Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

“THÍCH KHÁCH” ĐẶNG HUY QUYỂN- DÙNG DAO ĐÂM KISSINGER TẠI HÀ NỘI 1973, THÀNH HỌA SĨ BIỂU HIỆN VÀ VIẾT TẢN VĂN KIỂU AZIT NEXIN …

Phạm Viết Đào. 

Đặng Huy Quyển, sinh năm 1948, một họa sĩ tự do, anh đang thu gom tranh, khoảng trên 700 bức vẽ trong suốt mấy chục năm qua, chuẩn bị mở triển lãm tranh cá nhân trong Mùa Xuân 2018…
Trong lý lịch cá nhân của Đặng Huy Quyển, có một “tiền án” nhớ đời đối với anh: năm 1973, trước khi ký Hiệp định Pari, chấm dứt cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ, cố vấn Tổng thống Mỹ hồi đó là Henry Kissinger đã bay qua Hà Nội để ký tắt…
Năm đó, Đặng Huy Quyển vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội được về công tác tại Đoàn ca múa Hà Nội, nay là Đoàn ca múa Thăng Long; Tại đoàn, Đặng Huy Quyển đã có dịp theo đoàn vào miền nam tận Quảng Trị và Nam Lào để biểu diễn phục vụ bộ đội…
Trớ trêu thay, đầu năm 1973, khi Kissinger đến Hà Nội, đoàn ca múa Hà Nội được đưa vào biểu diễn nghệ thuật để chiêu đãi Henry Kissinger tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, Đặng Huy Quyển được bố trí tham gia đoàn biểu diễn này…
Trước đó vài tuần, mẹ của Đặng Huy Quyển đã bị tử thương bởi máy bay B. 52 trong mùa Giáng sinh 1972; em gái của Quyển cũng bị thương nặng vì bom…Do mối “ thù nhà” này mà Đặng Huy Quyển đã không kiềm chế được khi có dịp tiếp cận Kissinger, Quyển đã cầm dao, con dao cắt bành mý định xông vào định “ ăn thua”. Nhưng Đặng Huy Quyển đã bị phát hiện và bị lực lượng cảnh vệ vô hiệu…
Sau “vụ scandal” này, Đặng Huy Quyển chuyển về Đài truyền hình Việt Nam làm. Vào đầu năm 80, Quyển nhận được lệnh miệng, vào đầu giờ chiều nay xách cặp lồng, xe đạp ra khỏi cơ quan, chấm dứt công việc tại đây không một lời giải thích, không một quyết định giấy tờ…

Từ năm 80 tới nay, Đặng Huy Quyền trở thành kẻ lang thang, không biên chế, lay lắt kiếm kiếm sống bằng cái nghế viết kịch bản thuê cho Đài truyền hình trong chương trình Gặp nhau cuối tuần. Quyển đã viết tới hàng ngàn kịch bản cho chương trình này. Quyển đã sử dụng khoản tiền nhuận bút này để đầu tư cho nghề hội họa…Một cái nghề khá tốn kém mà Quyển đam mê, giải tỏa...
Tôi hỏi Đặng Huy Quyển: Anh có bán được nhiều tranh không ? Quyển cho biết: Anh vẽ và cất vào kho. Sắp tới anh sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân vào đầu xuân 2018.
Đặng Huy Quyển đã mời tôi xem một số tranh mà anh cho là ưng ý nhất; Tôi rất chú ý tới những tranh được Quyển vẽ theo trường phải biểu hiện. Tôi hỏi anh vì sao anh lại gắn bó với trường phải hội họa này, một trường phái thuần chất phương tây?
Đặng Huy Quyển cho biết: trong nghệ thuật dân gian Việt, các loại hình như Tuồng, Chèo, Cải Lương… rất gần với trường phái hội họa biểu hiện của phương Tây; Đây là trường phái nghệ thuật cho phép người nghệ sĩ và người thưởng thức thỏa sức cách điệu, tiếp nhận, tưởng tượng về  hình tượng nghệ thuật mà mình sáng tạo, thưởng thức. Tranh của Đặng Huy Quyển có màu sắc, hình tượng, cấu tứ được cách điệu giống như các loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo của Việt Nam…
Khi xưa, tráng sĩ Kinh Kha tuy hành thích Tần Thủy Hoàng bất thành nhưng hậu thế vẫn biết đến hành vi và danh tiếng của ông. Chuyện Đặng Huy Quyền từng là “ thích khách” hiện ít người biết và nhắc đến.
Đặng Huy Quyền cho biết: chỉ có 1 người biết rất rõ chuyện này là anh cảnh sát khu vực nơi anh cư trú. Thỉnh thoảng có dịp gặp Quyển khi anh lên phường xác nhận một điều gì đó, anh cảnh sát khu vực ta lại tủm tỉm cười, nhắc Quyển chuyện xưa.
Tôi đồ rằng: vì cái “tiền án” này mà mấy chục năm qua không một cơ quan nào tiếp nhận Quyển vào biên chế, mặc dù Quyền là một kẻ đa tài, đam mê nghệ thuật và hiền lành…
Ngoài đam mê hội họa, Đặng Huy Quyển vừa cho ra mắt tập tản văn “Vẽ cái mông lung”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản 2017. Xin giới thiệu một số đoản văn khá “đáo để” của Đặng Huy Quyển, những đoản văn có cấu tứ không kém phần đáo để, sặc “mùi Azit Nexin” !
P.V.Đ.

TẢN VĂN CỦA ĐẶNG HUY QUYỂN
May mắn quá
Hôm nay là ngày giỗ của một danh nhân. Tôi đến rủ một nhà văn hóa lớn đến thắp hương cho cụ. Chán quá! Anh ta đi vắng, chỉ gặp vợ anh ấy. Vợ anh biết ngay tôi là “ đồng bọn”, chị ấy quẳng vào mặt tôi một hòn lời “ ông ấy chuyển đi rồi”.
Tôi biết thân biết phận chuồn thẳng. Hóa ra không phải chỉ có tôi bị vợ khinh oán, phàm là cái giống “ phụ nữ” đều chịu chung cái phận như nhau cả. Tôi mới khẽ định gia nhập “làng danh nhân” mà đã bị coi là “danh con” rồi…
Thế mới thấy thương các danh nhân nhà ta. Lúc sinh thời không biết bị vợ con khinh đến mức nào. Mà trách gì cơ chứ, mọi người thân họ đều ưa cụ thể và yên ổn. Mình thì hay uỳnh mai oàng, chả trách được. Nhưng dù sao các cụ cũng để lại danh thơm cho con cháu. Nhưng ơ kìa, hôm nay sao họ đến góp giỗ đồng thế!?
À không phải! Thì ra nội ngoại nhà cụ danh nhân, nhân ngày giỗ mà đến để đòi quyền thừa kế. Có cả cán bộ nữa, họ đang đòi “quốc hữu hóa” từ đường để làm di tích văn hóa.Ông chắt đich tôn nối chão ở cổ mà quát, mà giữ.
Thấy thế tôi chạy vội, bụng mừng như bắt được của, may quá. Bố mình không phải là danh nhân. Mình mới chớm là đồng bọn của những “ phu chữ nghĩa” mà đã khồn nạn rồi. Thế mới biết danh nhân khổ thật, những khổ hơn thế, có lẽ là con cháu của danh nhân. Họ bị chê khinh đã đành. Khó mà tránh được câu “ Hộ phụ sinh cẩu tử” nữa chứ!
Thôi quăng mẹ nó bút đi cho rồi và tôi quăng thật, quăng luôn. Nhưng vợ tôi quát to:” Phí thế ! Sao không để tôi dóm bếp”.Vợ tôi quẳng nó vào bếp làm nồi cơm sùi bọt mép ra ngoài, tôi nói khẽ chỉ đủ nghe, tôi bảo cái nồi:” Sùi cái gì thế? Thế là may mắn lắm đấy con ạ! May quá còn chó gì nữa”!
 
Ngủ mê
Tôi trả tiền bao thuốc lá hạng bét, nhưng bà chủ quán trố mắt giả lại tôi tiền. Hóa ra là tiền giả.
Tôi quay lại tìm gã bán bật lửa thì hắn đã đi mất rồi. Tôi định bụng đến buổi tối đi mua phở may ra trót lọt. Bỗng có người nói nhỏ vào tai tôi:” Hãy xé nó đi”. Tôi ngẫm nghĩ thấy xấu hổ quá, sau đó tôi xé nát đồng tiền và ném ra đường.
Nhưng ơ kìa! Đầy đường là những đồng tiền giả bị xé, trông như xác pháo hoa ngày xuân. Tôi thấy vui mừng đến không kể xiết. Vui hơn cái ngày hòa bình lập lại nhiều. Vì từ nay không còn người gian tham, có lẽ chiến tranh không bao giờ trở lại. Tôi bỗng thấy nhói ở lưng, hóa ra tôi trở mình đè lên cái bút bi, thế có tiếc không chứ! Tỉnh mẹ nó mất giấc mơ đẹp nhất đời còn gì! Cũng kể từ sau đêm đó tôi béo lên nhiều vì rất thích ngủ. Cố tình ngủ, quyết tâm ngủ thế mà tỉnh như không, cấm có lần nào có giấc mơ đẹp đến mức làm cho tôi sung sướng như giấc mơ vừa kể.
Thế là tôi lại đi mua một đồng tiền giả, tôi lại ra quán bà cụ mua thuốc lá. Nhưng buồn quá bà cụ không biết thế có chán không. Tôi lại đia mua một đồng tiền giả khác đến mua thì bà cười nói:”Tôi biết anh nghèo và nghiện thuốc. Tôi bán từ thiện một lần cho anh thôi. Đừng lừa tôi nữa”…
Tôi ngắm bà, sao lại có người tốt đến thế là cùng. Việc gì mà phải tìm trong mơ., mà rõ ràng tôi đang tỉnh, tôi cắn vào tay thấy đau., rõ ràng không mê mẩn, tỉnh như sáo đây thôi.
Từ đấy tôi lại ít ngủ và gầy đi trông thấy. Cảm ơn những đồng tiền giả. Nó cho tôi giấc ảo và giấc mơ thực. Mọi thứ đều đẹp hơn nó. Chỉ có tôi và nó xấu. Con số càng to thì càng tồi. Tôi là năm bảy và nó là trăm ngàn. Có đứa bé lên ba tuổi gọi mẹ:” Mẹ ơi! Con vừa ăn vụng của chị cái kẹo”.
 Đặng Huy Quyển tặng chân dung P.V.Đ.

Hết năm…” có lại người” được không?
Hết năm, xem lại khóa cửa, tính sổ nợ nần làm người dài ra ngắn lại, chân tay tất bật.
Chưa bao giờ phép tính “cộng trừ nhân chia” lại đưa ra sử dụng dồn dập như những ngày này. Cái mầm ra chồi thì lăm le đội đất. Cây cối ngậm hương chờ tỏa ra hoa, gia súc gia cầm thì lo ngay ngáy, chưa biết chết vào lúc nào. Người người đón xuân trong phấp phỏng lo âu để rồi cười xòa hoa nở. Trong hương hoa, họ kể chuyện năm ngoái, năm nay, cái gọi là “ cơm mới, gạo cũ”.
Trong nồi cơm nhà tôi có hạt gạo từ năm kia sót lại, trông nó già nua nhất trong nồi. Sau khi đổ nồi cơm ra, nó kể: quê nó ở tận Thái Lan lưu lạc qua ga, qua bến, lúc thì ở thúng, lúc thì vào bồ rồi nhập quốc tịch Việt Nam từ mùa thu năm ấy. Nó tròn mắt kể rằng đã suýt thành cơm mấy lần. May mà sa vào thùng gạo nhà giầu nên họ để quên. Mãi tới một hôm thời tiết xấu, người ăn xin đến van vỉ, thế là họ xúc nó ra cho người ấy. Theo chân người ấy lang thang khắp chợ cùng quê. Nó “sốt rét” vì người ăn xin không có bếp núc, củi lửa, họ đổi nó lấy bún để ăn ngay. Thế là nó sống sót, thật hú vía.
Cuộc đời nó lại lưu lạc nay đây mai đó, nó bị xuống giá mấy lần. Bỗng một hôm nó được đánh lẫn con đen với hũ gạo thơm mơn mởn mới ra lò. Bà vợ tôi bị lừa ngoài chợ, mua lẫn cả nó về. Và hôm nay nó hết đời hạt gạo để hóa thành cơm. Nghe xong tôi bảo nó:” Yên trí lại gạo được mà”!
Tôi nhón nó ra phơi khô, để đầu giường và đêm đêm tâm sự với nó. Vào một đêm trăng sáng, nó hỏi tôi:”Ông có lại người được không ?” Tôi giật mình rồi mỉm cười lắc đầu…
Thế rồi xuân đã cạn ngày, lúa đã trổ đòng, vô số kiếp giang hồ lại sinh ra. Trong số ấy có thằng nào “lại người” được như gạo được không ? Chăc là có, chỉ có tôi, riêng tôi không thể “ lại người” được mà thôi…
 Đặng Huy Quyển, Trần Ninh Hồ ...

Rỗng không-cuối 08
Phí cơm phí gạo quá! Nhấc bát lên, chẳng có gì tròng đầu mà viết nó ra. Vợ đẹp, con khôn, với tay ra, nắm lại là bắt được mọi thứ mình cần. Nắng vàng, hoa nở chẳng thấy vui, mưa dầm, gió bấc chẳng thấy buồn. Thật là nhạt nhẽo, nhạt nhẽo quá. Giá mà đói, rét được thì quý hóa biết mấy, liệu còn thấy đau khổ nữa hay không ? Hay là bắt được của trời cho liệu có vui được lên mấy tý ? Thôi chết ! Thế là hóa ra mình thành kẻ chán đời? Mà chán đời thì văn vẻ phải hay ho mới đúng chứ nhỉ? Đằng này chẳng có chữ quái nào trong đầu. Chết mất thôi, giời ơi là giời, hay là “ sướng quá hóa rên”? Hay là mình đau khổ đến nơi rồi? Nỗi đau khổ của sự trống không, của nỗi “ chữ tốt” mà “văn không hay”.
Nhưng thôi, thì cứ thú nhận thế để xem dòng này có hay lên được không? Văn chương cơ mà? Nó nói được buồn, nó nói được vui…Còn lưng lửng thế này thì nó còn chuyển tải được hay không? Hay nó chỉ quen chở hàng nặng được mà thôi! Chả nhẽ văn chương là loại cầm tinh “con lừa”. Gã nhà văn bạn tôi liền trợn mắt quát vào mặt tôi: “ Mày là đồ con lừa thì có!”
Nhìn ra phía đường lên huyện, có một con lừa đang thủng thẳng bước đi….Nó liếc trộm tôi một cái…rất nhanh !

Kết quả hình ảnh cho VẼ CÁI MÔNG LUNG
Tản văn Đặng Huy Quyển
Rút từ trong tập “Vẽ cái mông lung”…NXB Hội Nhà văn 2017




Không có nhận xét nào: