều không ở tư tưởng đạo đức, luân lý hay triết học, cũng không ở cốt truyện hay bố cục, kết cấu, chi tiết. Cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiều là ở văn chương, ở kỹ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm của tác giả.
Người ta tán thưởng Truyện Kiều, người ta học tập Truyện Kiều, là tán thưởng và học tập văn chương Truyện Kiều. Chính phần văn chương đó đã làmTruyện Kiều bất hủ”.
Theo đó, có thể đặt ra ba câu hỏi: 1/ Có phải tác giả muốn mượn Truyện Kiều để chứng minh và truyền bá một tư tưởng triết học tôn giáo không? 2/ Có phải cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiều là chỉ ở văn chương không? 3/ Có phải người ta tán thưởng học tập Truyện Kiều là chỉ tán thưởng học tập ở văn chương Truyện Kiều mà thôi không? Ba câu hỏi ấy, tôi muốn đảo ngược thứ tự lên, từ thứ ba đến thứ nhất mà giải đáp, tự nhiên thấy sự đánh giá của người chú giải là có đúng được phần nào hay hoàn toàn không đúng.
***
Từ có Truyện Kiều gần một trăm rưởi năm nay, một số rất đông người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác đều ham đọc nó, đến nỗi có nhiều câu trong đó đã thành ra ca dao và nhất là người ta đã dùng nó làm sách bói. Một số rất đông ấy gồm người gọi là thượng lưu cả đến người đàn bà nông thôn, người biết chữ cả đến người không biết chữ. Nói rằng tán thưởng học tập về văn chương, đối với người thượng lưu biết chữ còn có lẽ, chứ đối với người đàn bà nông thôn thì – văn chương, theo ông Hòe là kỹ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm – họ có biết đâu mà tán thưởng và họ có cần học tập làm gì? Thế mà tôi thấy chẳng những có người biết chữ đọc trầm từng đoạn Truyện Kiều, mà đàn bà nông thôn cũng có người đọc trầm được từng đoạn Truyện Kiều. Vậy thì chúng ta phải tìm cho thấy trong Truyện Kiều có cái gì đó đã nói được cái điều trong lòng mọi người muốn nói, có cái gì đó đã thông cảm với mọi người, nên họ mới ưa thích đến như vậy, chứ còn văn chương chỉ là một phần phụ, một phần nhỏ mà thôi.
Tôi tin quyết như thế. Một tác phẩm được truyền tụng là nhờ nội dung của nó có chỗ thông cảm với mọi người, nếu không, chỉ có văn chương suông mà thôi, không được truyền tụng.
Lấy ca dao làm ví dụ. Có những câu ca dao truyền khẩu từ đời xưa mà bây giờ người ta vẫn nhắc đến, lại có những câu ca dao của văn sĩ làm ra in vào sách mà cho đến nay vẫn không ai nhắc đến, nó không thể thành ra được là ca dao. Ngồi trong một đám đông, ta thử hỏi xem có ai biết câu này không, thì chắc có người biết:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon (2)
Nhưng, thử hỏi có ai biết câu này không, thì tôi dám quyết mười mươi rằng không có ai biết cả:
Cảnh trời ai bán ta mua
Mua non non Thúy, mua chùa chùa Hương
Mua hoa mới nở giữa vườn
Mua trăng mới mọc trên sườn núi cao
Câu sau đó của Đoàn Như Khuê in trong tập Bể thảm của ông trước đây chừng hơn ba mươi năm. Văn chương của Đoàn Như Khuê cố nhiên là “kém” văn chương Nguyễn Du, nhưng cứ kể một câu ca dao này thì cái hay về văn chương của nó không kém câu nào trong Truyện Kiều hết, nhưng nó không được truyền tụng là vì nó không thông cảm với ai được hết. Với người giàu thì họ để tiền mua ruộng, với người nghèo thì họ đang ăn canh tôm nấu với ruột bầu, cả hai đều không thiết đến chuyện mua non Thúy, mà chùa Hương, mua hoa, mua trăng. Trái lại, câu trên có thể thông cảm với một số rất đông người Việt Nam là người nghèo, và thông cảm đến những người giàu mà biết nghĩ đến người nghèo nữa.
Theo kinh nghiệm và chứng cứ đưa ra đó, tôi dám quả quyết nói cái kết luận của ông Hòe bảo rằng người ta tán thưởng học tập Truyện Kiều là chỉ tán thưởng học tập về mặt văn chương của nó là không đúng. Do đó, cũng lại quả quyết rằng Truyện Kiều sở dĩ bất hủ không phải chỉ cậy ở phần văn chương.
Đã thế thì câu hỏi thứ hai cũng phải bị phủ nhận. Cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiều không phải ở văn chương. Một tác phẩm, không cứ tác phẩm gì, đều có hai phần: nội dung và hình thức. Nội dung là tư tưởng của tác phẩm, nó phải hợp với chân lý, có ích cho đời sống của mọi người, thì tác phẩm mới có giá trị. Còn hình thức, gồm thể tài, kỹ thuật của tác giả, tức ông Hòe gọi là văn chương, nó có giá trị chỉ khi nào nó đi đôi với cái nội dung lành mạnh làm cho tác phẩm đã có giá trị rồi. Nay tư tưởng của Truyện Kiều, theo ông Hòe thấy là tư tưởng triết học tôn giáo, đã bị ông chê là tầm thường, chưa đúng xác, thì chỉ một mình văn chương làm sao cho có được giá trị tuyệt đối? Chúng ta khi đọc một bài báo, một cuốn sách, dám bĩu môi chê rằng thứ đồ văn chương rỗng toách, thế là bởi nó không có nội dung, không có tư tưởng, thì cũng không có giá trị.
Câu hỏi thứ nhất phải đặt lại một cách ngay thật hơn: Có phải tác giả muốn mượn Truyện Kiều để chứng minh và truyền bá một tư tưởng triết học tôn giáo không? Và tư tưởng ấy có phải cũng tầm thường và chưa đúng xác không? Nếu thế thì tôi xin nhận phần nửa dưới, chịu ông Hòe phán đoán là đúng, nhưng vẫn phủ nhận phần nửa trên.
Tôi rất đồng ý với lời phán đoán ấy của nhà chú giải. Trong Truyện Kiều, những cái triết lý “tài mạng ghét nhau”, “muôn sự tại trời”, rồi lại “quả kiếp nhân duyên”, “tu là cội phúc”, rồi lại “chữ tâm bằng ba chữ tài”, nhồi chung Nho, Phật với Đạo, thật là “lúng túng chẳng xong bề nào”. Cuối phần chú giải, ông Hòe có chỉ ra nhiều cái mâu thuẫn trong lý luận của Nguyễn Du, cho rằng lý luận ấy không đi đến đâu hết, không giải quyết được gì hết, thật là xác đáng.
Nhưng có phải Nguyễn Du định bụng chứng minh và truyền bá cái triết lý lúng túng vô giá trị ấy không? Điều này chúng ta nên xét lại.
Tôi thấy không phải thế. Cái mà Nguyễn Du muốn tuyên truyền là cái gì kia, nội dung tư tưởng của Truyện Kiều là ở chỗ nào kia, chứ không phải ở triết học tôn giáo muốn chứng minh và truyền bá như ông Hòe nói. Ông Hòe nói mà còn dè dặt bằng hai chữ “hình như”, nghĩa là ông còn chưa dám chắc, thì hình như ông cũng đã rắp muốn hiểu như tôi hiểu.
Muốn biết Nguyễn Du tại sao vấp phải cái lúng túng ấy mà không gỡ mình ra được, thì phải biết Nguyễn Du là một nhà nho chánh tông, mà nhà nho thì thường mang trong mình một cái mâu thuẫn lớn, hễ gặp hồi khó xử thì đâm ra lúng túng. Cái mâu thuẫn ấy mang từ đời Khổng Tử thẳng đến hết thảy các nhà nho, đến Nguyễn Du, cho nên chúng ta cũng không thể trách Nguyễn Du. Về điểm này, tôi sẽ nói rõ ở một đoạn dưới.
Một tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều, được cả nước yêu chuộng từ xưa đến nay, tất nhiên là có cái nội dung cao quý của nó, ta phải tìm để hiểu. Còn cái điều ta thấy là tầm thường, chưa đúng xác, chưa phải là nội dung đâu, đó là những cái nhược điểm bởi tác giả bị thời đại hạn chế mà phải có, nên được khoan thứ. Ở Trung Quốc hiện nay, Thủy hử, Hồng lâu mộng được đề cao lắm, mà hai cái tiểu thuyết ấy đều có những chỗ lệch lạc chẳng khác gì Truyện Kiều.
***
Trước khi trình bày cái nội dung, cái tư tưởng tiến bộ dễ thông cảm của Truyện Kiều, tôi cần phải chỉ ra cái động cơ Nguyễn Du viết Truyện Kiều, để thấy rằng không phải vì muốn chứng minh và truyền bá một triết học tôn giáo nào, và cũng để thấy rằng cái nhược điểm trong Truyện Kiều là do bản chất của tác giả nó mà phải có.
Nguyễn Du thi đỗ làm quan từ hồi còn nhà Lê, và cha anh đều làm quan to thời Lê mạt, triều vua Cảnh Hưng. Nhà Lê từ trung hung đến triều Cảnh Hưng, bị họ Trịnh cướp cả chính quyền; cả gia đình Nguyễn Du tự nhận mình là làm tôi nhà Lê, chứ kỳ thực là làm tôi nhà Trịnh. Bản lãnh của nhà nho là trung và hiếu, đã nêu lên cái nguyên tắc “trung thần bất sự nhị quân”, mà như thế, là đã phản nguyên tắc rồi, tự mình đã mâu thuẫn với mình rồi. Chúng ta muốn hiểu Nguyễn Du, muốn hiểu Truyện Kiều, trước hết phải nắm lấy chỗ đó, đó là cái thai đẻ ra mọi nhược điểm.
Nguyễn Huệ diệt Lê Trịnh, Nguyễn Du từng toan chống lại, nhưng bị thất bại. Lui về quê, tự xưng là “Hồng Sơn lạp hộ”, Nguyễn Du tỏ ý không chịu thần phục Tây Sơn. Tây Sơn thống trị nước Nam chỉ độ mươi năm, giá còn thống trị mãi thì Nguyễn Du có sẽ ra làm tôi Tây Sơn không, tôi không dám biết. Cái nghĩa lớn “tùy thời” và cái chí lớn “đắc quân hành đạo” của nhà nho ghê gớm lắm, không ai có thể đoán trước được.
Nguyễn Phúc Ánh, thế tổ Cao Hoàng đế triều Nguyễn diệt Tây Sơn, thống trị nước Nam, Nguyễn Du cực chẳng đã phải ra làm quan. Ấy, đừng ai tưởng tôi trách Nguyễn Du về chỗ đó, lúc bấy giờ những người gân guốc như Phạm Quý Thích, Võ Trinh, Phạm Đình Hổ đều phải ra làm quan, họ cũng đều vì cực chẳng đã cả.
Nguyễn Du thấy mình vốn là tôi nhà Lê mà bây giờ lại làm tôi nhà Nguyễn, như thế, khác nào một con đĩ “sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”. Ấy đó là động cơ viết Truyện Kiều. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều vì cực chẳng đã mà phải làm đĩ, thì Nguyễn Du cũng vì cực chẳng đã mà phải làm đĩ, nghĩa là làm tôi nhà Nguyễn.
Ở “Truyện Nguyễn Du” trong sách Chánh biên liệt truyện, nói Nguyễn Du khi làm tham tri bộ Lễ ở triều Gia Long, mỗi lần triều hội, ít nói năng gì, không kiến minh điều gì, có vẻ “lừng khừng”, làm nhà vua phải giáng chỉ dụ “đả thông” đến mấy lần. Cái thái độ ấy y hệt như cái thái độ của cô Kiều: “Đuốc hoa để đỏ mặc nàng nằm trơ”; “Nỗi mình còn biết cái xuân là gì”.
Ngô Đức Kế, ông cụ này từng vì công kích Phạm Quỳnh mà công kích Truyện Kiều, chứ thực ra, ông cụ cũng là một người tán thưởng học tập Truyện Kiều như chúng ta. Ông cụ từng thuật lại một vài điều các bô lão ở Nghệ Tĩnh ngày xưa nói về Truyện Kiều cho tôi nghe: Cái câu “Giờ ra thay mặt đổi ngôi, dám xin gửi lại một lời cho minh” là Nguyễn Du muốn nói về Gia Long: Gia Long khi còn ở Gia Định truyền hịch ra Bắc Hà nói “phù Lê” mà về sau lại tự xưng hoàng đế. Còn câu “Phòng khi nước đã đến chân, dao này thì liệu với thân sau này”, chữ “sau” nguyên văn của Nguyễn Du là chữ “phận”. Lúc bấy giờ, Nguyễn Du vẫn còn sống, một ông bạn của Nguyễn Du, cũng tự nhận mình là di thần nhà Lê, chữa lại thành “sau”, có ý buộc Nguyễn Du cuối cùng phải tử tiết vì nhà Lê. Câu chuyện này chẳng biết có thật không, nếu thật thì cái ông bạn ấy cũng lại lôi thôi lắm nữa: sao tự mình không tử tiết mà lại buộc người khác phải tử tiết? Hỏi như thế để tỏ ra rằng hết thảy nhà nho một thời ấy, từ ông bạn ấy đến Phạm Quý Thích, Võ Trinh, Phạm Đình Hổ đều mang cái mâu thuẫn trong mình, đều lúng túng, chứ không phải một mình Nguyễn Du.
Bấy nhiêu đó đủ chứng tỏ rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều là muốn bộc bạch tâm sự của mình, làm đĩ là vì cực chẳng đã; nhưng có cái chứng cứ này do Nguyễn Du thân cung ra, còn chắc hơn nữa: Trong một bài thơ, Nguyễn Du có câu kết rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!” Tố Như là tên tự Nguyễn Du. Ý câu ấy muốn nói: sau Thúy Kiều chết hơn ba trăm năm, có Tố Như bộc bạch cái tâm sự cực chẳng đã và khóc cho Thúy Kiều, chẳng biết sau hơn ba trăm năm nữa có ai biết tâm sự của Tố Như mà bộc bạch và khóc cho chăng? (3) Nguyễn Du chưa hề nói cho ai biết động cơ mình viết Truyện Kiều là vì đâu, nhưng làm một cuộc khảo chứng như trên đây, chúng ta biết rõ và chắc rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều cốt muốn bộc bạch tâm sự, cái tâm sự cực chẳng đã phải làm tôi nhà Nguyễn. Nguyễn Du hẹn đến hơn ba trăm năm, không ngờ mới chưa đầy một trăm rưởi năm chúng ta đã biết mà còn biết hơn Nguyễn Du tự biết mình nữa, có biết như thế thì mới hiểu được tất cả Truyện Kiều.
Cái động cơ ấy chỉ có ngấm ngầm trong ý thức Nguyễn Du khi chưa viết Truyện Kiều, khi đã viết rồi thì Truyện Kiều lại phải làm nhiệm vụ của nó, hoàn thành sứ mạng của nó, động cơ của tác giả chỉ còn lộ ra trong đó một chút. Mỗi người chúng ta đọc Truyện Kiều thì cứ đọc, hiểu thế nào thì cứ hiểu, cũng không ai hề hỏi đến động cơ làm gì.
Nói thế, mới nghe, như là vô lý, nhưng sự thực là thế.
Một tác giả toan viết ra một tác phẩm, khi có chủ đề, có nhân vật, xây dựng đâu ra đó rồi thì viết, chứ không cần bởi có một động cơ nào. Nhưng ở trường hợp đặc biệt, có một động cơ như Nguyễn Du, thì khi viết, cũng lại phải xây dựng tác phẩm của mình bằng chủ đề và nhân vật, chứ không thể làm khác được. Chủ đề đã định rồi, còn có nhân vật, giữa nhân vật còn có sự kiện. Đối với nhân vật và sự kiện, thế nào tác giả cũng phải bằng ở quan niệm và nhận thức của mình hồi bình nhật mà biểu lộ ra ai là xấu, ai là tốt, ai là thiện, ai là ác, cái gì là hay, cái gì là dở, cái gì nên ủng hộ, cái gì nên phản đối. Chính chỗ đó là nội dung tư tưởng của tác phẩm, không có nó tức thì tác phẩm không có linh hồn.
Vai chính trong Truyện Kiều là Thúy Kiều, nhân vật mà Nguyễn Du đưa ra định làm cái bóng của mình. Nhưng một mình Thúy Kiều thì không thành chuyện được, chung quanh Thúy Kiều phải có người này người khác, do đó sinh ra việc này việc khác, câu chuyện thành ra câu chuyện xã hội. Đã là câu chuyện xã hội thì tác giả phải rút lui cái ý của động cơ ra đằng sau tác phẩm, nhường cho tác phẩm tiến hành nhiệm vụ và sứ mạng của nó, tức là quan niệm và nhận thức về xã hội của tác giả.
Tào Tuyết Cần, tác giả Hồng lâu mộng, là con cháu của một nhà thế gia sa sút, mà Hồng lâu mộng cũng kể chuyện một nhà thế gia sa sút, vì vậy có nhiều người nhận rằng Hồng lâu mộng là “tự truyện” của tác giả, nhắc lại chuyện mình và chuyện nhà mình. Nhận như thế, dầu đúng nữa cũng chỉ là cái động cơ của tác giả mà thôi; hiện nay chúng ta đọc Hồng lâu mộng chỉ thấy là một tiểu thuyết hiện thực xã hội, phản đối mọi lề thói của chế độ phong kiến. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vậy.
***
Đến đây xin bắt đầu trình bày nôi dung tư tưởng chân chính của Truyện Kiều.
Truyện Kiều mở đầu ra, đã phải đả động đến vấn đề luyến ái, vấn đề hôn nhân, vấn đề phụ nữ, là những vấn đề xã hội làm người ta ngột thở dưới chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Xã hội Việt Nam đến thời đại Nguyễn Du, thời đại Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, phong kiến đổ nát, mất lực lượng tập trung, bọn chúa phong kiến phải tăng cường guồng máy thống trị, gia khẩn sự áp bách. Theo lịch sử, dưới chính quyền lúc bấy giờ ở miền Nam và miền Bắc đều có vô số người được phong tước quận công, khiến dân chúng oán ghét đến khinh miệt bằng những câu thô tục, như là “Nhất quận công, nhì ỉa đồng”, “Ỉa đồng một bãi bằng vạn đại quạn công”, thì đủ biết họ bị áp bách mà thống khổ đến chừng nào.
Phụ nữ là hạng người ở từng lớp bét trong xã hội phong kiến, họ bị áp bách nặng nề hơn và chịu thống khổ nhiều hơn. Thuở đó ở miền Bắc thì ông Nghè bắt hiếp con gái đồng trinh:
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Ông Nghè sai lính ra ve
Trăm lạy ông Nghè, tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho giòn, theo võng cho mau
(ca dao)
Ở miền Nam thì quan Chánh (chánh cai bộ) cưỡng đoạt đàn bà có chồng có con:
Mẹ ơi quan Chánh đòi hầu
Mua chanh mà gội cái đầu cho trơn
(ca dao)
Họ còn bị áp bách trong gia đình cũng khắc nghiệt nữa. Cha mẹ gả con lấy chồng tức là bán con, như đời xưa bán nô lệ, cho nên nói “gả bán”. Theo một cái nguyên tắc từ đời nào để lại không biết: “phụ mẫu sở sinh sở định”, đặt đâu ngồi đó, người con gái không được tự chủ việc trăm năm của mình. Bởi vậy mới có tiếng than:
Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng!
(ca dao)
Khoan nói chưa hề yêu nhau, đến nỗi chưa hề thấy mặt nhau cũng bắt phải lấy nhau:
Lấy chồng chẳng biết mặt chồng
Đêm nằm mơ tưởng nghĩ ông láng giềng.
(ca dao)
Pháp luật cho đàn ông chết vợ, sau một năm được lấy vợ khác, mà đàn bà thì sau ba năm mới được lấy chồng. Họ phải kêu:
Gió đưa cành trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết còn gì là xuân
(ca dao)
Lại còn nêu lên “chữ trinh” bắt phụ nữ phải giữ trinh nữa. Đây là một giáo điều:
Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng
(tục ngữ)
Ở dưới chế độ, lễ giáo, pháp luật vô lý và bất công như vậy, hết thảy phụ nữ phải cúi đầu mà chịu. Nếu có người không chịu, tháo cái ách tròng trên cổ, tự do yêu, là chết đấy. Cái đối tượng yêu là ai? Là người con trai. Thế thì sự yêu nhau đó nếu vỡ lở ra, hai bên cùng chịu trách nhiệm mới phải. Nhưng không, dư luận cứ đổ tội trên đầu người con gái: Tại chị bẩy nhà ta, không phải tại chi anh ba nhà người (tục ngữ), thậm chí nói: Con chó cái có ngoe nguẩy thì con chó đực mới vẫy đuôi (tục ngữ).
Trong Hồng lâu mộng, Bảo Ngọc, con trai của bà Vương phu nhân, một hôm, nắm tay Kim Xuyến, con nhài của bà mà nói chuyện. Sau đó bà mắng Kim Xuyến là đồ đĩ thõa, làm hư con trai bà. Kim Xuyến không chịu nhục được, nhảy giếng mà chết. Tôi lại từng thấy ở làng quê tôi, một cô con gái “theo trai”, bị bố mẹ buộc phải chết, cô uống thuốc độc mà chết.
Đối với những vấn đề trên đó, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chưa hề giải quyết, nhưng đã tỏ thái độ của mình ra trong khi đối đãi với vấn đề. Cứ theo cái thái độ ấy mà suy luận ra, có thể nói Nguyễn Du đòi giải phóng phụ nữ, cho kết hôn tự do, luyến ái tự do. Về điểm này, chúng ta thấy Nguyễn Du đã bạo gan vượt ra ngoài lễ giáo của thánh hiền.
Thúy Kiều mới có mười lăm tuổi, cái tuổi mà các bà cụ ta ngày xưa thường nói, “Chúng tao hồi bằng ấy đang còn ở truồng”, thế mà ra đường thấy trai đã mắt măng mắt vược “nghé theo”, về nhà nằm đêm còn mơ tưởng “Người đâu gặp gỡ làm chi”. Nguyễn Du đã thản nhiên thuật lại những điều ấy, chẳng những không thấy ngượng ngập mà còn như lấy làm hể hả. Rồi hơn trăm năm nay những người đọc truyện hình như cũng đều hể hả theo. Nếu có người chê là “mất nết” (4) thì lại có những ông khoa bảng, quyền uy trong giới ngôn luận, như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh bênh vực cho. Cả đến ông Lê Văn Hòe, trong Truyện Kiều chú giải, ông mắng Kim Trọng là thằng con trai “hư sớm” (tr. 40) nhưng ông cũng không mắng Thúy Kiều là đứa con gái hư sớm. Thì ra “thiên lý tại nhân tâm”, Nguyễn Du muốn giải phóng phụ nữ, cho luyến ái tự do, là điều hợp với lẽ trời, cho nên cảm được lòng người.
Đến lúc hai trẻ giáp mặt nhau lần thứ nhất dưới cây đào, mới nói qua nói lại mấy câu với nhau, đã trao của tin cho nhau, ước hẹn lấy nhau. Ông tham tri bộ Lễ nức nở khen: “Cho hay là giống hữu tình”, bất chấp cả “phụ mẫu chi mạng, mai ước chi ngôn”, vứt mẹ nó cả lễ. (5)
Nguyễn Du cho Thúy Kiều nói những câu ngộ nghĩnh đến buồn cười, mà cả nữ giới tiến bộ tự do ngày nay cũng không ai dám nói. Ở lần thứ nhất gặp nhau ấy, sau khi Kim Trọng tán mãi, Kiều đáp lại:
Rằng: trong buổi mới lạ lùng,
Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang.
Câu nói thật chẳng lô-gic chút nào cả. Buổi mới lạ lùng thì việc quái gì mà phải nể lòng? Việc quái gì mà cầm lòng không đang? Nói thế, khác nào một người bán rau nói với một bạn hàng mới: Thôi lần thứ nhất tôi bán cho chị một mớ làm quen? Nhưng tình yêu có phải là thứ bán như bán rau? Thì hình như tác giả cố ý định làm dễ dãi, thúc giục cho cuộc luyến ái của hai người được thành công sớm ngày nào càng hay ngày ấy.
Cái hôm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng tự tình với nhau từ sáng sớm cho đến chiều tối, lúc đứng dậy ra về, có câu: “Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai”. Vả, ngồi từ sáng đến chiều, chẳng đã là dai rồi sao, mà đến lúc ra về mới thấy là chằng tiện? Ai thế nào không biết, chứ tôi, tôi phải cảm đội tấm lòng từ bi của tác giả bởi tác giả còn muốn chúng tôi ngồi dai hơn. Tấm lòng từ bi đó, tôi muốn nói tấm lòng từ bi của Phật. Phật thương xót con trai con gái chúng ta, nên đã dạy rằng đời người có ba cái khổ mà hai cái là: yêu nhau mà không được ở với nhau (ái tương ly khổ), và, ghét nhau mà phải ở với nhau (tăng tương hội khổ). Khi tôi chịu cái giáo dục ấy rồi, tôi muốn vứt Kinh Lễ của Nho giáo xuống ruộng khoai, vì trong đó dạy: “Người con yêu vợ mà cha mẹ không yêu nàng dâu thì người con phải rẫy vợ”. Ôi! Nó bất cận nhân tình là dường nào! Nó độc ác là dường nào! Không trách Nguyễn Du là nhà nho mà trong Truyện Kiều lại hay nói triết lý nhà Phật.
Nguyễn Du không chịu nhìn nhận cái quyền nam nữ kết hôn là quyền riêng của bố mẹ. Khi Thúy Kiều bị bán mình sắp đi khỏi nhà, dặn lại Thúy Vân phải lấy Kim Trọng thay cho mình, thì ông bà Viên ngoại nghe theo răm rắp như một việc cố nhiên và đương nhiên. Đó là tư tưởng lãng mạn cách mạng của tác giả, chứ xã hội đời Minh hay xã hội Việt Nam thời Nguyễn Du cũng không có thể nào như thế được.
Nguyễn Du lại cố ý đặt Kim Trọng, tình nhân của Thúy Kiều trên lòng nàng ngang với cha mẹ nàng, có khi còn trỗi hơn. Trong mười năm lưu lạc, có sáu lần Thúy Kiều nhớ cha mẹ thì cũng nhớ Kim Trọng, mà đặc biệt có hai lần nói đến Kim Trọng trước rồi mới nói đến cha mẹ sau. Tức là lần đi đường từ Bắc Kinh xuống Lâm Tri:
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Rừng thu từng biếc chen hồng
Nghe chim như giục tấm lòng thần hôn
Một lần nữa ở lầu Ngưng Bích:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc biển bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Phụ nữ Việt Nam đã bày tỏ cái ẩn tình của mình ra trong câu ca dao:
Mẹ cha bú mớm nâng niu
Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng
Kim Trọng thực ra không những tình nhân mà là chồng chưa cưới của Thúy Kiều. Nguyễn Du cho nàng nhớ Kim Trọng hơn nhớ cha mẹ là hợp với ẩn tình phụ nữ lắm.
Dưới chế độ phong kiến, luân lý Nho giáo, hết thảy nam nữ thanh niên, không luận con cái ông gì bà gì, đều bị áp bách về luyến ái hôn nhân. Truyện Kiều hé ra cho họ một tia sáng như trên đây, cho nên, chỉ trừ ra người nào không biết cái yêu là gì thì không kể, còn thì hết thảy đều mở lòng ra mà đón lấy ánh mặt trời chói lói ấm áp của tác giả. Nguyễn Du đã thành công trong tác phẩm của mình, đã đạt được mục đích của mình là bởi đó.
***
Chung quanh Truyện Kiều là chuyện xã hội. Đối với cái xã hội ấy, xã hội Gia Tĩnh triều Minh hay xã hội Việt Nam thời Nguyễn Du cũng thế, Nguyễn Du đã tỏ ra rất chán ghét nó, đã tố cáo bao nhiêu tội ác của nó.
Cứ xem nhân vật trong Truyện Kiều thì đủ biết. Kể cả nhân vật không lấy gì làm nhiều lắm, nhưng hầu hết đều là người xấu; lấy những người ấy tổ chức xã hội thì làm sao cho xã hội tốt được?
Cái cốt cán của xã hội phong kiến là nhà nho, vì có người của Nho giáo thì mới duy trì được chế độ phong kiến. Mà hễ chế độ phong kiến thối nát thì ắt nhà nho thối nát trước, trước hơn từng lớp khác. Đó là sự thực lịch sử. Hẵng kể chuyện lịch sử phong kiến thoi thóp triều Nguyễn gần đây cho dễ thấy. Dưới hai triều Thành Thái và Duy Tân, những ông quan lớn ở triều ở tỉnh, đồng tình với thực dân Pháp ký giấy phế vua; đào mả vua, bắt bớ giết hại người cách mạng, toàn là nhà nho cả, chẳng ai vào đó. Đó còn chưa kể người thi đem tiền đút cho quan trường, quan trường ăn tiền lấy đậu, bị kiện, đưa ra xử trước mặt người Pháp mà không thấy xấu hổ, thật không còn một chút nào là lễ nghĩa liêm sỉ, chứ đừng nói đến trung hiếu.
Nhà nho trong Truyện Kiều cũng thế. Mã Giám sinh, theo cái danh ấy là sinh viên trường Quốc tử giám, ngang với đại học sinh ở trường đại học quốc lập thời sau này. Thế mà vì kiếm ăn đã chung lưng với một mụ dầu, cái cử chỉ từ đầu đến cuối toàn là vô liêm sỉ. Sở Khanh từng ứng khẩu họa thơ dưới lầu Ngưng Bích, phải nhận hắn là một tay học khá mặc dù hành vi của hắn là lưu manh. Thúc Sinh cũng lại là tay học khá, hay thơ, thì vác tiền của cha đi nằm nhà thổ, lại còn dám gây ra vụ cha con kiện nhau. Đến Kim Trọng, một văn nhân có tài danh, đã bị mắng là “hư sớm” rồi; Vương Quan cũng chẳng “nên” chi, lạ cho một thằng bé mới 12-13 tuổi mà sao đọc trầm được chuyện Đạm Tiên như người khác đọc trầm được sách Mạnh Tử.
Đó là những nhà nho thất thời hay chưa đắc thời; khi họ đắc thời ra làm quan thì là hai ông quan: một ông xử vụ bán tơ, một ông xử vụ cha con Thúc Sinh; khi họ làm to lên nữa thì là cụ lớn Hồ Tôn Hiến. Ông thứ nhất ăn tiền ra mặt; ông thứ nhì tùy ý phán đoán vụ tố tụng dân sự, coi như trò đùa; đến tổng đốc Hồ thì khiếp nhược, đểu giả, thêm cái vẻ có máu dê.
Tôi thấy chỉ có Mã Kiều và mụ Quản gia, hai người ở từng lớp bét trong xã hội, là có lòng nhân đạo, biết đồng tình với một nạn nhân xã hội là Thúy Kiều mà tùy cơ cứu giúp cho. Còn ngoài ra, đều là hùm sói cả. Tú Bà độc ác vì cái nghề của mụ; Hoạn Thư nham hiểm vì thường tình ghen tuông; hai thằng Ưng, Khuyển với một bầy côn quang, như thiên lôi sai đâu đánh đó, chẳng nói làm chi. Khả ố nhất là bà vợ Thiên quan Trủng tể, ngồi trên giường thất bảo giữa ban ngày sáp thắp hai bên mà ra oai với một thiếu phụ lưu ly thất sở, bị phù lỗ trong tay mình. Nhìn qua một bận hết thảy nhân vật ấy, Nguyễn Du không thể không khen Chung công là “từ tâm”, Giác Duyên là “lành lòng”, thật là vớt vát hết sức mà cũng mỉa mai hết sức. Thực ra, Chung công chỉ là một tên cò mồi, dẫn tang cho quan trên; Giác Duyên cũng có thể bị tình nghi là đồng lõa với Bạc Bà, Bạc Hạnh, thừa dịp đuổi Thúy Kiều đi để chiếm lấy chuông vàng khánh bạc. Bởi vì, theo Giác Duyên thì nhà họ Bạc quen với nhà chùa, lẽ đâu không biết nhà ấy là nhà bán thịt buôn người?
Những nhân vật vô nhân đạo ấy thế nào cũng sẽ tạo ra những sự kiện vô nhân đạo.
Thằng bán tơ, theo Phong tình lục, là một thằng kẻ trộm hay buôn lậu gì đó, nó chỉ gặp Vương ông trong quán rượu một lần, khi việc gian lậu của nó vỡ ra, bị quan xúi khai cho nhà giàu để làm tiền, nó tưởng Vương ông nhà giàu nên nó cung chiêu cho. Rồi Chung công là tay trong của quan đứng ra dàn xếp. Cái thủ đoạn tàn nhẫn ấy cũng chẳng lạ gì ở nước Việt Nam thời trước, nơi mà dân chúng đã kêu:
Sướng chi mà sống đời nay
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
(ca dao)
Mã Giám sinh, Bạc Hạnh công nhiên đi làm cái nghề mua bán người mà pháp luật cứ để yên cho làm, chẳng hề hỏi đến, mặc dầu sự mua bán ấy đã bị pháp luật nghiêm cấm từ lâu rồi. Cũng như ở nước ta, luật Hồng Đức, luật Gia Long đều có điều cấm “mại nhân vi nô”, triều vua Cảnh Thống nhà Lê lại còn cấm nhân dân Quảng Nam không được bắt người Mọi bán làm con đòi đứa ở, nhưng mà cái nạn mẹ mìn cứ còn mãi cho đến cả thời Pháp thuộc.
Thúy Kiều bị đánh đòn bốn lần. Một lần ở sân phủ đường, chịu “cứ phép gia hình”, một lần ở nhà mẹ Hoạn Thơ, không chống lại nổi với cái “gia pháp” nhà quyền thế, chẳng nói làm chi. Hai lần ở nhà Tú Bà, bị đánh gần chết, lần trước Kiều tự lấy dao cắt cổ, gần xảy ra án mạng, thế mà không hề có một ai can thiệp. Nếu nói đó là việc riêng trong nhà Tú Bà, thì còn đang đêm mụ suất một đoàn gia nhân với gậy đuốc đuổi theo bắt người, làm náo động từ phố phường đến làng xóm, sao người ta cứ để mặc mụ làm tự do? Thì ra, cái thời bốn phương phẳng lặng hai Kinh vững vàng ấy, một con mẹ trùm đĩ vẫn được làm gió làm mưa trong cái vùng nó chiếm đóng.
Sau khi giấu Thúy Kiều một nơi, theo Phong tình lục, Thúc Sinh cho người đến bảo Tú Bà rằng hắn sẽ kiện mụ chiếu theo điều luật “dĩ lương vi xương” (lấy con gái lương gia làm đĩ), nếu mụ cho chuộc Thúy Kiều ra thì thôi không kiện. Ấy tức là trong Truyện Kiều nói hai bài chiến và hòa. Rốt cuộc Tú Bà phải cầu hòa, là vì mụ nghĩ tiền mụ không nhiều bằng nhà Thúc Sinh, thế mụ không mạnh bằng nhà vợ Thúc Sinh, nếu gặp tay khác thì với ông quan mặt sắt ấy, mụ thò ra một ít bạc cũng làm phi được điều luật. Ở dưới nhiều thứ áp lực nặng nề khó ngóc đầu ấy, Thúy Kiều phải nhận Thúc Sinh, anh chàng ngu ngốc bạc bẽo làm ân nhân mà đền đáp có hơi quá cũng không nên trách.
Khuyển, Ưng và một lũ côn quang đã vượt biển từ Vô Tích sang Lâm Tri đốt nhà bắt người, gây một vụ hành hung to như thế mà cũng không ai hỏi đến. “Sẵn thây vô chủ bên sông”, là thây nào? Sao lại sẵn? Không lấy gì làm lạ: nếu người ta hỏi đến vụ hành hung thì người ta đã hỏi đến cái thây này rồi. Thật đáng gọi là đời loạn, ai muốn phóng hỏa thì phóng hỏa, ai muốn sát nhân thì sát nhân.
Dưới ngòi bút mình đã vẽ ra một xã hội có những nhân vật và sự kiện như thế, người có tâm sự, có hoài bão như Nguyễn Du phải nghĩ thế nào chứ. Theo Nho giáo, gặp đời loạn, cái nguyện vọng cao nhất là “bát loạn phản chánh”; nhưng trước còn phải “đắc quân” rồi sau mới “hành đạo” được. Cái chuyện “đắc quân” thì từ đời Khổng Tử đã thấy khó, cho nên cái thuyết của Nho giáo không thể áp dụng cho trường hợp này mặc dầu Nguyễn Du là nhà nho.
“Trăm dơ lấy nước làm sạch, nước dơ lấy gươm làm sạch” (tục ngữ), ấy là một thứ triết học bình dân của bình dân Việt Nam. Trong cơn phẫn uất, tác giả Truyện Kiều không cần nghĩ đến nơi đến chốn, cứ tạm theo thứ triết học ấy mà cho lưỡi gươm của Từ Hải vung lên.
Tôi không nói Nguyễn Du muốn làm cách mạng. Bởi vì Nho giáo không chủ trương cách mạng. Khổng Tử từng tán dương vua Thang vua Vũ cách mạng, nhưng đó là vua cách cái mạng của vua, chứ Khổng Tử thì ngài chỉ mong làm tôi để phò vua, không hề dám có mộng tưởng cách cái mạng của vua. Khi không phò được vua thì ngài lại rắp toan cộng tác với mấy kẻ bạn thần như Công-sơn Phất-nựu, Bật-nật mà trong sách Luận ngữ có nói. “Rắp toan” thế thôi, rốt cuộc rồi ngài cũng không cộng tác. Chịu ảnh hưởng của thứ tư tưởng truyền thống, nói là trung dung mà thực là mâu thuẫn ấy, Nguyễn Du có vẻ lúng túng trong khi viết đoạn chuyện Từ Hải. Nhân vật Từ Hải đã được đặt trên một lập trường không minh bạch, vua không ra vua, giặc không ra giặc, thành thử làm đến Kiều cũng loạn trí, đã tự nhận mình giết chồng là có tội, nhưng lại tự nhận có công phần nào.
Mặc dầu Nguyễn Du cho Từ Hải làm kinh thiên động địa đến đâu, là thực sự, Từ Hải cũng không anh hùng bằng Nguyễn Huệ, con người có thật đứng trước mặt Nguyễn Du mười lăm năm. Thế sao Nguyễn Du đã chống vua Quang Trung mà lại hâm mộ và đề cao Từ Hải? Thì ra trong khi Nguyễn Du nhận Nguyễn Huệ là kẻ thù của nhà Lê, lại muốn cậy tay Từ Hải rửa sạch cái xã hội nhà Minh. Chỗ này thấy thêm một mâu thuẫn nữa.
Từ Hải phải thất bại, Nguyễn Du biết thế, nhưng cứ đề cao, hình như chỉ để khoái ý nhất thời. Mà giá phỏng Từ Hải có thành công, thì cái xã hội vạn ác kia cũng vẫn cứ vạn ác. Trong một cuộc đền ơn báo oán, tiêu đến ba ngàn cân vừa vàng vừa bạc, một trăm cuốn gấm, vẫn là của bóc lột dân nghèo; không đụng đến Hoạn phu nhân, tha bổng thủ phạm Hoạn Thư mà lại giết Khuyển Ưng, vẫn là cái thói “quan vị quan”, bênh vực kẻ cùng giai cấp, tàn sát kẻ khác giai cấp. Tư tưởng không triệt để thì nó phải thế; nhưng nói thế, không phải buộc Nguyễn Du phải có tư tưởng triệt để cách mạng xã hội.
Nói gì thì nói, chứ so sánh hết thảy tác phẩm cổ điển của ta, như những Nhị độ mai, Phan Trần, Hoa tiên, Lục Vân Tiên… về phương diện ý thức xã hội, ý thức chính trị, phải kể Truyện Kiều là tiến bộ hơn hết. Trong các truyện kia, nhân vật đều sống hiền lành ngoan ngoãn dưới chế độ áp bách, cắn răng bấm bụng để chờ một cuộc đại đoàn viên; duy Truyện Kiều còn có ý vươn lên, tuy vươn lên chưa đến đâu.
“Con giun bị xéo còn biết quậy” (tục ngữ), đó là cái tâm lý của người Việt Nam từ xưa đến nay, bởi đó mà trong lịch sử đã có bao nhiêu lần nông dân khởi nghĩa. Quậy, có khi chỉ để khoái ý nhất thời như Nguyễn Du, không hẳn có được việc gì, nhưng họ cứ quậy. Nguyễn Du cho Từ Hải vung gươm lên trong lúc xã hội bị giày xéo, cái đó hiệp với tâm lý mọi người lắm, cho nên người ta hoan nghênh Truyện Kiều không luận Từ Hải thành công hay không thành công. Đó lại là một khía tư tưởng dễ thông cảm của Truyện Kiều làm nó được truyền tụng.
Ngoài ra, Nguyễn Du còn xây dựng Truyện Kiều đúng với hiện thực, nhân vật nào cũng ra con người có xương có thịt, làm cho người đọc tin là thực nên dễ mê. Tức như vai chính Thúy Kiều, khi ở với Thúc Sinh, ở với Từ Hải thì không nhớ Kim Trọng nữa, lúc mới gặp Từ Hải mong Từ làm Đường Cao tổ mà đến lúc khuyên hàng lại ví Từ với Hoàng Sào. Đó thật là lòng dạ đàn bà (tôi nói đàn bà thời trước) mà Từ Hải đã gọi là “nữ nhi thường tình”. Thúy Kiều tuy hiếu nghĩa nhưng vẫn là một người đàn bà có lòng tự tư tự lợi như mọi đàn bà khác (tôi cũng nói đàn bà thời trước), Nguyễn Du không chịu làm nàng thành ra một tiết phụ hay một nữ hiệp sĩ xa cách với chúng ta nên dễ lấy được đồng tình của chúng ta. Điểm này thuộc về văn chương, kỹ thuật của tác giả, ông Hòe đã khẳng định rồi, không cần nói thêm; dưới đây xin nói đến chỗ ông Hòe bảo tư tưởng tầm thường và không đúng xác.
***
Trên kia đã nói rõ Nguyễn Du viết Truyện Kiều không phải để chứng minh và truyền bá một tư tưởng triết học tôn giáo nào dù chỉ “hình như” như ông Hòe nói. Nếu gọi nó là tư tưởng thì cũng không phải phần tư tưởng chính, đại biểu nội dung của tác phẩm. Ở đây tôi muốn cắt nghĩa tại sao Nguyễn Du có thứ tư tưởng tầm thường, không đúng xác ấy, theo lời phán đoán của ông Hòe mà tôi đã đồng ý ở trên.
Đó không phải cái lỗi của Nguyễn Du mà là cái lỗi của Nho giáo, hầu hết nhà nho từ trước đến sau đều mắc phải.
Nho giáo không có gì khác hơn là một thứ lợi khí để duy trì chế độ phong kiến. Chung cho trật tự xã hội, nó dựng lên thuyết tam cương, riêng cho phụ nữ, nó lập ra luật tam tùng, thu quyền vào trong tay vua, cha, chồng, trong tay đàn ông, mà rốt cuộc lại là trong tay vua. Nó có những giáo điều nghiệt ngã nói là lý trí không phải lý trí mà bóp chết người ta về phương diện tình cảm. Sống trong cái vòng bị trói buộc về phần xác ấy, giá có nới cho về phần hồn, phần tư duy tưởng tượng thì còn khá. Nghiệt thay đức thánh Khổng lại không chịu nói đến thần (Luận ngữ: bất ngữ thần), không chịu nói đến cái chết (Luận ngữ: yên tri tử), bắt người ta sống chịu khổ trọn đời, dù chỉ muốn giải thoát nội tâm cũng không phương giải thoát. Nho giáo thật là một cái đạo khắc nghiệt, khô khan, bất cận nhân tình.
Ở trong Nho giáo thấy ngột thở, thấy thiếu thốn, tự nhiên người ta phải tin Phật giáo, Đạo giáo, mà có lẽ nhà nho tin trước hơn ai hết, tin sâu hơn ai hết. Đã tin như thế, sợ mang tiếng phản lại giáo của mình, người ta bèn làm hỗn hợp giáo nọ với giáo kia, kết cuộc là cái thuyết “tam giáo nhất lý” hay “tam giáo đồng nguyên”.
Lịch sử làm chứng rõ ràng điều đó. Nhà nho từ đời Đường về sau, hầu như đều thế cả. Hàn Dũ ban đầu chống Phật mà đến lúc bị đày đọa ghe phen rồi cũng phải vò vè muốn tin Phật. Các nhà nho đời Tống đời Minh còn trắng trợn hơn, công nhiên rút triết lý của Thiền tông làm học thuyết của mình, như hai họ Trình và Vương Dương Minh. Đến đời Mãn Thanh, thôi không còn dè dặt gì nữa, hết thảy nhà nho khi trong nhà có việc tang, đều rước hoà thượng, đạo sĩ đến cầu cúng, gọi là “tố pháp sự”. Ở Việt Nam cũng vậy, từ đời Trần đã thi tam giáo, đến Lê Nguyễn mới chuyên trọng một đạo Nho. Nhưng cứ kể trong khoảng bảy tám mươi năm trước đây, hai ông nhà nho được coi là người khá, được tôn là bậc thầy: tổng đốc Nguyễn Khoa Luận thì xuất gia và tịch ở chùa, đốc học Trần Viết Thọ thì tu tại gia và cuối cùng lên giàn hỏa.
Nhà nho, đàn ông còn như thế, huống chi phụ nữ. Từ nay giở về trước, nếu ai trách đàn bà Việt Nam hay mê tín, tin bói khoa, tướng số, đồng bóng, hay đi chùa lễ Phật, vái lạy tam phủ tứ phủ, cầu con cầu của, là người không biết điều.
Nguyễn Du là một nhà nho trong hạng nhà nho ấy, về ý kiến chính trị đã mâu thuẫn, về tín ngưỡng lại không đơn thuần. Giá như Nguyễn Du có tư tưởng triệt để thì Truyện Kiều đã thành ra một tác phẩm có ý nghĩa phản phong kiến rồi, bọn Hồ Tôn Hiến đã bị chửi cho tàn tệ rồi, luồng gió cách mạng đã thổi lên rồi; nhưng không có thể được, trước đây một trăm rưởi năm, ở nước Việt Nam không thể có cái tư tưởng ấy.
Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng mà bị giết là công hay tội, tác giả nói rất mập mờ. Chuyện là chuyện xã hội mà cuối cùng lại giải quyết bằng phương thức cá nhân: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, thì cũng như không giải quyết gì cả. Ông Hòe chê rằng tầm thường, không đúng xác là phải lắm. Nhưng đó không phải là cái lỗi riêng của Nguyễn Du; giá chúng ta ở thời đại Nguyễn Du viết Truyện Kiều thì cũng thế (nói thế, chứ chúng ta chưa chắc đã viết được bằng).
Cứ theo lẽ thẳng mà nói thì như thế, nhưng chúng ta cũng còn có chỗ đáng dè dặt phần nào. Ở phần chú giải, dưới câu “một niềm vì nước vì dân”, ông Hòe lấy làm lạ về Nguyễn Du trước đã tỏ mối thiện cảm với Từ Hải bao nhiêu, thì sao đến sau lại cho Tam Hợp, Đạm Tiên nói những câu rất khinh miệt, ác cảm với Từ Hải bấy nhiêu, rồi ông viết: “Có phải tác giả làm ra như vậy để đánh lạc dư luận về thái độ của ông đối với Từ Hải? Có phải tác giả cố ý làm ra như vậy để đánh loãng cái cảm tình nồng hậu của ông đối với nhân vật Từ Hải? Và tất nhiên là vì lý do tự vệ” (tr. 646).
Chỗ này, ông Hòe nói rất có lý. Theo như chứng cứ dưới đây thì sự nghi ngờ ấy chính đáng lắm.
Người ta phải lấy làm lạ, sao hầu hết văn chương cổ điển nước ta không lấy đề tài ở bản quốc mà đều lấy ở ngoại quốc: Nhị độ mai, Phan Trần, Hoa tiên, Truyện Kiều lấy ở Trung Quốc, Quan âm Thị Kính lấy ở Triều Tiên. Đến thơ phú, sĩ phu nhà Trần phản đối sự Huyền Trân gả về Chiêm Thành thì mượn chuyện Chiêu Quân cống Hồ; Nguyễn Hữu Chỉnh muốn tỏ tâm sự chí khí của mình thì làm “Hàn vương tôn phú”, Nguyễn Nghiễm muốn ngụ ý phò Lê thì làm “Khổng Tử mộng kiến Chu Công phú”. Chinh phụ ngâm, một tác phẩm phản đối chiến tranh Trịnh-Nguyễn thì tên người tên đất cũng đánh lạc đi đâu, những là Phục Ba, Giới Tử, Lũng Hải, Cam Tuyền, làm như việc đó không phải xảy ra ở xứ ta. Thậm chí không lấy đề tài ở người mà lấy ở thú vật, như Lục súc tranh công, Trinh thử truyện, Trê cóc. Tại sao vậy? Có phải tại cấm lệnh của nhà vua nghiêm ngặt quá, không ai dám đả động đến việc trong nước chăng?
Pháp luật phong kiến, như luật Đại Thanh, luật Hồng Đức, luật Gia Long, đều có điều “cấm yêu thư yêu ngôn”. Luật Gia Long về điều này: Kẻ tạo ra yêu thư yêu ngôn bị tội trảm giam hậu, chưa truyền bá thì bị lưu tam thiên lý, kẻ tàng trữ thì trượng nhất bách, đồ tam niên. Lúc bấy giờ không có cái gọi là quyền ngôn luận, chứ chưa nói tự do hay không tự do. Không cứ văn bài sách vở gì, hễ vua chúa thấy là xúc phạm quyền thống trị của mình, đều chiếu vào luật này trị tội. Tuy vậy, ở Trung Quốc, vào thời Kiền Long, Ưng Chánh, có phát ra nhiều cái án gọi là “văn tự ngục”, mỗi cái chết đến hàng trăm người. Nhưng nước ta, từ triều Lê về trước, trong sử hình như không có cái án nào như vậy cả. Có lẽ tại nước ta là nước nhỏ, quyền lực phong kiến càng phải giữ chặt chẽ hơn, sự đề phòng càng nghiệt ngã hơn, thành thử ai nấy khiếp sợ, có viết thì viết những chuyện Hàn Tín, Trương Lương hay là những chuyện con trâu, con gà, con chuột, con cóc, thì làm sao cho có “văn tự ngục” được?
“Văn tự ngục” ở nước ta, theo tôi biết, hình như bắt đầu có từ triều Gia Long, việc xảy ra ngay trước mắt Nguyễn Du. Lúc đó, con trai của Nguyễn Văn Thành, một đại thần có công đang tại triều, vì một bài thơ tám câu mà bị tội trảm quyết, còn liên lụy đến anh em khác nữa, cả đến Nguyễn Văn Thành cũng phải uống thuốc độc mà chết. Nguyễn Văn Thành thủy chung theo phò vua Gia Long mà con trai còn như vậy, huống chi Nguyễn Du đã là thần tử nhà Lê, lại vốn có thái độ “lừng khừng”, bảo sao không né mình trước cái thảm họa ấy? Ở Huế có lời truyền thuyết rằng về sau vua Tự Đức xem Truyện Kiều đến câu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, ném sách xuống mà rằng: “Phải chi Nguyễn Du còn sống, nọc nó ra mà đánh ba chục”. Ngài nói nhũn mà chơi đấy, chứ nói thực thì nói “chặt đầu”. Có một bản Truyện Kiều gọi là “bản Kinh”, tức là bản Tự Đức bảo chữa lại.
Ông Hòe nói phải lắm. Rất có lẽ Nguyễn Du vì tự vệ mà cố ý nói những câu trái với bản tâm để đánh loãng cái tình cảm nồng hậu của mình đối với Từ Hải.
Những cây cỏ mọc dưới đống đá, tất nhiên nó không thể vươn thẳng lên được, nó phải lựa chiều, uốn mình trồi lên giữa kẽ đá, trồi lên được chút nào hay chút ấy. Tuy e dè tránh tránh ghé, Nguyễn Du cũng đã để cái thâm ý của mình trồi lên cho chúng ta thấy.
Kể công Thúy Kiều bốn lần hết thảy mà đều do từ miệng người khác: Hồ Tôn Hiến, Tam Hợp, Đạm Tiên và người Hàng Châu, chứ Thúy Kiều thì cũng biết nói: “Khéo khuyên kể lấy làm công…. Xét mình công ít tội nhiều”, thủy chung tác giả vẫn nghiêng lòng về Từ Hải một cách khúc chiết.
Có những điểm khác cũng tương tự như thế. Ở giữa một xã hội sặc mùi mê tín, hình như Nguyễn Du không tán thành mà cũng không phản đối ra mặt, chỉ biểu lộ vi ý của mình phớt qua một vài nét. Sau khi Thúy Kiều thuật lời đoán của tướng sĩ, Kim Trọng nói “Nhân định thắng thiên”; sau khi Thúy Kiều kể chuyện chiêm bao thấy Đạm Tiên, Vương Bà bảo “Mộng ảo cứ đâu”; hơi xẵng là câu “chẳng qua đồng cốt quàng xiên” nói về cuộc đánh đồng thiếp. Mà thực sự thì tác giả đã phô tự ba việc ấy theo với chứng cứ thấy có linh nghiệm hoàn toàn. Nguyễn Du đã muốn giải phóng phụ nữ thì tất nhiên cũng phản đối sự “giữ trinh đơn độc”, vì nó là vô lý, tại sao chồng không giữ trinh đối với vợ mà vợ lại phải giữ trinh đối với chồng? Tại sao Kim Trọng nghiễm nhiên lấy vợ đẻ con mà Thúy Kiều lại cứ phải áy náy về sự mình thất tiết? Tuy vậy, Nguyễn Du không táo tợn hỏi như thế mà cứ để cho Thúy Kiều áy náy, áy náy đến nhiều lần, rồi cuối cùng đặt vào miệng Kim Trọng một câu: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường” là xí xóa tất cả, không còn áy náy nữa. Qua câu ấy và mấy câu tiếp theo, chúng ta phải hiểu rằng Thúy Kiều vì hoàn cảnh bắt buộc mà phải làm đĩ là không mất trinh.
Lấy những điều đó án chứng cho nhau, thấy ngòi bút của tác giả vẫn trung thành với ý chí tình cảm của tác giả, chỉ vì lẽ này lẽ kia như trên đã nói làm cho phần kết thúc của Truyện Kiều không được sáng sủa cho lắm, thật đáng tiếc. Cái khổ tâm của tác giả thấy trong câu kết: “Mua vui cũng được một vài trống canh”, truyện từ đầu đến cuối đau đớn như thế mà lại nói “mua vui”, đại thi hào của Việt Nam chúng ta muốn đánh lừa chúng ta chăng!
Hà Nội, tháng Tư năm 1955
PHAN KHÔI
Nguồn:
Tập san Đại học Sư phạm, Hà Nội, s. 3 (tháng 8, 9, 10/1955), tr. 53-77.
Chú thích:
(1) Chuyện Thúy Kiều có mấy thứ sách đã chép, có người đã cử ra, đây tôi không nói đến, chỉ nói riêng về Phong tình lục. Nó là một bộ tiểu thuyết hai cuốn, khổ lớn, đề tên tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, viết bằng bạch thoại đá văn ngôn, xuất bản từ đời nào thì không rõ. Nhà ông đốc học Lương Văn Nhã ở làng tôi có bộ sách ấy mà đã cũ lắm, tôi đã được đọc nó trước đây 50 năm. Tôi có người bạn Hoa kiều ở Hội An, tên là La Doãn Khiêm, biết thưởng thức Truyện Kiều của Nguyễn Du lắm, muốn in chung nó với Phong tình lục làm một tập, bèn mượn sách của nhà Lương Văn Nhã đem về Trung Quốc, vì nói rằng đã tìm ở nhiều hàng sách cũ bên ấy mà không có. Việc ông La Doãn Khiêm định làm đây về sau cũng không thành.
Tên sách là Phong tình lục. Truyện Kiều mở đầu nói: “Phong tình có lục”, nó là chữ “có”, không phải chữ “cổ”. Chữ “có” ấy cũng như chữ “có” ở câu “Họ Chung có kẻ lại già” và câu “Họ Đô có kẻ lại già thưa lên” ở bổn truyện, và câu “Mị nương có ả tư phong khác thường” trong Nam sử diễn ca; chứ Nguyễn Du không có thể thêm vào một chữ trong cái tên sách sẵn có mà nói “Phong tình cổ lục” được. Vậy mà ở Truyện Kiều chú giải, ông Hòe chép là “Phong tình cổ lục” rồi chú rằng “Phong tình cổ lục là bộ sách chép chuyện phong tình đời cổ” thì thật là bướng.
Còn có một bản Truyện Kiều viết bằng chữ Hán (văn ngôn) chép tay, không thấy tên người viết, trước kia tôi ở Hà Nội có được đọc. Bản này văn dở lắm, tôi tưởng đó là do một người Việt Nam nào thuở trước không hay chữ lắm, đã do theo Truyện Kiều Nguyễn Du mà dịch ra, xin đừng ai nhận lầm đó là Phong tình lục.
Theo Phong tình lục, chỗ Thúc Sinh lập mưu chuộc Thúy Kiều ra, chỗ Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am, chỗ Hồ Tôn Hiến sai thuyết hàng Từ Hải, đều nói rất ngô nghê, tốn nhiều bút mực mà vô vị, những chỗ ấy Nguyễn Du đều bỏ hết mà chỉ nói phớt qua một vài lời. Còn những chỗ khác tả tình tả cảnh như chỗ Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, đều là tự tay Nguyễn Du viết ra.
Về gốc tích Truyện Kiều, ông Đào Duy Anh thấy biết nhiều hơn tôi, theo lời ông Đào thì: Bộ tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân hiện ông thấy có một bản nhan đề là Quán hoa đường bình luận Kim Vân Kiều truyện, trong số tập san này [Tập san Đại học sư phạm số 3 này là số chuyên đề kỷ niệm 150 năm sinh Nguyễn Du – L.N.A.] sẽ trích dịch nhiều đoạn. Còn quyển Truyện Kiều bằng chữ Hán tôi nói trên thì hiện ông Đào cũng thấy có bản in, nhan đề chỉ có hai chữ là Kim Vân. (nguyên chú của Phan Khôi)
(2) Câu này có nơi hát là “Râu tôm nấu với ruột bù /Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon”. Quả bầu, hình như ở miền Nghệ Tĩnh gọi là bù, cho nên lấy bù vần với gù. Chua thêm vào đây để thấy câu ca dao ấy truyền bá phổ biến lắm, đến mỗi nơi theo ngữ âm mà đổi khác. (nguyên chú của Phan Khôi)
(3) Câu thơ này ở bài “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du. Tiểu Thanh cũng là một người con gái đời Minh, có tài nghệ, làm vợ lẽ Phùng sinh ở Hàng Châu, bị vợ cả đày đọa mà chết lúc mới 18 tuổi. Đây tôi đem dùng vào chuyện Nguyễn Du đối với Thúy Kiều, tuy có hơi ép, song chắc Nguyễn Du không trách tôi, vì hai người ấy đều là con gái đời Minh, đều là bạc mạng, đều được Nguyễn Du thương tiếc mà gợi ra động cơ sáng tác. (nguyên chú của Phan Khôi)
(4) Năm 1907, ông Từ Đạm làm án sát Nam Định, bắt giam một người tình nghi về chính trị; trong chuồng giam, người ấy hay kể Kiều, ông đòi ra, bắt làm một bài thơ vịnh Kiều, người ấy làm:
Khép cửa buồng xuân để đợi chờ,
Mà em mất nết tự bao giờ
Chàng Kim mê gái công đeo đẳng
Viên ngoại chiều con chết ngất ngơ
Nợ trước hẹn hò con đĩ Đạm
Duyên sau gặp gỡ bố cu Từ
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng
Còn trách làm chi đứa bán tơ. (nguyên chú của Phan Khôi)
(5) Theo ông Đào Duy Anh, Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi làm tham tri bộ Lễ. Song ở đây tôi làm văn chứ không làm việc khảo cứu. (nguyên chú của Phan Khôi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét