(PL)- Đó là trả lời của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen.
Phóng viên: Tại sao ông lại chọn thời điểm nhạy cảm sau sự cố môi trường tại nhà máy thép Formosa để công bố kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná?
+ Ông Lê Phước Vũ: Dự án tổ hợp thép đã được Tập đoàn Hoa Sen khởi động cách đây khoảng một năm, trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường tại Formosa Hà Tĩnh. Trong quá trình đó, chúng tôi đã khảo sát rất nhiều địa điểm khác nhau từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa. Các địa điểm này đều có vị trí gần cảng biển, rất thuận tiện để xây dựng một nhà máy thép. Ban đầu chúng tôi dự tính chọn Dung Quất bởi ở đây đã có mặt bằng sạch, chi phí đầu tư ít hơn. Tuy nhiên, sau này chúng tôi đã chọn khu vực Cà Ná khi đích thân lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vào làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hoa Sen để kêu gọi đầu tư. Ninh Thuận là tỉnh rất khó khăn và họ đang cần một cú hích để đột phá kinh tế cũng như tăng thu ngân sách địa phương.
Khi đến Cà Ná, chúng tôi đã nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng, chính sách thu hút đầu tư của Ninh Thuận rất tốt, thân thiện. Đặc biệt, cảng nước sâu Cà Ná là nơi duy nhất ở Việt Nam có mực nước sâu 20 m tự nhiên, không bị bồi lắng, vùng đất này ít có bão, phù hợp để đặt tổ hợp thép sát biển.
. Để sản xuất 16 triệu tấn thép/năm, chủ đầu tư sẽ lấy nguồn nước ở đâu để đáp ứng công suất của nhà máy bởi Ninh Thuận là vùng khô hạn?
+ Hiện chúng tôi đang trong quá trình thực hiện bước đầu của dự án như lựa chọn nhà thầu, khảo sát dự án; khi chọn được nhà thầu thì mới đưa ra các phương án tính toán về công nghệ, thiết bị,…
. Ai sẽ dám đảm bảo môi trường, đời sống ngư dân, diêm dân, du lịch biển của Ninh Thuận tuyệt đối an toàn khi nhà máy thép được xây dựng tại Cà Ná, thưa ông?
+ Chúng tôi xem sự cố môi trường của Formosa là bài học rất lớn khi cụ thể hóa dự án thép Cà Ná. Trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và báo chí, tôi đã cam kết nếu dự án để xảy ra ô nhiễm môi trường, tôi sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước và đóng cửa nhà máy. Báo chí, Chính phủ cứ ghi âm, ghi hình lại lời hứa này để nếu sau này tôi không giữ lời sẽ đem tôi ra tòa xử. Chúng tôi khẳng định sẽ đặt môi trường lên hàng đầu, sau đó mới nói đến các yếu tố khác.
Dự án của Hoa Sen Group thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong ảnh: Ông Lê Phước Vũ trong vòng vây báo chí tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận ngày 27-8-2016. Ảnh: HOÀNG CÔNG TÂM
Thời gian qua, đa số doanh nghiệp đều xem nhẹ khâu môi trường, kể cả cơ quan quản lý. Qua vụ việc Formosa, chúng ta phải xem lại quy trình giám sát, kiểm tra chéo, thậm chí phải đưa ra hình sự hóa vấn đề môi trường; pháp nhân, cá nhân nào tạo ra ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm.
Có thông tin việc khảo sát dự án này được thực hiện bởi Tập đoàn CISDI Trung Quốc, là tập đoàn đã xây lò thép Formosa?
+ Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đang trong quá trình lựa chọn nhà tư vấn cũng như đang khảo sát dự án. Chúng tôi cũng chưa tiếp xúc với đơn vị tư vấn nào cũng như chưa ký kết với đối tác nào. Những thông tin trên mạng xã hội về dự án không phải là thông tin chính thức từ Hoa Sen và nhiều thông tin không chính xác.
Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có nhiều đối tác từ các nước khác nhau đến làm việc, khảo sát dự án. Mọi việc mới chỉ dừng lại khâu tìm hiểu dự án. Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến thuê chuyên gia môi trường đến từ công ty tư vấn của Mỹ, sau khi chuyên gia đưa ra những tiêu chí rõ ràng thì chúng tôi mới lựa chọn công nghệ và thiết bị.
Môi trường, công nghệ chưa chọn xong thì chưa nói lên điều gì. Chẳng hạn bây giờ tôi nói chọn nhà thầu Ý, Đức nhưng sau này chọn nhà thầu Pháp, Hàn Quốc thì sao. Ngày 6-9, tập đoàn tổ chức đại hội cổ đông để xin ý kiến về dự án này. Khi đó, mọi việc mới được quyết định cụ thể.
Dù chọn nhà thầu nào đi nữa, chúng tôi cam kết sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường. Nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải. Tập đoàn Hoa Sen cam kết không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển.
. Xin cám ơn ông.
“Chưa nhận được văn bản nào từ nhà đầu tư”

Ông Đặng Văn Lợi (ảnh), Cục trưởng Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), cho biết:
“Phải nhìn nhận dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở nhiều khía cạnh, đặc biệt ở khía cạnh có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường. Bộ TN&MT có đầy đủ năng lực, pháp luật, quy định yêu cầu đối với nhà đầu tư buộc phải đưa các công nghệ hiện đại nhất không gây ra nguy hại đối với môi trường, đời sống của người dân địa phương. Nếu việc đánh giá tác động môi trường đạt chuẩn, đồng thời cùng với việc sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại đảm bảo thì mới có thể cho đầu tư được, ngược lại thì không thể tiếp tục dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Cục chưa nhận được bất cứ một văn bản nào từ phía nhà đầu tư gửi đến”.
ĐẶNG TRUNG
NAM GIANG thực hiện
BỘ TRƯỞNG PHẠM KHÔI NGUYÊN QUYẾT CHƠI CANH BẠC BAUXITE TỚI ĐỒNG VỐN NN CUỐI....
Phạm Viết Đào
Thứ hai ngày 1 tháng 6 năm 2009 9:48 PM
BT Phạm Khôi Nguyên quyết chơi canh bạc  bauxite tới đồng vốn NN cuối

Qua phát biểu của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tại diễn đàn Quốc hội, cử tri hiểu được ý chí của ông là quyết theo canh bạc bauxite cho đến đồng vốn cuối cùng của Nhà nước. Đây là một trong những vụ việc hy hữu có sự gắn bó chặt chẽ giữa bên quản lý là Nhà nước với TKV là nhà doanh nghiệp, theo kiểu nhất hô bá ứng.
Chúng tôi gọi đây là canh bạc, mà không ghi nhận đây là một dự án đầu tư kinh doanh khai thác khoáng sản, bởi nếu là dự án phải có phương án kinh doanh được lập đàng hoàng, có báo cáo khả thi, có đánh giá toàn diện xong mới triển khai. Vụ bauxite này, hiệu quả thế nào thì phải làm mới biết – như lời ông Đoàn Văn Kiển. Ông Kiển còn công khai cho biết: đánh quả này thì cũng chỉ đảm bảo là 5 ăn 5 thua!
Đối với bóng đá, khi đã vào vòng bảng, cho dù biết thua cũng phải đá, vì bỏ cuộc sẽ bị phạt. Nhưng trong hoạt động kinh doanh, chẳng ai bỏ vốn ra kinh doanh để mong được hòa hay chịu lỗ. Một phương án kinh doanh khả thi được chấp nhận, thì hiệu quả kinh tế bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó, các vấn đề khác mới tiếp tục bỏ lên bàn cân để cân đo đong đếm, sao cho tất cả đều ổn, mới làm.
Đằng này, ông Kiển làm ăn theo kiểu bác thằng bần! Tim đen của TKV thì hàng trăm bài báo của các nhà khoa học đã vạch và đã chứng minh bằng số liệu hẳn hoi. Thế còn Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, trong vụ này sao lại hăng say làm vậy?
Có các khả năng sau đây:
1/ Ông là người thừa hành. Chính phủ quyết và hô rồi, ông chỉ còn việc vác búa xông lên, không thể nói khác, không thể làm khác. Tình thế của ông lúc này là hô thật to và nướng quân vô tội vạ để bảo toàn ghế cho ông. Quân trong trường hợp này là đồng vốn của Nhà nước, chú thích của tác giả cho rõ nghĩa, chứ không viết kiểu 50/50 như ông Kiển ở TKV! Dư luận không ngạc nhiên khi ông đặt vấn đề yêu cầu TKV tăng vốn đầu tư.
2/ Nếu mất hay lỗ, thì đó là vốn nhà nước chứ ông có bỏ ra đâu mà sợ. Ông không hăng hái xông lên bây giờ có khi ông mất ghế. Ông yêu cầu TKV dốc thêm vốn liếng ra cho ông chơi canh bạc này, để ông được chơi, để ông bảo toàn chiếc ghế nhất thời của ông…
Khốn khổ ở chỗ, vốn liếng của TKV là tiền của dân nhờ ông Nhà nước giữ hộ!
Ông Bộ trưởng Nguyên khẳng định: Nước và bùn thải từ khâu tuyển quặng sẽ được thu hồi, không đổ xuống phía hạ lưu như các nhà khoa học lo lắng. Riêng bùn đỏ, bộ đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) bổ sung thiết kế lớp đáy hồ chứa để chống thẩm thấu và nâng khả năng kháng động đất từ cấp 5 lên cấp 7, bổ sung thiết bị quan trắc tự động...
Thưa ông Phạm Khôi Nguyên, xin ông cho biết giải pháp kháng động đất từ cấp 5 lên cấp 7 cho lớp đáy hồ chứa để chống thẩm thấu thì làm thế nào? Tôi đoán chắc ông cũng không hiểu việc này. Người ta bịp ông, ông đưa ra để thuyết phục Quốc hội ư?
Hiện nay, người ta chỉ mới có giải pháp kháng động đất cho các công trình xây dựng tĩnh, có kết cấu và sàn xây dựng vừa phải. Ví dụ như đập thủy điện Hòa Bình và Sơn La đã được thiết kế để kháng chấn động đất tới cấp 8, chủ yếu là chỗ thân đập. Một số chung cư cao tầng cũng đã được tính kháng chấn tới cấp 6, cấp 7. Đối với đập Thủy điện Hòa Bình và Sơn La, để kháng chấn, người ta phải ép sâu hàng trăm mét cọc bê tông xuống. Còn đối với các khu nhà chung cư cao tầng, để kháng chấn, người ta cũng phải ép cọc bê tông sâu hàng chục mét, sau đó đổ móng bè giằng móng và nhiều thao tác kỹ thuật khác rồi mới xây công trình lên.
Ông đã bị chúng nó lừa rồi, ông Bộ trưởng ơi!
Đối với hồ chứa bùn đỏ rộng hàng trăm ha, ngang với diện tích của cả một quận nội thành, thế mà nói sẽ thiết kế, xây dựng để nó có khả năng kháng chấn cấp 5 tới cấp 7! Có mà nằm mơ.
Tất nhiên, nếu muốn vẫn có thể làm, tức là phải ép cọc bê tông, đổ móng bè... Còn với 60 cm đất sét với một lớp vải chống thấm như TKV trình bày trên VTV, thì xin lỗi, làm sao mà kháng chấn được cấp 5 đến cấp 7? Còn nếu làm đúng quy trình, ép cọc bê tông, đổ giằng móng bè thì giá đầu tư sẽ lên bao nhiêu? Và con số âm lù lù trong bài toán lỗ lãi còn làm sao mà dùng lời lấp liếm cho được? Không đâu! Cùng lắm thì TKV sẽ cho thêm hai lớp vải chống thấm và tăng độ dày của tầng đất sét cho an toàn chứ gì???
Người ta mới dùng đất sét, vải chống thấm mà giá thành theo ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo trước Quốc hội, đã lên tới 362 USD/tấn alumin (nhôm oxit). Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá nhôm trên thị trường hiện nay là 1426 USD/tấn, đồng nghĩa với giá alumin sẽ tương đương là 1426 USD x 14% (lấy cao nhất) = 199,64 USD/tấn, làm tròn số là 200 USD/tấn cho dễ nhớ.
Như vậy, hai công trình Tân Rai và Nhân Cơ, nếu theo tính toán hiện nay, đã lỗ (362 USD – 200 USD) x 1.200.000 tấn/năm = 194,4 triệu USD/năm. Nếu tăng thêm đầu tư và gia cố hồ chống thấm có khả năng chống cả dư chấn động đất như ông Bộ trưởng Nguyên đề nghị, thì lỗ sẽ lớn hơn thế, lớn hơn 194,4 triệu USD/năm!
Người ta bịp Bộ trưởng để ông chiêu an Quốc hội, và cũng là để lừa lấy tiền dân nướng vào canh bạc bauxite mà thôi. Chắc chắn TKV trong thực tế sẽ không làm thêm gì để chống động đất. Nhưng đảm bảo, người ta sẽ quyết toán một lượng tiền ngang với hệ thống chống động đất của đập thủy điện Sơn La, Hòa Bình cho mà xem. Còn thua lỗ bao nhiêu, khai thác bán được bao nhiêu, đã có dân chịu. Dân làm chủ mà! Nhân dân sẽ cố gắng trồng rau, nuôi gà, chăn lợn để góp tiền lại cho các ông chơi canh bạc bauxite.
Về hiệu quả kinh tế, hạn chế tác hại của bùn đỏ, ông Bộ trưởng Nguyên nổ tiếp: Gần đây các nước như Trung Quốc, Brazil hoặc Úc đã nghiên cứu và đã tạo ra công nghệ hoàn toàn sử dụng bùn đỏ để tận thu sắt vì trong bùn đỏ này có tới 45-50% Fe2O3 (ôxit sắt) và những loại khoáng sản khác. Chúng tôi đã cho chạy mô hình và cơ bản đã giải quyết được”.
Cách đây 2 tháng, tôi có dịp lên công tác tại Cao Bằng theo ngả từ Lạng Sơn. Tôi đã chứng kiến cảnh một nhà máy luyện thép đã bỏ ra hàng trăm tỷ xây dựng và mua thiết bị về để đấy không vận hành được. Trong khi đó cách đó không xa, TKV cũng đang ồ ạt triển khai san ủi mặt bằng rộng chừng 30-40 ha để xây dựng một nhà máy luyện thép!
Như chúng ta biết, quặng thép Cao Bằng có hàm lượng thép cao, từ 60-70% và mỏ lại lộ thiên, nhưng ngành luyện thép không đầu tư được. Nguyên nhân nhà máy kia không dám hoạt động là bởi, giá quặng sắt tại Cao Bằng người ta khai thác thổ phỉ bán cho Trung Quốc qua con đường chui đã lên đến 250 USD/tấn. Giá một tấn than cốc là 6,5 triệu đồng/ tấn. Để luyện ra một tấn thép, giá đầu vào riêng hai nguyên liệu chính đã lên trên 10 triệu đồng, chưa kể tiền khấu hao máy móc và nhân công. Một nhà máy không rõ ai đầu tư, đã im ỉm khóa, không dám hoạt động vì lẽ đó.
Anh bạn tôi cho biết, không rõ TKV lại tiếp tục xây nhà máy luyện thép tại Cao Bằng, sẽ tính toán làm ăn như thế nào? Có khả năng sao không mua lại cái nhà máy luyện thép đang luyện muỗi ấy?
Ông Bộ trưởng Nguyên lại tính chuyện luyện thép từ bùn đỏ ư? Ông căn cứ vào dữ liệu từ Pháp và Trung Quốc có hàm lượng từ 45-50% để khẳng định là nên làm theo sẽ có hiệu quả. Trữ lượng thép trong quặng lên tới 60-70% mà làm còn chưa ra ăn, đằng này lấy bùn đỏ ra mà luyện thép, thì chỉ có mà mơ! Sao ông Bộ trưởng Nguyên lại hay nằm mơ thế?
Các ông cứ nhắm mắt làm liều, không chịu tính toán, thậm chí các ông không thèm nghe tính toán. Vì các ông đánh bạc, chứ đâu có kinh doanh. Trong đánh bạc, thành bại ngoài may rủi đỏ đen ra, yếu tố quyết định là: cờ gian, bạc bịp!
Bộ trưởng Nguyên cho biết: Sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để làm sao mô hình Tân Rai và Nhân Cơ sẽ là mô hình thực hiện tốt vấn đề môi trường, để sau này tổng kết đánh giá và nhân rộng.... Cử tri có thể hiểu câu nói này của ông Bộ Trưởng theo ý rằng, cố gắng lừa tốt vụ này để còn làm tiếp vài vụ nữa rồi về hưu là vừa, còn tội vạ đâu có người khác gánh; nhân dân giống như đất rừng Tây Nguyên, sẽ lãnh đủ những điều mà các ông đang sử dụng nó làm chiếu bạc...
Chính lúc này chúng tôi lại muốn mượn lại câu nói của nhà báo Tiệp Khăc nổi tiếng Fuxic: Hỡi các đại biểu Quốc hội, hỡi cử tri, hãy cảnh giác với những lời có cánh, những luận chứng có cánh được phát ra từ miệng lưỡi của những con người như ông Phạm Khôi Nguyên – Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Dương Quang – Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đoàn Văn Kiển – Chủ tịch Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam!
P.V.Đ
(Nguồn: www.vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv)
http://trannhuong.net/tin-tuc-1462/bo-truong-pham-khoi-nguyen-quyet-choi-canh-bac-bauxite.vhtm )