8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi gần 32 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó nhiều nhóm hàng không thiếu ở Việt Nam...
Ảnh minh họa.
Sắt thép các loại
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 2,9 tỷ USD nhập 7,3 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc , tăng mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh qua các năm.
Việc thép từ thị trường Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam đã không là chuyện lạ trong những năm gần đây. Trong khi đó, lượng thép sản xuất trong nước khá dồi dào.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 8/2016 đạt 1.532.496 tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 5,7% so với tháng trước.
Tổng cộng trong 8 tháng qua, sản xuất toàn ngành thép đã đạt 11,5 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ, tiêu thụ 9,54 triệu tấn, tăng 29,3%.
Theo VSA, tăng trưởng sản xuất các sản phẩm thép trong 8 tháng đầu năm 2016 đều vượt 29%, cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây dựng của doanh nghiệp trong nước. VSA nhận định, nếu hàng nhập khẩu không đổ bộ mạnh mẽ, thì cơ hội cho các doanh nghiệp nội sẽ lớn hơn rất nhiều.
Theo các doanh nghiệp, do giá thép Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với giá thép của Việt Nam - khoảng hơn 10% so với thép nội, do đó, nhiều công ty thương mại đang tích cực nhập khẩu để cung ứng ra thị trường.
Than đá
Tổng cục Hải quan cho biết, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị 605 triệu USD, tăng tới 191,5% về lượng, 107% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
So với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam chỉ nhập 3,3 triệu tấn về phục vụ nhu cầu trong nước và các năm trước đó cũng chỉ rơi vào khoảng từ 1-2 triệu tấn.
Trong 3 thị trường xuất khẩu than vào Việt Nam lớn nhất và tăng mạnh nhất là Trung Quốc. Đáng lưu ý, trước năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khá ồ ạt mặt hàng này sang Trung Quốc, thay vì phải đi nhập khẩu như hiện tại.
Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than từ Trung Quốc
Từ năm 2014, Việt Nam ngưng xuất khẩu than sang Trung Quốc
Trên thực tế, Việt Nam thiếu than không phải là do chúng ta đã khai thác hết. Tại cuộc họp mới diễn ra hồi tháng 8/2016, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, tài nguyên than của Việt Nam rất lớn có thể khai thác vài trăm năm và lên tới hàng chục tỷ tấn.
Báo cáo hồi giữa năm của TKV cho thấy đang tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được. Nguyên nhân là do giá than sản xuất trong nước cao hơn giá than nhập rất nhiều.
Kết quả là tập đoàn than phải nhập than giá rẻ về trộn với than sản xuất để mang đi bán. TKV vừa tồn kho lớn than, vừa trở thành doanh nghiệp phải nhập than nhiều nhất.
Theo lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện cũng khuyến khích nhập khẩu than và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của TKV.
Riêng với cân đối nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu dùng và than cấp cho điện để đảm bảo an ninh năng lượng, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng cho hay, bản quy hoạch điều chỉnh cũng sẽ hướng tới việc giảm xuất khẩu, thay vào đó là nhập khẩu than.
Rau quả, thủy sản
Rau quả và thủy sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu mang tính chủ lực của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,4 tỷ USD nhóm hàng thủy sản và gần 1,6 tỷ USD nhóm hàng rau quả.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam chi khá nhiều tiền cho việc nhập các mặt hàng này từ Trung Quốc. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 39 triệu USD nhập thủy sản và 125 triệu USD nhập rau quả từ Trung Quốc, các con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, các loại rau quả có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán la liệt tại thị trường Việt Nam. Trao đổi với báo chí hồi đầu tháng 8, lãnh đạo Chi cục kiểm dịch thực vật Lạng Sơn cho biết, mỗi ngày có khoảng trên dưới 200 tấn hoa quả Trung Quốc nhập về Việt Nam.
Các loại hoa quả như cam, quýt, hồng, lựu, nho, xoài… là những loại quả có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về nhiều nhất với số lượng rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, có thế mạnh trồng các loại rau quả. Xoài Việt Nam hiện xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, New Zealand… Táo hay nho được trồng rất nhiều tại Ninh Thuận...
Tương tự đối với các mặt hàng thủy sản cũng vậy. Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang rất nhiều nước. Tuy nhiên trên chính thị trường nước nhà, không ít các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc vẫn được bày bán và cạnh tranh với hàng nội địa.
MẠNH NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét