Kỳ tích của U23 Việt Nam cùng người thầy Park Hang Seo đang làm chấn động lòng người hâm mộ cả nước. Đây là hành trình dài nhất mà đội tuyển Việt Nam đã đi được trong một giải đấu lớn tầm châu lục. Và con đường đó có quá nhiều những bất ngờ mà người ta chỉ có thể nghĩ là do “phép màu”.
Không rõ thế lực vô hình nào đó vì sao lại đứng về phía tuyển Việt Nam. Thế nhưng, chắc chắn có thể nói rằng những thắng lợi liên tiếp của đội tuyển có dấu ấn không hề nhỏ của vị huấn luyện viên mới chỉ nhận vị trí được 3 tháng. Ông Park đã vận dụng những binh kế lâu đời của Thánh nhân trong việc dụng quân và kết quả mang lại cho thấy sự hợp lý và hiệu quả không thể chối cãi.
Kế “Ám độ Trần Thương” đầy linh hoạt
Trong Binh pháp Tôn tử, “Ám độ Trần Thương” là kế thuộc nhóm “Địch chiến kế”. Nguyên là từ điển cố thời Hán – Sở tranh hùng, Lưu Bang bị Hạng Vũ ép vào đóng quân trong vùng Ba Thục xa xôi, hẻo lánh. Lưu Bang muốn ra Trung Nguyên nhưng chưa có đường lớn, Hàn Tín bèn bày kế vờ như sửa đường san đạo nhưng lại ngầm dẫn quân đi đường núi hiểm trở để đánh úp ải Trần Thương.
Thật ra kế này là để phân chia làm suy yếu lực lượng địch, tung hỏa mù, gây hoài nghi khiến địch lâm vào thế bị động. Nhưng sau này, “Ám độ Trần Thương” được dùng nhiều hơn với ý nghĩa rằng chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới.
Ông Park đã vận dụng linh hoạt kế này trong việc gây bất ngờ cho đối phương. Tuyển U23 Việt Nam thời chưa có ông Park khá trung thành với đội hình 4-2-3-1 ở SEA Game 29 và giành toàn thắng 3 trận. Tuy nhiên việc sử dụng mãi một chiêu đã khiến các đối thủ mạnh hơn “đọc bài” và dễ dàng phá vỡ thế trận của tuyển Việt Nam.
Ông Park đã biến hóa hơn nhiều trong việc đưa ra đội hình thi đấu. Từ 3-4-3 tại giải đấu giao hữu Thái Lan M-150 Cup, cho tới đội hình 5-4-1 ở vòng bảng U23 châu Á. Đến khi tuyển Iraq tưởng rằng đã bắt được bài phòng thủ cầm hòa của đội Việt Nam, thì ông Park lại bất ngờ đổi thế trận sang 5-3-2 với sự linh hoạt chuyển sang 3-4-3 hay 4-3-3 khi cần, thể hiện rõ quyết tâm ghi bàn vào lưới Iraq ngay trong các hiệp chính.
Việc bố trí cầu thủ trên sân cũng hết sức linh hoạt và đầy bất ngờ. Nếu như trước đây, đối thủ dễ dàng đoán được trước khi trận đấu diễn ra rằng Công Phượng sẽ đá cắm, Văn Toàn ở bên biên, Duy Mạnh chắc chắn bao quát phần trung tâm.
Nhưng dưới sự chỉ huy của huấn luyện viên Park, chân sút được cho là hay nhất, có phong độ nhất Công Phượng được đưa xuống làm tiền vệ trong những trận đầu ra quân tại giải U23 châu Á. Quang Hải, cầu thủ thuận chân trái lại được đá bên cánh phải. Tiền vệ phòng ngự Duy Mạnh được lui về sâu hơn, hay chuyên gia chạy cánh Đức Huy lại đá tuyến giữa.
Kể cả việc mạnh dạn dùng cầu thủ ở vị trí dự bị ngay từ đầu như Phan Văn Đức hộ công cho Công Phượng cũng là một sự bất ngờ nhưng đầy hiệu quả.
Truyền thông Qatar đã gọi ông Park là người “đa mưu túc kế” khi chiến lược gia người Hàn Quốc khiến các đồng nghiệp phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Như ở trận tứ kết với Iraq, Phan Văn Đức đã gây bất ngờ và Đức Chinh vào thay người ở ngay đầu hiệp phụ khiến đội bạn vất vả cử người đeo bám. Đến trận bán kết, Nguyễn Phong Hồng Duy đã mang lại cục diện mới cho trận đấu khi vào sân trong hiệp sau. Với các đối thủ khác nhau và tình huống, diễn biến thực tế trên sân ông Park đều có đấu pháp riêng để đối phó vô cùng bất ngờ.
Trong các trận đấu, sự bất ngờ luôn là một yếu tố quan trọng, ít nhất nó cũng sẽ khiến tinh thần đối phương có chút xao động khi không biết sẽ phải làm như thế nào. Ông Park đã làm được điều này và khiến tuyển U23 Việt Nam trở thành một đối thủ khó lường và sự khó lường thường sẽ gây ra cảm giác nguy hiểm hơn, bước đầu trấn áp khí thế đối thủ, tăng thêm tự tin cho quân sĩ mình.
“Tam giáo cửu lưu” mạnh dạn dùng người
Không những kế thừa nguồn nhân lực rất ổn định của đội U23 Việt Nam, ông Park Hang Seo đã liên tiếp chiêu mộ những gương mặt rất mới về đội. Đó là vận dụng “Tam giáo cửu lưu”, kế thứ 20 trong 72 kế của Quỷ Cốc Tử tiên sinh.
Theo đó, “Tìm kiếm nhân tài, phải tìm khắp xa gần. Phải có người tài về từng phương diện để khi cần thì ta có thể sử dụng”. Một người muốn dựng nghiệp lớn thì phải chiêu nạp nhiều tài năng.
Nhiều người đã nhận định rằng đội hình U23 trước đây toàn những gương mặt đã quá quen thuộc. Tuy nhiên khi ông Park về nhận quân, chỉ trong vòng vài tháng, những cái tên mới toanh đã được mời về. Không nhiều người biết Nguyễn Thành Chung, Phan Văn Đức là người của CLB nào trước khi vòng chung kết U23 châu Á bắt đầu.
Vậy mà chính họ đã thay đổi quan niệm cầu thủ dự bị sẽ chỉ để thay thế cho đá chính khi cần. Đối với ông Park “mỗi cầu thủ dự bị đều là một thành viên không thể thiếu của đội bóng”. Họ đều nằm trong tính toán chiến thuật rất đa dạng và am hiểu đối với từng cầu thủ của ông Park.
Và họ đã ghi được dấu ấn rất đậm nét sau mỗi lần ra sân. Thành Chung là hậu vệ có nhiều pha cản phá nhất trước Iraq, trong khi Văn Đức đã kịp ghi 1 bàn thắng và đóng góp 1 kiến tạo cùng những pha cầm bóng quyết đoán, xông xáo vào thẳng trung lộ của Iraq.
“Phản khách vi chủ” để không bị động
Trong hành trình từng vòng tại giải U23 châu Á, đội tuyển Việt Nam đã không có được lợi thế số ngày nghỉ ngơi và thể lực trước trận tứ kết. Nếu chỉ phòng ngự, tuyển Việt Nam sẽ sớm kiệt sức và bị lấn át bởi đội bạn vốn rất mạnh về thể lực.
Ông Park đã ra chiến thuật yêu cầu các cầu thủ không phá bóng bừa mà chủ động tấn công khi lấy lại được bóng từ chân đội bạn. Iraq gần như không thể chuyền ngắn trong phần sân của chúng ta. Họ dần bế tắc và bắt đầu lo lắng khi nhận ra quyết tâm ghi bàn ngay trong hiệp chính của các cầu thủ Việt Nam. Khi đối phương không dốc sức toàn lực tấn công nữa thì chúng ta cũng giảm bớt áp lực và dần lấy được thế chủ động.
Đó chính là kế “Phản khách vi chủ” trong nhóm “Tịnh chiến kế” của Binh pháp Tôn Tử. Có chủ động thì mới khống chế được cục diện.
“Xoay chuyển càn khôn” sử dụng sức mạnh tinh thần
Trong SEA Game 29 mới chỉ cách đây nửa năm, các cầu thủ Việt Nam đã phải cuống quýt, bất lực trước người Thái. Và truyền thống của bóng đá Việt Nam có thể nói là luôn bị áp lực tinh thần trước các đối thủ mạnh, dù chỉ là trong khu vực chứ chưa nói tới tầm châu lục.
Vậy mà, 6 tháng sau, những cầu thủ này đã tự tin, hiên ngang đối đầu với những “người khổng lồ” mang trong mình khát vọng tới World Cup. Chắc chắn ông Park phải có những biện pháp tâm lý rất hiệu quả thì các học trò của ông mới có thể đủ tự tin và bình tĩnh ứng biến với những pha tấn công mạnh mẽ của đối phương như vậy.
“Giữ vững ý chí, tinh thần thì sẽ có uy lực. Có luy lực ắt bên trong sẽ mạnh, bên trong mạnh thì không ai địch nổi”. Quỷ Cốc Tử cho rằng khi tình thế bất lợi cho ta thì phải hàm dưỡng sức mạnh tinh thần. Và khi đã có được sức mạnh tinh thần thì có thể xoay chuyển cả Càn Khôn.
Ông Park đã vận dụng kế thứ 2 trong 72 kế của Quỷ Cốc Tử rất thành công. Hy vọng rằng sức mạnh tới từ sự tự tin nhưng điềm tĩnh, lấy sự tĩnh tại của nội tâm để khắc chế sự hỗn loạn sẽ tiếp tục mang lại sức mạnh nội tại cho các cầu thủ Việt Nam ở trận chung kết đầy kỳ vọng.
Tinh thần vì tập thể của người Hàn Quốc
Không chỉ vận dụng tốt binh pháp của tiền nhân, ông Park Hang Seo còn là một người con Hàn Quốc, mang trong mình tính cách hết mình vì tập thể của dân tộc này. Có lẽ ông đã truyền được cho các học trò của mình phẩm chất tất yếu cần có của một tập thể vững mạnh. Vì thế các cầu thủ U23 Việt Nam đã tuân thủ tuyệt đối kỷ luật và các chiến thuật mà ông Park đưa ra.
Một tập thể dù có quy tụ nhiều nhân tài đến mấy, mà ai cũng chỉ coi tài năng của mình là số 1, tìm mọi cơ hội để thể hiện bản thân, thì đó sẽ là một tập thể yếu.
Những ngày vừa qua không ít những cái tên đã được ngợi ca, tìm kiếm và ngưỡng mộ. Các anh đang là hy vọng duy nhất của người Việt về một Việt Nam huy hoàng hơn trên trường quốc tế.
Nhưng vẫn còn một trận đấu rất quan trọng ở phía trước. Nếu chỉ một chút cái tâm lý hiển thị, tự mãn nổi lên. Nếu chỉ một vài giây muốn ghi bàn thay vì chuyền bóng cho đồng đội, có thể bao nhiêu vinh quang và nỗ lực mà các bạn đã được người hâm mộ công nhận sẽ trôi xuống sông xuống biển chỉ trong chớp mắt.
Xin gửi tới đội tuyển U23 Việt Nam lời chúc “Chân cứng đá mềm”, hội tụ đủ tĩnh khí để ra sân như những anh hùng quả cảm hết mình vì tập thể.
Đứng trước thách thức và áp lực to lớn trên vai, người có “tĩnh khí” gặp nguy mà không loạn sẽ tự có thể sản sinh ra trí huệ mà hóa giải khó khăn. Tĩnh khí để không lo mà rối loạn, cũng lại là để không quá hân hoan mà lơi là, không quá kích động mà quên đại cục.
Dù kết quả cuối cùng có ra sao, hãy luôn giữ được sự điềm tĩnh trên những đôi chân đang bay cao. Sẽ luôn có người nhận ra được những nỗ lực và hy sinh của các bạn. Người hâm mộ thật sự sẽ không chỉ nhìn vào những thành tựu. Chúc cho U23 Việt Nam dù thắng hay thua trong trận chung kết, cũng sẽ trở về với tâm thế của kẻ quân tử uy phong, khí chất.
Trương Thanh
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét