Khi các quan đã “hạ cánh” mà không được an toàn thì rất nhiều kẻ tài mỏng, giỏi luồn lách chạy chọt cũng phải e sợ.
Có bốn vụ việc mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, đều có bóng dáng trách nhiệm của quan chức.
Đầu tiên là những sai phạm trong công tác cán bộ, đưa ông Trịnh Xuân Thanh vòng vèo qua nhiều chức vụ, rồi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Nói như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV thì xử lý những sai phạm cá nhân của ông Trịnh Xuân Thanh là chuyện đương nhiên phải làm, nhưng đằng sau đó phải làm rõ những cá nhân, tập thể nào dung túng cho sai phạm của Trịnh Xuân Thanh.
Vụ việc thứ hai là từ vi phạm nghiêm trọng xả thải từ nhà máy của Formosa làm ô nhiễm biển ở 4 tỉnh miền Trung đã lòi ra việc dự án này được cấp phép hoạt động tới 70 năm.
Theo kết quả kiểm tra thì trách nhiệm chính thuộc về UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có phần trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện nay, lãnh đạo Chính phủ đương nhiệm đang phải nỗ lực giải quyết hậu quả ấy. Nhưng cho tới giờ, việc xử lý trách nhiệm của cá nhân và tập thể tại tỉnh Hà Tĩnh chưa thật rõ ràng.
Và dư luận vẫn đang chờ câu trả lời: Ai chịu trách nhiệm từ những tổn thất này? Chẳng lẽ lại là trách nhiệm của tập thể, rồi hòa cả làng?
Vụ việc thứ ba là sự cố đường ống nước sông Đà vỡ 18 lần có liên quan tới ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các cộng sự khi ông này còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Theo kết quả điều tra, từ thời điểm năm 2004, các thành viên của HĐQT Vinaconex gồm: Ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.
Ông Phí Thái Bình và các cộng sự gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà, nhưng lại được đề nghị không truy tố. ảnh: chinh phu.vn |
Dù kết luận là “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng thật bi hài là ông Phí Thái Bình lại được “liên ngành tư pháp” đề nghị miễn truy tố vì phạm tội lần đầu, thân nhân tốt...
Sau nhiều phản ứng gay gắt của dư luận, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã yêu cầu kiểm tra lại việc không khởi tố ông Phí Thái Bình, nhưng cho tới nay đã 1 tháng trời trôi qua, vẫn không có thêm thông tin gì mới.
Ba vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại được một phen choáng váng khi ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, mỗi năm Hà Nội chi tới 700 tỷ đồng cho cắt tỉa cây hoa cảnh. Và chỉ tính riêng Đại lộ Thăng Long chỉ dài 24km đã tiêu hết 53 tỷ đồng/năm.
Trong khi lương công nhân chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, vậy hàng chục tỷ đồng ấy đã chạy đi đâu?
Những con số khổng lồ và vô lý tới mức Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Đức Chung cũng phải thốt lên rằng “không thể chấp nhận được”.
Đây là bốn vụ việc điển hình giống nhau ở hai điểm: Một là đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, phung phí tiền bạc của nhân dân. Hai là mặc dù gây ra hậu quả nhưng chưa có xử lý, kỷ luật thích đáng.
Nhìn ở một góc độ rộng hơn thì qua những vụ việc này rõ ràng Đảng phải siết chặt công tác cán bộ, vì những việc này đều do những người có chức vụ quyền hạn gây ra.
Ở cấp bé thì cán bộ mặt trận biển thủ cả tiền của người nghèo (Hà Tĩnh); Hiệu trưởng câu kết biển thủ gần 3 tỷ đồng của học sinh dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa; dê đi lạc vào trang trại của Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa); hơn một nghìn con gà cấp cho người nghèo, nhưng lại chạy đến nhà của một loạt cán bộ xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Ở tỉnh Khánh Hòa, tiền hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi đa phần rơi vào tay trưởng thôn và người thân… rồi thì quan xã lập mưu ký khống, cấp “bò ảo” lấy tiền chia nhau.
Lối hành xử trắng trợn ấy của các quan xã, quan huyện chẳng phải là của hiếm. Chẳng thế mà khi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Doan đã phải thốt lên rằng: “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Ở cấp cao hơn chút nữa thì các quan không ăn dê, bò, gà... nhưng lại mắc sai phạm dẫn tới thiệt hại hàng chục tỷ đồng; hay tiêu tiền vào những việc như cắt tỉa cây cảnh một cách vô tội vạ.
Dư luận đặt ra câu hỏi: 53 tỷ đồng/năm để cắt tỉa cây ở Đại lộ Thăng Long đã rơi vào túi ai? ảnh: kiến thức. |
Trong rất nhiều điều tốt đẹp để lại cho các thế hệ sau này, Bác Hồ có tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào năm 1948, trong đó chỉ rõ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình.
Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.
Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Trên thực tế, trải qua 86 năm lãnh đạo đất nước, Đảng cũng đã nhiều lần thẳng thắn nhận khuyết điểm và sửa chữa những khuyết điểm ấy.
Đã có nghìn đảng viên bị khai trừ và kỷ luật hàng nghìn tổ chức cơ sở đảng.
Dù vậy, nạn nhũng nhiễu, tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn vẫn chưa thuyên giảm được bao nhiêu.
Lo lắng ấy cũng đã được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề cập: Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”.
Xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm... gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.
Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.
Lâu nay Đảng, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm người đứng đầu, nhưng còn đó cán bộ vẫn thể hiện thái độ coi thường luật pháp, coi thường nhân dân – những người làm chủ đất nước, những người bầu họ làm lãnh đạo. Ngoài mặt thì tỏ vẻ vì dân, song thực chất chỉ tìm cách thu vén cho lợi ích cá nhân.
Có lần, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói thẳng rằng: “Đấy là do chính cán bộ cố tìm cách lách luật làm sai, bị đồng tiền làm cho lóa mắt, lại được bao che, hoặc có xử lý cũng xuê xoa cho nên mới nhờn”.
Thậm chí, ông Hùng còn nói rằng, đối với những kẻ có máu tham nhũng thì yêu cầu thu hồi tài sản đặt ra cũng chỉ là một phần của quá trình xét xử, nhưng dứt khoát phải nghiêm khắc, phải xử tử hình. Để thực hiện cho được hành vi tham nhũng thì những kẻ ấy thậm chí dùng luật rừng với những ai chống lại hoặc có ý định nói ra sự thật. Với những kẻ như vậy thì dứt khoát không thể dành cho nó sự sống.
Nhưng trên thực tế thì để xử lý được một cán bộ cũng khá phức tạp, vì tính tiêu cực, bè phái khi lựa chọn cán bộ mà có lần Tổng Bí thư đã chỉ rõ “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ”.
Còn nói như GS.Nguyễn Minh Thuyết thì “Tham nhũng thành cả dây, nhất là tham nhũng chính sách thì rất khó moi ra mà xử lý được, nhất là khi đứng sau một ông quan nhỏ lại có ông anh, bà chị nào đó giữ chức rất to”.
Các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra rằng, chính sự sơ hở, buông lỏng, thậm chí tiêu cực đã tạo ra “lỗ kim” cho những “con lạc đà” cơ hội, trục lợi, tham vọng địa vị... “lọt” qua, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cũng vì kỷ cương không nghiêm cho nên mới dẫn tới tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tranh thủ thay đổi nhân sự hay xây sửa, mua sắm tài sản công... hòng kiếm trác vài khoản trước ngày hạ cánh.
Họ liều lĩnh, bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp và cũng đạp lên cả danh dự, nhân phẩm của chính minh. Hẳn nhiên là vậy, vì nếu trọng danh dự, trọng nhân phẩm thì chẳng đời nào họ lại làm những chuyện để cho người đời dè bỉu.
Thế nên biện pháp hữu hiệu nhất lúc này không còn là giáo dục nữa mà phải quy trách nhiệm, xử lý nhanh và nghiêm khắc, không chỉ cách chức mà còn phải xử lý trách nhiệm hình sự với những kẻ có “máu tham nhũng”.
Khi các quan đã “hạ cánh” mà không được an toàn thì rất nhiều kẻ tài mỏng, giỏi luồn lách chạy chọt cũng phải e sợ.
Nói như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi”.
Ngọc Quang
(GDVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét