Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Dân Việt: Ai đã tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn?

Lương Kết Thứ Bảy, ngày 17/09/2016 09:00 AM (GMT+7)
ai da tiep tay cho trinh xuan thanh bo tron? hinh anh 1
Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh khiến nhiều người liên tưởng tới vụ án Dương Chí Dũng cách đây 3 năm.
Để xảy ra việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trong bối cảnh sắp bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, phải chăng có sự tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh? Bởi nếu làm một cách chặt chẽ, khó có chuyện Trịnh Xuân Thanh "đi đâu không rõ". Khi Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an phát lệnh truy nã, nhiều người đã liên tưởng đến vụ án Dương Chí Dũng cách đây vài năm. 

Điểm giống nhau của hai nhân vật này là khi Lệnh khởi tố và bắt tạm giam được đưa ra thì họ đã cao chạy xa bay.

Nhớ lại vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines mà Dân Việt từng phản ánh (Hành trình bỏ trốn của Dương Chí Dũng) giống như thước phim hành động ly kỳ.

Như lời khai của Dương Chí Dũng, sau khi nhận được tin "mật báo" của một "ông anh" ở Bộ Công an, ông Dũng đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng. Ông Trọng lúc đó đang là đại tá, Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng đã đứng ra tổ chức và nhờ các thuộc cấp thân tín cùng một số anh em ngoài xã hội, trong đó có cả giang hồ giúp cho Dũng vượt biên.

Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh khiến nhiều người liên tưởng tới vụ án Dương Chí Dũng cách đây 3 năm.

Dương Chí Dũng đã vượt biên trót lọt, tuy nhiên do không nhập cảnh được vào Mỹ vì có lệnh truy nã quốc tế nên đành quay về Campuchia và bị bắt sau 4 tháng lẩn trốn ở nước ngoài.

Đối với Dũng, sau khi lên chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, việc bị cơ quan tố tụng "sờ gáy" vì những sai phạm thời còn làm lãnh đạo ở Vinalines với ông ta khá đường đột. Chính vì thế Dương Chí Dũng cần được "một ông anh" mật báo để chạy trốn.

Đối với Trịnh Xuân Thanh, việc trượt dốc trên con đường sự nghiệp khác hẳn với Dương Chí Dũng. Bắt đầu từ sai phạm đi xe tư nhưng dùng biển số công, ông Thanh bị báo chí khui rõ, mổ xẻ kỹ càng trách nhiệm thời còn làm lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, đến khi xin chuyển về tỉnh Hậu Giang làm Phó chủ tịch tỉnh này.

Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Sau khi Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng ra kết luận lần thứ nhất, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu Quốc hội (ông Thanh trúng cử ở Hậu Giang).

Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng Bí thư tiếp tục chỉ đạo làm rõ hơn nữa. Trong 4 nội dung công việc được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ, có nội dung đáng chú lý là: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở PVC thời ông Thanh còn làm lãnh đạo.

Có lẽ ông Thanh cũng sớm đoán trước về kết cục của mình. Dấu hiệu "lánh đi đâu đó" của ông Thanh bộc lộ khá rõ khi xin ra nước ngoài trị bệnh. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, Tỉnh ủy không đồng ý với đề nghị của ông Thanh vì thời điểm không phù hợp. Thế nhưng sau đó ông Thanh đã bặt vô âm tín.

Đến nay, việc ông Thanh đang ở đâu vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên trong những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện những bằng chứng cho thấy Thanh đang ở nước ngoài dù không được Tỉnh ủy Hậu Giang, cơ quan trực tiếp quản lý ông cho phép.

Như lời thiếu tướng Lê Xuân Viên – Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) khi trả lời báo chí, ông chưa nhận được thông báo về việc cấm xuất nhập cảnh đối với ông Thanh.

Còn Thiếu tướng Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh Cửa khẩu (Bộ Công an) - đơn vị trực tiếp phụ trách việc xuất nhập cảnh - cũng xác nhận điều này.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã có phân tích rất đáng chú ý: Tại khoản 1, Điều 21 nghị định 136/2007 của Chính phủ quy định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu rõ: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”.

Có thể thấy từ chỉ đạo của Tổng Bí thư và kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ, kết luận của Thanh tra Chính phủ thì ông Thanh là người đang “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Tại sao trong bối cảnh như vậy ông Thanh lại "mất tích" cách khó hiểu như vậy?

Có lẽ trước khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, việc cần làm trước mắt là xem xét trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân đã không giám sát chặt chẽ hoặc có biện pháp ngăn chặn kịp thời để Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn giữa lúc cơ quan tố tụng đang vào cuộc, làm rõ trách nhiệm.

Để xảy ra việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trong bối cảnh sắp bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, phải chăng có sự tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh? Bởi nếu làm một cách chặt chẽ, khó có chuyện Trịnh Xuân Thanh "đi đâu không rõ".

Nếu vấn đề này không được sớm làm rõ, dư luận sẽ có nhiều băn khoăn, suy nghĩ trái chiều, thậm chí ít nhiều suy giảm niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện một cách quyết liệt và triệt để.

Lương Kết



(Dân Việt)

Không có nhận xét nào: