Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Gạc Ma: Phải công bố sự thật lịch sử với nhân dân

13/03/2016 15:32 GMT+7

TTO - "Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân".
Gạc Ma: Phải công bố sự thật lịch sử với nhân dân
Hình minh họa trên bìa sách dự kiến Gạc Ma - Vòng tròn bất tử. Nguồn: Firstnews.
Ngày 14-3, trong dòng cảm xúc thương nhớ Gạc Ma, hướng về Trường Sa, về biển Đông, lại có những xôn xao khi nghe tin cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử hơn hai năm không được cấp phép xuất bản. 
Có phải vì chủ đề được xem là “nhạy cảm”? Hay các tư liệu, nội dung chưa chính xác? Hay việc biên soạn, biên tập sách chưa được chỉn chu?
Rất nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra, nhưng câu trả lời sẽ chỉ có khi bạn đọc được cầm quyển sách trên tay.
Tập sách gồm năm chương: Tháng ba khắc khoải; Máu nhuộm bãi đá san hô; Nước mắt hào hùng, nước mắt đau thương; Gạc Ma ngày nay và chiến thuật leo thang trên biển của Trung Quốc và Dư luận. 
Ngoài ra còn có bài tựa của James G. Zumwalt – tác giả quyển Bare Feet, Iron Will – Stories from the Other Side of Vietnam’s Battlefields (Chân trần chí thép), lời bạt của nhà sử học Dương Trung Quốc và lời giới thiệu của thiếu tướng - Anh hùng LLVT Lê Mã Lương cùng một số phụ lục: Danh sách 64 liệt sĩ hy sinh, mất tích ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa; Danh sách 9 chiến sĩ Gạc Ma, Trường Sa bị Trung Quốc bắt làm tù binh…
Nhân câu chuyện này, Tuổi Trẻ trao đổi với ông VŨ NGỌC HOÀNG - phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương - xung quanh việc công bố những sự thật lịch sử trên thông tin đại chúng.
* Dư luận đang ồn ào, bức xúc về việc cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử không được cấp giấy phép xuất bản, thêm vào đó là việc sách giáo khoa chỉ có 11 dòng về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979...
Là người làm công tác tuyên giáo, ông nghĩ gì về việc công bố những sự thật lịch sử, xuất bản sách viết về lịch sử? Việc dạy và học sử trong nhà trường?
-  Theo quan điểm của tôi, việc viết và xuất bản sách về lịch sử Việt Nam, cũng như việc dạy và học lịch sử trong nhà trường là hết sức cần thiết và quan trọng, đó là một phần quan trọng trong giữ gìn và xây dựng văn hóa và lòng yêu nước trong mỗi người.
Tất nhiên trong đó có cả câu chuyện bi tráng ở bãi đá Gạc Ma. Đây là công việc văn hóa, giữ nước, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc.
Sách giáo khoa chưa đề cập hoặc viết quá ít về chiến tranh giữ nước ở biên giới cũng là chưa đúng. Tôi cho rằng: nhân dân chứ không phải ai khác mới chính là những người trực tiếp giữ lấy đất nước của mình và viết tiếp những trang sử mới.
Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân, để nhân dân ta hiểu bản chất của vấn đề, để tiếp tục giữ nước và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.
Tôi chưa rõ lý do cụ thể khiến cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử chưa được cấp giấy phép xuất bản, nhưng tôi cho rằng không phải vì lý do nhạy cảm.
Gạc Ma: Phải công bố sự thật lịch sử với nhân dân
Ông Vũ Ngọc Hoàng: "Việc cung cấp thông tin, sự thật đầy đủ và chính xác cho nhân dân là trách nhiệm của giới truyền thông, của các nhà xuất bản và cả của hệ thống chính trị nữa! Chuyện ở bãi đá Gạc Ma mấy chục năm rồi mà nhân dân chưa biết nhiều về sự thật của nó là đáng trách"  - Ảnh: Tự Trung
* Đã không ít lần báo chí cũng như ngành xuất bản vấp phải những cảnh báo “nhạy cảm” khi công bố thông tin.
Ông có thể cho biết những vấn đề nào được coi là nhạy cảm, cần hạn chế thông tin? Quan điểm của ông về vấn đề này?
-  Tôi nghĩ khái niệm “nhạy cảm” được hiểu còn mập mờ lắm, nên làm rõ ra và rất không nên lạm dụng từ “nhạy cảm” để ngăn cản thông tin.
Thông tin có quy luật riêng của nó, càng “nhạy cảm” nó càng dễ lan ra, bịt đường này nó đi đường khác. Không thể bưng bít được đâu, tốt nhất là cứ công khai hóa, minh bạch hóa.
Càng “nhạy cảm” thì càng phải chú ý cung cấp thông tin trên kênh chính thống, đừng để người khác lợi dụng úp mở để xuyên tạc hoặc là nhân dân hiểu không đúng như sự thật vốn có.
Phạm vi vấn đề “nhạy cảm”, không được cung cấp thông tin rộng rãi, nếu có, chỉ nên rất ít thôi, chủ yếu là để bảo vệ các bí mật quốc gia.
Còn lại, nói chung, mọi việc đều có thể thông tin miễn là trung thực và có trách nhiệm với dân với nước.
* Trong thời đại thông tin này, hạn chế thông tin trên kênh chính thống không chỉ là vẽ đường vòng để thông tin ấy đến với độc giả, mà khi đó nó có thể bị trộn lẫn một cách vô tình hay cố ý với những thông tin sai lạc khác, chưa kể sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực, chán nản, mất niềm tin trong người dân.
Theo ông, chúng ta sẽ phải giải quyết việc này như thế nào?
Các kênh ấy có điều kiện thuận lợi hơn, gần hơn với các nguồn thông tin từ bộ máy, vậy mà cách làm lâu nay không phát huy lợi thế này, để các kênh chính thống bị thụ động và “phải” chậm chạp lại.-  Tôi cũng nghĩ như vậy. Các phương tiện truyền thông chính thống nên chủ động, và nên được tạo điều kiện, để đưa thông tin đầy đủ và sớm nhất.
Nếu cứ chậm hơn hoặc là không cung cấp thông tin (vì sợ nhạy cảm) cũng có nghĩa là tự làm giảm vai trò, tác dụng của mình, mất thị trường và mất công chúng.
* Trở lại cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, người dân đã phải chờ đợi quá lâu để có được những câu chuyện về sự thật lịch sử những gì diễn ra ở bãi đá Gạc Ma trên sách báo chính thống.
Nếu nội dung cuốn sách được biên soạn chưa tốt, chưa thật sự chính xác, theo ông nên giải quyết thế nào? Việc cuốn sách phải đi “chu du” qua mười mấy nhà xuất bản trong hơn hai năm có hợp lý không?
- Tôi xin khẳng định lại: việc cung cấp thông tin, sự thật đầy đủ và chính xác cho nhân dân là trách nhiệm của giới truyền thông, của các nhà xuất bản và cả của hệ thống chính trị nữa! 
Chuyện ở bãi đá Gạc Ma mấy chục năm rồi mà nhân dân chưa biết nhiều về sự thật của nó là đáng trách.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đưa tin nhiều rồi và không loại trừ có những thông tin không chuẩn, không đúng sự thật, rất cần nói lại để nhân dân Trung Quốc hiểu đúng sự thật, mà cả nhân dân thế giới cũng cần biết rõ.
Nếu bản thảo có những nội dung chưa thật sự chính xác thì các nhà xuất bản có thể nhờ các cơ quan có trách nhiệm thẩm định độ chính xác của vấn đề, góp ý cho tác giả hoàn thiện để có thể xuất bản sớm nhất nhằm cung cấp thông tin cho nhân dân.

Dao Pham Viet đã chia sẻ một liên kết.
Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (quần đảo Trường Sa), với 64 liệt sĩ ngã xuống giữa làn đạn của quân Trung Quốc xâm lược cách đây 28 năm, không được nhiều người biết đến.
VIDEO.VNEXPRESS.NET
*Xem thêm: 
Các nhà xuất bản từng tiếp nhận bản thảo sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử nói gì? 
Đơn vị làm sách, công ty Trí Việt - First News kể gì về hành trình gian nan của bản thảo sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử?
PHẠM VŨ thực hiện (phamvu@tuoitre.com.vn)

TT Nguyễn Xuân Phúc: Không thể bất chấp vấn đề môi trường để làm kinh tế

TP -  “Phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao tính minh bạch. Phải ổn định để phát triển lâu dài, không thể bất chấp vấn đề môi trường để làm kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Không thể bất chấp vấn đề môi trường để làm kinh tế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Sáng 11/3 tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, do Bộ KH&ĐT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức. Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, trường đại học, các tỉnh Tây Nguyên và vùng lân cận, hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế…
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sâu về 10 vấn đề. Thủ tướng nói rằng, Tây Nguyên đã phát triển hơn trước về nhiều mặt, nhưng vẫn còn không ít bất cập, đặc biệt là việc để mất rừng, mất nguồn nước, mất nhiều cơ hội phát triển để nâng cao mức sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo phải tiếp tục trồng rừng, không được phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp, mà phải thâm canh nâng cao năng suất, đầu tư sâu sau chế biến để có chuỗi giá trị tốt hơn. “Tôi đồng ý chủ chủ trương phát triển năng lượng tái tạo trên những phần đất không phát triển được cây gì khác. Phải xã hội hóa mạnh mẽ phát triển hạ tầng. Phải liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm của nhau”, Thủ tướng nói.
 “Có người nhận xét Tây Nguyên như bữa tiệc tàn canh, không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư mới đến. Tuy nhiên, nhận xét đó chưa nhìn được hết toàn cảnh và tiềm năng Tây Nguyên. Tây Nguyên hiện vẫn còn như một cô gái đẹp đang ngủ quên”, Thủ tướng ví von.
Thủ tướng nhận định, Tây Nguyên sẽ trở thành một vùng kinh tế trọng điểm, làm giàu bằng việc phát triển chế biến sâu hàng hóa nông, lâm nghiệp, dược phẩm. Tây Nguyên có 2 triệu hécta đất bazan màu mỡ, nhiều nông sản chủ lực như cà phê, hạt tiêu, cao su…, nhưng phần lớn các mặt hàng này vẫn xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. 
Tây Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, kho tàng văn hóa phi vật thể với không gian cồng chiêng, ẩm thực phong phú, trang phục độc đáo, nhưng du lịch toàn vùng vẫn chưa phát triển ngoài Lâm Đồng. Vấn đề di dân còn mang tính tự nhiên, thiếu cơ sở khoa học, nhiều doanh nghiệp không gắn bó với cộng đồng...
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh Tây Nguyên chủ động tiếp nhận các nguồn dân cư nơi khác về để phát triển bền vững. Về du lịch và nông nghiệp, Tây Nguyên cần hình thành những nhóm liên kết nhiều nhà để mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Tây Nguyên cũng không thể là vùng trũng về giáo dục của cả nước mà phải đặc biệt quan tâm dân trí. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ về việc phải bảo vệ rừng cho nóc nhà Đông Dương. Phải xử nghiêm mọi tổ chức, cá nhân phá rừng tự nhiên, vì phá rừng là tội ác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiềm năng điện gió, điện mặt trời trên Tây Nguyên rất lớn; Bộ đang trình Thủ tướng đề nghị điều chỉnh cơ chế đầu tư và giá điện gió cho phù hợp hơn. 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá tình hình dư nợ trên Tây Nguyên là tích cực, tuy nhiên, nguồn vốn huy động được trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu, nên cam kết sẽ chuyển nhiều hơn nguồn tín dụng hỗ trợ cho các dự án khả thi trên Tây Nguyên. 
Ngoài tổng dư nợ tín dụng hiện tại trên Tây Nguyên là ở 222 nghìn tỷ đồng, tại hội nghị lần này, các ngân hàng tiếp tục ký cam kết cấp hạn mức tín dụng với 36 dự án, chủ yếu liên quan thủy điện, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch… 
Hoàng Thiên Nga

Nguyễn An Dân - Phân tích về clip của Thiếu tướng Trương Giang Long (Phần 1)


Hôm nay cộng đồng FB Việt xôn xao vì 1 clip phát biểu của bài nói chuyện nội bộ của Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, Công an Nhân dân.

Tôi viết bài này trong một tư thế rất hẹp, các bạn cần chú ý là hiện giờ tôi đang nằm trong nhóm Biển Xanh, lại đảm nhiệm vai trò đại diện chung, đang thúc đẩy việc đòi hỏi "minh bạch Formosa" , đụng chạm (và dĩ nhiên có mâu thuẫn thêm) đến một bộ phận trong đảng nên ở vào tư thế khó khăn và chịu nhiều sức ép hơn trước kia rất nhiều.

Tôi cũng không muốn mình gây thêm "ân oán" với Bộ Công An lúc này, việc Bộ Công An im lặng giám sát và để cho nhóm Biển Xanh có thể làm được cái mình muốn là điều tôi đang ghi nhận. Do đó khi viết bài này, tôi phải cân nhắc rất nhiều, và thực sự không hề muốn viết.

Nhưng tôi cũng muốn viết thêm để bạn đọc có thêm cái nhìn đa chiều về sự việc, có thể đúng, có thể sai..nhưng đó là cần thiết. Và với trách nhiệm của bản thân tôi với tiến trình dân chủ chung của đất nước, tôi không thể không viết khi các bạn cần.

Chúng ta cần thấy là clip ra đời trong tư thế rất thú vị. Cần chú ý đây là lớp mang tính định hướng, và là định hướng chính thức trong ngắn và trung hạn cho lớp cán bộ nguồn của lực lượng an ninh Việt Nam. Nên dĩ nhiên nó là mật, không được phổ biến ra công chúng. Không phải là tất cả, nhưng một bộ phận trong đảng sẽ không bao giờ muốn định hướng chỉ đạo cho lực lượng "còn đảng còn mình" bị lộ ra cho công chúng và quốc tế.

Chúng ta phải biết là tổng cục chính trị Bộ Công An, dù mới ra đời, nhưng chính là nơi đảm nhận vai trò phát biểu đường lối chính thức để định hướng hoạt động cho ngành an ninh nói riêng và công an nói chung, do đó tiếng nói chính thức trong 1 khóa "bổ sung kiến thức" của lãnh đạo tổng cục là rất quan trọng.

Với những thông tin mà tướng Long nói về Trung Quốc và về Mỹ thì tôi nghĩ là phe thân Trung Quốc không muốn nó lộ ra ngoài. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn nghe tổng cục chính trị Bộ Công An "chửi" cả hai bên. Trong tư thế lúng túng của tướng Long vì tranh chấp đường lối ở thượng tầng cao cấp thì với vị trí là trung tầng trung cấp, ông ta phát biểu như thế là điều dễ hiểu.

Tôi quan sát rất kỹ website đưa ra clip, và dù nó có tên là "đảng cộng sản Việt Nam" nhưng tôi e rằng ban biên tập của nó có xu hướng ủng hộ ông Trần Đại Quang trong cuộc đua lên ngai vàng vào HNTW 5 và HNTW 6, là hai hội nghị mang tính bản lề, bàn về nhân sự của đảng CSVN sắp tới, nên clip được đưa lên mạng là không hề ngẫu nhiên.

Từ việc ông Trần Đại Quang đi Mỹ gần 1 tháng vào năm 2015, đền việc ông Tô Lâm nói "phát triển để ổn định", đến bài viết "phải đổi mới 2" của báo CAND chính là quá trình thai nghén cho việc ra đời của clip này trên mạng, và sau khi thấy cộng đồng FB lan tỏa rộng, nó được âm thầm tháo xuống để tránh việc bị quy cho là "cố tình khiêu khích" và gây thêm căng thẳng trong nội bộ đảng.

Ông Trương Giang Long với tư duy giáo điều bảo thủ đã quen từ khi bước chân vào ngành an ninh, đã lúng túng trong việc đảng bị phân hóa và bắt buộc phải thay đổi đường lối trước sự đểu cáng của đảng CSTQ và e ngại xu hướng dân chủ nhân quyền kiểu Mỹ. Cuối cùng ông chọn kiểu nói hàng hai để giữ mình, đó là kiểu tư duy của việc phải chấp hành xu thế giữ nước và giữ đảng mà phe thân Mỹ đòi hỏi ở tổng cục chính trị nơi ông đang làm lãnh đạo, vừa phải chấp hành xu thế giữ đảng- giữ quan hệ cho đảng CSVN với đảng CSTQ mà phe thân TQ yêu cầu, nên đã có bài phát biểu gây mất lòng tất cả.

Điều này nằm trong quy luật " nếu anh muốn làm hài lòng tất cả,cuối cùng anh sẽ mất lòng tất cả", và không chỉ xảy ra ở ông Trương Giang Long mà e rằng nó là xu thế gây khó khăn cho toàn bộ cán bộ trung cao cấp của ngành an ninh hiện nay.

Tôi cảm ơn người đã ra quyết định đưa clip này lên FB, và cảm ơn cả người trực tiếp đưa nó lên dù không biết là ai. Bài tiếp theo tôi sẽ đi sâu vào nội dung phát biểu của tướng Long.

Nguyễn An Dân

(FB Nguyễn An Dân)

Tổng thống Mỹ sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc ở Florida

RFA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong một cuộc họp song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Trung tâm Hội nghị Walter E. Washington vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 tại Washington DC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong một cuộc họp song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Trung tâm Hội nghị Walter E. Washington vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 tại Washington DC.
 AFP photo














Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang lên kế hoạch chào đón Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình tại cuộc họp thượng đỉnh hai ngày vào tháng tới tại khu nghỉ mát Florida Mar-a-Lago của ông.
Reuters trích nguồn tin từ báo Mỹ cho biết cuộc họp sẽ kéo dài hai ngày và dự kiến ​​diễn ra từ ngày 6-7 tháng 4. Buổi gặp gỡ này sẽ diễn ra sau một loạt các cuộc họp và các đối thoại gần đây của Hoa Kỳ với Trung Quốc, nhằm tìm kiếm lại mối quan hệ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra những tuyên bố hùng hồn liên quan đến Trung Hoa.
Tháng trước, bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã tới thăm Washington để thảo luận về mối quan hệ kinh tế và lợi ích an ninh của hai nước.
Xin nhắc lại, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc về các chính sách thương mại không công bằng, chỉ trích việc Trung Quốc tự ý xây dựng những hòn đảo ở Biển Đông, vùng biển mà nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền và cáo buộc Trung Quốc không ra sức hạn chế người láng giềng của mình là Triều Tiên.

"PHỤ LỤC" CỦA "COC":TRUNG QUỐC CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH BẮT BỚ NGƯ DÂN VIỆT ĐÁNH CÁ TRÊN BIỂN ĐÔNG

Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao ra Biển Đông

mediaĐảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 07/11/1016 - nguồn CSIS/AMTI)
Tư pháp Trung Quốc nới rộng thẩm quyền « xét xử » ra khắp các vùng biển thuộc « chủ quyền » của nước này, kể cả vùng Biển Đông đang tranh chấp. Trên đây là nội dung bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc tại kỳ họp của Quốc Hội, vào lúc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông.




Theo hãng tin AP, hôm qua, 12/03/2017, chủ tịch Toà án Tối cao Trung Quốc, Chu Cường (Zhou Qiang) thông báo Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải. Theo Tân Hoa Xã, tất cả các vùng biển thuộc « chủ quyền Trung Quốc » sẽ được luật pháp bảo vệ, cả những nơi đang tranh chấp. Theo luật mới, « có hiệu lực » từ tháng 8/2016, thẩm quyền của Toà án Tối cao Trung Quốc bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục điạ và « mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc ».
Theo ông Chu Cường, mọi « công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ bị truy tố ra toà án Trung Quốc ».
AP nhắc lại Trung Quốc đã tự tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, cũng như một phần lớn biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản.
Năm 2016, Bắc Kinh đã bác bỏ một phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau vụ này, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã diễn giải lại chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Quân đội gia tăng hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, củng cố các đảo nhân tạo thành pháo đài. Lệnh cấm đánh cá bốn tháng mỗi năm (từ tháng 5 đến tháng 8) tiếp tục được ban hành, viện cớ để truy đuổi ngư dân Việt Nam và Philippines.
Thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc có toàn quyền quyết định làm gì thì làm trên đảo « Hoàng Nham », tức Scarborough. Sở dĩ Bắc Kinh lớn tiếng là vì trước đó Manila tiết lộ với báo chí là Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc không được đòi hỏi chủ quyền ở Scarborough.

Việt Nam 1967: Ai chỉ đạo cuộc chiến ở miền Bắc?

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Nguồn: Lien-Hang Nguyen, “Who Called the Shots in Hanoi?”, The New York Times, 14/02/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Xem thêm:


Bất kỳ câu chuyện nào về chiến sự trong Chiến tranh Việt Nam cũng đều nói rằng Mỹ đã phải chiến đấu với một “kẻ thù khó nắm bắt”: những toán lính du kích bất ngờ tấn công rồi nhanh chóng biến mất; hay các tư lệnh tiểu đoàn nhất định không chịu đánh công khai. Tuy nhiên, câu nói sáo rỗng ấy có nhiều ý nghĩa hơn những gì hầu hết chúng ta nghĩ. Thậm chí đến tận năm 1967, quân đội, tình báo và các lãnh đạo dân sự Mỹ vẫn hoàn toàn không biết ai mới thực sự là người ra quyết định tại Hà Nội.
Ai lãnh đạo Bắc Việt Nam?
Ở một mức độ nào đó, đây là những gì chính quyền miền Bắc mong muốn – một ấn tượng rằng mọi quyết định đều là tập thể, dù vẫn có bàn tay dẫn dắt nhẹ nhàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nhầm lẫn của người Mỹ, dù không cố ý, nhưng cũng phản ánh thực tế là chính trị miền Bắc còn lộn xộn và chia rẽ, một trong những thực tế mà tới nay các nhà sử học mới hiểu được phần nào.
Nhờ có quá trình giải mật hồ sơ lịch sử lúc chậm lúc nhanh, các ấn phẩm hồi ký và lịch sử “không chính thức”, việc lan truyền các bức “thư ngỏ” của các cựu lãnh đạo bất mãn, cùng những nghiên cứu, phân tích cẩn thận và tỉ mỉ từ các chuyên gia Việt Nam, bây giờ chúng ta đã có thể hiểu sâu hơn về việc ai là lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội và làm thế nào mà ông ta đạt được vị trí đó.
Trong cuộc chiến, các chuyên gia tình báo Mỹ cứ quanh quẩn trong một danh sách dài những nhân vật tình nghi. Đôi khi các báo cáo và phân tích tình báo chỉ ra rằng toàn bộ 11 thành viên của Bộ Chính trị là những người lãnh đạo thực sự của Đảng Lao động Việt Nam.
Lựa chọn rõ ràng nhất, đồng thời là cái tên luôn được báo chí mô tả là lãnh đạo miền Bắc, chính là Hồ Chí Minh, vị cha già mà chuyến đi tìm đường cứu nước cùng sự nghiệp chống thực dân lừng lẫy đã khiến ông trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới. Một ứng viên khác là Võ Nguyên Giáp, vị tướng có công đánh tan quân Pháp mạnh hơn nhiều lần một cách ngoạn mục tại Điện Biên Phủ. Thậm chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại đàm phán Geneva năm 1954, cũng từng được nêu tên như là “bộ não” thực sự đằng sau cuộc chiến của Hà Nội.
Thực ra câu trả lời không nằm trong số những người này. Lãnh đạo thực sự là Lê Văn Nhuận, người sau này lấy tên là Lê Duẩn, một quan chức đảng không mấy nổi bật, với xuất thân khiêm tốn từ một làng quê miền Trung Việt Nam.
Sự trỗi dậy của Lê Duẩn
Gần như không nằm trong tầm ngắm của tình báo Mỹ, nhưng Lê Duẩn đã cai trị đảng bằng bàn tay sắt từ cuối những năm 1950 cho đến khi ông qua đời vào năm 1986. Từ xưa tới nay, chưa có bất kỳ Tổng Bí thư nào có thể nắm giữ quyền lực được lâu như vậy. Thế nhưng người nước ngoài lại biết rất ít về Lê Duẩn, cũng như làm thế nào mà ông đã đánh bại được quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Sinh năm 1907, Lê Duẩn là một trong năm người con của một gia đình nông dân nghèo ở làng Bích La, tỉnh Quảng Trị. Ông đã chứng kiến sự chuyển đổi của đất nước mình dưới ách áp bức và bóc lột của thực dân Pháp. Ban đầu, ông nối nghiệp cha trở thành một nhân viên đường sắt. Nhưng sau đó, bị cuốn vào phong trào chống thực dân của nhiều thanh niên cùng thế hệ, chàng trai Lê Duẩn 21 tuổi đã chuyển đến sống tại Hà Nội cùng với cô dâu mới là Lê Thị Sương. Tại đây, ngay tại trung tâm quyền lực của người Pháp, Lê Duẩn đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và giành được một ghế trong Ủy ban Giáo dục và Đào tạo nhờ công việc ngành đường sắt của mình.
Nhưng phải đến lúc vào nhà tù thuộc địa thì ông Duẩn mới giành được uy tín cách mạng thực sự của mình. Các tù nhân thường xuyên bị cai ngục người Pháp đánh đập, nhưng họ đã trở nên cấp tiến hơn nhờ được củng cố ý thức hệ và cùng nhau tái xây dựng mạng lưới đảng khi bị nhốt chung trong những buồng giam chật chội. Lê Duẩn đã bị giam trong các nhà tù thực dân không chỉ một, mà là hai lần (năm 1931 và năm 1945.) Khi ông được thả sau lần bị giam thứ hai vào năm 1945, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Thế chiến II đã kết thúc, và nhìn từ bề ngoài thì người Pháp cũng như người Nhật đều đã bại trận. Quan trọng nhất, Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo giàu sức lôi cuốn, đã tuyên bố nền độc lập của Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 02/09/1945.
Tuy nhiên, những ngày sau độc lập đối với Lê Duẩn và Việt Nam là quãng thời gian thử thách. Người Pháp không có ý định để cho đế chế của họ tan rã mà không chiến đấu, và Lê Duẩn hiểu rằng việc khẳng định bản thân trong chính phủ mới là một thách thức. Hy vọng được trở thành bộ trưởng quốc phòng, nhưng ông đã thua Tướng Giáp, người thân thiết hơn với Hồ Chí Minh. Thất bại năm 1945 này có thể là một nguyên nhân khiến Lê Duẩn luôn khinh thường Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh.
Thay vì ở lại Hà Nội làm một ủy viên Bộ Chính trị và giữ một chức bộ trưởng thoải mái nào đó, Lê Duẩn lại phụ trách hoạt động của Đảng ở một nơi có thể được gọi là “miền Nam hoang dã” (Wild South.) Ông đến Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà quyền lực của đảng còn rất yếu so với ở miền Bắc. Không chỉ có người Pháp mong muốn chiếm lại phần phía nam thuộc địa cũ của họ, mà các lực lượng bán quân sự của Phật giáo và các nhóm giang hồ người Hoa ở Chợ Lớn cũng đang kiểm soát tất cả các phần quan trọng của khu vực.
Mối quan hệ với Lê Đức Thọ
Lê Duẩn sẽ không đơn độc trong nhiệm vụ giúp Đảng kiểm soát miền Nam. Năm 1948, Lê Đức Thọ xuất hiện và trở thành ‘phó tướng’ của ông. Là một nhà cách mạng đáng nể từ miền Bắc, người đã thăng tiến trong Đảng qua nhiều năm gian khổ ở nhà tù thực dân, Lê Đức Thọ đã hình thành một mối quan hệ mạnh mẽ với Lê Duẩn, cùng tiêu diệt các đối thủ chính trị và kẻ thù.
Hoạt động của Lê Duẩn ở miền Nam cũng như mối liên hệ với Lê Đức Thọ là những yếu tố quan trọng giúp ông vươn lên trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu và ảnh hưởng tới chính sách của ông trên cương vị đó. Năm 1954, đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng bị chia tách. Ông Thọ tập kết ra miền Bắc, còn ông Duẩn bí mật trở lại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông đã chứng kiến Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm tàn sát quân kháng chiến, và lời hứa hẹn về một đất nước thống nhất cứ ngày một xa vời.
Trở về Hà Nội, Lê Duẩn nhận thấy Đảng đang bị bao vây bởi những khó khăn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Khi có thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo Đảng cộng sản, thời gian của Lê Duẩn ở miền Nam đã được đền đáp: Ông là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất không có liên quan đến chính sách thất bại của Đảng ở miền Bắc (chỉ cải cách ruộng đất – NBT). Sau khi Tổng Bí thư đương nhiệm Trường Chinh từ chức, Lê Duẩn đã lên thay và tiếp quản việc điều hành Đảng Lao động Việt Nam.
Được Lê Đức Thọ ủng hộ, Lê Duẩn đã quyết tâm xây dựng một nhà nước cảnh sát mạnh mẽ ở miền Bắc để chuẩn bị cho chiến tranh toàn diện ở miền Nam. Các lãnh đạo chính thức khác, như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, muốn kết hợp chính trị và quân sự, nhưng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cho rằng thống nhất đất nước dưới sự bảo trợ của đảng chỉ có thể được thực hiện bằng cách leo thang quân sự bởi lực lượng nổi dậy ở miền Nam.
Chiến lược của Lê Duẩn
Họ mở màn chiến dịch vào cuối năm 1963, sau khi cả Ngô Đình Diệm và John F. Kennedy đều bị ám sát. Nhận thấy cơ hội giành chiến thắng nhanh chóng khi miền Nam đang thiếu lãnh đạo, Lê Duẩn đã thuyết phục các quan chức Đảng sử dụng toàn lực để giành chiến thắng bằng một kế hoạch táo bạo mà ông gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy.”
Đó thực là một canh bạc. Năm 1964, khi Lê Duẩn bắt đầu phát triển kế hoạch của mình, lực lượng của phe cộng sản chưa đủ mạnh để tiêu diệt quân đội miền Nam và do đó phải kích động người dân đứng lên – tiến công và nổi dậy – dù cho khả năng lãnh đạo dân sự – quân sự ở miền Nam lúc đó tương đối yếu. Nhưng ông Duẩn đã kiên nhẫn. Gửi binh lính và trang thiết bị từ miền Bắc qua các tuyến đường biển và đường bộ rất mất thời gian, nhưng cuối cùng Lê Duẩn vẫn làm thay đổi được tình trạng chiến sự phía dưới vĩ tuyến 17, từ chiến tranh du kích tiến hành bởi lực lượng nổi dậy miền Nam thành một cuộc nội chiến toàn diện có sự tham gia của quân đội chính quy miền Bắc.
Tính đến mùa thu năm 1964, vị Tổng Bí thư đã hoàn tất “Kế hoạch X”, giai đoạn cuối cùng trong ván cược giành chiến thắng của ông – bao gồm một cuộc tấn công đầy tham vọng nhắm vào Sài Gòn. Cho các đơn vị lính đặc công trang bị vũ khí hạng nặng đến trấn giữ các mục tiêu chủ chốt, còn quân cách mạng thì đóng rải rác khắp Sài Gòn sẽ kích động nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền khỏi tay “chế độ bù nhìn” đang sụp đổ. Kế hoạch đã được tính toán rất kỹ càng, năm tiểu đoàn sẽ đóng tại năm hướng trong khu vực ngoại ô thành phố nhằm cách ly vùng trung tâm thành phố khỏi lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa còn lại cho đến khi lực lượng chủ chốt có thể tiến đến.
Sự xuất hiện của quân đội Mỹ vào năm 1965 đã làm thay đổi việc đánh nhanh thắng nhanh với “Kế hoạch X”, nhưng vị Tổng Bí thư vẫn kiên trì. Luôn tin rằng nếu quay trở lại lối đánh du kích nặng về phòng thủ sẽ làm suy yếu tinh thần của lực lượng cộng sản, Lê Duẩn ra lệnh duy trì thế chủ động và khởi động các trận đánh lớn. Tuy nhiên, chiến lược tấn công này gặp phải sự chống trả sâu rộng của Mỹ ở vùng nông thôn miền Nam trong năm 1966 và đầu năm 1967, khiến sự điều khiển chiến tranh của Lê Duẩn đã bị chỉ trích nặng nề tại Hà Nội.
Quyền kiểm soát của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ở miền Bắc cũng như nỗ lực chiến tranh bất ngờ gặp phải nguy hiểm. Trước khi cả hai có thể tiến  hành một phiên bản nâng cấp của “Kế hoạch X” – theo đó sẽ tấn công không chỉ Sài Gòn mà còn tất cả các thành phố và thị xã trên khắp miền Nam Việt Nam – họ phải đập tan những lời chỉ trích và lấy lại quyền kiểm soát ở Hà Nội. Năm 1967, trong khi người Mỹ ném bom, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng bắt đầu một cuộc chiến chính trị khốc liệt ở Hà Nội, điều cuối cùng trở thành một cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – và tạo tiền đề cho những gì họ dự định sẽ là chiến dịch đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam.
Lien-Hang Nguyen là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Columbia và là tác giả của cuốn sách sắp được phát hành “Tet 1968: The Battles That Changed the Vietnam War and the Global Cold War.” 
Các tiêu đề phụ trong bài do Nghiencuuquocte.org tự đặt. 
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/14/viet-nam-1967-ai-chi-dao-cuoc-chien-tranh-mien-bac/#sthash.8Jl3XOOS.dpuf

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

DƯ LUẬN VỀ CHUYỆN BỘ VĂN HÓA ĐỀ NGHỊ DƯNG QUÁI THÚ ĐẢO ĐẦU LÂU TẠI HỒ GƯƠM ĐỂ "PHÒ" ÔNG ĐẠO DIỄN MỸ ?

Hà Nội chưa đồng ý dựng mô hình giới thiệu phim Kong tại Hồ Gươm


N.Huyền



Trao đổi với phóng viên Infonet, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết đã nhận được chỉ đạo về việc dựng mô hình giới thiệu phim Kong: Skull Island quay tại Việt Nam.
GĐ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động
Theo đó, Bộ Văn hóa cho rằng  nhằm tận dụng sức ảnh hưởng dự án phim có mức đầu tư cao, có bối cảnh chính quay tại Việt Nam và được công chúng toàn cầu chờ đợi, Bộ phối hợp với Công ty phát hành tổ chức một loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.
Trong đó, Bộ Văn hóa đề nghị Hà Nội tạo điều kiện dựng phối cảnh 3D bộ phim tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm, để người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm. Du khách cũng có thể trải nghiệm những công nghệ chụp ảnh mới với mô hình và các trò chơi như công nghệ chụp ảnh ảo, vẽ hình logo phim, hỏi đáp vui... Các tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam và Hà Nội sẽ được đặt tại khu vực này. Thời gian dựng mô hình từ tháng 3 đến ngày 5/4/2017.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thì di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013. Theo quy định,  những di tích quốc gia đặc biệt không tổ chức các hoạt động mang tính chất quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… Hơn nữa đây cũng là khu vực nhạy cảm nên phía Sở đang xem xét chứ chưa thống nhất chọn Hoàn Kiếm để xây dựng mô hình như phía Bộ cũng như công ty tổ chức sự kiện đề xuất.
“Hiện Sở đang cho anh em nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận, làm đúng quy trình", ông Tô Văn Động nói. Trả lời câu hỏi, nếu Hoàn Kiếm không được phép tổ chức những hoạt động có tính chất quảng cáo  thì phía Sở có nghiên cứu giới thiệu thêm địa điểm nào khác hay không? Ông Tô Văn Động khẳng định “Sở không phải không cho phép mà là đang xem xét. Phía Sở cũng chưa có ý định giới thiệu các điểm khác để dựng mô hình giới thiệu phim Kong này”.
“Kong: Đảo sọ người” do hãng Legendary Pictures sản xuất với kinh phí ước 190 triệu USD; hãng Warner Bros Pictures đảm nhận phát hành, chính thức công chiếu vào ngày 10/3 tại Mỹ và trên 40 quốc gia trên toàn thế giới. Phim được nhượng quyền thương mại từ King Kong và là phần thứ hai trong những bộ phim huyền thoại về Godzilla-Kong.

Nhiều ý kiến phản đối gay gắt việc dựng mô hình phim Kong ở Hồ Gươm


VOV.VN - “Từ ý tưởng xây Đại lộ danh vọng đến đề xuất dựng mô hình 3D khỉ Kong ở Hồ Gươm, với những người yêu Hà Nội chân chính, đó là một nỗi buồn".

Ngày 3/3 vừa qua, Bộ VHTT&DL đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc dựng mô hình giới thiệu phim "Kong: Skull Island" để quảng bá du lịch.
Công văn nêu rõ: “Sẽ dựng phối cảnh 3D cảnh bộ phim tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm đế người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm và trải nghiệm những công nghệ chụp ảnh mới vói mô hình và các trò chơi thú vị. Tại điểm này, có đặt bàn tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam và giới thiệu du lịch Hà Nội (do Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ cung cấp nội dung về Hà Nội). Thời gian thực hiện từ ngày 05/3/2017 đến ngày 05/4/2017. Địa điếm đề xuất là khu vực Tượng đài Cảm tử cho Tố quốc quyết sinh (phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm)”.
nhieu y kien phan doi gay gat viec dung mo hinh phim kong o ho guom  hinh 1
Hồ Gươm, Hà Nội
Đề xuất này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận và gây tranh cãi. Trước đó, công trình khách sạn 6 sao Four Seasons Hotel Hanoi đã phải vượt qua rất nhiều tranh cãi mới có thể đi vào khởi công. Cách đây không lâu, ý tưởng xây dựng “tuyến đường ghi danh” tại Hồ Gươm, tương tự mô hình “đại lộ danh vọng” ở Mỹ của một đơn vị xây dựng đồ án quy hoạch đã nhận nhiều lời chê từ các chuyên gia văn hoá đến dư luận.
Có thể thấy, mỗi một lần Hồ Gươm được nhắc tới trong bất cứ sự kiện, công trình kiến trúc hay động thái nào đều hết sức nhạy cảm bởi địa danh này không chỉ là công trình kiến trúc, di sản văn hoá mà còn là “trái tim” của cả nước. Bản thân những ý tưởng là không tồi nhưng đặt trong không gian nào, có phù hợp hay chưa là điều cần hết sức cân nhắc. Bởi bất cứ sự thất bại nào trong không gian văn hoá đặc thù này đều phải trả một cái giá rất đắt.
nhieu y kien phan doi gay gat viec dung mo hinh phim kong o ho guom  hinh 2
Hình ảnh khỉ Kong trong phim
Về đề xuất của Bộ VHTT&DL, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội cho rằng: “Khu vực xung quanh hồ Gươm là không gian công cộng văn hoá truyền thống, mang đậm dấu ấn của người Hà Nội. Ngay cả thời kỳ chiến tranh, người Pháp họ cũng không làm biến đổi cảnh quan. Vì vậy, bất cứ một động thái nào ở khu vực này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng sao cho phù hợp với không gian kiến trúc - một di sản cấp quốc gia đặc biệt. Có thể xem xét dựng mô hình 3D khỉ Kong ở những vị trí khác như gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Nhà Hát Lớn. Tôi cho rằng nếu dựng thì cần phải hết sức cân nhắc thật kỹ vị trí và thời gian đặt mô hình”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả tiểu thuyết Quyên, thì cương quyết phản đối ý tưởng này. "Đất Hồ Gươm là nơi quần thể văn hóa thiêng liêng. Chính thế, thời Nguyễn, Vua đã lệnh cho Nguyễn Siêu quy hoạch, tạo nên quần thể văn hóa Hồ Gươm bây giờ. Nơi đây không thể tùy tiện bầy biện. Nay lại mang quái thú ngoại lai làm ô uế chốn tôn nghiêm. Như thế là không hiểu văn hóa Hà Nội'- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
 GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hoá cho rằng đề xuất dựng tượng 3D khỉ Kong cạnh khu vực Tượng đài Cảm tử cho Tố quốc quyết sinh trên phố Đinh Tiên Hoàng là hoàn toàn không phù hợp. “Đành rằng “Kong – Skull Island” là bộ phim có tác dụng quảng bá du lịch Việt Nam nhưng Hồ Gươm là địa điểm hết sức nhạy cảm và là một trong những bộ mặt văn hoá của dân tộc, của đất nước. “Kong – Skull Island” chỉ nên dừng lại ở một bộ phim mà thôi. Văn hoá của mình khác, không thể cái gì cũng bê về được kể cả là trong thời kỳ hội nhập. Những ý tưởng như làm “đại lộ danh vọng” trước đây rồi đến dựng mô hình 3D khỉ Kong ở Hồ Gươm, tôi nghĩ với những người yêu Hà Nội chân chính, đó là một nỗi buồn”, GS-TS Trần Lâm Biền nêu ý kiến./.


Tố Uyên/VOV.VN