Nghi án đạo luận văn tiến sỹ của
nhà sư
Từ
những bản tóm tắt luận án này (dài 24 trang, mức tối đa theo qui định), nghiên
cứu sinh Dương Tú, người đang theo học tiến sỹ tại Đại học KU Leuven (Bỉ) đã
thử kiểm tra bằng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin và máy cho kết quả như
sau:
Bản
tóm tắt luận án tiến sỹ (LATS) của NCS Nguyễn Thúy Thơm (Thích Minh Thịnh) với
đề tài “Vai trò của Phật giáo trong tín ngưỡng của người Việt (qua thời Trần)”
có chỉ số giống với các tài liệu khác là 34%, trong đó giống tài liệu lấy từ
internet là 33%, tài liệu xuất bản 1%, khóa luận của sinh viên 3%.
Bản
tóm tắt LATS của NCS Phan Nhật Trinh (Thích Nguyên Hạnh) với đề tài “Sự dung
hợp Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện nay” có chỉ
số giống tài liệu khác là 47%, trong đó nguồn internet 47%, tài liệu xuất bản
1%, khóa luận sinh viên 6%. Bản tóm tắt LATS của NCS Phan Thị Kim (Thích Đàm
Kiên) với đề tài “Đạo đức Phật giáo đối với đạo đức người dân quận Long
Biên, Hà Nội” có tỉ lệ 57%, trong đó nguồn internet 57%, tài liệu xuất bản 2%,
khóa luận sinh viên 8%.
Bản
tóm tắt LATS của NCS Phan Thị Lan ( Thích Đàm Lan) với đề tài “Đạo đức Phật
giáo đối với văn hóa đạo đức người dân quận Long Biên, Hà Nội” có chỉ số giống
nhau 52%, trong đó nguồn Internet 52%, tài liệu xuất bản 6%, khóa luận
sinh viên 6%.
Bản
tóm tắt LATS của NCS Vũ Đức Chính (Thích Thanh Nhiễu) với đề tài “Sự hội nhập
của Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện
nay” có chỉ số giống nhau 42%, trong đó nguồn Internet 42%, tài liệu xuất bản
2%, khóa luận sinh viên 7%.
Trong
số những kết quả nêu trên, bản tóm tắt luận án tiến sỹ của NCS Phan Thị
Kim được cho là khá nhiều nội dung (57%) được Turnitin xác định là trùng
lặp với tài liệu trong cơ sở dữ liệu của Turnitin. NCS Dương Tú đã tìm hiểu sự
giống nhau đó và chỉ ra 5 ví dụ được cho là có tỉ lệ giống nhau nhiều
nhất, dài nhất. Chúng tôi xin trích ra 2 ví dụ trong số đó.
1.
Gần như toàn bộ nội dung từ giữa trang 6 đến gần hết trang 7 (hơn 550 từ) sao
chép gần nguyên văn từ luận văn “Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối
sống của người Việt Nam hiện nay” (trang 8 đến trang 10, không rõ tác giả) đăng
trên website của Thư viện Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ. Đoạn này liệt kê
các công trình nghiên cứu Phật Giáo Việt Nam.
2.
Toàn bộ mục “2.1.2. Cơ sở văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo” (hơn 250 từ, trang 13)
chép nguyên văn từ mục “2.1.4. Tài nguyên du lịch nhân văn“, khóa luận tốt
nghiệp năm 2013 (trang 26) của sinh viên Ngô Thị Hằng, Trường Đại học Dân lập
Hải Phòng đăng trên website của trường tại địa chỉ http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/17042.
Các
bản tóm tắt của 4 luận án tiến sỹ còn lại, phần mềm Turnitin cũng đều ghi nhận
được những đoạn dài trên 100 từ giống với các tài liệu khác. Chẳng hạn,
đoạn cuối trang 8, đầu trang 9 (hơn 130 từ) trong bản tóm tắt luận án của NCS
Phan Thị Lan sao chép từ sách “Xây dựng văn hóa đạo đức, lối sống của người
Việt Nam”/GS.TS. Trần Văn Bính. - Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 2011. - 439 tr; 21
cm:http://www.thuvienbinhduong.org.vn/?ArticleId=b8b6bea6-ed32-4fb5-8687-602ea8d50606.
NCS
Dương Tú đưa ra hồ nghi, việc kiểm tra sơ bộ bản tóm tắt luận án tiến sĩ của
nghiên cứu sinh Phan Thị Kim đã thấy khá nhiều nội dung sao chép nguyên văn từ
các nguồn khác. Liệu toàn bộ luận án kia còn nhiều nội dung được sao chép nhiều
và dài đến vậy hay không và có dẫn nguồn không? Kể cả việc trích dẫn nguồn dài
đến vậy thì có chấp nhận được không? Có phù hợp với thông lệ quốc tế không?
Theo Dương Tú, cần phải xem bản đầy đủ của luận án thì mới có thể kết luận
chuẩn xác được, nhưng ngay cả khi có trích dẫn thì việc giống cả đoạn hàng trăm
từ như thế này cũng không ổn.
NCS
Dương Tú trao đổi thêm: “Khi trình bày phần tổng quan, nghiên cứu sinh cần tóm
tắt, phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án
của các tác giả khác đã được công bố theo nhận thức của mình. Ví dụ 1 kể trên
là chương tổng quan của NCS Phan Thị Kim chỉ đơn giản là liệt kê TÊN của các
nghiên cứu và TÊN tác giả thì ít có giá trị khoa học”.
Đặc
biệt, ở luận án của NCS Phan Thị Kim thì ví dụ số 2 (nêu trên) lại có dấu hiệu
sao chép từ một khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đại học.
Mỹ:
1% đạo văn thì cũng là đạo văn, còn Việt Nam?
Đem
thắc mắc về nghi án đạo văn kể trên hỏi PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu
trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi 5 NCS theo học và bảo
vệ luận án tiến sỹ. Ông cho biết: “Tôi có biết phần mềm kiểm tra Turnitin, tuy
nhiên nhà trường chưa áp dụng ứng dụng này hoặc bất cứ phần mềm kiểm tra đạo văn
nào khác. Để kết luận những luận án tiến sỹ kia có đạo văn hay không, tôi cho
rằng không thể có kết quả trong một tuần hay một tháng, mà chúng tôi phải thành
lập hội đồng mới có thể đánh giá được”. Ông cũng cho biết thêm, hiện tại nhà
trường đang bận rộn với việc tuyển sinh sau đại học, do đó chưa có thời gian
xem xét vấn đề trên.
TS
Trương Nguyện Thành, một trong những chuyên gia hàng đầu về hóa học tại Mỹ cho
biết, qui định ở các ĐH Mỹ rất khắt khe về đạo văn. 1% đạo văn thì cũng là đạo
văn, có thể bị kỷ luật và bị đuổi khỏi trường.
Tiến
sỹ K, hiện là Viện trưởng một viện nghiên cứu trong nước, đã từng bảo vệ luận
án tiến sỹ tại Nhật Bản năm 2009 cho biết, ở Nhật, khi nộp luận án của mình cho
Thư viện của trường, luận án đó bao giờ cũng được đưa vào máy kiểm tra. Nếu
phát hiện ra là đạo văn, lập tức luận án đó bị hủy ngay.
Một
tiến sỹ hiện đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng,
nói chung những gì liên quan đến viết lách đều nghiêm cấm đạo văn. Ở Việt Nam
chưa có quy định tỷ lệ trích dẫn là bao nhiêu phần trăm. Năm ngoái, một tờ tạp
chí của Viện cũng phải xin lỗi bạn đọc vì trót đăng bài “đạo” tới 80%.
Trường
Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2013 cũng từng có vụ lùm xùm lớn. Đó là vụ thu hồi
bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân
hàng, thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân sau 10 năm bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vì
đã “đạo văn” hơn 30% luận án tiến sỹ của người khác.
TS
kinh tế học Trần Vinh Dự, đã từng bảo vệ luận án tiến sỹ tại Mỹ cho biết, trong
lĩnh vực kinh tế thì việc viết bản tóm tắt khá ngắn gọn, chỉ vài trăm chữ là
cùng để nói lên cái tinh thần của luận văn mình. Vì thế, trong phần tóm tắt
luận văn, chẳng ai dẫn nguồn của người khác, mà NCS phải thể hiện bằng ngôn ngữ
của mình. Hiện nay, trường cao đẳng nghề Việt - Mỹ tại TPHCM, nơi TS Trần Vinh
Dự là Chủ tịch, đã mua phần mềm kiểm tra đạo văn. Tất cả các bài luận của sinh
viên đều được kiểm tra bằng thiết bị này. Ông nói: “Thế giới đã có cơ sở dữ
liệu data base khổng lồ từ khá lâu. Chỉ cần đưa luận văn vào là có thể kiểm tra
được ngay là có đạo văn hay không và đạo từ đâu, của ai. Đến bậc cao đẳng như
trường tôi còn có máy kiểm tra đạo văn, huống hồ các cơ sở đào tạo tiến sỹ lại
không có phần mềm này thì thật lạc hậu và lỗi thời”.
Turnitin
là một dịch vụ kiểm tra đạo văn được sử dụng phổ biến tại các trường đại học ở
nhiều nước. Phần mềm sẽ so sánh và đưa ra một con số về những đoạn trùng nhau
cùng với nguồn. Đây chưa phải kết luận về đạo văn, mà chỉ là gợi ý giúp người
đánh giá kiểm tra sâu hơn về đạo văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét