Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB) Hai mươi năm trước, niềm hân hoan trước thắng lợi của dân chủ hóa ra là sai lầm, nhưng chiến thắng của chế độ độc tài hiện nay cũng có thể là không kéo dài
Nếu trong thế kỷ XX chúng ta đã sống trong thế giới của những cuộc xung đột mang tính ý thức hệ, thì trong thế kỷ XXI, chúng ta đang sống trong thế giới của những cuộc đụng độ địa chính trị - ít nhất, đây là ý kiến được nhiều người chấp nhận. Nhưng công nghệ đang phát triển nhanh đến mức chẳng bao lâu nữa thế giới của những xung đột địa chính trị có thể chuyển sang mức độ xung đột khác. Chẳng bao lâu nữa lục địa Á-Âu có thể sẽ mất cân bằng, vì những chế độ độc đoán đang gây ra bất ổn tại Moscow và Bắc Kinh có thể không còn ổn định.
Tháng 12 năm 1997, tôi công bố bài báo trên trang bìa của tờ Atlantic với nhan đề là “Was Democracy Just a Moment?” (Dân chủ chỉ là khoảnh khắc?). Đó là giai đoạn lạc quan vô bờ bến của giới tinh hoa cầm quyền trước chiến thắng của chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Tôi đưa ra ý tưởng nói rằng niềm hân hoan sẽ không kéo dài và chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện những hình thức mới của chế độ độc tài. Luận cứ của tôi hình thành trên kinh nghiệm cá nhân, trong vai trò phóng viên nước ngoài ở nhiều nước, nơi những cuộc bầu cử được tổ chức mà không có các thiết chế bầu cử và tầng lớp trung lưu đang hình thành. Hiện nay, kinh nghiệm của tôi, như một độc giả và phóng viên nước ngoài lại cung cấp cho tôi một ý tưởng nữa: quá trình ngóc đầu dậy chủ nghĩa độc đoán mà tôi dự đoán cách đây 20 năm cũng có thể là hiện tượng sớm nở tối tàn.
Phúc lợi của tầng lớp trung lưu gia tăng đến chóng mặt và quá trình phát triển công nghệ thường diễn ra trong hệ thống độc đoán hoặc nửa độc đoán, tạo áp lực lên chính phủ, buộc chính phủ phải chú ý hơn tới nhu cầu của người dân. Nga và Trung Quốc là những ví dụ nhãn tiền về những xu hướng này. Hiện nay, họ đang đối mặt với cái mà tôi gọi là cái bẫy Samuel Huntington.