Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói về mùa "sưu thuế kinh hãi" ở Hậu Lộc; "Chế độ ta làm gì có sưu cao, thuế nặng như thời phong kiến"


Hoàng Đan | 

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói về mùa "sưu thuế kinh hãi" ở Hậu Lộc
Ông Nguyễn Đình Xứng. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết, đã giao Sở Tài chính làm việc với huyện Hậu Lộc để làm rõ việc người dân ở một số xã phải chịu vô số khoản đóng góp vô lý.



Như báo điện tử Trí Thức Trẻ đã phản ánh, người dân từ trẻ con đến người già không còn khả năng lao động, cứ có tên trong sổ hộ khẩu đang phải chịu "sưu thuế kinh hãi", với vô số các khoản đóng góp vô lý ở xã Hưng Lộc, xã Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Liên quan đến việc này, trao đổi với chúng tôi vào sáng 8/8, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, về việc thu các khoản đóng góp vô lý ở huyện Hậu Lộc, vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có ý kiến yêu cầu kiểm tra, báo cáo.
"Vừa qua, Phó Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo và yêu cầu báo cáo về việc này và chúng tôi đã chỉ đạo và giải quyết nên các anh có thể liên hệ huyện để làm việc", ông Xứng cho hay.
Về thông tin người dân các xã Hưng Lộc, Hải Lộc của huyện Hậu Lộc đang phải chịu cảnh "sưu thuế kinh hãi" mà báo Trí Thức Trẻ phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ:
"Việc này, chúng tôi đang giao cho Sở Tài chính làm việc với huyện Hậu Lộc và có báo cáo. Hôm trước, Bí thư huyện ủy cũng đã xin lỗi dân. Việc này chúng tôi đang xử lý rất nghiêm túc".
Ông Xứng cũng khẳng định thêm: "Tinh thần là phải xử lý nghiêm nếu có phát hiện sai phạm".
Trước câu hỏi của phóng viên về việc lãnh đạo tỉnh có tính đến việc trực tiếp xuống thị sát tại các địa phương để tìm hiểu thực tế về tình hình lạm thu các khoản đóng góp vô lý này không?
Ông Xứng cho rằng, hiện bước đầu UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính làm việc với huyện Hậu Lộc để kiểm tra. Sau khi có kết quả, tỉnh sẽ có hướng xử lý tiếp theo.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cũng cho biết, đã chỉ đạo UBND tỉnh kiểm tra lại việc này.
Đồng thời, ông Chiến nhấn mạnh, quan điểm của ông và lãnh đạo tỉnh là phải bãi bỏ ngay các khoản thu không đúng quy định và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu phát hiện sai phạm.
Còn theo ông Chanh, một người dân ở thôn Thái Hòa, Hưng Lộc, để thúc thu, đối với những gia đình khó khăn chưa đóng ngay tắp lự sau mỗi vụ đóng góp thì chính quyền sẽ cử đoàn công tác đặc biệt đến… vận động.
"Họ thành lập đoàn để đến nhà, ban đầu là vận động, nhưng sau đó là dọa nạt", ông Chanh cho biết.
Theo ông Chanh, ở Thái Hòa, dù tiền điện đã thu riêng nhưng không hoàn thành các khoản thu khác, đã có gia đình bị cắt điện.
Sổ theo dõi thu thế và các khoản đóng hàng năm của xã Hưng Lộc cấp cho nhà ông Chanh, dân Thái Hòa quen gọi là sổ điều hòa. Để có sổ này, trước đây, mỗi gia đình đều phải bỏ tiền mua.
Bìa sau cuốn sổ có ghi rõ những điều cần lưu ý khi giữ "cục nợ đáng ghét" này. Theo đó, có 5 điều mà các hộ gia đình trong thôn phải lưu ý khi sử dụng sổ và điều thứ 4 là… cần lưu ý nhất.
"Khi giao dịch với UBND xã. gia đình mang kèm theo sổ này để tập thể theo dõi trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ công dân của gia đình đối với nhà nước".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bởi quy định "lên xã phải mang theo sổ" như trên thì dù khó khăn đến đâu, hễ có việc gì giao dịch với ủy ban, với chính quyền thì việc đầu tiên của người dân trong thôn Thái Hòa phải làm là hoàn thành các khoản đóng góp.
theo Trí Thức Trẻ

"Chế độ ta làm gì có sưu cao, thuế nặng như thời phong kiến"

Hoàng Đan | 
"Chế độ ta làm gì có sưu cao, thuế nặng như thời phong kiến"
Ông Mai Sỹ Diến. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Diến, qua tiếp xúc cử tri ở Hậu Lộc, không có phản ánh nào về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp, tuy nhiên, tới đây, Đoàn sẽ xây dựng lịch để nghe báo cáo vấn đề này.

Chưa nhận được đơn thư phản ánh của người dân
Không chỉ người già mất sức lao động mà ngay trẻ nhỏ mới sinh, có tên trong sổ hộ khẩu đã vào diện phải chịu vô số loại đóng góp vô lý tại các thôn của xã Hải Lộc, Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Trước thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sỹ Diến, Phó Đoàn ĐBQH khóa 14 tỉnh Thanh Hóa.
PV: Vừa qua, báo điện tử Trí Thức Trẻ có phản ánh về tình trạng lạm thu xảy ra tại một số thôn của các xã Hải Lộc, Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa gây bức xúc cho nhân dân.
Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có nhận được các phản ánh này của người dân không và Đoàn đã có kiến nghị gì với lãnh đạo tỉnh chưa, thưa ông?
Ông Mai Sỹ Diến: Phản ánh của người dân về Đoàn ĐBQH thì không có, nhưng qua thông tin báo chí và trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp báo 7 tháng đầu năm thì có nói đến vấn đề liên quan đến tình trạng này.
Tôi với ông Phạm Trí Thức cùng bà Bùi Thị Thủy đã về tiếp xúc cử tri ở huyện Hậu Lộc và những vấn đề báo chí phản ánh thì đồng chí Bí thư huyện ủy cũng đã trao đổi là chuyện đó đúng và huyện cũng đã tập trung chỉ đạo xử lý theo tinh thần của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Còn qua tiếp xúc cử tri ở Hậu Lộc thì không có cử tri nào phản ánh về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp nên chúng tôi không có ý kiến gì.
PV: Tuy rằng, trong các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH không nêu ra nhưng qua phản ánh của báo chí và trao đổi của Bí thư huyện ủy cũng đã thừa nhận có tình trạng lạm thu này. Vậy, với chức năng của mình thì Đoàn ĐBQH liệu sẽ có ý kiến gì với tỉnh?
Ông Mai Sỹ Diến: Hiện nay, chúng tôi không có đề xuất gì, vì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo rồi và việc chỉ đạo của tỉnh là rà soát lại, sai đâu xử lý đến đó.
Việc chỉ đạo như vậy của tỉnh tôi cho là rất trách nhiệm và chúng tôi cũng rất cảm ơn cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời vấn đề lạm thu Hải Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc. Quan điểm của chúng tôi là đồng tình với chỉ đạo của tỉnh.
Chế độ ta làm gì có sưu cao, thuế nặng như thời phong kiến - Ảnh 1.
Những khoản đóng góp năm 2016 được ghi chằng chịt trong sổ của gia đình một người dân ở Hậu Lộc.
PV: Nhưng là một ĐBQH ứng cử tại đây thì trước bức xúc của người dân như vậy, cá nhân ông có chia sẻ điều gì với những người đã bỏ phiếu bầu cho mình?
Ông Mai Sỹ Diến: Bản thân tôi là ĐBQH ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 gồm huyện Hậu Lộc cũng rất chia sẻ điều này với người dân về những bức xúc gặp phải.
Cá nhân tôi có cái không đồng tình với cách làm của chính quyền cấp xã trong việc tổ chức thu, đặc biệt là các cháu mới sinh ra đã đóng góp những khoản phí như phản ánh của báo chí.
Thực tế, có những khoản thu, chính quyền căn cứ vào các công trình phúc lợi, xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà bàn bạc một cách thấu đáo, đúng quy chế dân chủ, lòng dân, để tự họ đóng góp thì là cần thiết.
Tuy nhiên, cách làm đã không được như vậy. Chính quyền xã có thể đưa ra bàn bạc nhưng chưa thấu đáo, người dân chưa thực sự đồng thuận, thêm vào đó, việc xã không tiến hành giao dịch hành chính đối với người dân chưa nộp đủ đóng góp như vậy là không đúng.
Sự vào cuộc của tỉnh, huyện là kịp thời nhưng cần theo dõi thêm xem việc khắc phục của địa phương như thế nào.
Sẽ xây dựng lịch để nghe báo cáo vấn đề lạm thu
PV: Trước đây ở huyện Hậu Lộc tình trạng lạm thu đã xảy ra và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo nhưng gần đây, tình trạng lại tái diễn. Vậy, trong thời gian tới, với chức năng của mình, Đoàn ĐBQH có hướng phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành giám sát việc này không?
Ông Mai Sỹ Diến: Chúng tôi có chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH và ngày thứ 5 này, chúng tôi có xây dựng lịch làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lao động, việc làm, thương binh, xã hội.
Sau đó, sẽ về rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch từng quý có chương trình khảo sát, nắm bắt, làm việc với một số Sở, ngành, địa phương liên quan đến triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai qua kênh thông tin phản ánh của báo chí, có những vấn đề chúng tôi sẽ nghiên cứu lựa chọn, sẽ đi nắm tình hình trước khi làm việc với các Sở, ngành, địa phương và tập hợp chung lại các kiến nghị với lãnh đạo về các vấn đề mà cử tri phản ánh, được khảo sát, nắm bắt tình hình của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Chúng tôi chưa xây dựng chương trình cụ thể về việc khảo sát, nắm bắt cụ thể đối với lạm thu ở Hậu Lộc nhưng trong tư duy cá nhân, tôi sẽ phải xây dựng một lịch cụ thể để nghe lại toàn bộ phản ánh của người dân và cách giải quyết của chính quyền cơ sở sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư huyện ủy cũng như lãnh đạo tỉnh.
Tới đây, chúng tôi cũng sẽ công khai tới báo chí và cử tri, nhân dân về kế hoạch cụ thể của Đoàn.
PV: Người dân đang rất bức xúc, vậy, liệu rằng, Đoàn ĐBQH cũng như cá nhân ông có xuống thực tế tại địa phương để nắm bắt cụ thể tình hình phản ánh của người dân xung quanh vấn đề lạm thu này không?
Ông Mai Sỹ Diến: Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được đơn thư phản ánh của cử tri với Đoàn ĐBQH và qua chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh chúng tôi rất đồng tình. Thêm vào đó, báo chí phản ánh rất đúng, kịp thời vấn đề, địa phương thừa nhận, đang chỉ đạo.
Chúng tôi rất chia sẻ với người dân về bức xúc này nhưng nếu các cấp chính quyền chỉ đạo xử lý tốt rồi thì không nhất thiết mình phải đi vào, bởi còn nhiều việc phải nắm tình hình để phản ánh kịp thời vấn đề.
Còn thực tiễn vấn đề này diễn ra ở xã thì chính quyền huyện phải nắm để tập trung chỉ đạo nhưng có lẽ anh em chưa nắm được kịp thời, khi báo chí nêu rồi mới vào cuộc.
Trách nhiệm của ĐBQH cũng như báo chí, rất cần những thông tin, phát hiện vấn đề trái pháp luật, dư luận nhân dân bức xúc thì chắc chắn mình phải vào cuộc.
PV: Một số ý kiến cho rằng, vấn đề lạm thu này cho thấy dường như đang có sự quay trở lại của nạn "sưu cao thuế nặng" cũng như "cường hào ác bá" ở địa phương, cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
Ông Mai Sỹ Diến: Tôi cho rằng, dùng từ đó là không phù hợp, chế độ ta làm gì có "cường hào, sưu cao, thuế nặng" như thời phong kiến.
Ở đây, trong quá trình làm anh em xã có những cái lạm dụng, quá đà so với quy định hiện hành và chúng ta không đồng tình với cách làm. Nhưng vấn đề xây dựng nông thôn mới có cần sự đóng góp của dân không, cần chứ.
Các công trình phúc lợi phục vụ đời sống của người dân ở thôn bản, xóm có cần đóng góp của người dân không, cần chứ.
Tuy nhiên, vấn đề là phải căn cứ trên thu nhập, đời sống của người dân, trên tinh thần thuyết phục, hợp lòng dân, người dân họ bàn, quyết định sự tham gia trên cơ sở tự nguyện.
Thiểu số phải phục tùng đa số nhưng thiểu số thì các tổ chức chính quyền phải tiến hành tổ chức vận động để họ hiểu, đồng thuận đối với chủ trương đúng, được đa số người dân quyết định theo pháp lệnh dân chủ.
Còn nếu chúng ta chỉ căn cứ trên việc này để nói là "cường hào, sưu cao thuế nặng" thì tôi không đồng tình.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: