Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Sắc lệnh 31 của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được ban hành từ năm 1945 về quy định tổ chức cho dân chúng biểu tình tới nay vẫn chưa có một đạo luật nào thay thế hay bãi bỏ. Tuy nhiên người dân biểu tình vẫn tiếp tục bị ngăn cấm, bất kể sắc lệnh 31 vẫn còn hiệu lực. Mặc Lâm phỏng vấn LS Lê Công Định để biết thêm nội dung cũng như tính hợp hiến của sắc lệnh này.
Nghĩa vụ của nhà nước
Mặc Lâm: Hiến pháp đã thừa nhận người dân có quyền biểu tình nhưng chính phủ lại trì hoãn Luật biểu tình khi trình cho Quốc hội thông qua, mục đích không cho người dân cơ hội thực thi cái quyền ấy. Xin luật sư cho biết khi chưa ban hành luật biểu tình thì những điều quy định trong Hiến pháp có giá trị thi hành hay không?
LS Lê Công Định: Có sự nhầm lẫn của chính quyền Việt Nam trong cách hiểu về việc ban hành Luật biểu tình bởi vì điều quan trọng là một khi Hiến pháp đã ghi nhận quyền biểu tình rồi thì dù có hay không có luật để thi hành bên dưới hiến pháp cũng không quan trọng mà điều quan trọng là quyền đó đã được ghi nhận trong hiến pháp thì người dân tự động hành xử cái quyền của mình.
Việc ban hành Luật Biểu tình để cụ thể hóa việc thực hiện quyền biểu tình của người dân là nghĩa vụ của nhà nước chứ không phải nghĩa vụ của công dân.
- LS Lê Công Định
Việc ban hành Luật Biểu tình để cụ thể hóa việc thực hiện quyền biểu tình của người dân là nghĩa vụ của nhà nước chứ không phải nghĩa vụ của công dân. Công dân không có nghĩa vụ gì trong việc ngồi chờ nhà nước ban hành Luật biểu tình thì mới được phép thực thi cái quyền đã được thừa nhận trong hiến pháp của mình. Một khi hiến pháp đã ghi nhận thì có quyền hành xử.
Nếu có Luật biểu tình công dân sẽ hành xử theo thể thức mà Luật biểu tình đặt ra, còn nếu không có Luật biểu tình thì người dân hoàn toàn có quyền hành xử quyền biểu tình của mình theo đúng từng câu từng chữ những điều mà Hiến pháp quy định không nhất thiết phải chờ đến khi có Luật biểu tình.