1 Comment
Duy Vũ
1. Sự suy diễn không thực tế và không logic về cái gọi là sự chuyển hóa từ “dân chủ” thành “đảng chủ”.
Trong bài viết “Khi thành quả cách mạng bị “biến hóa””, ông Phạm Viết Đào đã đưa ra những luận giải để đưa ra kết luận mang quan điểm cá nhân của ông rằng: “Tóm lại, hệ điều hành quản trị của bộ máy nhà nước Việt Nam từ tiền khởi văn bản Hiến pháp 1946, thành quả của Cách mạng tháng 8 tới Hiến pháp 2013 đã chuyển hoá từ dân chủ sang “Đảng chủ””.
Đây thực sự là một quan điểm cá nhân hết sức phiến diện và áp đặt. Bởi lẽ, “nền tảng dân chủ” mà Hiến pháp năm 1946 là dùng để khẳng định chế độ chính trị xã hội mà nhân dân ta xây dựng khi đó là chế độ dân chủ, một chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ đối lập hoàn toàn với chế độ “quân chủ” do vua chúa phong kiến làm chủ trước cách mạng ( cụ thể là vua Bảo Đại).
Ông Phạm Viết Đào có lẽ không hiểu được ý nghĩa của việc Hiến pháp năm 1946 khẳng định việc xây dựng chế độ dân chủ, hay việc “… kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”, là sự khẳng định vĩnh viễn chấm dứt chế độ quân chủ ở nước ta, để xây dựng chế độ chính trị xã hội mới tiến bộ hơn – chế độ dân chủ cộng hòa.
Mục tiêu “dân chủ”, “nền tảng dân chủ” vẫn được kế thừa phát triển khẳng định qua các bản hiến pháp ban hành các năm 1959, 1982, 2013, không hề có sự gạt bỏ “nền tảng dân chủ” như ông Phạm Viết Đào nói. Chỉ có sự cụ thể hóa, phát triển về nền tảng dân chủ theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn hai cuộc kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước về sau này. Dân chủ được khẳng định vừa là mục tiêu, vừa là động lực chủ yếu, nền tảng cơ bản trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mãi mãi về sau.
Mối quan hệ giữa việc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, với việc làm chủ của Nhân dân cũng là để phát huy dân chủ cao hơn nữa, Nhân dân vẫn là chủ, Đảng giữ vai trò lãnh đạo không thể gọi là “Đảng chủ”.
Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều hành đất nước, tại sao ông Phạm Viết Đào không nói là “Nhà nước chủ”!? Thật sự cách mà ông Đào suy diễn thật phiến diện, ấu trĩ đến mức lạ thường.
2. Không hề có sự “biến hóa”, xóa bỏ đối với “Quyền tư hữu tài sản” trong tất cả các bản Hiến pháp 1959, 1982, 2013!?
Ông Phạm Viết Đào đưa ra quan điểm: “Trong Hiến pháp 1946 không quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý như các văn bản Hiến pháp 1992, 2013; vào thời điểm 1946, khi 90% dân số Việt Nam là nông dân, quy định như Điều 12 này vô cùng có ý nghĩa với nông dân, lôi kéo người nông dân đi theo, tham gia các cuộc chiến tranh mà họ không tiếc xương máu”.
Suy luận như ông Phạm Viết Đào thì thực sự là kiểu suy diễn hết sức ấu trĩ, khó chấp nhận. Vì lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, nông dân luôn là lực lượng to lớn, chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh giành và giữ độc lập. Ông Đào sẽ nói gì khi trong lịch sử chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở nước ta, ruộng đất vẫn nằm trong tay địa chủ, phong kiến, tại sao nông dân nước ta vẫn kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm?
Nông dân ta nói riêng, nhân dân ta nói chung, đứng lên chiến đấu chống giặc ngoại xâm vì bọn giặc ngoại xâm giết hại nhân dân ta, áp đặt sự thống trị tàn bạo, bóc lột kiệt cùng nhân dân ta,… như Nguyễn Trãi từng tố cáo tội ác của bọn giặc xâm lược nhà Minh đối với nhân dân ta:
“… Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vui con đỏ dưới hầm tại vạ…”
Một điều nực cười nữa là ông Đào nói: “vào thời điểm 1946, khi 90% dân số Việt Nam là nông dân…”. Ở đây, có lẽ ông Đào ngồi “trong phòng lạnh” để suy diễn bừa bãi một điều đơn giản mà đến một học sinh lớp 9 cũng hiểu được rằng, người nông dân năm 1946, mấy ai hiểu được đầy đủ, cặn kẽ những khái niệm như “quyền tư hữu tài sản”, để mà ông Đào suy diễn: “… quy định như Điều 12 này vô cùng có ý nghĩa với nông dân, lôi kéo người nông dân đi theo, tham gia các cuộc chiến tranh mà họ không tiếc xương máu”.
Sự thật cho thấy, “quyền tư hữu tài sản” chính đáng của người dân luôn được tất cả các bản Hiến pháp các năm 1959, 1982, 2013 bảo vệ, không hề có sự “phù phép” hay “biến hóa” gì đối với thành quả này của Cách mạng tháng Tám và Hiến pháp năm 1946, như ông Phạm Viết Đào nói.
Là một “nhà văn” với trình độ hiểu biết về chế độ dân chủ, chế độ quân chủ nói riêng, về chính trị – xã hội nói chung ở mức độ “sơ khởi” như vậy, có lẽ ông Đào nên tập trung vào việc luyện tập nâng cao “bút pháp” và “đạo pháp” trên con đường “văn học” theo cách của ông; đừng nên đi suy diễn tùy tiện và đi “làm chính trị” vì đó không phải là “sở trường” hay “sở đoản” gì của ông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét