Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Tỏ dấu hiệu không trung thành," hổ " Trương Xuân Hiền bị Tập Cận Bình điệu ra khỏi..."núi" Tân Cương ?

Tập Cận Bình tạo tiền lệ hiếm về Ủy viên Bộ chính trị TQ?
Hải Võ | 
Tập Cận Bình tạo tiền lệ hiếm về Ủy viên Bộ chính trị TQ?
(Ảnh: Bloomberg)

Ngày 29/8 vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện cuộc biến động nhân sự cấp cao nhất trong năm với việc Bí thư khu tự trị Tân Cương Trương Xuân Hiền rời cương vị này.




Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông cho hay, có thông tin nói rằng Trương Xuân Hiền sẽ về công tác tại thủ đô Bắc Kinh trong vai trò cấp phó tiểu tổ lãnh đạo phụ trách xây dựng đảng trong Trung Nam Hải.
Nếu việc điều chuyển trên được xác thực, ông Trương sẽ là trường hợp thứ hai 1 Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc từ địa phương được chuyển về Bắc Kinh, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013.
Trường hợp trước đó là bà Tôn Xuân Lan, người được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ chiến tuyến thống nhất thay cho Lệnh Kế Hoạch do ông này bị điều tra tham nhũng từ tháng 12/2014. Trước đó, bà Tôn là Bí thư thành ủy Thiên Tân.
Điều chuyển bất thường
Tôn Xuân Lan và Trương Xuân Hiền là những quan chức được bầu vào Bộ chính trị Trung Quốc khi đang giữ vai trò lãnh đạo ở các địa phương.
Theo trang Đa Chiều (Mỹ), việc họ "nhập kinh" giữa chừng trở thành những tiền lệ hết sức hiếm gặp trong những "biến động" ở Bộ chính trị Trung Quốc khóa 18.
Trong gần 30 năm qua, biến động nhân sự "ngẫu nhiên" duy nhất trong Bộ chính trị nước này chính là tiền nhiệm của Trương Xuân Hiền, cựu Bí thư Tân Cương Vương Nhạc Tuyền.
Ông Vương được đưa về Bắc Kinh giữ chức Phó bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Trung Quốc, cấp phó của "hổ béo" Chu Vĩnh Khang, sau vụ bạo động ngày 5/7/2009 tại Urumqi khiến hơn 180 người thiệt mạng.
Ngoài trường hợp cá biệt của Vương, những biến động nhân sự trong Bộ chính trị Trung Quốc chỉ xảy ra khi có Ủy viên qua đời hoặc bị điều tra do "vi phạm kỷ luật", như trường hợp ông Lệnh Kế Hoạch.
Xét từ hàng loạt diễn biến trong quá khứ có thể thấy, trong vô số lần thay đổi thành viên trong Bộ chính trị Trung Quốc gần như như chưa từng liên quan đến việc một Ủy viên ở địa phương được điều về Bắc Kinh khi đang ở giữa nhiệm kỳ.
Đa Chiều cho hay, do vị thế kinh tế-chính trị đặc thù, 4 thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc cùng khu tự trị Tân Cương, tỉnh Quảng Đông sẽ được Trung Nam Hải cử Ủy viên Bộ chính trị làm lãnh đạo.
Theo thống kê của trang này, kể từ đại hội 12 của đảng Cộng sản Trung Quốc (1982), đã có gần 30 trường hợp Ủy viên Bộ chính trị giữ chức lãnh đạo các địa phương, sau đó trở về Bắc Kinh và lọt vào nhóm "quyền lực tối cao", tức các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị nước này. Dù vậy, đa số trường hợp vẫn là về hưu, rút khỏi chính trường.
Tập Cận Bình tạo tiền lệ hiếm về Ủy viên Bộ chính trị TQ? - Ảnh 1.
Ông Trương Xuân Hiền từng gây xôn xao khi từ chối tỏ lòng trung thành với ông Tập. (Ảnh: VCG)
Trương Xuân Hiền được thăng tiến hay bị lạnh nhạt?
Bao gồm Trương Xuân Hiền, chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, lãnh đạo Trung Nam Hải đã thực hiện 6 cuộc điều chuyển nhân sự cấp đảng ủy ở Vân Nam, Hồ Nam, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông Cổ và An Huy.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bình luận, nếu chính thức được xác nhận trở thành phó lãnh đạo một tiểu tổ phụ trách xây dựng đảng tại Trung Nam Hải, đây sẽ là một vị trí quan trọng của Trương Xuân Hiền bởi ông Tập Cận Bình rất xem trọng vấn đề kỷ luật và chống tham nhũng trong nội bộ ĐCSTQ.
Tuy nhiên, VOA dẫn phân tích từ "nguồn tin đáng tin cậy ở Bắc Kinh", nói rằng cấp phó tiểu tổ lãnh đạo hoàn toàn là vị trí "nhàn rỗi", tương đương với việc Trương Xuân Hiền bị "đưa vào lãnh cung", sự nghiệp chính trị khó có thăng tiến.
Trên thực tế, tiền lệ trước đó là Vương Nhạc Tuyền sau khi trở thành Phó bí thư Ủy ban chính pháp đã về hưu tại Đại hội 18 của ĐCSTQ năm 2012.
Không chỉ gây chú ý bởi việc điều chuyển nhân sự diễn ra sau "kỳ nghỉ hè bí ẩn" của các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà, ông Trương Xuân Hiền bị cho là đã làm mất lòng ông Tập Cận Bình hồi đầu năm.
Tập Cận Bình tạo tiền lệ hiếm về Ủy viên Bộ chính trị TQ? - Ảnh 2.
Trương Xuân Hiền là quan chức cấp cao nhất trong cuộc "điều binh khiển tướng" trước Đại hội đảng CSTQ vào mùa thu 2017. (Ảnh minh họa: VCG)
Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) bản tiếng Hoa, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3, ông Trương đã đáp gọn lỏn "Để nói sau" khi được báo giới hỏi về thái độ ủng hộ đối với vai trò "lãnh đạo cốt lõi" mà Trung Nam Hải muốn xây dựng cho ông Tập.
Dù vậy, vẫn có quan điểm bác bỏ thông tin Tập Cận Bình đang "trừng phạt" Trương Xuân Hiền, bởi những thành tích Trương đạt được trong 6 năm lãnh đạo ở Tân Cương khá nổi bật.
Đa Chiều cho biết, Trương đã thúc đẩy các chính sách cốt lõi nhằm tăng cường phát triển và quản lý người Duy Ngô Nhĩ, cơ bản kiểm soát được sự lan tỏa của cái mà Bắc Kinh gọi là làn sóng cực đoan. Nhìn chung, Trương Xuân Hiền nhận được đánh giá tốt của dư luận địa phương.
Đáng chú ý, 2 tổ phó của tiểu tổ xây dựng đảng Trung Quốc hiện nay là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, ông Vương Kỳ Sơn - nhân vật quyền lực phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, và Trưởng ban tổ chức trung ương Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Khả năng trở thành cộng sự với các ông Vương, Triệu ở một mức độ nào đó có thể xem là sự "thăng tiến" đối với Trương Xuân Hiền.
Bài toán quyền lực trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực "nhỏ" của Trung Quốc năm 2017 vẫn còn nhiều bí ẩn.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: