RFI
(Ảnh của ASEAN qua Shutterstock.com)
Nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh với các cường quốc thế giới tại Lào bắt đầu từ ngày 06/09/2016, khối ASEAN lại tìm cách che giấu sự chia rẽ trong nội bộ trên vấn đề chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách phô trương một bề ngoài đoàn kết. Báo South China Morning Post, Hồng Kông, ngày 05/09/2016 trích dẫn các chuyên gia đã nêu lên nhận định trên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Nga Valdimir Putin, thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với một số đại diện khác sẽ họp với lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á, EAS, mở ra trong ba ngày tại Vientiane ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu.
Thượng đỉnh ASEAN, lần đầu tiên tổ chức tại Lào từ 12 năm nay, diễn ra trong bối cảnh không thuận thảo giữa các thành viên có lập trường đối nghịch nhau về đòi hỏi chủ quyền hầu như trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có tranh chấp với Trung Quốc, còn Cam Bốt và Lào – hai quốc gia được trợ giúp nhiều nhất và đầu tư hậu hỉnh của Trung Quốc– thì đã nỗ lực hậu thuẫn Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng tình trạng chia rẽ trong ASEAN vẫn in đậm trong tâm trí các lãnh đạo khi họ gặp nhau, cho dù ngoài mặt, họ vẫn phô diễn tình đoàn kết trước các lãnh đạo thế giới.
Charles Santiago, một nghị sĩ đối lập Malaysia và là chủ tịch nhóm Nghị Sĩ ASEAN vì Nhân Quyền nhận định : « Lãnh đạo ASEAN sẽ rón rén giữa họ với nhau…với sự hiện diện của Obama và Lý Khắc Cường, họ sẽ chơi trò đoàn kết, trong lúc thật ra không có đoàn kết gì cả. »
Theo phân tích của ông Santiago, thiện chí phô trương bề mặt đó xuất phát từ « việc Mỹ và Trung Quốc sử dụng các ‘đại diện’ trong vùng để thay họ đánh nhau ».
Thitinan Pongsudhirak, một chuyên gia về ASEAN ở Đại học Chulalongkorn University, Bangkok, nhận định : « Có lẽ chúng ta sẽ thấy một loại hành động như giấm giúi vấn đề Biền Đông dưới chiếc thảm ‘ASEAN đoàn kết’ một lần nữa ».
Đây là Thượng Đỉnh ASEAN đầu tiên sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Đại sứ lưu động Singapore Ong Keng Yong nhận thấy sẽ không có một thượng đỉnh « nẩy lửa » vì lẽ Philippines, nước đệ đơn kiện Trung Quốc đã cho biết là họ sẽ không nêu vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị.
Đơn kiện được chuyển đến Tòa Trọng Tài vào năm 2013, dưới thời tổng thống Philippines tiền nhiệm Benigno Aquino. Đương kim tổng thống Rodrigo Duterte thì giữ khoảng cách với quyết định đó, không có thái độ cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm.
Đơn kiện được chuyển đến Tòa Trọng Tài vào năm 2013, dưới thời tổng thống Philippines tiền nhiệm Benigno Aquino. Đương kim tổng thống Rodrigo Duterte thì giữ khoảng cách với quyết định đó, không có thái độ cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm.
Theo nhân vật nguyên là tổng thư ký ASEAN này thì « nếu không có sự khơi mào của Philippines, thì Trung Quốc và Hoa Kỳ khó có thể lao vào những điểm tranh cãi nếu không muốn tỏ ra là mình quá đáng ».
Tuy nhiên, ông Ong Keng Yong cho rằng « phía Mỹ chắc chắn sẽ nhấn mạnh trên tính chất thiêng liêng của quyền tự do hàng hải và hàng không, trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế ».
Trung Quốc đã cực lực bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài và đã thành công trong việc thuyết phục hai đồng minh Cam Bốt và Lào đảm bảo sao cho Tuyên bố chung của Hội Nghi Ngoại Trưởng ASEAN mấy tuần lễ sau đó, không nêu vấn đề phán quyết.
Trung Quốc vẫn gia tăng công việc xây dựng tại các vùng tranh chấp cho dù vấn đề được nêu lên trước Tòa Trọng Tài. Hành động của Trung Quốc bị Hoa Kỳ xem là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị khu vực, coi thường luật biển quốc tế.
Giới phân tích cho là các lãnh đạo ASEAN sẽ làm mọi cách để không tái lập lại tình trạng như Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN năm 2012 tại Cam Bốt : Cuộc họp đã không ra được Tuyên Bố Chung do bất đồng trên vấn đề tranh chấp biển đảo.
Richard Javad Heydarian, một giáo sư chính trị học tại đại học De La Salle tại Philippines cho rằng Tuyên Bố Chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Lào sẽ « không quá bất thân thiện đối với Trung Quốc ».
Theo chuyên gia này : « Người ta có thể thấy những câu như ‘bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về Biển Đông’, nhưng phán quyết của Tòa La Haye « có lẽ sẽ không được nhắc đến ».
Ông cũng nói thêm : « Điều đó chứng tỏ là Trung Quốc có một sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn nhằm kềm chế tác hại xấu về mặt ngoại giao mà người ta chờ đợi sau phán quyết của Tòa Trọng Tài ».
Cho dù vấn đề tranh chấp biển đảo phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh tại Lào, theo giới chuyên gia, các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ sử dụng cơ hội này để bàn về an ninh và hợp tác kinh tế, trong đó có việc thảo luận về thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên và cảnh cáo Bình Nhưỡng, cũng như phương thức hợp tác chặt chẽ hơn để chống lại đe dọa khủng bố trong vùng.
Năm 2015, ASEAN đã cho hình thành Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN hầu xây dựng một thị trường chung cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và luồng vốn được tự do lưu chuyển trong khối. Trong nghị trình các cuộc họp còn có kế hoạch nối mạng rộng lớn giữa 10 quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông Mustafa Izzuddin, một chuyên gia tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore : « Nền ngoại giao kinh tế, sự lệ thuộc lẫn nhau và hội nhập cũng sẽ là những chủ đề lớn trong các cuộc họp nhân hội nghị thượng đỉnh Vientiane.
Một nét khác rất được chú ý : Đây là Thượng đỉnh ASEAN cuối cùng trước khi tổng thống Mỹ Obama rời Nhà Trắng. Ông Obama có lẽ sẽ sử dụng Hội Nghị như diễn đàn để nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục qua Châu Á của Mỹ.
Nhưng nhiều người ở Đông Nam Á sợ rằng chiến lược này của ông Obama đã mất đi động lực và sẽ mất thêm hơi sức còn lại với chính quyền mới tại Mỹ vào năm tới đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét