Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Soi tài chính của ông chủ Tôn Hoa Sen cho dự án 10 tỷ USD



Quang Huy | 
Soi tài chính của ông chủ Tôn Hoa Sen cho dự án 10 tỷ USD

Ông chủ Lê Phước Vũ chỉ sở hữu trực tiếp và gián tiếp 2.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, trong khi lãi của HSG trong 3 quý đầu năm 2016 đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản 9.500 tỷ đồng nhưng muốn vay 11.500 tỷ để làm dự án
Trình dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 230.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD, chủ tịch Tôn Hoa Sen (HSG) cho biết Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná sẽ được thực hiện qua 5 giai đoạn, chia làm nhiều phân kỳ khác nhau. Phân kỳ đầu dự kiến sẽ thực hiện và hoàn thành trong năm 2018, đạt sản lượng 1,5 triệu tấn/năm.
Phân kỳ đầu tiên có tổng chi phí dự kiến là 14.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trang bị máy móc, nhà xưởng là 11.500 tỷ đồng và chi phí vận hành khoảng 2.700 tỷ. Vốn tự có của doanh nghiệp chỉ chiếm 18% trong phân kỳ này, tương đương 2.500 tỷ đồng.
Trong số 2.500 tỷ đồng vốn tự có, lượng vốn cố định được lấy từ lợi nhuận để lại và khấu hao của Tôn Hoa Sen là khoảng 2.230 tỷ đồng. Công ty sẽ sử dụng vốn vay trung và ngắn hạn để tài trợ cho phần còn thiếu, thông qua đối tác tài chính là ngân hàng Vietinbank.
Trong đề án mà Tôn Hoa Sen trình bày, tỷ suất hoàn vốn nội bộ của dự án tại Cà Ná được kỳ vọng ở mức 30%, cao gấp 2 lần so với trung bình của các dự án tương tự trong ngành. Thời gian để dự án này được hoàn vốn xong là 5-6 năm.
Soi tài chính của ông chủ Tôn Hoa Sen cho dự án 10 tỷ USD - Ảnh 1.
Ông chủ Tôn Hoa Sen muốn được chia phần trong miếng bánh của thị trường thép. Ảnh: Mạnh Quân.
Chỉ tính riêng trong phân kỳ đầu tiên, Tôn Hoa Sen dự kiến sẽ thu được khoảng 728 tỷ đồng lợi nhuận gộp dù dự án (nếu đúng tiến độ) sẽ chỉ bắt đầu ra sản phẩm vào tháng 7/2018. Phân kỳ này cũng sẽ đạt mốc cân bằng doanh thu với chi phí đầu tư ban đầu vào năm 2020, khi đạt 100% công suất.
Bảng hiệu quả kinh doanh dự kiến do HĐQT Tôn Hoa Sen trình lên ĐHCĐ bất thường của công ty này vào ngày 6/9 cũng cho thấy, lợi nhuận gộp cao nhất mà toàn bộ dự án 10 tỷ USD tại Cà Ná đi vào hoạt động được giữ ổn định tại mức 2.333 tỷ đồng từ năm 2020 đến năm 2027 ở sản lượng tiêu thụ cố định chỉ 1,5 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo tài chính của HSG, công ty này đạt lợi nhuận 447,8 tỷ đồng trong quý III của năm tài chính 2016 kết thúc vào ngày 31/6/2016. Tính lũy kế sau 3 tháng của tập đoàn, con số đạt 1.053,6 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu nguồn vốn hơn 9.500 tỷ đồng của HSG, vốn chủ sở hữu công ty chiếm gần 40%, vay nợ ngắn hạn 33% trong khi nợ dài hạn chỉ là 16%, khoảng 1.500 tỷ đồng. Trước thời điểm ký hợp đồng cấp tín dụng cho dự án tại Cà Ná, Vietinbank cũng là đối tác tài chính lớn nhất của Tôn Hoa Sen, với tổng giá trị các khoản vay chiếm 56% tổng vay nợ của tập đoàn.
Trong khi đó, ông chủ Lê Phước Vũ hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group cũng như Chủ tịch kiêm CEO của Công ty TNHH MTV Tam Hỷ. Vị này sở hữu cá nhân 12,97% vốn của HSG, đồng thời là người đại diện cho Tam Hỷ, nắm hơn 8% cổ phần HSG. Trên sàn chứng khoán Việt Nam, tổng tài sản của ông Vũ sở hữu trực tiếp và gián tiếp hiện là gần 2.000 tỷ đồng.
Thu lợi từ ngành thép: Có phải "mỡ để miệng mèo"?
Đánh giá về đề án của Hoa Sen Group, một lãnh đạo của quỹ đầu tư châu Á tại Việt Nam cho rằng kỳ vọng về một số chỉ tiêu tài chính của Khu liên hợp cao vượt thực tế, dù vốn dành cho dự án này có thể không phải là vấn đề lớn với Tôn Hoa Sen.
"Giai đoạn 1 của Formosa đã chi tiêu tới 10 tỷ USD, trong khi toàn bộ dự án tại Cà Ná cũng chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 10,6 tỷ USD. Với cách làm theo từng giai đoạn, lấy lãi của giai đoạn này cung vốn cho giai đoạn sau, cộng với hỗ trợ tài chính tốt của ngân hàng, việc Tôn Hoa Sen đủ vốn để làm dự án không phải là vấn đề lớn với chính họ.
Vấn đề ở đây là đầu ra sau giai đoạn 2020 liệu có đạt như kỳ vọng của HSG hay không. Thị trường thép Việt Nam có thể tiêu thụ thêm được 1,5 triệu tấn thép của HSG vào năm 2020, nhưng khi khi Formosa tăng công suất, thép ế Trung Quốc tiếp tục giảm giá, và Việt Nam còn đứng trước nhiều thỏa thuận mở cửa thị trường, tiền sẽ không dễ kiếm với những người đi sau như ông Vũ.
Tôn Hoa Sen nhìn sang Thép Hòa Phát, Formosa, vì thấy lãi lớn nên cũng làm, chẳng khác gì trên cùng một góc phố có nhiều cửa hàng quần áo. Cửa hàng đầu tiên có thể lãi lớn, cái thứ hai có thể chia sẻ thị trường ngách, nhưng đến cái thứ ba, thứ tư... thì sẽ là chuyện xé lẻ nhu cầu người dùng, khiến tất cả cùng thiệt hại, nhất là trong một thị trường hẹp".
Soi tài chính của ông chủ Tôn Hoa Sen cho dự án 10 tỷ USD - Ảnh 2.
Dự án Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná tuy chỉ mới ở giai đoạn trình lên tỉnh Ninh Thuận xem xét nhưng đã tạo nên làn sóng nghi nhại trong giới chuyên gia. Ảnh: Minh Quân.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đặt nghi vấn về nguồn gốc vốn khi Tôn Hoa Sen không phát hành thêm cổ phần với lý do "không muốn làm loãng sở hữu nhà đầu tư". "Xét theo tài chính, HSG không đủ tiền để tự làm, họ cũng không tăng vốn huy động mà chỉ dựa phần nhiều vào vốn vay.
Trong trường hợp đó, với môt dự án dài hơi và vốn khủng như vậy, ngân hàng sẽ phải thẩm định rất chặt chẽ. Chỉ có những doanh nghiệp lớn nước ngoài mới đủ tầm để đầu tư vào một dự án như vậy. Vì thế, tôi đặt ra nghi vấn Hoa Sen Group chỉ làm dịch vụ, hoặc hợp tác với một tập đoàn nước ngoài cho dự án tại Cà Ná, chứ không phải là dự án của riêng họ".
Trả lời câu hỏi về khả năng đầu ra cho sản phẩm của Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná nếu dự án này được thông qua, ông Hiển cho rằng cần có cái nhìn 5-10 năm để đánh giá và đặt thị trường trong nền kinh tế hội nhập.
"Sẽ còn nhiều FTA mà Việt Nam sẽ tham gia, dẫn tới việc chuyển dịch hàng hóa mạnh mẽ và thuế ngày càng mở. Khi ấy, giá thép Việt Nam nếu thấp hơn thế giới thì có thể xuất khẩu được, và ngược lại, Việt Nam có thể tràn ngập thép nước ngoài. Chính phủ khi ấy sẽ không thể khống chế sản lượng xuất nhập như hiện nay, bởi hàng rào thuế quan đã không còn.
Riêng lý do đầu tư vào dự án khu liên hợp của Tôn Hoa Sen thì cần phải nhìn nhận lại. Tôn và thép tưởng giống, nhưng thực ra rất khác nhau. Một bên là ngành công nghiệp nặng, sản xuất nguyên liệu; một ngành chỉ sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu nhập.
Với tôn, nếu thị trường không ổn, doanh nghiệp có thể ngừng nhập để bảo toàn vốn, nhưng với nhà máy thép, nếu thị trường xuống thấp, sản xuất ra không bán được hàng, thì chỉ riêng chi phí khấu hao cũng đủ dìm chết doanh nghiệp rồi.
Nếu ông Vũ chỉ nhìn vào con số 2.000 tỷ đồng, ông nên xem xét sang ngành sữa, hay bán lẻ thương mại giống Thế giới Di động. Tôi nghĩ những ngành đó cũng có lời cao, thậm chí còn cao hơn 2.000 tỷ đồng nhiều", chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: