Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Tự do hà xứ hữu

Nguyễn Hoa Lư
28-1-2018
1. Tự do – công án thiền?
Ông Đinh La Thăng bị còng tay, dẫn giải ra tòa. Ảnh: báo TN
Một năm trước, nếu bạn hỏi anh Thăng tự do là gì, chắc anh sẽ cười rung chuyển cả đô thành Sài Gòn. Anh sẽ khoát tay hào hứng trước sự ngây thơ trong trắng của bạn mà rằng, tự do tràn ngập như khí trời, mênh mang như gió ngoài đồng nội, rạng rỡ như vầng dương mỗi sáng, dào dạt như nước triều dâng. Bây giờ thì anh đang cháy bỏng ước mơ “được làm con ma tự do”, nước mắt chan hòa, anh khẩn thiết xin lỗi bác Cả và bộc bạch với quan tòa nỗi lòng “Xuân này con không về”. Trong những đêm không ngủ trên nền xà lim lạnh, anh Thăng chắc sẽ bắt đầu chứng ngộ ý nghĩa sâu xa của hai chữ tự do.

Kìa kìa, như ở xứ kia, mỗi ngày có cả vạn đơn kêu oan gửi đến công đường. Nạn nhân, máu hòa nước mắt, cắm mặt vào tờ giấy trình bày nỗi oan dậy đất. Hết thảy họ, không sót một ai đều ghi phía trên bên phải tờ đơn một dòng mật ngữ. Kìa kìa ở xứ nọ, mỗi sáng mỗi khuya lại phát ra trăm ngàn lệnh truy nã, giấy triệu tập, bản khám xét. Đại diện pháp luật, mặt sắt đen sì, dõng dạc cất giọng đọc và câu mở đầu luôn là một công án thiền. Mật ngữ ấy, công án thiền kia, các nhà ngôn ngữ học xứ mình không hẹn mà gặp, đều nhất tề phiên thành “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Vậy, tự do không thể là câu hỏi cắc cớ của những kẻ rỗi hơi lắm điều được.
2. Hơn 150 năm trước, nước Anh sương mù sinh ra hai nhà triết học vĩ đại, đều hướng xã hội loài người đi đến tự do.
Người thứ nhất là đồng chí Marx có bộ râu rậm và lý thuyết đấu tranh giai cấp bất hủ. Dẫn ra mấy câu trong di sản ấy để người đọc thưởng lãm. “Lịch sử của mọi xã hội tồn tại cho tới nay là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp”. Hay Tôn giáo là tiếng thở dài của loài người bị đàn áp, trái tim của một thế giới không trái tim, và linh hồn của những điều kiện vô hồn. Nó là thuốc phiện của nhân dân”. Hay “hạnh phúc là đấu tranh”…
Người kia, tên là John Mill, không có sợi râu nào cả, dân mình ít biết. Ông Mill viết cuốn sách “Bàn về tự do”, nói những câu nghe rất nghịch nhĩ. “Nếu tất cả nhân loại trừ một người, có chung một quan điểm, và chỉ riêng người đó có quan điểm trái ngược, thì việc nhân loại bắt anh ta phải im lặng cũng không chính đáng hơn việc anh ta – nếu anh ta nắm quyền lực – bắt cả nhân loại phải im lặng.”
Tư tưởng của hai đồng chí này được hậu thế áp dụng để xây dựng nên những thể chế khác nhau như nước và lửa. Đồng chí Marx trở thành ông tổ của các nước theo phe XHCN, được thờ phụng, đời đời nhang khói. Các nước tư bản, dù mang ơn Mill, trước sau chỉ coi ông là một nhà triết học,  thầy trò ở đại học Harvard vẫn chế giễu những chỗ quá đà trong học thuyết của ông là “dị giáo”.
3. Tá vấn tự do hà xứ hữu
Marx vĩ đại có một môn đệ trung thành, sinh ở xứ An nam, cả cuộc đời đau đáu về hai chữ tự do. Thời bị giam ở Quảng Tây, trong ngục tối, viết “Nhật kí trong tù”. Hậu thế coi là “quốc bảo”, tất thảy học trò đều tụng những bài thơ về khát vọng tự do.
Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho/ Cửa tù khi mở không đau bụng/ Đau bụng thì không mở cửa tù”.
“Khiêng lợn người đi cùng một lối/ Ta thì người dắt lợn người khiêng/ Con người coi rẻ hơn con lợn/ Chỉ tại người không có chủ quyền/ Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do/ Mỗi việc mỗi lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò”.
Trừ vài người như cụ dế mèn Tô Hoài cho rằng đó chỉ là những “bài thơ kêu oan” còn hết thảy các nhà nghiên cứu đều thánh hóa “Nhật kí trong tù”, coi là mẫu mực tuyệt tác của văn chương và tư tưởng. Sự “thánh hóa”, tưởng là thuốc tiên cho trong việc giáo dục trí tuệ và nhân cách con trẻ, đã vô tình gây phản ứng phụ. Ấy là sự tích tụ dần dần trong sâu thẳm tiềm thức của các thế hệ học trò những kiến thức thô sơ về tự do. Các quan trị nước và bá tánh dân đen hành xử theo cách nhân danh những chuẩn mực thô sơ của tự do thì xếp hạng văn minh của đất nước bao giờ mới “sánh vai với các cường quốc năm châu” được.
4. Bài học về tự do
Giáo sư Michael Sandel có khóa học “Công lý” cho sinh viên đại học Harvard. Những bài giảng của ông nổi tiếng khắp thế giới, được ghi hình và phổ biến rộng rãi trên youtube. Nhìn cảnh thầy trò Harvard tranh luận nhau về tự do, đưa ra những kiến giải đa chiều về “tự do mưu cầu hạnh phúc”, tự do biểu đạt tư tưởng của cá nhân… tự nhiên thấy phục cụ Hồ sái cổ.
Người học trò yêu của Lê Nin, một lòng “học học nữa, học mãi”, học suốt đời. Chết vẫn còn học. Suốt 50 năm nay, từ khi nhắm mắt xuôi tay, không còn vướng bận chuyện nước nhà, cụ vẫn học, không phải là thứ học thi thư phù phiếm và lạc hậu. Cụ nghiền ngẫm những câu hỏi đang làm đau đầu thầy trò Harvard. Nét độc đáo, vĩ đại, nhân văn tuyệt cú mèo này của cụ, nhân gian ít người “thấu cảm” được.
Bằng chứng ư? Ấy là việc cụ sai người khắc bằng vàng hai chữ tự do, cho treo trên đầu quan tài để lặng yên nhìn ngắm và suy ngẫm.

Không có nhận xét nào: