HỒNG THỦY
(GDVN) - Nhân Dân nhật báo tiếp tục luận điệu sai trái "cả vú lấp miệng em", ngụy biện vụng về cho hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế của một nước thành viên...
Cây gậy và củ cà rốt Trung Quốc nhằm vào Myanmar, Mỹ không bao giờ cóBáo Nga hả hê: Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đã thất bạiSam Rainsy lại kêu gọi biểu tình hàng loạt chống Hun Sen từ Paris
Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/9 dẫn lại bài xã luận của Nhân Dân nhật báo, chỉ trích những phát biểu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tonomi Inada về vấn đề an ninh hàng hải Biển Đông, Hoa Đông.
Bà Tonomi Inada cho rằng Trung Quốc là kẻ phá hoại hòa bình ổn định, bẻ cong luật pháp quốc tế ở Biển Đông và Hoa Đông thông qua hàng loạt hành động khiêu khích, bao gồm xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và chống Phán quyết Trọng tài ở Biển Đông.
Nhân Dân nhật báo lập luận, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản không chỉ trái với thực tế, mà còn có khả năng làm suy yếu sự ổn định của khu vực bằng cách kích động xung đột.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin gác những tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông. Riêng vấn đề Biển Đông, Nhân Dân nhật báo đã lặp đi lặp lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái cần làm rõ. Tờ báo này viết:
"Khi nói đến vấn đề Biển Đông, vụ kiện trọng tài đơn phương của Philippines đã vi phạm luật pháp quốc tế và thông lệ chung của trọng tài quốc tế, và do đó nó không hợp lệ, không hợp pháp ngay từ đầu.
Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không công nhận Phán quyết Trọng tài, thực sự là để bảo vệ tính toàn vẹn của luật pháp quốc tế.
Vì công nhận tính hợp pháp của một phán quyết trọng tài được đưa ra bởi một tổ chức tạm thời mà không cần bất kỳ kết nối nào với Liên Hợp Quốc là điều vô lý."
Người viết cho rằng, trong bài xã luận này Nhân Dân nhật báo tiếp tục luận điệu sai trái "cả vú lấp miệng em", ngụy biện vụng về cho hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế của một nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cụ thể:
Vụ kiện trọng tài về vấn đề Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được khởi xướng theo đúng quy định tại Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mà cả hai nước này đều là thành viên, xung quanh việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông sau nhiều năm nỗ lực đàm phán bất thành.
Hội đồng Trọng tài được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thành lập theo đúng quy định của Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xem xét thẩm quyền trọng tài, và đi vào xét xử nội dung đơn kiện với đầy đủ trình tự, thủ tục quy định trong UNCLOS 1982, sau khi khẳng định Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền.
Nhân Dân nhật báo chỉ biết "nhai lại" lập trường sai trái của chính phủ Trung Quốc, bác bỏ thẩm quyền của cơ quan tài phán thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc có trách nhiệm tuân thủ, nhưng không đưa ra được lý do nào thuyết phục.
Hơn nữa, Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII hoặc Phụ lục VIII của UNCLOS 1982 chỉ được thành lập và tồn tại trong thời gian xét xử, sẽ tự giải tán sau khi kết thúc vụ kiện trọng tài là quy định rất rõ ràng, cụ thể của UNCLOS 1982.
Nhân Dân nhật báo nói rằng cơ quan này là một "tổ chức tạm thời và không có bất kỳ liên hệ nào với Liên Hợp Quốc" là lối ngụy biện nói lấy được, bất chấp sự thật và lẽ phải. Tờ báo này bình luận tiếp:
"Trong thực tế, Nhật Bản biết rất rõ vấn đề lịch sử Biển Đông. Sau thời gian chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II, các đảo (ở Biển Đông) được Trung Quốc thu hồi theo Tuyên bố Posdam và Tuyên bố Cairo sau chiến tranh."
Nhân Dân nhật báo vẫn chỉ lặp lại lập luận ngụy biện của chính phủ Trung Quốc có nhắc đến các văn kiện quốc tế trước Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh nói rằng các văn kiện này thể hiện "chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc".
Xin trích dẫn tại đây một phần kết quả nghiên cứu của học giả Trương Nhân Tuấn tại Pháp để thấy rõ tư duy và thủ đoạn "nấu giả cầy" luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang áp dụng.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phụt vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines khỏi Scarborough sau khi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines năm 2012. Ảnh: The Japan Times. |
Công hàm của Trung Quốc nhắc đến Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam 1945 và một số văn kiện khác họ cho là, nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(1) Tuyên bố Cairo:
Tháng 11 năm 1943, ba lãnh tụ Theodore Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch gặp nhau tại Cairo, thủ phủ nước Ai Cập, thảo luận về điều kiện để Trung Hoa đứng về phía Đồng minh cũng như mục đích của cuộc chiến.
Sau cuộc họp, một bản tuyên bố chung được công bố trước công chúng, gọi là “Tuyên bố Cairo”.
Nguyên văn bản Tuyên bố (tạm dịch lại) như sau:
"Mục đích chiến đấu duy nhất của (các nước Đồng minh) là kết thúc cuộc xâm lược của Nhật Bản. Các nước Đồng Minh không hề có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi chỉ giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nhật Bản chiếm đóng bởi bạo lực."
Các vùng đất mà Nhật Bản phải từ bỏ:
Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;
Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;
Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;
Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;
Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.
Những điểm cần nhấn mạnh trong bản Tuyên bố:
a) Các cường quốc (gồm Trung Hoa) không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. b) lãnh thổ Nhật trả lại cho Trung Hoa gồm Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.
Tuyên bố Cairo không có dòng chữ nào qui định "trả Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Trung Hoa."
Nhật chiếm Hoàng Sa và Trường Sa trên tay Pháp (là đại diện hợp pháp của nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại thời điểm đó). Sau đó Nhật sáp nhập hành chánh hai quần đảo này vào huyện Đài Loan (nhượng địa của nhà Thanh theo Hiệp ước Simonoseki).
Tuyên Bố nói là trả Đài Loan cho Trung Hoa nhưng không vì vậy mà có thể diễn giải Hoàng Sa và Trường Sa phải trả cho Trung Hoa.
Bởi vì Tuyên bố còn nói: Nhật phải trả tất cả các đảo ở Thái Bình Dương (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) đã chiếm trước Thế chiến Thứ II cũng như tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực.
(2) Tối hậu thư Potsdam:
Còn gọi là Tuyên bố Potsdam, là tối hậu thư của các nước Đồng minh Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 6 năm 1945.
Văn kiện này quan trọng vì được sự nhìn nhận vô điều kiện của Nhật. Nội dung tối hậu thư tái xác nhận hiệu lực Tuyên ngôn Cairo.
Nội dung gồm một số điều:
- Thi hành các điều đã xác định theo Tuyên bố Cairo;
- Lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh;
- Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ.
Nội dung tuyên bố này không nói đến số phận các vùng lãnh thổ của các nước bị Nhật chiếm (trước Thế chiến II) mà chỉ xác nhận hiệu lực Tuyên bố Cairo.
Cho rằng Tuyên ngôn Potsdam nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng không đúng sự thật.
Nguồn:
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét